Takashi Murakami và hành trình trở thành biểu tượng của nghệ thuật đương đại

Takashi Murakami, 57 tuổi, dù giờ đây đã là một ngôi sao nghệ thuật quốc tế và là một biểu tượng văn hóa nhưng ông từng là một học sinh bất mãn, chán nản với việc học bảo thủ và luôn mơ ước về những điều tốt đẹp hơn.

Tác giả: Scott Indrisek


Khi mới bắt đầu, Murakami không hề có địa vị đặc biệt như một nghệ sĩ. “Tôi không bao giờ nổi trội trong việc vẽ,” ông nói; làm việc chăm chỉ, luyện tập và quyết tâm đã mài giũa những kỹ năng đó.

Ông có buổi trình diễn solo đầu tiên vào năm 1989 tại Phòng trưng bày Ginza Surugadai ở Tokyo, và bắt đầu bay qua lại giữa Nhật Bản và thành phố New York vào khoảng thời gian ấy. Murakami luôn xem New York là một trong những trung tâm quan trọng của thế giới nghệ thuật, và ông sẵn sàng đương đầu với khó khăn để có được cơ hội nơi ấy mang đến.

Ông nhớ lại một lần thuê studio trên đường Lorimer ở Brooklyn chỉ với 80 đô la một tháng (“không chắc liệu tôi có gì ăn vào ngày hôm sau không,” ông nói thêm). Năm 1994, ông đã trở thành nghệ sĩ cư trú trong Chương trình Studio Quốc tế PS1 danh tiếng. Những kinh nghiệm ban đầu này đã giúp định hình tầm nhìn nghệ thuật độc đáo của Murakami. Người họa sĩ siêu tự tin ấy cuối cùng trở thành một thương hiệu toàn cầu, những tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện tranh của ông tiếp quản thế giới, từng bước một với tranh vẽ và những tác phẩm điêu khắc độc đáo.


“Tôi nghĩ có lẽ bằng cách đưa kinh nghiệm vụn vặt, cá nhân của mình vào các quy tắc nghệ thuật tại New York, tôi có thể tạo ra những hình thức biểu hiện nghệ thuật với sự độc đáo.”


Tại phòng thu tôi đã thuê với giá 80 đô la một tháng trên đường Lorimer ở Brooklyn,
không biết liệu tôi có gì ăn vào ngày hôm sau không.”

©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian

Murakami được yêu mến vì những nhân vật đầu hoa rực rỡ hay nhân vật có đôi mắt mang phần nào đó hoang dã và điên cuồng, nhưng một số tác phẩm quan trọng nhất của ông mang tính phá vỡ sâu sắc. Chẳng hạn như Hiropon (1997), tác phẩm điêu khắc hài hước với hình dáng người phụ nữ tóc xanh cùng bộ ngực quá khổ đang giải phóng một dòng sữa.

Tôi nghĩ sự kỳ quái của tình dục thể hiện trong văn hóa otaku* của Nhật Bản là chưa từng có ở nơi khác, chúng tạo ra các quy tắc hoàn toàn mới để thiết kế hình dạng con người,” Murakami giải thích. “Ý định của tôi là hợp nhất hình thức đó với các quy tắc của nghệ thuật đương đại.” Sự kết hợp bất ngờ giữa những ảnh hưởng và cảm hứng này sẽ tiếp tục là một đặc trưng nghệ thuật Murakami, dẫn đến một phong trào rộng lớn hơn mà ông đặt tên là “Superflat“.

*Otaku là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ một ai đó quá yêu thích, say mê anime (hoạt hình), manga (truyện tranh), Vocaloid hay trò chơi điện tử, cosplay (hóa trang), những thứ 2D (nhân vật trên giấy).

Một trong những bước ngoặt tuyệt vời nhất của người nghệ sĩ này là khi ông bắt đầu được biết đến rộng rãi và được giới phê bình đánh giá cao.

Murakami trưng bày tác phẩm của mình ở khắp mọi nơi, từ Cung điện Versailles đến các phòng trưng bày đấu giá, đồng thời kết hợp với các thương hiệu như Louis Vuitton và các nhà thiết kế thời trang đẳng cấp như Virgil Abloh. Murakami đã chỉ đạo một bộ phim truyện (JellyFish Eyes/phát hành năm 2013), mở rộng các mô típ của mình thành một bộ sưu tập, tạo ra một tác phẩm điêu khắc với ngôi sao nhạc pop Pharrell và làm đạo diễn video âm nhạc.

