Chủ nghĩa Ấn tượng (phần 3) - Những tác phẩm nổi bật

Trong phần cuối cùng của loạt bài về trào lưu chủ nghĩa Ấn tượng, như thường lệ, ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của trào lưu được sắp xếp theo trình tự thời gian.

1863: Bữa trưa trên cỏ của Édouard Manet

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris

Bữa trưa trên cỏ (Le déjeuner sur l’herbe) của Édouard Manet có lẽ là tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất của thế kỷ XIX. Bức tranh đã gây ra phẫn nộ với sự miêu tả “trần trụi” hình tượng khoả thân trong một khung cảnh đương đại và bị những giám khảo cấp cao của salon cùng những khán giả tầng lớp trung lưu thời đó khinh miệt. Nhưng điều này cũng mang lại cho Manet danh tiếng và sự bảo trợ.

Bị từ chối bởi triển lãm Paris vào năm 1863, bức tranh trở thành tác phẩm gây tranh cãi nhất trong số các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm được gọi là “Salon des Refusés” (“Triển lãm của những tác phẩm bị từ chối”) được tổ chức cùng năm nhằm xoa dịu những nghệ sĩ bị từ chối bởi triển lãm chính. Bức tranh miêu tả hai người đàn ông mặc đầy đủ quần áo đi dã ngoại với một người phụ nữ khoả thân, trong khi một người phụ nữ khác mặc đồ hở hang đang tắm ở phía sau. Bằng cách loại bỏ hình ảnh nữ khoả thân ra khỏi bối cảnh chính thống của thần thoại và phong cách phương Đông, và việc vẽ người phụ nữ đối đầu với người xem một cách quyết đoán bằng ánh mắt của cô ấy, Manet khiêu khích văn hoá tư sản của những năm 1860 ở Paris, và đặt nền tảng của người tiền tiến cho những hoạt động sau này.

Édouard Manet sinh năm 1832 trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu với những mối quan hệ văn hoá và chính trị mạnh mẽ. Xét về tuổi tác, ông cảm thấy bản thân nằm giữa thế hệ những người theo chủ nghĩa Hiện thực vĩ đại, như là Gustave Courbet, và những người theo chủ nghĩa Ấn tượng, hầu hết đều sinh vào những năm 1840. Điều mỉa mai lớn đối với danh tiếng như là một người gây ra tranh cãi của Manet đó là, trong suốt cuộc đời của mình, ông đều theo đuổi và đạt được thành công chính thống, nhìn chung ông có nhiều tác phẩm được trưng bày ở các cuộc triển lãm Paris chính thức hơn những người bạn đồng hành cùng theo chủ nghĩa Ấn tượng trẻ tuổi hơn.

Tương tự, mặc dù ông thân với những nghệ sĩ Ấn tượng và cùng trưng bày với họ – bây giờ ông thường được giới thiệu là một trong số họ – nhưng phong cách của ông trên một số phương diện thì lại rất khác. Ông ít phụ thuộc hơn vào kỹ thuật vẽ tranh ngoài trời (en plein-air) so với hầu hết các nghệ sĩ Ấn tượng. Trong khi những nghệ sĩ như Monet sử dụng các nét vẽ lỏng tay, hiển hiện và các bảng màu pha để khắc hoạ các hiệu sắc độ tinh tế, thì Manet thích những đường viền sắc nét hơn và những sự tương phản màu sắc phóng đại, thường đặt các vùng tối và sáng lại gần nhau (như sự tương phản giữa da thịt trần truồng và bóng râm trong Bữa trưa trên cỏ).

Tuy nhiên, Bữa trưa trên cỏ vẫn đứng ở tiền tuyến của toàn bộ ‘dự án’ trường phái Ấn tượng với sự từ bỏ không chút sợ hãi của nó khỏi những hình thức và kỹ thuật được kế thừa. Từ mặt phẳng hình ảnh được làm phẳng một cách tinh tế cho đến sự thách thức của các hoạ tiết lâu đời về đỉnh cao của tranh khoả thân, mọi thứ về bức họa của Manet đều gây sốc và thậm chí là mang tính chế giễu. Những nghệ sĩ Ấn tượng được truyền cảm hứng bởi tấm gương của Manet, từ đó đi theo con đường sáng tạo của riêng họ, và mặc dù chủ đề của họ nhìn chung ít táo bạo hơn so với bức dã ngoại khoả thân của Manet, nhưng tác phẩm đi đầu của ông đã mở ra con đường tất yếu để họ làm việc theo cách mà họ muốn.

