Theo van Doesburg (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Theo van Doesburg, chúng ta tìm hiểu về thời kỳ cuối đời, di sản, và những tác phẩm tiêu biểu của người nghệ sĩ.

  • Điều mà tôi cố hiện thực hoá là một hình thức phổ quát mà tương thích hoàn toàn với tầm nhìn tâm linh của mình.
  • Người nghệ sĩ không cần một điểm xuất phát cụ thể trong tự nhiên để đạt được một hình ảnh của cái đẹp nữa. Anh ta kiến tạo một cách tự nhiên và tự phát những mối quan hệ trong trạng thái cân bằng – sự hoà hợp hoàn chỉnh – mục tiêu của nghệ thuật.
  • Vấn đề nằm ở việc đặt con người vào vị trí ở trong hội hoạ thay bằng là trước mặt nó.
  • Ông ấy diễn giải ‘Chủ nghĩa Nguyên tố’ là dựa trên sự trung hoà những phương hướng âm và dương bởi đường chéo và sự bất hoà, cho đến chừng mà màu sắc có thể. Các mối quan hệ được làm cho cân bằng không phải kết quả tối hậu.
  • Mondrain nhận ra sự quan trọng của nét. Nét gần như đã tự trở thành một tác phẩm nghệ thuật; một người không thể chơi đùa với nó khi sự đại diện cho vật thể được nhìn nhận còn là tất cả những gì quan trọng. Bức toan trắng trở nên gần như là trang nghiêm. Mọi đường thừa thãi, từng nét được đặt sai chỗ, bất cứ màu sắc nào được đặt vào một cách thiếu tôn kính hay quan tâm, có thể phá hỏng tất cả – và đó là, cái tâm linh.
  • Kiến trúc tập hợp và kết nối; hội hoạ nới lỏng và buông kết nối.

Thời kỳ cuối đời

Theo van Doesburg vào khoảng thời gian cuối đời

Sau khi phong trào Dada giải thể năm 1929 tại Paris, Theo van Doesburg đã góp phần thành lập nên nhóm Art Concret (Nghệ thuật cụ thể) và là một trong những nhà xuất bản của tạp chí trực thuộc nhóm, mà chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Art Concret là một phần của sự tiếp nối phong cách De Stijl nhưng đi xa hơn thế, nhấn mạnh vào nghệ thuật trừu tượng hình học được coi là cơ sở tuyệt đối và triệt để nhất của nghệ thuật trừu tượng. Tuyên ngôn Nền tảng của hội họa cụ thể (Basis of Concrete Painting) của Van Doesburg, xuất bản trên tạp chí Art Concret, được coi là tài liệu nền tảng của Nghệ thuật cụ thể. Triết lý này được phát triển trong vòng hai thập kỷ sau đó và mở rộng thành một phong trào quốc tế rộng lớn. 

Nhóm Art Concret chỉ trưng bày ba lần trong năm 1930, tại Salon des Surindépendants ở Paris, Production Paris 30 ở Zurich, và Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Hậu Lập thể ở Stockholm. Năm 1932, Art Concret được gia nhập vào Abstraction-Creation (Trừu tượng – Sáng tạo), một tổ chức lớn, mạnh mẽ và ổn định hơn được thành lập vào năm 1931, với sự hỗ trợ của Van Doesburg, và tồn tại cho đến năm 1936.

Dự án lớn cuối cùng của Van Doesburg là ngôi nhà mà ông tự thiết kế cho chính hai vợ chồng ông tại Meunon, Pháp vào năm 1930-1931. Không giống như bất cứ công trình nào mà ông đã xây dựng vào những năm 1920, hình thức và màu sắc của ngôi nhà này được tiêu giảm và giới hạn hơn nữa. Tuy nhiên, ông không bao giờ được tận mắt thấy tác phẩm hoàn thiện vì sớm qua đời do cơn đau tim vào năm 1931 tại Davos, Thụy Sĩ sau vài năm chống chọi với sức khỏe yếu. Vợ ông, Nelly, đã sống trong ngôi nhà này cho đến khi bà qua đời vào năm 1975.