Nghệ thuật tinh xảo của Murakami được đại diện bởi các phòng trưng bày mang tầm ảnh hưởng như PerrotinGagosian. Giống như Damien Hirst, Murakami cũng đã tự mình kinh doanh, thành lập công ty sản xuất và phòng trưng bày Kaikai Kiki để quảng bá cả tác phẩm của mình lẫn của đồng nghiệp và người phụ việc.

Góc nhìn triển lãm của “GYATEI²” bởi Takashi Murakami. Gagosian, Beverly Hills, 2019
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.
Ảnh bởi Josh White.

Góc nhìn triển lãm của “GYATEI²” bởi Takashi Murakami. Gagosian, Beverly Hills, 2019
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Ảnh bởi Josh White.
Courtesy of Gagosian.

Tuy nhiên, trước khi những người hâm mộ cuồng nhiệt xếp hàng khắp nơi để nhìn thấy Murakami và thế giới sáng tạo của mình, ông cũng giống như mọi nghệ sĩ trẻ thông minh từng mò mẫm trong sự mơ hồ: đam mê, tò mò và luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

“Tôi chưa bao giờ đặc biệt tài năng trong việc vẽ hoặc lên màu. Tôi có thể nói điều này bởi vì luôn có một đứa trẻ trong lớp thật sự giỏi hai kĩ năng ấy và các tác phẩm của người đó sẽ khiến các bạn cùng lớp ngưỡng mộ, nhưng tôi không hề có một trải nghiệm như vậy. “


Làm cách nào mà ông trở nên hứng thú với nghệ thuật?

Trong những năm học trường đại học nghệ thuật, tôi chạy khắp nơi rồi thử mọi thứ để hiểu mình là ai. Đầu tiên, tôi muốn trở thành một họa sĩ hoạt họa. Tôi đã làm vài bộ phim hoạt hình ngắn với các tranh minh họa vẽ tay của mình trên cuộn phim 8mm, với hy vọng trở thành nhà làm phim sau này. Tôi đã nhiệt tình đến mức mời tên tuổi lớn như Hayao Miyazaki nói chuyện tại lễ hội trường đại học. Tôi cũng đã xem video hậu trường của George Lucas trên The Empire Strikes Back và tưởng tượng về studio tên ILM với các hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt của anh ấy. Khi kiệt tác video âm nhạc – Thriller – của Michael Jackson do John Landis phát hành, tôi đã mua video nhập khẩu với giá 15.000 Yên (khoảng 162 đô la ngày nay), xem nó nhiều lần tại nhà của bạn tôi và vui vẻ tạo bộ phim nhái theo trên cuộn phim 8 mm.

©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Tuy nhiên, khi gần tốt nghiệp, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu có thể tự hỗ trợ mình theo cách này hay không. Vì được luyện vẽ sẵn, tôi nghĩ mình nên tự nắm lấy cơ hội với nó và bắt đầu vào dự án tốt nghiệp một cách nghiêm túc thay vì lông bông mãi.

Tôi thuộc về khóa học Nihonga (hội họa Nhật Bản) buồn tẻ trong khoa vẽ tranh và trải qua những ngày trong thất vọng, đặt các sắc tố khoáng chất đã nghiền nát trên giấy washi của Nhật. Nihonga không phải là một thể loại mà tài năng tiềm năng có thể nở rộ. Về mặt nội dung thì các bức tranh là sự mô phỏng kém hơn các tác phẩm của nghệ sĩ thuộc trường phái Ấn tượng.

Nihonga đầy rẫy mùi chính trị, chỉ với một vài nghệ sĩ được chọn bởi các phòng trưng bày và các tổ chức giải thưởng, liên tục tranh giành quyền lực; bị vướng vào chính trị như vậy, các nghệ sĩ trẻ không có chỗ để thể hiện tài năng của họ. Đó là một môi trường khác xa với nghệ thuật; nhưng trong thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng Nhật Bản, thị trường của nó chuyển giao như tiền tệ cho thế giới nghệ thuật đương đại ngày nay.