1872: Ấn tượng, Mặt trời mọc của Claude Monet

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Marmottan Monet, Paris

Bức tranh Ấn tượng, Mặt trời mọc (Impression, Sunrise) của Monet đôi khi được xem là tác phẩm khai sinh ra phong trào Ấn tượng, mặc dù vào thời điểm nó được vẽ ra, Monet trên thực tế chỉ là một trong số những nghệ sĩ đã làm việc theo phong cách mới rồi. Tuy nhiên, chắc chắn, chính là bình luận mang tính xúc phạm của nhà phê bình Louis Leroy dành cho tác phẩm này và tiêu đề của nó, trong một bài đánh giá châm biếm Triển lãm Ấn tượng Đầu tiên vào năm 1874, đã dẫn đến sự ra đời của thuật ngữ “Ấn tượng”. Bài đánh giá của Leroy đã sử dụng thuật ngữ này như một sự xúc phạm hài hước, nhưng trường phái mới này của các họa sĩ đã nhanh chóng tiếp nhận nó với tinh thần tự hào và thách thức.

Claude Monet sinh ra trong một gia đình thương gia thuộc tầng lớp trung lưu ở Paris. Cha mẹ của ông rất chăm chỉ và ổn định về tài chính nhưng không phải giàu có hay quý tộc, và trong suốt giai đoạn đầu của sự nghiệp, Monet đã phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại với tư cách là một hoạ sĩ. Khi ông còn nhỏ, gia đình của ông chuyển từ Paris đến Le Havre, và dù cho Monet trở lại Paris vào đầu những năm 1960 để được đào tạo như một nghệ sĩ, nhưng chính trong chuyến thăm gia đình của ông ở Le Havre vào năm 1872 thì ông mới cho ra đời bức tranh này và nhiều tác phẩm tương tự khác.

Điều nổi bật ở Ấn tượng, Mặt trời mọc là sự liên tục của bảng màu sắc giữa biển, đất và trời. Tất cả đều được tắm mình trong sắc xanh nước biển, sắc cam và xanh lá dịu dàng của bình minh. Chủ thể của bức tranh không phải là thành phố mà nó miêu tả, cũng không phải người lái thuyền vô danh băng qua dòng nước, mà là sự ấm áp bao trùm và màu sắc của chính ánh mặt trời, hay đúng hơn là “ấn tượng” mà nó tạo cho những cảm quan tại một khoảnh khắc nhất định. Bức tranh về ánh sáng và những hiệu ứng ánh sáng theo thời gian cụ thể này đánh dấu phong cách mới.

Ấn tượng, Mặt trời mọc là một trong số những bức vẽ cùng một cảnh Monet đã cho ra đời vào năm 1872. Cách tiếp cận chủ đề mang tính hàng loạt nối tiếp là phương pháp điển hình của người hoạ sĩ. Trong các trường hợp khác, Monet tạo ra những loạt lớn tác phẩm nối tiếp miêu tả cùng một cảnh ở các khoảng thời gian khác nhau trong ngày, hoặc trong các mùa khác nhau, nhấn mạnh cách mà ánh sáng và bầu không khí dịch chuyển trong những khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ nổi tiếng nhất của hiệu ứng này là trong 25 bức tranh tạo nên chuỗi Les Meules à Giverny (1890 – 91), được dịch qua tiếng Anh là “The Haystacks” (“Đống rơm”).

1874 – Sương mù, người láng giềng của Alfred Sisley

Sơn dầu trên toan  – Bảo tàng Orsay, Paris

Khung cảnh đồng quê tuyệt đẹp của Alfred Sisley trong bức Sương mù, người láng giềng (Fog, Voisins) thể hiện một bảng màu nhẹ nhàng, gợi lên sự yên tĩnh và thanh bình, đồng thời nhấn mạnh vào khí chất cũng như bầu không khí của một phong cảnh hơn là các chi tiết cụ thể và hình dáng con người. Nhân vật nữ chính của bức tranh này, đang bình thản hái hoa, gần như bị che khuất bởi màn sương mù dày đặc bao phủ đồng cỏ. Như trong phần lớn tác phẩm của Sisley, con người dường như hoà vào khung cảnh thiên nhiên, trở thành một khía cạnh và cả biểu hiện của một thế giới tự nhiên rộng lớn hơn.

