/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer

Tuyệt tác của họa sĩ Emma Meyer đưa người xem trở về những năm cuối thế kỷ 19 với ánh nắng rực rỡ ngập tràn không gian và cho chúng ta được đắm chìm vào khung cảnh đậm chất thơ của thời kì hoàng kim nghệ thuật gốm sứ Đan Mạch.

Là một trong những nữ họa sĩ nổi bật của đất nước Đan Mạch thế kỷ 19, Emma Meyer (1859 – 1921) xuất thân từ vùng Flensburg trứ danh của những nhân tài, bà cũng được biết đến là con người tài năng khi đóng góp rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau từ hội họa, in khắc cho đến nghệ thuật gốm sứ. Từ năm 1895 đến năm 1896, bà nhận được học bổng của Học viện nghệ thuật hoàng gia Đan Mạch, sau đó là một giải thưởng khuyến khích cho hội họa phong cảnh – Sødringske năm 1901.

May mắn được theo học những họa sĩ có ảnh hưởng lớn với nghệ thuật Đan Mạch như: Emilie Mundt, Marie Luplau, Harald Foss,.. những tác phẩm của bà có chất lượng chuyên môn cao và góp mặt thường xuyên tại các triển lãm uy tín của đất nước vùng Bắc Âu. Trong số Tách Lớp ngày hôm nay chúng mình sẽ cùng ghé thăm tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Emma Meyer – Bức tranh “Women Decorating Porcelain at Den Kgl – Royal Copenhagen” gọi tắt “Women Decorating Porcelain” (tạm dịch: Những người phụ nữ trang trí đồ sứ tại nhà máy Den Kgl – Royal Copenhagen).

“Women Decorating Porcelain at Den Kgl – Royal Copenhagen” – 1895, Emma Meyer.
Kích thước: 58 x 80cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Nguồn ảnh: Wikipedia.

Câu chuyện xây dựng nên bức tranh

“Women Decorating Porcelain” được vẽ vào năm 1895, miêu tả lại khung cảnh ngày làm việc của những người phụ nữ tại nhà máy sản xuất đồ sứ Den Kgl – Royal Copenhagen, Đan Mạch. Để hiểu rõ hơn tại sao Emma Meyer lại đưa hình ảnh này vào trong tác phẩm của mình, chúng ta sẽ tua ngược thời gian một chút về thế kỷ 18.

Những năm 1750s là thời điểm các nước Châu Âu bị mê hoặc bởi các sản phẩm gốm sứ được làm ra bởi Trung Quốc vào thời nhà Thanh. Chính sự ưa chuộng cực kì này đã thúc đẩy những nhà máy sản xuất gốm sứ tại lục địa già ra đời để đáp ứng thị yếu người dùng, trong đó có nhà máy Royal Copenhagen. Được thành lập bởi nhà hóa học Frantz Heinrich Müller dưới sự bảo trợ của Thái hậu Đan Mạch Juliane Marie.

Trong khoảng 100 năm đầu hoạt động, những sản phẩm của họ chỉ phục vụ xoay quanh mục đích tạo ra các vật dụng trên bàn ăn và tách biệt với nghệ thuật, đây là tình trạng chung của rất nhiều nhà máy khác trên khắp Châu Âu. Phong cách thiết kế ảnh hưởng bởi nghệ thuật Roccoco và Tân Cổ Điển với tính chiết trung thời kì phục hưng đang dần bước vào giai đoạn nhàm chán cho công chúng vì hội họa lúc ấy đang chuyển dịch xu hướng sang hiện đại trong thị giác.

Nhận biết được điều này, nhà máy Royal Copenhagen là công ty đồ sứ lớn đầu tiên nghiêm túc thay đổi phong cách của mình. Năm 1884, Arnold Krog, một kiến ​​trúc sư chưa đầy 30 tuổi và không có bất cứ kinh nghiệm thực tế nào trong ngành gốm sứ đã được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật. Hướng đến tính thời thượng, ông nhanh chóng thay đổi các thiết kế theo đúng những gì mà đồ gốm nghệ thuật lúc bấy giờ định hình nhắm đến, song song với đó là cộng tác với nhiều họa sĩ của Đan Mạch để thiết kế sản phẩm. 

Dưới sự lãnh đạo của Arnold Krog, nhà máy bước vào giai đoạn vàng son trong nghệ thuật gốm sứ. Ảnh hưởng của phong cách Nhật Bản lên cao vào cuối thế kỷ 19 ở Châu Âu, các sản phẩm của nhà máy thu hút sự chú ý tại các cuộc triển lãm lớn và nhanh chóng có được sự đón nhận của công chúng. Nổi bật nhất tại Hội chợ Thế giới ở Paris năm 1889 khi đồ sứ Đan Mạch trở thành là sự kiện chính của triển lãm và đoạt giải Grand Prix. Từ sự thành công ấy của Royal Copenhagen, các nhà máy sản xuất gốm sứ lớn khác cũng bắt đầu đi theo hướng tương tự.

Trở về với “Women Decorating Porcelain”, bức tranh được tạo nên giống như một bản ghi chép lịch sử của Emma Meyer về thời kì hoàng kim của nghệ thuật gốm sứ Đan Mạch. Không chỉ vậy, bối cảnh trong bức tranh cũng được lấy cảm hứng từ các cuộc thi gốm sứ. Cụ thể, những người phụ nữ đang thực hiện tác phẩm của riêng mình để tham dự triển lãm Kvindernes Udstilling (triển lãm dành cho phụ nữ) năm 1985.