Takashi Murakami, 727, 1996.
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Rồi một ngày nọ, tôi biết đến triển lãm cá nhân lớn của Shinro Ohtake, một nghệ sĩ đương đại chịu ảnh hưởng rất lớn từ trường phái Neo-Expressionism (Tân Biểu Hiện) ở trung tâm thành phố Tokyo. Tôi như bị cuốn đi cùng dấu ấn ấy; liền rời Nihonga và dấn thân vào nghệ thuật đương đại.

Vào thời điểm đó, không hề có một thị trường nghệ thuật đương đại ở Nhật Bản và nếu bạn chọn nó làm con đường của mình, bạn phải chuẩn bị để chấp nhận nghèo đói. Thế nhưng nó đã thu hút tôi bởi vì mọi thứ quanh nó được tạo ra trông thật tự do, không có chính trị hay phe phái.


Hãy kể cho chúng tôi nghe về một nỗ lực thành công sớm trong việc làm nghệ thuật của ông.

Khi vừa đặt chân vào đại học, tôi đã làm một con voi ma mút mô hình khổng lồ, cao khoảng 5 mét cho một cuộc diễu hành lễ hội. Tất cả 25 sinh viên trong khóa học Nihonga được cho là sẽ hợp tác với nhau, nhưng chỉ có 6 người thật sự tham gia. Cuối cùng, có tôi và một anh chàng kín kẽ, ham học tìm cách để hoàn thành nó. May mắn là cả hai đã làm kịp cho cuộc diễu hành, và nó đã giành chiến thắng trong cuộc thi.

Tác phẩm điêu khắc một con ma mút tạo ra bởi Murakami và đồng môn
được chụp lại ở cuộc diễu hành vào khoảng đầu những năm 80
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Điều quan trọng nhất không phải là vẻ đẹp bên ngoài mà là lịch sử cuộc đời của mỗi cá nhân cùng nỗi xấu hổ thầm kín nhất!


Khi vừa bắt đầu, việc kiếm sống bằng nghề nghệ sĩ có vẻ khả thi không?

Câu hỏi đặt ra là một nghệ sĩ Nhật Bản phải làm gì để sống sót ở New York, và vì không có cuốn cẩm nang nào về chủ đề này, tôi đã đi đến câu trả lời của riêng mình thông qua quan sát: Tôi nghĩ có lẽ bằng cách đưa kinh nghiệm vụn vặt, cá nhân của mình vào các quy tắc nghệ thuật tại New York, tôi có thể tạo ra những hình thức biểu hiện nghệ thuật với sự độc đáo.

“Tại phòng triển lãm PPOW để hỗ trợ một nhóm họa sĩ tên TODT.”
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Vì có hiểu biết về kinh doanh, tôi quyết tâm tự hỗ trợ bản thân bằng nghệ thuật khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Không phải tôi có tầm nhìn để thành công; tôi chỉ quyết tâm có được những kỹ năng cần thiết để nâng đỡ bản thân, bằng cách này hay cách khác.

Tôi chưa bao giờ đặc biệt tài năng trong việc vẽ hoặc lên màu. Tôi có thể nói điều này bởi vì luôn có một đứa trẻ trong lớp thật sự giỏi hai kĩ năng ấy và các tác phẩm của người đó sẽ khiến các bạn cùng lớp ngưỡng mộ, nhưng tôi không hề một trải nghiệm như vậy. Thế nên không có gì khiến tôi nghĩ rằng mình có tài năng nghệ thuật. Tôi tự kết luận là dù tôi thích vẽ, tôi không hề tài năng, vì vậy trước tiên tôi cần phải tự rèn luyện để vẽ những bức tranh tả thực trước.


Đã có ai từng không hiểu gì về các tác phẩm của ông, thậm chí là ghét chúng?

Khi tôi gửi một bức tranh lớn với họa tiết giống manga cho một triển lãm tại SCAI The Bathhouse năm 1994, một người bạn đã dẫn tôi đi qua những điều cơ bản của nghệ thuật đương đại nói với tôi rằng anh ấy đã không còn muốn chỉ dạy gì cho tôi nữa, bảo rằng: “Murakami! Cậu yêu cầu tôi dạy cậu về nghệ thuật đương đại, vì vậy tôi đã chịu khó hướng dẫn cẩn thận. Thế nhưng bức tranh như hoạt họa đó là gì? Cậu chế nhạo lịch sử hội họa đấy à!“.