Sinh ra ở Pháp với cha mẹ là người Anh, Alfred Sisley đã gặp Pissarro và Monet ngay từ khi mới nhóm mới thành lập, trở thành bạn học ở xưởng vẽ của hoạ sĩ người Thuỵ Sĩ Charles Gleyre vào năm 1862. Sisley và Monet tiếp tục trở thành những người ủng hộ tận tâm và tỏa sáng nhất của kỹ thuật vẽ en plein air, nhưng độ may mắn của họ đưa họ đến những hướng khác nhau. Trong khi Monet thuộc tầng lớp trung lưu đã gặt hái được thành công về tài chính và danh tiếng vào cuối đời mình, thì người con trai của nhà buôn tơ lụa Sisley, sinh ra trong gia đình giàu có, lại ra đi trong hoàn cảnh tương đối nghèo khổ sau khi công việc kinh doanh của cha ông thất bại trong chiến tranh Pháp-Phổ những năm 1870 – 71. Những bức tranh của Sisley không mang lại thành công thực sự về mặt tài chính cho đến khi ông mất. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ được nhiệt huyết trong suốt cuộc đời mình, và dốc hết lòng mình cho những lý tưởng của trường phái Ấn tượng.

Thật vậy, bức họa Sương mù, người láng giềng gợi lên rằng Sisley có lẽ là hoạ sĩ Ấn tượng tinh túy nhất của cả nhóm. Hầu như chỉ tập trung vào miêu tả ánh sáng và bầu không khí trong khi giảm bớt sự quan trọng của hình dáng con người – một cách tiếp cận mà nhiều người trong số những đồng nghiệp của ông cảm thấy chán nản trong sự nghiệp sau này của họ – Sisley cho thấy tất cả tâm huyết của mình dành cho việc miêu tả khoảnh khắc của nhận thức.

1874: Trong công viên của Berthe Morisot

Phấn màu trên giấy – Bảo tàng Petit Palais, Paris

Là một nghệ sĩ quan trọng của nhóm nghệ sĩ trường phái Ấn tượng, Berthe Morisot được biết đến với cả những bức tranh chân dung thu hút và những bức tranh phong cảnh đầy cảm xúc của bà. Trong công viên (In park) kết hợp những yếu tố này trong bức chân dung gia đình an yên với bối cảnh tại một khu vườn ở miền quê. Giống như Mary Cassatt, Morisot được công nhận vì những bức chân dung về địa hạt rất riêng tư của xã hội nữ giới, hơn là cảnh quán cà phê hỗn độn với nhiều người bạn đồng nghiệp nam của bà. Như trong hình ảnh tĩnh lặng của cuộc sống gia đình, bà thường tập trung vào mối liên kết mẫu tử. Việc xử lý lỏng tay phấn màu, một phương thức được tiếp thu bởi nhiều nghệ sĩ Ấn tượng, và việc áp dụng một cách rõ ràng màu sáng và hình dáng, là những đặc trưng chính trong tác phẩm của bà.

Berthe Morisot sinh năm 1841 trong một gia đình giàu có và quan hệ rộng, với một mối quan hệ gắn kết với gia đình Manet. Mặc dù bà là một hoạ sĩ với kỹ năng phi thường, nhưng trong một khoảng thời gian dài, bà được định danh là nàng thơ,  cũng nhiều như là một nghệ sĩ, trong những bức chân dung của nhóm các nghệ sĩ Ấn tượng, một phần vì Édouard Manet cho ra đời một số lượng lớn những bức chân dung của bà, nhấn mạnh vào những nét kín đáo, tính cách trầm tư và bí ẩn và sự quyến rũ gợi cảm đầy tinh tế của bà (Morisot cuối cùng đã kết hôn với em trai Eugéne của Manet).

Morisot là người phụ nữ duy nhất góp mặt trong buổi triển lãm Ấn tượng đầu tiên vào năm 1874. Dĩ nhiên, sự hiện diện của một người phụ nữ giữa một nhóm họa sĩ cấp tiến đã làm dấy lên tranh cãi xung quanh cả họ và bà. Morisot trước đây là một hoạ sĩ hàn lâm khá thành công, nhưng để một người phụ nữ gắn bản thân mình với những vụ tai tiếng của một trường phái mới thì được xem là một điều hết sức ngạo mạn.