Di sản của Theo van Doesburg

Tầm ảnh hưởng của Theo van Doesburg đến tương lai của hội hoạ khó có thể định đoạt chính xác, nhưng chỉ bởi vì ông đã hoạt động rộng rãi tại rất nhiều hội nhóm cũng như các loại hình nghệ thuật khác nhau. Những dấu ấn vang vọng sức ảnh hưởng của ông được tìm thấy trong kiến trúc. 

Ludwig Mies Van der Rohe, và những người khác tại Bauhaus, đã kết hợp nhiều ý tưởng được chấp nhận trong các bài giảng tại Weimar của van Doesburg mà thúc đẩy họ đưa hình học và các màu cơ bản mạnh bạo vào lý thuyết tư duy thiết kế của họ. Tate Modern vào năm 2010 đã có một cuộc triển lãm dành riêng cho các tác phẩm của Theo van Doesburg như một minh chứng cho tầm quan trọng của ông và ảnh hưởng của ông đối với các nghệ sĩ đồng nghiệp như Constantin Brancusi, Piet Mondrian, Jean Arp, László Moholy-Nagy, Francis Picabia, Kurt Schwitters, và Sophie Taeuber-Arp. Cho tới tận ngày nay các bài báo cáo và tiểu luận lý thuyết của ông vẫn có sức ảnh hưởng.

Những tác phẩm tiêu biểu

Khoảng 1916: Những vũ công

Sơn dầu trên xi măng amiăng – Bảo tàng Kroller Muller, The Hague, Hà Lan

Tác phẩm Những vũ công (Dancers) cho thấy van Doesburg đã có những bước nghiên cứu về thông thiên học và thuyết tâm linh. Đồng thời đây cũng là bức tranh đại diện cho trừu tượng thời kỳ đầu của ông trước khi chịu ảnh hưởng bởi Mondrian. Hai nhân vật trong bộ tranh là đại diện trừu tượng hoá của Krishna – một vị thần Hindu, đang thổi sáo và khiêu vũ. Những hình ảnh này được tạo ra dựa trên hình tượng của thông thiên học, thể hiện trong hai tấm của bức nhị liên hoạ. 

Mong muốn khắc họa các ý tưởng tâm linh đã giúp van Doesburg khơi dậy niềm tin vào những sức mạnh cao hơn của nghệ thuật. Sự hài hòa giữa các sự vật trên bình diện lý tưởng và thần thánh ẩn dưới bề mặt hỗn độn của cuộc sống hàng ngày là chủ đề của thuyết Thông thiên học được mô tả trong bức tranh. Bằng cách trừu tượng hoá các yếu tố hỗn loạn và đại diện cho địa hạt hài hoà phía trên bề mặt, nghệ thuật có thể hiện con người nhận thức và trải nghiệm một góc nhìn tâm linh. Trong tác phẩm của mình, van Doesburg có vay mượn những kỹ thuật trong nghệ thuật truyền thống Ấn Độ, nơi các hình dạng và màu sắc thể hiện sự thật và trạng thái tâm linh nhiều hơn là phản ánh thế giới tự nhiên.

1918: Bố cục VIII (Con bò) 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Van Doesburg trừu tượng hóa hình ảnh một con bò đang ăn cỏ như một phần trong sứ mệnh truyền bá các nguyên lý của phong trào De Stijl. Đầu tiên, ông thực hiện các nghiên cứu hình tượng, sau đó dần dần chỉnh sửa hình ảnh cho đến khi con bò trở thành một bố cục các hình vuông và hình chữ nhật đầy sắc màu được phối hợp cẩn thận với nhau. Ông đã sử dụng tác phẩm này cũng như các nghiên cứu sơ bộ của ông cho bức tranh vào một chuyên luận về De Stijl được ông phân phối với mục đích giáo dục. Bố cục VII (Con bò) (Composition VII (The Cow)) cho thấy ông đang bước những bước đầu thử sức với De Stijl và vô cùng hăng hái với phong trào đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó tác phẩm còn là minh hoạ cho định nghĩa “được trừu tượng hoá” hoặc “trừu tượng hóa” nhờ tiêu giảm và đơn giản hóa thứ được miêu tả, biến vật thể thành các yếu tố hình học cơ bản có cấu trúc. Những vũ côngBố cục VIII (Con bò) là hai tác phẩm rõ ràng nhất để minh hoạ cho sự thay đổi trong tính trừu tượng của van Doesburg trước và sau khi thành lập De Stijl.

