Chủ nghĩa Ấn tượng (Phần 2)

Trong phần thứ hai của bài viết về trào lưu chủ nghĩa Ấn tượng, chúng ta tìm hiểu khái niệm, phong cách, xu hướng cũng như các phát triển về sau của trào lưu. 

Chủ nghĩa Ấn tượng: Khái niệm, Phong cách và Xu hướng

Vẽ ngoài trời: Claude Monet

Claude Monet có lẽ là nghệ sĩ được hoan nghênh nhất trong số những người theo trường phái Ấn tượng. Ông được biết đến với khả năng làm chủ ánh sáng tự nhiên và nỗ lực nắm bắt sự thay đổi của điều kiện tự nhiên khi vẽ vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Ông có xu hướng tạo ra những ấn tượng ngẫu hứng về những chủ thể của mình, sử dụng nét vẽ hết sức mềm mại và màu sắc không trộn lẫn để tạo cảm giác rung động tinh tế, như thể là chính thiên nhiên đang thực sự sống trên tấm toan. Ông không đợi đến sơn khô rồi mới vẽ thêm các lớp kế tiếp; kỹ thuật “ướt trên ướt” tạo ra các góc cạnh mềm mại hơn và làm mờ các ranh giới để gợi ra các mặt phẳng ba chiều, thay vào việc mô tả chúng một cách thực tế. 

Kỹ thuật vẽ tranh ngoài trời của Monet, được gọi là phong cách vẽ tranh en plein air, đã được các nghệ sĩ Ấn tượng thực hành rộng rãi. Được kế thừa từ các hoạ sĩ phong cảnh của Barbizon School, cách tiếp cận này đã dẫn đến những sự đổi mới trong cách thể hiện ánh sáng mặt trời và sự trôi qua của thời gian, hai mô-típ chính của hội hoạ Ấn tượng. Trong khi Monet được xem là trung tâm của truyền thống vẽ tranh en plein air thì Berthe Morisot, Camille Pissarro, John Singer Sargent, Alfred Sisley và nhiều người khác cũng vẽ tranh ngoài trời, khắc họa rõ nét tính nhất thời của thế giới tự nhiên. 

John Singer Sargent vẽ tranh ngoài trời (en plein air), theo truyền thống của trường phái Barbizon và Claude Monet

Những hình ảnh con người Ấn tượng: Degas, Renoir và Cassatt

Những nghệ sĩ Ấn tượng khác, như Edgar Degas, lại ít quan tâm đến vẽ tranh ngoài trời, và bác bỏ ý kiến rằng vẽ tranh nên là một hành động ngẫu hứng. Được đánh giá là một người phác thảo và vẽ chân dung có tay nghề cao, Degas thích những cảnh trong nhà về cuộc sống hiện đại: những người ngồi trong những quán cà phê, nhạc công trong dàn nhạc, vũ công ballet tập luyện những động tác quen thuộc mỗi ngày tại buổi tập. Ông cũng hướng đến phác hoạ những nét vẽ có hình dáng rõ ràng hơn so với Claude Monet và Camille Pissarro, sử dụng những đường nét cứng hơn và nét cọ dày hơn.

Những nghệ sĩ khác, chẳng hạn như Pierre-Auguste Renoir, Berthe Morisot và Mary Cassatt cũng tập trung vào hình dáng con người và tâm lý của từng người mẫu hay nhân vật chính. Renoir, được biết đến bởi những màu sắc rực rỡ và có độ bão hòa cao, mô tả các hoạt động thường ngày của những nhân vật từ trong khu ông sống ở Montmartre, đặc biệt là những thứ giải trí xã hội của xã hội Paris. Trong khi Renoir, giống như Morisot và Cassatt, cũng vẽ ngoài trời, thì ông nhấn mạnh đến đặc điểm sinh lý và cảm xúc của chủ thể hơn là các điều kiện về bầu không khí của khung cảnh, sử dụng ánh sáng và nét vẽ lỏng tay để làm nổi bật hình dạng con người. 