Vào năm 1894, Berthe Morisot được nhà phê bình Gustave Geffroy mô tả là một trong ba hoạ sĩ nữ vĩ đại của trường phái Ấn tượng, cùng với Marie Bracquemond và Cassatt người Mỹ. Nhưng Morisot là người duy nhất trong cả ba được kết nạp vào nhóm ngay từ đầu, tham gia vào việc thành lập Hội Nghệ sĩ, Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc, Thợ khắc ẩn danh (Société Anonyme des Artistes, Peintres, Sculpteurs, Graveurs) và hình thành những buổi triển lãm nhóm đầu tiên bị giới phê bình ghét bỏ. Như vậy, bà có thể được xem là một trong số những hoạ sĩ quan trọng nhất của nhóm nghệ sĩ Ấn tượng và là một trong những nữ nghệ sĩ hiện đại quan trọng và đột phá nhất mọi thời đại.

1876: Ly rượu Absinth của Edgar Degas

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Orsay, Paris

Khung cảnh ảm đạm này, miêu tả hai con người bất hạnh ngồi sụp xuống băng ghế bên ngoài một quán cà phê ở Paris, truyền tải một cảm giác sâu sắc về sự cô lập và suy đồi, cho thấy khía cạnh khác của việc nhấn mạnh vào sự thật cuộc sống của những nghệ sĩ Ấn tượng. Màu sơn được xử lý nặng nề của Degas truyền đạt nét đặc biệt của gánh nặng cảm xúc mà đối tượng của ông thể hiện, điều tới lượt nó đại diện cho tổng thể bầu không khí ngột ngạt của demi-monde (thuộc thế kỷ XIX ở Pháp, ám chỉ một nhóm người (phụ nữ) nằm ngoài rìa chuẩn mực của xã hội, không được tôn trọng) ở Paris. Tác phẩm gây tai tiếng, giống như nhiều bức tranh Ấn tượng khác, khi nó được trưng bày lần đầu tiên, tại cuộc triển lãm Ấn tượng lần thứ hai vào năm 1876. Nhà văn người Ireland George Moore đã nhận xét về chủ đề phụ nữ của nó: “một cuộc sống vô định và thấp hèn hiện trên gương mặt của cô ta, chúng ta đọc ra cả cuộc đời của cô ở đó”.

Sinh năm 1834, Degas hơi lớn tuổi hơn phần lớn những người theo trường phái Ấn tượng, và phong cách của ông tiếp tục cho thấy những khác biệt rõ ràng đối với cách tiếp nhận của nhóm trong suốt sự nghiệp của mình (thật vậy, Degas đã từ chối danh hiệu nghệ sĩ Ấn tượng suốt cuộc đời của ông). Trong khi những nghệ sĩ Ấn tượng như Monet và Sisley lược bỏ, ở các mức độ khác nhau, miêu tả diện mạo và chi tiết cơ thể con người thì Degas lại quan tâm sâu sắc đến hình dáng con người, đặc biệt là bắt giữ được chuyển động của nó. Các bức tranh của ông thường miêu tả một nhóm người, hoặc tĩnh (như trên), hoặc chuyển động (như trong các bức tranh nổi tiếng của ông về những vũ công ballet lúc đang diễn tập), với chủ nghĩa tự nhiên xuất sắc. Những tác phẩm của Degas cũng gợi sự chú ý đến chi tiết trái ngược với phong cách ngẫu hứng của trường phái Ấn tượng. Thật vậy, Degas nổi tiếng với các tiếp cận chặt chẽ và có phương pháp của ông. Ông cấm tất cả những người khách đến thăm xưởng của mình, ông làm việc cần cù với các toan vẽ của mình cả ngày. “Tôi đảm bảo với bạn, không có nghệ thuật nào ít ngẫu hứng như của tôi đâu”.

