-
-
-
Cảm hứng |
-
Kiến trúc - Nội thất |
-
Nghệ thuật |
-
Sáng tạo |
-
Điện ảnh
Thế giới đơn côi và lặng lẽ của ‘Her’ qua góc nhìn kiến trúc
Ra mắt vào năm 2013, Her của đạo diễn Spike Jonze đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bằng câu chuyện tình yêu lạ lùng giữa một người đàn ông độc thân và một hệ điều hành có “cảm xúc” trong thế giới tương lai. Sự ngợi khen và công nhận của giới phê bình đã được thể hiện qua hàng loạt giải thưởng mà bộ phim đạt được. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích bộ phim thú vị này từ góc nhìn kiến trúc.

Trong lần thứ tư cộng tác cùng production designer (nhà thiết kế sản xuất) K. K. Barret, đạo diễn Spike Jonze đã mong muốn một sự thể hiện nhất quán đối với “thế giới tương lai” mà bộ phim đang thể hiện. Trước tiên cần giới thiệu qua rằng, khái niệm “production design” trong điện ảnh để chỉ phần “thiết kế hình ảnh” trong một bộ phim, bao gồm tất cả những gì tạo nên phần mỹ thuật trong một cảnh quay, có thể nói đến đạo cụ, bối cảnh, phục trang, hóa trang, ánh sáng, hiệu ứng đặc biệt, vv.

Ở đây, họ đã thống nhất sử dụng bối cảnh ở hai thành phố Los Angeles và Thượng Hải, vì cảm giác và ngôn ngữ đặc trưng trong những tòa nhà, công trình công cộng. “Thế giới tương lai” được thể hiện qua chính câu chuyện và tâm tư tình cảm của các nhân vật, chứ không bằng những đạo cụ hay bất cứ chi tiết có vẻ “khó tin” nào. “Bởi tương lai là một khái niệm đối với chúng ta, nhưng đối với nhân vật Theodore Tombly, đó lại chính là thực tại của anh ấy” – Barrett giải thích.

Trước khi bước vào lĩnh vực phim ảnh, Barrett sinh hoạt trong một nhóm nhạc punk rock từ những năm 1970. Quãng thời gian khó quên ấy đã giúp ông hình thành một tư duy và óc thẩm mỹ riêng biệt cho bản thân. “Việc nhìn nhận các lựa chọn dựa trên giới hạn của nó giúp tôi rất nhiều – lặng lẽ và ồn ào, rộng và hẹp, trong phần lớn trường hợp, tôi có xu hướng loại bỏ những gì không cần thiết mà giữ lại điều quan trọng nhất.” – Barrett nhấn mạnh.
Quan điểm về thẩm mỹ này đã được thể hiện rõ ràng trong phim Her, mà cụ thể chính là căn hộ của nhân vật Theodore. Bối cảnh của bộ phim được đặt ở tầng trên cùng của WaterMarke, tòa nhà sang trọng 35 tầng tọa lạc tại khu vực đông đúc và sầm uất nhất của thành phố Los Angeles. Sự đắt giá của căn hộ thể hiện qua quan cảnh toàn thành phố nhìn từ ban công, với những tòa nhà cao tầng san sát nhau trên nền bầu trời quang đãng. Kỹ càng hơn, khán giả còn quan sát được hàng dài những phương tiện giao thông nối đuôi nhau theo các trục đường tỏa đi muôn ngả.

Trái ngược với sự đầy ắp và nhộn nhịp bên ngoài, trong căn hộ của Theodore chỉ là sự trống vắng như tượng trưng cho chính trái tim và tâm hồn của người đàn ông này. Mọi chi tiết từ đồ dùng cá nhân cho đến nội thất đều được sắp đặt để toát lên vẻ lạnh lẽo, trống trải, thiếu sức sống và đánh mất dấu ấn cá nhân.

Thêm vào đó, việc lựa chọn hệ thống cửa kính lớn, phủ rộng ngôi nhà nhằm gợi ý về sự xâm chiếm, xóa bỏ khoảng cách giữa bên ngoài và bên trong. Khi ngày lên, thành phố hiện mình trong thứ ánh sáng rực rỡ, thể hiện sức mạnh và sự thống trị của nó bao nhiêu, thì khi đêm xuống, nhân vật lại càng đơn côi, lặng lẽ và lạc lối bấy nhiêu. Ánh sáng chủ đạo gần như đến từ nguồn sáng tự nhiên, với yếu tố bổ trợ của sàn gỗ và tường để tạo nên tông màu sáng dịu nhẹ và trung tính cho không gian.
Việc lựa chọn bảng màu cho bộ phim cũng là một thách thức thú vị đối với Barrett. Vì đặc biệt yêu thích bức họa Red Desert của Michelagelo Antonioni, ông muốn “chơi đùa” với các sắc đỏ trong phim Her, để chúng vừa khắc họa một thế giới tương lai đầy hiện đại và tiện lợi, nhưng vẫn đủ để cho thấy một bầu không khí trống trải của toàn bộ câu chuyện.
Qua đó, từng vật dụng dù nhỏ nhất đều được đặt vào trong khung hình với chủ ý rõ rệt, góp phần bồi đắp thêm vào hành trình khám phá những cảm xúc tinh tế và sâu kín nhất bên trong nhân vật Theodore. Không đơn thuần là kể về thứ đang diễn ra, đạo diễn Spike Jonze còn khéo léo phô bày về cuộc sống hôn nhân trước đó của người đàn ông này.

Bằng những khoảnh khắc rất nhanh trong phim, khán giả thấy được những thùng đồ nguyên vẹn vẫn chưa được mở, chứng tỏ Theodore chưa hoàn toàn ổn định trong chính căn hộ của anh ta. Xuyên suốt bộ phim, sự sắp đặt một số đồ dùng nội thất cũng làm rõ chi tiết này. Nếu để ý, khán giả sẽ thấy rằng căn hộ của nhân vật chính không hề có bàn ăn, mà chỉ có ba chiếc ghế được đặt một cách tùy tiện. Cho đến khi Theodore bước ra ngoài ban công, ta mới nhận ra đó chính là chiếc ghế còn lại. Sự đơn côi, lạc lõng và mất phương hướng không những được kể qua những tình huống trong câu chuyện, lời thoại hay cảm xúc, hành vi của chính nhân vật, mà còn qua sự xếp đặt khéo léo đến từng chi tiết nhỏ trong khung hình.

“Hãy nghĩ về những chi tiết và cách xếp đặt chúng. Bản thân tôi luôn xem nhân vật trong phim có sự sống riêng biệt và vì thế, tôi luôn chú ý dành ra những khoảng không để có thể đồng hành cùng họ trong câu chuyện cuộc đời. Vì vậy, chúng tôi đã luôn có những niềm vui và nguồn cảm hứng bất tận” – Barrett hào hứng chia sẻ.

Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: INTERIORS Journal.
iDesign Must-try

Ai là người thiết kế poster cho bộ phim đại thắng tại Oscar 2023?

Ngôi nhà sang chảnh của những chú cá.

Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko

Làm thế nào để theo kịp công nghệ và không bị bỏ lại phía sau

12 bài viết được yêu thích nhất tại iDesign năm 2022