1918: Nhịp điệu của một điệu nhảy Nga 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Được thực hiện trong thời kỳ đầu sự nghiệp của van Doesburg, bức tranh Nhịp điệu của một điệu nhảy Nga (Rythm of a Russian Dance) cho thấy ông rất cởi mở với việc sửa đổi nhận thức của mình về thẩm mỹ của De Stijl. Trong bức tranh này, các chuyển động của những vũ công truyền thống Nga với các bước nhảy nhanh và quãng dừng ngắn được tính thời gian cẩn thận và được nhấn mạnh ở chiều ngang và dọc bằng những nét dài hẹp nhiều màu. Các đường thẳng màu nom như thể di chuyển trong những cú bùng nổ ngắn và nhanh, rồi trở lại trạng thái tĩnh lần nữa. Ở đây, cách van Doesburg kết hợp nhịp điệu động với trật tự tĩnh của De Stijl cũng đồng thời bộc lộ những tư tưởng cấp tiến, thứ mà sau này sẽ gây rạn nứt mối quan hệ của ông với Mondrian. Ông cảm thấy tác phẩm này là một ví dụ về sự trừu tượng có tính cụ thể hơn nghệ thuật theo chủ nghĩa tự nhiên, vì đã mô tả một cách chân thực những cấu tạo tâm trí ẩn chứa sau những suy nghĩ.

1918: Bố cục kính màu IV

Tranh kính – Thiết kế cho Tòa nhà Lange

Vào cuối Thế chiến I, tranh kính màu như trong bức Bố cục kính màu IV (Stained glass Composition IV) cũng thường là lựa chọn của van Doesburg để nghiên cứu về cách thức mỹ thuật, nghệ thuật trang trí, và nghệ thuật ứng dụng phối hợp với nhau. Các miếng thủy tinh trong suốt hình chữ nhật và hình vuông nhỏ đủ sắc màu: đen, xanh lam, vàng, đỏ được xếp cẩn thận giữa những nét đen được tạo ra bởi khung chì màu đen của kính màu truyền thống. Đó là cách mà thời gian đầu van Doesburg cải tổ De Stijl để sở hữu một nhịp điệu sống động và mang tính âm nhạc hơn, thứ mà ta không thể tìm thấy được trong những bức tranh Tân tạo hình của Mondrian thời đó. Tuy nhiên, sau đó hai thập kỷ, Mondrian cũng bắt đầu thử bổ sung các yếu tố nhịp điệu trong âm nhạc trên bức Broadway Boogie Woogie. Và nhiều năm sau khi van Doesburg qua đời, Mondrian tiếp tục phát triển một số đề tài mà Doesburg đã tiên phong tạo ra.

1923 – Thiết kế màu sắc cho sàn, tường và trần của một tòa nhà học thuật ở Amsterdam