Điều gắn kết tác phẩm của Degas với phong trào Ấn tượng là, một mặt, sự tập trung vào việc nắm bắt tính ngẫu hứng trong tác phẩm của ông, ngay cả khi nó không phải là một đặc trưng trong sáng tác, và mặt khác, sự quan tâm đến cuộc sống hàng ngày tượng trưng cho lợi ích của chính nó. Trước tác phẩm của những nghệ sĩ Hiện thực và Ấn tượng sau này, việc vẽ tranh cảnh sinh hoạt được xem là một con đường sáng tạo kém hơn và mang tính thoát ly. Những gì Degas đạt được với bức tranh Ly rượu Absinth (L’Absinthe) (một loại rượu mạnh màu xanh lá cây làm từ cây ngải cứu với sự bổ sung của cây hồi và cây thì là, được mệnh danh là “cô tiên xanh” vì mang lại ảo giác cho người uống và do vậy từng bị cấm bán sau khi rất thịnh hành vào đầu thế kỷ 20) và các tác phẩm tương tự là nâng tầm các khía cạnh khiêm tốn và tầm thường của cuộc sống con người lên vị thế của nghệ thuật nghiêm túc.

1877: Đường phố Paris, Ngày mưa của Gustave Caillebotte

Sơn dầu trên toan – Viện Nghệ thuật Chicago

Trong khi tác phẩm của Gustave Caillebotte tuân thủ theo một thẩm mỹ Hiện thực rõ ràng, nó cũng phản ánh một mối quan tâm với thế giới hiện đại vốn là trung tâm của chủ nghĩa Ấn tượng. Đường phố Paris, Ngày mưa (Paris Street, Rainy Day) cho thấy xu hướng này trong tác phẩm nghệ thuật của Caillebotte. Góc nhìn toàn cảnh đại lộ lất phất mưa cho chúng ta thấy thủ đô Paris mới được cải tạo, trong khi những nhân vật vô danh đứng khuất phía sau trong bức tranh dường như gói gọn được sự tha hoá của cá nhân trong đô thị hiện đại. Bức tranh tập trung vào ánh mắt thờ ơ của nhân vật nam ở phía trước, hiện thân của sự tách rời lạnh lùng của flâneur, đĩnh đạc trong chiếc áo choàng đen đặc trưng và chiếc mũ chóp. Giống như những bức tranh khác của Caillebotte, tác phẩm này khám phá tác động của cái hiện đại lên tâm lý con người, những ấn tượng thoáng qua về đường phố, và ảnh hưởng của sự thay đổi của môi trường đô thị đối với xã hội.

Caillebotte là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất gắn liền với trường phái Ấn tượng, sinh ra trong gia đình thuộc giới thượng lưu giàu có vào năm 1848. Sự giàu có của cá nhân ông có nghĩa là ông có khả năng hỗ trợ những hoạ sĩ đồng nghiệp của mình như một nhà bảo trợ, đồng thời cũng trưng bày triển lãm cùng với họ. Có lẽ đây là một phần lý do mà ông trở nên kết nối với họ, vì, mặc dù với tài hoa của mình, trong cách tiếp cận của ông có một vài điểm khác biệt.

Chẳng hạn, ông chú ý nhiều đến các chi tiết của hình dạng con người, và nét vẽ tương đối gần gũi, mang tính tự nhiên của ông thì gần với tinh thần truyền thống của chủ nghĩa Hiện thực hơn chủ nghĩa Ấn tượng. Tác phẩm của Caillebotte thường được so sánh với Degas về phương diện này. Hơn nữa, cả hai nghệ sĩ đều bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiếp ảnh, thường đóng những khung cảnh của họ theo cách mà chúng có vẻ giống như những bức ảnh chụp nhanh hơn là những sự sắp cẩn thận, với những tòa nhà và phần thân người bị chia làm đôi bởi phần mép của các toan vẽ (như ở trên, hay trong Place de la Concorde (1875) của Degas).

Bất chấp những điểm này, các tác phẩm của Caillebotte rất quan trọng việc thúc đẩy sự nhấn mạnh của chủ nghĩa Ấn tượng vào việc miêu tả cuộc sống hàng ngày. Thật vậy, mặc dù với xuất thân của mình, ông vẫn rất thành thạo trong việc ghi lại cuộc sống lao động và tâm lý của người dân Paris mỗi ngày: không chỉ là trong những khung cảnh của đô thị trung lưu nhàm chán như Đường phố Paris, mà còn trong những khung cảnh lao động chân tay như bức tranh đồ sộ năm 1875 Những người thợ chà nhám sàn nhà (The Floor Scrapers).