Điểm thú vị trong hình ảnh này là có người em gái của họa sĩ Emma, bà Jenny Meyer, một trong những nghệ nhân gốm sứ nổi tiếng của Đan Mạch. Năm đó bà đã làm một chiếc đĩa có họa tiết hoa bồ công anh cho Nhà máy Sứ Hoàng gia và đặc biệt hơn nữa là bức tranh “Women Decorating Porcelain” cũng được trưng bày trong triển lãm lần này.


Ánh nắng mê hoặc

Điểm gây chú ý với người xem đầu tiên khi nhìn thấy bức tranh đó là ánh nắng vàng tản sắc khắp căn phòng. “Women Decorating Porcelain” là tác phẩm theo phong cách Hiện thực-Ấn tượng phát triển mạnh mẽ trong hai thập niên cuối của thế kỷ 19 tại vùng Scandinavian nói chung và nghệ thuật Đan Mạch nói riêng. Đây là phong cách mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tính bố cục sắc nét của hiện thực với cách miêu tả ánh sáng rực rỡ trong ấn tượng được phát triển bởi danh họa Peder Severin Krøyer và ông cũng là người thầy của Emma Meyer.

Thừa hưởng những kiến thức từ bậc thầy ánh sáng Krøyer, Emma đã miêu tả yếu tố này trong bức tranh cực kì thuyết phục để tạo ra sự choáng ngợp cho người xem. Hướng sáng chiếu từ trái qua phải theo đúng tuyến tính thị giác, vùng nắng chiếm 1/3 tổng thể khung hình với cường độ êm dịu, không quá gắt. Phần bóng tối có độ lệch tông so với khoảng sáng phổ quát ở mức hài hòa vì ánh nắng được va đập khắp phòng mang lại cho toàn bức tranh cảm giác dễ chịu, không bị chói mắt.

Sử dụng vàng Orche làm gam sắc ám chủ đạo, Emma xây dựng bầu không khí với màu “mật ong” để mang đến tính ấm áp, gợi không gian gần gũi cho khung hình được bố trí góc cảnh nhỏ. Bên cạnh đó, với việc đặt hướng nhìn sắp xếp các nhân vật ở vị trí góc nghiêng khiến những vùng nắng trực tiếp chiếm một phần nhỏ trên cơ thể và nếp gấp quần áo làm chúng trở nên đắt giá nhất có thể.

Bảng màu trong bức tranh cho thấy sự cân bằng nhiệt nhất định. Với tông màu nóng chiếm chủ đạo, họa sĩ Emma Meyer điểm những vùng lam trên trang phục và bình sứ để trung hòa nhiệt độ màu tổng thể.

Bố cục không gian

Lựa chọn phối cảnh một điểm tụ để xây dựng bố cục không gian, điểm nhìn lệch hẳn về bên phải nhằm tạo khoảng rộng bên trái làm trọng tâm câu chuyện nơi những nhân vật chính là các nghệ sĩ đang trang trí đồ gốm làm việc. Với cách bố cục này cho phép họa sĩ Đan Mạch bao quát toàn bộ căn phòng, từ đó xây dựng đầy đủ thông tin về nội thất bên trong. Nếu vùng rộng bên trái là mạch chuyện chính thì khoảng nhỏ bên phải cho người xem tận hưởng màu nắng xinh đẹp, trực tiếp in dấu trên các đồ vật.

Phối cảnh điểm tụ.

Tuy nhiên có một chi tiết nhỏ đã tạo nên sự thiếu trọn vẹn trong vẻ đẹp tổng thể của bức tranh. Xây dựng phối cảnh một điểm tụ nhưng hệ thống đường hút chưa cho thấy sự nhất quán ở những đường lớn định hình không gian (mạch gỗ dưới sàn) và đường nét tại khu vực cận cảnh (cửa sổ, kệ tủ), khiến một số chi tiết của căn phòng bị lệch nhịp đôi chút.

Những “sai số” trong cách điều hướng bút pháp này vô tình gây cảm giác “gợn” nhẹ trong vùng nhìn khi đặt cùng sự tinh tế và chỉn chu mà Emma đã sắp đặt với bố cục của các nhân vật và đồ dùng trải đều trên lớp cảnh theo chiều sâu nhằm tạo ra điểm nhảy thị giác khắp toàn bộ bức tranh.


Ý nghĩa hình tượng

Trên phương diện tổng quan, “Women Decorating Porcelain” vẫn là một tác phẩm tuyệt vời của họa sĩ Emma Meyer và người xem bị thuyết phục hoàn toàn với khả năng nắm bắt khoảnh khắc tài tình của tác giả. Ngoài phô diễn kỹ thuật tả sáng cũng như lưu giữ hình ảnh lịch sử, bức tranh của bà còn mang đến giá trị nhân văn với thời đại khi ấy.

Thời điểm mà Emma sinh sống, việc học nghệ thuật hàn lâm đối với phụ nữ vẫn là điều chưa được khuyến khích trong xã hội. Ngay cả những tài liệu ghi chép chuyên sâu về họa sĩ người Đan Mạch cũng rất hiếm vì: bà không liên quan đến một quốc gia cường quốc nghệ thuật nào của thế kỷ 19 như Anh, Mỹ hay Pháp và bà là một người phụ nữ độc thân – không “thân cận” với bất kì nam nghệ sĩ nổi tiếng nào để tên tuổi của bà được biết đến thông qua các hiệp hội. Vậy nên, hình ảnh của bức tranh giống như lời khẳng định của Meyer về vị thế người phụ nữ trong nghệ thuật đối với con mắt xã hội đương thời.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Emma Meyer Hoàng hội họa đan mạch Nắng Nghệ thuật thế kỉ 19 Peder Severin Krøyer Tách lớp trường phái ấn tượng trường phái hiện thực

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…