Luncheon of the Boating party 

Những người phụ nữ của trường phái Ấn tượng

Trong khi các nghệ sĩ Ấn tượng nam chủ yếu vẽ các nhân vật trong khung cảnh công cộng của thành phố, thì Berthe Morisot tập trung vào đời sống riêng tư của những người phụ nữ trong xã hội vào cuối thế kỷ XIX. Là người phụ nữ đầu tiên có triển lãm cùng với những nghệ sĩ Ấn tượng, bà đã tạo ra những tác phẩm phong phú làm nổi bật địa hạt rất riêng tư và trong gia đình của xã hội nữ giới, thường nhấn mạnh mối liên kết mẫu tử, như trong Cái nôi (The Cradle) (1872). Cùng với Mary Cassatt, Eva Gonzalès và Marie Bracquemond, bà được xem là một trong bốn nhân vật nữ chính của phong trào Ấn tượng. 

Cassatt là một hoạ sĩ người Hoa Kỳ, bà đã chuyển đến Paris vào năm 1866 và bắt đầu tham gia vào các cuộc triển lãm với các nghệ sĩ Ấn tượng vào năm 1879. Bà mô tả địa hạt riêng tư của tổ ấm và cũng mô tả người phụ nữ trong những không gian công cộng của thành phố mới hiện đại hoá, như trong tác phẩm kinh điển Tại nhà hát (At the Opera) (1879). Những bức tranh của bà thể hiện rõ rất nhiều cải cách, bao gồm việc làm phẳng không gian ba chiều và việc áp dụng những màu sắc sáng, thậm chí sặc sỡ trong các bức tranh, cả hai điều này đều báo trước về những bước phát triển sau này của nghệ thuật hiện đại.

The Cradle 1872
At the Opera (1882) – Berthe Morisot

Cảnh quan thành phố Ấn tượng

Bởi vì phong trào này gắn bó sâu sắc đối với xã hội Paris, chủ nghĩa Ấn tượng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi việc cải tạo thành phố của Nam tước Georges-Eugène Haussmann trong những năm 1860. Dự án đô thị này, còn được gọi là “Haussman hóa”, hướng đến hiện đại hoá thành phố và chủ yếu tập trung vào việc xây dựng những đại lộ rộng lớn trở thành trung tâm của hoạt động xã hội công cộng. Việc xây dựng lại thành phố cũng dẫn đến việc nảy sinh ý tưởng về flâneur: kẻ lười nhác hay người đi lang thang trong những không gian công cộng của thành phố, quan sát cuộc sống trong khi vẫn tách biệt khỏi đám đông. Trong nhiều bức tranh Ấn tượng, sự tách rời của flâneur gắn liền với sự hiện đại và bất hòa của cá nhân trong đô thị. 

Những chủ đề về đô thị này được mô tả trong tác phẩm của Gustave Caillebotte, một người ủng hộ sau này của phong trào Ấn tượng tập trung vào những khung cảnh toàn cảnh về thành phố và tâm lý người dân của thành phố ấy. Mặc dù phong cách của ông mang tính hiện thực cao hơn so với các nghệ sĩ Ấn tượng khác, những hình ảnh của Caillebotte, chẳng hạn như Paris, Ngày mưa (Paris, Rainy Day) (1877), thể hiện phản ứng của người nghệ sĩ đối với bản chất thay đổi của xã hội, cho thấy một flâneur trong chiếc áo choàng đen đặc trưng và chiếc mũ chóp cao của mình đi dạo trong không gian mở của đại lộ trong khi chăm chú nhìn vào người qua lại. 

Những nghệ sĩ Ấn tượng khác mô tả tính chất thoáng qua của chuyển động và ánh sáng trong đô thị, như bức Đại lộ Capucines (Boulevard des Capucines) (1873) của Monet và Đại lộ Montmartre, buổi chiều (The Boulevard Montmartre, Afternoon) (1897) của Pissarro. Tương tự nhau, những tác phẩm này nhấn mạnh sự sắp xếp mang tính hình học của không gian công cộng thông qua phác họa tỉ mỉ về các tòa nhà, cây cối và đường phố. Với việc áp dụng những nét vẽ thô sơ và những vệt màu mang đậm tính Ấn tượng, nghệ sĩ Ấn tượng đã gợi lên nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại như một khía cạnh chính của xã hội đô thị cuối thế kỷ XIX.

