Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?

Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta.

Bạn đang dạo bước trong bảo tàng, ngắm những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày một cách ngăn nắp và chỉn chu đến từng centimet. Một chiếc bát đặt trang trọng trên bục với những chi tiết dát vàng sáng bóng… hay Một bức tranh được treo độc lập trên một mảng tường với ánh sáng lấp lánh cùng những lớp màu dày đặc khiến bạn cảm thấy thích thú. Vẻ đẹp của chúng chiếm trọn tâm trí của bạn và như thể chúng đang mời gọi bạn hãy làm một điều gì đó. Bạn tiến gần đến nó, đứng sát nhất có thể, nghiền ngẫm từng chi tiết nhỏ nhất mà mình có thể nhìn thấy. Và để thỏa mãn sự hiếu kì của bản thân, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu, bạn đưa ánh mắt nhìn xung quanh xem nhân viên bảo vệ có đang lơ đãng trong giây phút hay không rồi tự hỏi “Tại sao mình không thử chạm vào thứ hấp dẫn như này?”

Nghệ thuật luôn có một ‘vẻ quyến rũ khó cưỡng‘ và mình hiểu điều ấy cám dỗ tất cả chúng ta như thế nào. Những cái chạm đó là điểm kết của một quá trình tâm lý con người đấu tranh giữa việc có hoặc không, nghe theo con tim mách bảo hay chọn lí trí dẫn lối hoặc đơn giản là một sự vô tình được chủ ý sẵn từ trước. Bằng một cơ chế tự nhiên mà những cảm giác ấy sẽ luôn thường trực trong tâm trí của chúng ta và chỉ đợi một khoảnh khắc sơ hở để vùng lên như một thế lực vô hình nào đó đã sắp xếp.

…Vậy điều này bắt nguồn từ đâu?

Tinh thần khám phá đôi khi là con dao hai lưỡi

Sẽ ra sao nếu Columbus không tìm ra Châu Mỹ hay Tesla từ bỏ phát kiến với dòng điện xoay chiều, thuyết tiến hóa của Darwin bị bỏ ngỏ không được nghiên cứu. Tinh thần khám phá là một trong những đặc điểm nổi trội nhất mà con người sở hữu khiến chúng ta vượt lên trên mọi giống loài khác trên trái đất và giúp con người tiến hóa không ngừng theo thời gian.

Tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng đem lại điều tích cực và trong trường hợp này là một ngoại lệ, con người luôn khao khát tìm ra chân tướng tận cùng của sự thật và với các tác phẩm nghệ thuật có lẽ việc nhìn ngắm không thôi là chưa đủ.

Giáo sư trong lĩnh vực bảo tàng học, Fiona Candlin, tác giả cuốn sách ‘Art, Museums and Touch’, đã dành hơn 20 năm để nghiên cứu vì sao người xem luôn muốn được ‘gần gũi’ với các tác phẩm nghệ thuật đến vậy.

Theo bà chia sẻ: “Nếu bạn muốn tìm hiểu xem bề mặt đã được hoàn thiện tinh xảo như thế nào, hoặc độ sâu của hình khắc ra sao, bạn muốn thử và cảm nhận xem cách chúng được kết hợp với nhau kiểu gì thì cách tốt nhất để tìm hiểu những điều ấy là chạm vào nó.”

Đây là cách ‘học’ thuần bản năng nhất của con người khi tuân theo cơ chế ‘tai nghe, mắt thấy, tay chạm’ khi bắt gặp những điều mới lạ và muốn tìm hiểu thêm về chúng. Bản chất của việc này là con người xác nhận tính xác thực của vật thể ấy, việc nghe người khác miêu tả và nhìn chúng không là chưa đủ để tâm lý chúng ta có được niềm tin vì vậy một cái chạm lướt qua sẽ là dấu kiểm chứng thực rằng “OK…nó đúng như những gì mình thấy.”


Tôi muốn ‘phiêu’ cùng người họa sĩ

Khi đứng trước các tác phẩm nghệ thuật, cảm xúc của chúng ta sẽ luôn có những dao động tạo nên những phản ứng nhất thời. Bên cạnh việc tìm hiểu xem chúng được tạo ra như thế nào, người xem còn muốn kết nối cảm xúc với người đã tạo nên tác phẩm.

Candlin cho biết: “Nếu một thứ gì đó được sáng tác bởi một nghệ sĩ có tên tuổi, người xem khi đến bảo tàng luôn muốn cảm giác mình có mối liên hệ nào đó với nghệ sĩ này: Barbara Hepworth đã đặt tay vào đây và bây giờ tôi cũng đang làm như vậy.”