Takashi Murakami, ZuZaZaZaZaZa, 1994. ©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian

Nhưng tôi đã không hiểu tại sao anh ấy lại buồn như vậy. Chưa hề có tiền lệ của nghệ thuật tập trung một cách thẳng thắn vào văn hóa Nhật Bản sau chiến tranh; trong khi tôi không nghĩ tác phẩm ấy mang tính quyết liệt nhưng đối với tôi, nó vẫn có tính nguyên bản.


Ông tới New York những năm 80 và 90. Ông có hài lòng với những gì mình tìm thấy? Bản thân ông đã học được điều gì?

Tôi tin rằng vào thời điểm đó, nghệ thuật đương đại đang được tạo ra ở London, Los Angeles và đặc biệt là New York, trung tâm của mọi sự. Vì vậy các chương trình diễn ra vào thời điểm đó đều mang tính đương thời. Khi tôi sống ở Nhật Bản và không có internet, mọi thông tin thời sự đều được biết đến vài tháng sau khi một sự kiện nào đó diễn ra.

“Ở phần mở màn show của tôi tại Gavin Brown’s Enterprise, SoHo.”
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Tôi được truyền cảm hứng lớn bởi chương trình năm 1994 của Bob Flanagan & Sheree Rose tại New Museum, lúc đó được đặt tại SoHo. Nhận được những mũi tiêm hàng ngày từ trước khi anh biết nói và đi, Flanagan đã phát triển một sự tôn sùng với những mũi kim; các tác phẩm sắp đặt của anh thể hiện tính tình dục S&M đồi trụy như nghệ thuật. Tôi bỗng học được, “Ah! Bất cứ thứ gì cũng có thể cả! Nó không phải là sự quan trọng của vẻ đẹp bên ngoài mà là lịch sử cuộc đời mỗi cá nhân cùng nỗi xấu hổ thầm kín nhất!“.


Vào thời điểm nào thì “Mr. DOB” – nhân vật thường được xem là một bản ngã thay thế cho chính ông – được tạo ra?

Mr. DOB được tạo ra khi người bạn cũ 19 tuổi của tôi lúc ấy mong muốn trở thành nhà thiết kế vào thời điểm đó. Anh ấy đã mua máy tính Apple của riêng mình. Tôi chưa bao giờ nghiên cứu thiết kế, nhưng tôi thực sự muốn biết về các đường cơ khí (mechanical line – các đường thẳng tuyệt đối, đơn giản và đồng nhất với nhau, cho ta thấy được tính chất của vật được vẽ ) mà ta không thể sao chép bằng tay.

Khi tôi đang tuyệt vọng, bạn tôi nói rằng thứ như vậy có thể đạt được thông qua các đường cong Bézier trong một phần mềm có tên là Illustrator. Vì vậy, tôi đã ở tại nhà bạn mình trong một tuần và ngồi sau anh ấy với màn hình máy tính, nói với người bạn đấy những gì cần phải làm như một người chèo lái ở ghế sau cho đến khi chúng tôi tạo ra Mr. DOB.

Vào thời ấy, mỗi hành động trên máy cần có thời gian để tính toán. Trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ thảo luận về những giấc mơ tương lai của mình. Người bạn trẻ của tôi đã nói về việc tự do tạo ra hình ảnh và phim bằng máy Mac của anh và trở thành một người tạo ra các biểu cảm phóng khoáng. Tôi đã mơ ước được chuyển đến New York. Cả hai chúng tôi đã ý thức được những giấc mơ của bản thân khi trò chuyện cùng nhau.


Ông đã xây dựng toàn bộ công ty và một thương hiệu cho công việc của mình. Điều gì đã cho ông sự tự tin và cái tôi lành mạnh cần có để đưa ra một quyết định đầy tham vọng như vậy?