Paris, Ngày mưa (Paris, Rainy Day) (1877) – Gustave Caillebotte 
Đại lộ Capucines (Boulevard des Capucines) (1873 – 74) – Claude Monet. Đây là một phong cảnh đô thị điển hình của trường phái Ấn tượng. Việc đóng khung dạng chân dung, không bình thường với tranh phong cảnh, nhấn mạnh vào tầm nhìn của mắt người đối với khung cảnh.

Những phát triển sau này – Sau trường phái Ấn tượng

Mặc dù những nghệ sĩ Ấn tượng đã chứng tỏ được rằng họ là một nhóm đa dạng, họ vẫn thường xuyên gặp gỡ thảo luận về tác phẩm và cùng triển lãm. Nhóm đã hợp tác với nhau trong tám buổi triển lãm giữa những năm 1874 và 1886, nhưng trong suốt giai đoạn này, họ dần dần tan rã như là một nhóm nghệ sĩ (collective). Nhiều người cảm thấy đã làm chủ hoàn toàn những phong cách thử nghiệm ban đầu vốn là những phong cách khiến họ đạt được sự chú ý, và muốn tiếp tục khám phá những con đường sáng tạo khác. Những người khác, lo lắng về thất bại thương mại của tác phẩm, đã thay đổi hướng phong cách với hy vọng thu hút cơ hội bán hoặc sự bảo trợ tốt hơn.

Chiến thắng của trường phái Ấn tượng

Sự được công nhận tối hậu của phong trào Ấn tượng chủ yếu là thành tựu của Paul Durand-Ruel, một nhà buôn nghệ thuật người pháp sống ở London. Monet gặp Durand-Ruel vào năm 1871, nhà trưng bày này đã mua các tác phẩm thuộc chủ nghĩa Ấn tượng và trưng bày chúng ở London trong nhiều năm. Doanh thu lúc bấy giờ thì ít ỏi, nhưng từ cuối những năm 1880, ông bắt đầu trưng bày các tác phẩm Ấn tượng ở Hoa Kỳ và ngày càng thành công. 

Trong những năm tiếp theo, với việc trưng bày triển lãm ở New York, Philadelphia và Chicago, Durand-Ruel đã có thể thu hút được một lượng lớn người mua Hoa Kỳ mua nhiều tác phẩm Ấn tượng hơn toàn bộ tác phẩm Ấn tượng đã từng bán được ở Pháp cộng lại. Giá của những tác phẩm Ấn tượng tăng vọt, đến mức Monet trở thành triệu phú. Hơn thế nữa, chủ nghĩa Ấn tượng đã dần trở thành một sự chính thống về học thuật, đến nỗi cả một nhóm nghệ sĩ người Hoa Kỳ đã cùng đến dinh thự của Monet để học hỏi từ người dẫn đầu nhóm. 

Grand Salon của Grand-Durel ở phố Rue de Rome với bức tranh Điệu nhảy ở thành phố (Dance in the City) (1883) của Pierre Auguste-Renoir

Cézanne và sự dịch chuyển đến Hậu Ấn tượng

Trong khi đó, những bài học về phong cách đã được một thế hệ mới tiếp thu. Nếu Manet là cầu nối giữa Chủ nghĩa Hiện thực và Chủ nghĩa Ấn tượng thì Paul Cézanne là cầu nối giữa Chủ nghĩa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng. 

Cézanne học hỏi được rất nhiều từ kỹ thuật Ấn tượng, nhưng ông đã phát triển một phong cách xử lý màu có chủ ý hơn, và đến cuối đời, chú ý nhiều hơn về cấu trúc của những hình dạng mà những nét vẽ phóng khoáng, lặp đi lặp lại của ông đã miêu tả. Có lần ông từng nói, ông mong muốn “vẽ lại Poussin theo tự nhiên và làm cho trường phái Ấn tượng trở nên chắc chắn và bền vững với thời gian giống những Bậc thầy Cổ điển”. Cézanne ước muốn chia nhỏ các vật thể thành các thành phần hình học cơ bản và mô tả các khối dựng bản chất của chúng. Những thử nghiệm này cuối cùng cũng chứng minh được sức ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của Chủ nghĩa Lập thể của Pablo Picasso và Georges Braque. 