“Có một tác phẩm điêu khắc của Hepworth tại Công viên điêu khắc Yorkshire (ở Anh), nơi bạn có thể nhìn thấy những dấu ngón tay của cô ấy trên đó, và nếu để ý kỹ, mọi người sẽ thường đặt tay lên dấu ngón tay của cô ấy để tạo cảm giác gần gũi, giống như họ đang được gặp gỡ trực tiếp Hepworth.”

Bên cạnh đó, việc chạm này khiến bạn cảm thấy như mình cùng đồng hành với nghệ sĩ trong việc tạo nên tác phẩm. Cảm nhận những vệt bút, những mảng màu đắp nổi, vệt cong ghồ ghề của bức tượng điêu khắc làm cảm xúc của chúng ta như đang bay bổng cùng các họa sĩ.


Có sao đâu… Chỉ là một cái chạm nhẹ thôi mà… Có sao đâu !!!

Để thực hiện bài viết này mình đã làm một cuộc khảo sát nhỏ trên những người bạn và một số người thân hay đi triển lãm với câu hỏi “Điều gì khiến mọi người muốn chạm tay vào những bức tranh trong bảo tàng ?”20% trong những câu trả lời nêu ra là họ muốn thử cảm giác tiếp xúc với nghệ thuật khi vượt qua sự cấm cản.

Tâm lí con người quả thực là một điều gì đó khá khó hiểu, khi bạn càng cấm làm điều gì thì y như rằng họ sẽ vượt rào để thực hiện điều đó.

Cấm đỗ xe ở đây – Ok… Sẽ có 1 hoặc 2 chiếc đậu ngay sát biển báo đó.

Cấm vượt đèn đỏ – Ok… Một vài người sẽ phóng ga ù qua như chẳng hề thấy gì.

Cấm chạm vào tác phẩm nghệ thuật – Có sao đâu… Chỉ là một cái chạm nhẹ thôi mà… Có sao đâu !!!

Để giải thích cho vấn đề này, nhà tâm lý học Daniel Wegner cho biết con người luôn thích làm những điều trái ngược để có cảm giác tự do. Khi chúng ta sử dụng biện pháp cấm, ý thức con người sẽ luôn hướng về sự việc đó và những suy nghĩ tò mò bắt đầu nảy sinh, hối thúc não bộ chinh phục điều ấy.

Với tâm lý ngây thơ về các tác phẩm nghệ thuật, một cái chạm nhẹ đâu có ảnh hưởng gì nhiều đến chúng, không những vậy một cảm giác thoải mái chạy khắp tâm trí như vừa giải phóng một điều phiền muộn.

Vậy đến bao giờ những cú chạm này sẽ tuyệt chủng?

Có lẽ nó sẽ không bao giờ biến mất trong thế giới nghệ thuật. Vì sao ư? Thế giới nghệ thuật rộng lớn và con người luôn muốn khám phá đến tận cùng. Chúng ta không thể bắt một chú chim non biết bay khi mới chập chững hay bắt một đứa trẻ chạy nhanh thoăn thoắt khi mới bắt đầu đi. Làm bạn với nghệ thuật không hề đơn giản một chút nào, đặc biệt là với những ai đang bắt đầu hành trình với nó.

Luôn cần thời gian và sự nhẫn nại để khơi dậy một thói quen hay một kỹ năng tốt, kiểm soát cảm xúc bản thân để không chạm vào các tác phẩm nghệ thuật cũng là một kỹ năng mà chúng ta phải tập luyện.

Mình không cổ súy cho việc mọi người cứ làm điều đó theo bản năng và thỏa hiệp với bản thân rằng ‘nốt lần này thôi’. Bởi vì một cái lướt tay của bạn qua một bức tranh hay bức tượng điêu khắc cũng có thể gây nên những hậu quả khó lường về sau. Vậy nên hãy yêu nghệ thuật đúng cách.

Nếu bạn chẳng may chạm vào một tác phẩm nghệ thuật, nó có thực sự không bị ảnh hưởng gì? Hẹn gặp các bạn trong bài viết tiếp theo, nơi chúng mình sẽ cùng nhau giải đáp cho câu hỏi này nhé!

Bài viết: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

cái chạm tay vào tác phẩm chàm Hãy yêu nghệ thuật đúng cách Hoàng idesign signature nghệ thuật personal growth viết một tay

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.