Bút, mực và màu gouache – Viện kiến ​​trúc Hà Lan, Amsterdam, Hà Lan

Đây là một ví dụ thời kỳ đầu về cách sử dụng tổ chức các đường chéo của hình chữ nhật và hình vuông. Nó cho thấy cửa sổ trần hình bát giác nằm trên một căn phòng lớn thuộc khuôn viên tòa nhà trường đại học, và theo cách vẽ sơ đồ thì phần trên của các bức tường tiếp giáp với cửa sổ trên một mặt phẳng. Theo van Doesburg cố gắng đưa các yếu tố De Stijl vào không gian thứ ba bằng cách sử dụng màu cơ bản và hình học trên các thiết kế kiến ​​trúc. Thêm vào đó, ông còn kết hợp quan điểm về tính thẩm mỹ của mình vào các sơ đồ các đường chéo. Chính sự khác biệt về lập trường này được coi là lý do ông chia ly với Mondrian. Ông hy vọng các công trình kiến ​​trúc của mình tại thời kỳ đang được nói tới gợi ra cho người xem một giải thích trực quan động về khối lượng mà không dựa vào cấu trúc hay kiến tạo ổn định. Trong năm tiếp theo, ông đã hình thành lý thuyết liên quan đến Chủ nghĩa Nguyên tố và tiến hành vẽ các tác phẩm Phản bố cục (Counter-Composition).

1925: Phản bố cục trong sự bất hoà 16 

Sơn dầu trên toan – Haags Gameentemuseum, The Hague, Hà Lan

Trong bộ tác phẩm Phản bố cục của van Doesburg, bức tranh hình học trừu tượng này Phản bố cục trong sự bất hoà 16 (Counter-Composition in Dissonance 16) là tác phẩm nổi tiếng nhất. Trên đó là các hình chữ nhật được viền màu đen và nghiêng một góc 45 độ so với các cạnh của khung tranh. Các hình khối được tô màu đỏ, lam, vàng, xám và trắng khác nhau. Bằng cách nghiêng các hình chữ nhật một cách đột ngột nhưng nhất quán với nhau và thay đổi sắc độ không đáng kể, van Doesburg cố gắng tạo ra sự cân bằng động và phức tạp hơn các hình thức trừu tượng thường được mong đợi ở De Stijl vốn được biết đến nhiều nhất từ các tác phẩm của Mondrian.

1926-28: Bản vẽ phối cảnh màu cho phòng hòa nhạc của trường đại học, thiết kế bởi Cornelis Van Easternern

Bút chì, màu goát, và cắt dán trên giấy

Năm 1926, Hans và Sophie Tauber Arp mời van Doesburg làm việc với họ để thiết kế và trang trí một khu phức hợp giải trí mới trong Tòa nhà L’Aubette ở Strasbourg, và ông đã dành hai năm cho dự án này. Một phần của khu phức hợp được xây dựng vào năm 1929 nhưng lại không được công chúng đón nhận, vì vậy phải nhanh chóng sửa đổi theo phong cách truyền thống hơn. Bản thiết kế đầy màu sắc này là phần của tòa nhà chưa bao giờ được xây dựng. 

Đó là một hình dung thuần tuý và hiệu quả cao về thẩm mỹ của van Doesburg khi được áp dụng vào kiến trúc, phần lớn do nó vẫn là một minh hoạ lý thuyết không cần quan tâm tới những thoả hiệp và giới hạn thực dụng. Các đường chéo sống động được bố trí ở phía trước và trung tâm, những vị trí tâm điểm của thiết kế.

1929-30: Phản bố cục đồng thời 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Được sáng tác sau khi chia tay với Mondrian, Phản bố cục đồng thời (Simultaneous Counter-Composition) là một ví dụ về lý thuyết Chủ nghĩa Nguyên tố mới hình thành của nghệ sĩ. Trong bức tranh này, van Doesburg đã giữ lại màu cơ bản và sự trừu tượng hình học của De Stijl, mặt khác loại bỏ nguyên tắc nghiêm ngặt chỉ được sử dụng các đường ngang và dọc bằng cách sử dụng các đường chéo mang động năng mà ông cảm thấy là cần thiết. 

Bốn hình chữ nhật và hình vuông màu đỏ, xanh lam, vàng, đen đặt ở những vị trí bất đối xứng trên khung tranh, phần góc cũng bị cắt lẹm. Nằm đè lên phần hình màu là hai đường thẳng dài màu đen vuông góc nhau, và có nhỉnh ra một đoạn ngắn gần phần rìa tác phẩm. Dường như hai bố cục hình học riêng biệt và “đồng thời” đã cùng lúc tồn tại, đè lên nhau trong cùng một bức tranh.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi CM Ngô. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Theo van Doesburg

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…