Jas de Bouffan (1876) – Paul Cézanne, một bức tranh thuộc thời kỳ Ấn tượng của ông bao gồm nhiều bức tranh thực hiện ở vùng Provence và Paris trong khoảng thời gian 1870 – 78

Những trường phái và hoạ sĩ của trường phái Hậu Ấn tượng

Trường phái Ấn tượng có tầm ảnh hưởng đến nỗi những nghệ sĩ trẻ tuổi hơn theo trường phái này đã tách nó ra thành nhiều hướng, tạo thành một chuỗi các nhóm và trường phái thường tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nằm ẩn dưới sự phát triển của Hậu Ấn tượng là một sự chia rẽ cơ bản hiển nhiên. Một mặt, có những hoạ sĩ và nhóm tập trung vào việc sử dụng màu và nét cọ để thể hiện đời sống tinh thần và cảm xúc của người hoạ sĩ hơn là những ấn tượng quang học thuần túy được truyền tải bởi những người tiên phong như Monet. Mặt khác, có những người cố gắng chính thức hóa và tinh chỉnh những kỹ thuật quang học là nền tảng của phong cách sơ khai của Ấn tượng. 

Những nhóm đầu tiên là Cloisonnism, chủ nghĩa Tổng hợp (Synthetism), và Nabis, cũng như các hoạ sĩ độc lập mà phong cách của họ không bị ràng buộc bởi một nhóm cụ thể nào, có lẽ đáng kể đến nhất là Paul Gauguin và Vincent van Gogh. Cloisonnism xuất hiện vào cuối những năm 1880 và những bước tiến ban đầu của nó thường được ghi công cho hoạ sĩ Émile Bernard và Louis Anquetin. 

Tác phẩm của họ trong giai đoạn này sử dụng các mảng lớn những màu sắc rực rỡ được phân tách bởi những đường viền đậm, làm cho các khối màu khác nhau gợi đến những bảng màu riêng lẻ hoặc “cloisonnés” của cửa sổ kính màu thời trung cổ. Cả hai hoạ sĩ đều dành thời gian ở cạnh Van Gogh, và cả cùng nhóm gọi là Pont-Aven của những họa sĩ ở vùng nông thôn Brittany, bao gồm Paul Sérusier và, trong một khoảng thời gian, Paul Gauguin. Serusier, Gauguin, Bernard và Anquetin cũng gắn liền với phong cách chủ nghĩa Tổng hợp, những kỹ thuật của họ và nguồn gốc gần giống với phong cách Cloisonnism, trừ việc đó là chủ nghĩa Tổng hợp thì ít sử dụng những đường viền dày của các tác phẩm của nghệ sĩ theo phong cách Cloisonnism.

Những người phụ nữ Breton trên đồng cỏ (Breton Women in the Meadow) (1888) – Émile Bernard. Đây là một tác phẩm nguyên mẫu của chủ nghĩa Cloison.

Trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất gắn liền với phong cách Cloisonnist-Synthetist là Thiên kiến sau buổi giảng đạo (Vision After The Sermon) (1888) của Gauguin và Bùa hộ mệnh (The Talisman) (1888) của Sérusier, bức Bùa hộ mệnh trở thành kim chỉ nam cho sự xuất hiện của nhóm Nabi, một nhóm với những tác phẩm kết hợp các khối màu sáng, giàu cảm xúc của phong cách Cloisonnism với một chiều sâu biểu tượng tôn giáo và tâm lý mới. Tại thời điểm này, câu chuyện của trường phái Hậu Ấn tượng bắt đầu giao thoa với những phong cách khác ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như Biểu tượng và Biểu hiện. 