Bản thân tôi phát hiện ra trong những năm học cấp ba, mình là một người cực kỳ yếu trong học tập, không thích học hành, một người không muốn trở thành kẻ làm công ăn lương, một người yêu thích anime và manga. Thành thật mà nói, tôi đã xây dựng công ty của mình vì tôi không thể tìm thấy bất kỳ cách nào khác để hoạt động. Con đường tôi chọn đã có rất nhiều thứ cần phải thực hiện, nhưng đây là cách duy nhất để tôi sống sót.


Quay lại với hiện tại, ông đang có một triển lãm lớn tại Gagosian, Los Angeles. Triển lãm trưng bày bức tranh lớn chủ đề về cá – Qinghau (2019) và ông đã mất hơn mười năm để hoàn thành. Ông có thể chia sẻ chút ít về tác phẩm này không?

Nếu tôi có thể tự nói theo cách của mình thì tác phẩm này được thực hiện một cách tinh tế. Nói thế nào nhỉ – đấy đã là mục tiêu của chính tôi với tư cách là một nghệ sĩ: tự khiến cho tâm trí mình hoàn toàn trống rỗng và vẽ như thể đang đi qua một cơn mê, ngẫu nhiên lang thang trên canvas. Đây là tác phẩm mà tôi đã xoay sở để hoàn thành theo cách như vậy. Tôi cảm thấy rất tự hào về tác phẩm này.

Takashi Murakami, Qinghua (chi tiết), 2019.
©︎ 2019 Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Photo by Josh White. Courtesy of Gagosian.

Khi tôi lần đầu tiên gặp Larry Gagosian tại không gian thượng lưu của anh ấy ở New York để thảo luận về việc được đại diện bởi phòng trưng bày, tôi đã cố gắng quảng bá bản thân bằng cách cho anh ấy thấy một ý tưởng cho bức tranh này và nói với anh ấy rằng tôi dự định vẽ một bức tranh lớn với nó là chủ đề chính. Larry thực sự thích ý tưởng đấy. Tôi đã được đại diện bởi Gagosian, nhưng tôi cũng mất một thời gian dài để ý thức hơn về bức tranh ấy.

Takashi Murakami, Picture of a Title “I Spin,” 1986.
©︎ Takashi Murakami/Kaikai Kiki Co., Ltd. All Rights Reserved. Courtesy of Gagosian.

Trước khi trở thành một nghệ sĩ đương đại, tôi thường chỉ vẽ cá, đặc biệt là cá nước ngọt. Tôi nhớ mình thường xuyên đi ra sông câu cá cùng cha và nhìn thấy những người trông giống như ngư dân chuyên nghiệp đang bắt cá trắm cỏ và loài cá tên là Hypophthalmichthys molitrix (cá chép bạc) hoặc Hypophthalmichthys nobilis (cá mè hoa), đưa tới từ Trung Quốc và dài hơn một mét. Tôi đã rất ngạc nhiên. Cả cha và tôi đều không bao giờ bắt được cá lớn, và chúng tôi đã mang cá nhỏ hoặc tôm về nhà để thả trong ao sau. Thay vì lưu giữ một ký ức mờ nhạt, dường như sự ấn tượng về những con cá khổng lồ vẫn cứ sống động trong tâm trí tôi.


Takashi Murakami cùng các nhân vật trong phim Jellyfish Eyes tại trung tâm IFC, New York, 2015.
Courtesy of Janus Films and Gagosian.

Nếu có thể quay ngược thời gian và đưa ra một số lời khuyên cho chính mình trong quá khứ, ông sẽ nói gì?

Chắc là nên tận hưởng nhiều hơn.


Lược dịch từ artsy

Cùng tác giả

#Tag

anime manga nghệ thuật đương đại nhật bản phong trào nghệ thuật phỏng vấn superflat takashi murakami

iDesign Must-try

Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
/Maybe bạn nên …Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm “Thủy triều cảm…
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm nghệ thuật với nhiều hình thức biểu đạt khác nhau với…
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Tôn trọng và sử dụng các đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc, những tác phẩm điêu khắc đá của Ito Hirotoshi khiến người xem phải hoài nghi về…
Nghệ thuật và Tâm hồn
Nghệ thuật và Tâm hồn
Đây không phải là bài viết sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Nghệ thuật và Tâm hồn, mà được viết nên để độc giả tự đặt cho…