Ở phía có phần nghiêm trang hơn và phản ánh mang tính khoa học hơn của những phản ứng đối với trường phái Ấn tượng là từ những họa sĩ gắn liền với phong cách Điểm chấm, bao gồm Georges Seurat và Paul Signac. Như nhà phê bình Peter H. Feist chỉ ra, những nghệ sĩ này đã tập trung rất nhiều vào những tiến bộ trong quang học suốt cuối thế kỷ XIX, đặc biệt là việc khám phá ra – cũng quan trọng với nghệ sĩ Ấn tượng – rằng “màu sắc truyền đến mắt dưới dạng ánh sáng có các bước sóng khác nhau, và được hòa lẫn trong mắt để tạo thành màu sắc tương ứng với vật thể được nhìn thấy”. Do đó, “nếu một người hoạ sĩ đặt những chấm nhỏ của những màu sắc cơ bản không bị trộn lẫn cạnh nhau theo đúng cách thì mắt sẽ cảm nhận chúng đúng với tông màu mong muốn khi nhìn từ một khoảng cách nhất định; và tông màu đó sẽ trông sáng hơn so với khi nó được hoà trộn theo cách thông thường, trên bảng màu hoặc trên toan”

Thiên kiến sau buổi giảng đạo (Vision After The Sermon) (1888) – Paul Gauguin
Bùa hộ mệnh (The Talisman) (1888) – Paul Sérusier.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của phong cách nghệ thuật Điểm chấm là Một buổi chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte (A Sunday Afternoon on the Island of La Grande Jatte) (1884 – 86) của Seurat. Các tác phẩm của Van Gogh, với nét vẽ nổi bật và lặp lại như thôi miên, theo một nghĩa nào đó có thể được xem như là tổng hợp của những phẩm chất phong cách rõ rệt của Điểm chấm và sức hấp dẫn cảm xúc mãnh liệt của phương pháp tiếp cận của Cloisonnism-Synthetism

Trường phái Ấn tượng trên khắp thế giới

Ngay cả khi trường phái Ấn tượng ở Pháp bị vượt qua bởi những tiến bộ của Hậu Ấn tượng thì di sản của nó vẫn được lan rộng khắp các châu lục. Một trong số những nhóm nghệ sĩ Ấn tượng nổi tiếng thế giới nhất là phong trào Ấn tượng Hoa Kỳ, không chỉ liên quan đến Cassatt và còn với những họa sĩ như William Merritt Chase, người áp dụng kỹ thuật Ấn tượng vào phong cảnh và trường phái tư sản toàn cầu của xã hội Hoa Kỳ cuối thế kỷ XIX; Childe Hassam, nổi tiếng với những cảnh miền ven biển và cảnh thành phố đầy sống động; và Maurice Prendergast, người tạo dựng nên phong cách Hậu Ấn tượng Bắc Mỹ đặc biệt. Những nhóm đáng chú ý khác của Ấn tượng trong thế giới anh ngữ bao gồm nhóm Ấn tượng Úc, gắn liền với tác phẩm của Tom Roberts và Arthur Streeton, bên cạnh những người khác, và những bản màu bụi bặm của khí hậu và địa hình địa phương. 

Phong trào Ấn tượng Anh vào cuối thế kỷ XIX cũng đặc biệt quan trọng. James Abbott McNeill Whistler, rời bỏ Hoa Kỳ và đến London, là người tiên phong trong phong cách vẽ tranh lỏng tay, trong loạt Dạ khúc (Nocturne) nổi tiếng của mình, đã truyền tải một cách xuất sắc sự u ám và sức quyến rũ huyền bí của màn đêm buông xuống trên sông Thames. Philip Wilson Steer, khi đó trở nên gắn bó với cảnh biển theo trường phái Ấn tượng, đặc biệt là với những tác phẩm tập trung vào phong cảnh của Cornwall và miền Tây Nam nước Anh, trong khi hoạ sĩ người Scotland, William McTaggart, cho ra đời những cảnh biển sóng gió hơn, mang hơi hướng phong cảnh ven biển hoang dã của quê hương ông. Những nhóm Ấn tượng quan trọng khác nổi lên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nơi Max Liebermann là một trong những nhân vật chủ chốt của trào lưu, và cả ở Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch.

Dạ khúc màu đen và vàng (Nocturne in Black and Gold) (1875) – James Abbott McNeill Whistler

Thế kỷ XX

Ngay cả sau sự sụp đổ của các nhóm Hậu Ấn tượng, nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục tìm đến trường phái Ấn tượng. Mặc dù phong trào không được coi là có tác động mạnh mẽ đến chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng nhưng người ta có thể tìm ra những điểm tương đồng quan trọng trong các tác phẩm của các nghệ sĩ. Philip Guston từng được mô tả như một “nghệ sĩ Ấn tượng Hoa Kỳ” ngày sau, và chất lượng bề mặt, gợi ý về ánh sáng và cách xử lý hình dáng “toàn diện” trong tác phẩm của Pollock, tất cả đều chỉ đến đến tác phẩm của Claude Monet. 

Phong trào Op Art của những năm 1960 thường được xem là một sự phát triển cấp tiến dựa trên lý luận cơ bản của trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng, với sự nhấn mạnh vào cái gọi là “Con mắt phản ứng” (“Responsive Eye”) (một thuật ngữ đặt ra tiêu đề cho một triển lãm Op Art nổi tiếng năm 1964). Cũng giống như những nghệ sĩ Ấn tượng đã nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa việc màu sắc được cảm nhận bằng mắt như thế nào và việc nó được xử lý bởi bộ não như thế nào, những nghệ sĩ Op Art như Bridget Riley, một tín đồ cuồng nhiệt của George Seurat, đặt tiền đề cho những bức tranh trừu tượng gây nhức mắt của mình là việc các hình dạng tĩnh có thể được vẽ ra như thể chúng đang chuyển động dựa trên sự sắp xếp nhất định của đường nét, màu sắc, và hình dáng. 

Sóng (Wave) (1963)Bridget Riley, tác phẩm hoàn toàn được vẽ bằng tay

Trường phái Ấn tượng trong âm nhạc và văn học

Cũng cần nhớ rằng, trong khi trường phái Ấn tượng là một phong trào của nghệ thuật thị giác, nó đã đáp lại và tạo ảnh hưởng đến một loạt hình thái và thể loại khác nghệ thuật. Chúng bao gồm âm nhạc – như trong những tác phẩm mơ mộng, lãng mạn của Claude Debussy và Maurice Ravel – và, quan trọng nhất là thể loại văn chương văn xuôi. Nhà văn người Pháp Émile Zola không chỉ là một người ủng hộ nhiệt thành của trường phái Ấn tượng mà còn mang đến một sự thúc đẩy tiêu biểu rất giống với trường phái Ấn tượng vào các phẩm của mình, cố gắng tái hiện lại sự phức tạp trong nhận thức và cảm nhận của con người thông qua lời văn của ông. Thật vậy, những cuốn tiểu thuyết của ông được ra đời trong một khoảng thời gian gần như trùng khớp với thời gian tồn tại của phong trào Ấn tượng. 

Trong khi trường phái Ấn tượng tim cách truyền tải hình ảnh trực quan của một cảnh cụ thể ở một thời điểm cụ thể thì phong cách viết văn của Zola đã phát triển, được gọi là chủ nghĩa Tự nhiên, lại tìm cách truyền tải cách mà thế giới hiện trong suy nghĩ và trong cảm xúc của một cá nhân cụ thể. Trong cuốn sách Tác phẩm bậc thầy, Zola thậm chí còn kể lại khó khăn của phong trào Ấn tượng dưới dạng ngụ ngôn. Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của một nghệ sĩ trẻ sống tại Pháp đang đấu tranh để được công nhận và chấp nhận một phong cách mới táo bạo, nhưng lại rơi vào cảnh nghèo đói và không được quan tâm. Câu chuyện được kể theo một phong cách chuyển đổi logic hình ảnh của trường phái Ấn tượng sang thế giới của nhận thức, suy nghĩ và cảm xúc chủ quan.

Dịch: Khánh Nguyên



Cùng tác giả

#Tag

Cézanne Hương Mi Lê Lê Hương Mi Manet Monet Series Lịch sử thiết kế đồ họa trào lưu ấn tượng trường phái ấn tượng

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…