1880: Tại nhà hát Opera của Mary Cassatt

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Boston, Massachusetts

Phần lớn tác phẩm của Mary Cassatt tập trung vào các vùng ven và dân cư của Paris dưới thời “Haussman hoá”, đồng thời nhấn mạnh đặc biệt đời sống riêng tư và công khai của phụ nữ.

Tại đây, trong bức Tại nhà hát Opera (At the Opera) bà miêu tả Palais Garnier mới được xây dựng của nhà hát Opera Paris, địa điểm lui tới thường xuyên của các tầng lớp thượng lưu của thành phố. Như bức tranh thể hiện, nhà hát không chỉ là địa điểm văn hoá, giải trí mà còn là nơi để nhìn và được nhìn. Tư thế của người phụ nữ, đang hướng chiếc ống nhòm của cô về phía sân khấu, được phản chiếu cũng chính bởi đối tượng chính bên kia phòng hoà nhạc, người hướng ống nhòm của mình về phía cô. Qua phần bố cục hóm hỉnh này, Cassat gửi gắm một sự suy ngẫm đầy thích thú về hành động nhìn ngắm, mối quan tâm chính của những người đi theo chủ nghĩa Ấn tượng, và có lẽ cũng là về số nhiều những nữ nghệ sĩ, người được quan sát và đánh giá về mặt thị giác cả khi họ cố tìm cách trở thành người quan sát.

Người Mỹ sống xa xứ Mary Cassatt sinh năm 1844 tại Pennsylvania, là con gái của một nhà môi giới chứng khoán thành đạt. Gia đình của bà là một gia đình truyền thống có văn hoá, nhưng bà theo đuổi cuộc sống của một nghệ sĩ và flâneuse, được đào tạo tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania trước khi chuyển đến Paris vào năm 1866 (trở về Mỹ trong một thời gian ngắn trong suốt chiến tranh Pháp – Phổ thuộc năm 1870 – 71).

Ban đầu Cassatt gửi những bức tranh đến những Salon chính thức nhưng bà dần dần cảm thấy vỡ mộng với phong cách và chủ đề truyền thống được đưa ra bởi người có thẩm quyền cũng như sự hợm hĩnh và phân biệt giới tính ngấm ngầm của tổ chức nghệ sĩ Paris. Vào cuối những năm 1870, bà trở nên thân thiết với những nghệ sĩ Ấn tượng và tác phẩm của bà bắt đầu phản ánh những đặc điểm của trường phái này qua hình thức và chủ đề. Giống như nhiều đồng nghiệp phái nữ của mình, bà tập trung nhiều vào các đối tượng là phụ nữ và thế giới xã hội.

Là một người ủng hộ nữ quyền, Cassatt đóng một vai trò quan trọng trong việc sử dụng các kỹ thuật của trường phái Ấn tượng để thể hiện cuộc sống, suy nghĩ và cảm xúc của những người phụ nữ. Sự hiện diện của bà với tư cách là một người Mỹ xa xứ ở Paris cũng là một biểu tượng cho mối quan hệ bền chặt giữa trường phái Ấn tượng ở Pháp và ở Bắc Mỹ từ những năm 1880 trở đi. Sau tất cả, cho đến sau khi ra mắt tại thị trường Mỹ thì nghệ sĩ Ấn tượng cuối cùng cũng đạt được thành công thật sự về tài chính.

1885: Cô bé với chiếc vòng của Pierre-Auguste Renoir

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, D.C.

Vào giữa những năm 1880, Renoir được đặt vẽ một bức chân dung của một cô bé chín tuổi, Marie Goujon. Một vài năm trước đó, sau chuyến đi đến Ý, ông đã được truyền cảm hứng bởi tác phẩm của các hoạ sĩ thời Phục Hưng để phát triển một phong cách mới mà ông đặt tên là “aigre” (“chua”), chỉ một sự nhấn mạnh mới về độ cứng và rõ ràng của hình dạng. Sử dụng kỹ thuật “aigre” để tạo nên bức tranh mới của mình, ông sử dụng những nét vẽ dày, dài để gợi lên chuyển động tự nhiên trong hậu cảnh của tác phẩm và những nét vẽ mềm mại, có kết cấu được bổ sung bởi các đường cứng để khắc hoạ cô gái nhỏ ở tiền cảnh.

Mặc dù bức vẽ thể hiện một bước tiến trong kỹ thuật của Renoir, sự thay đổi trong cách xử lý màu sơn và chân dung của cô gái trẻ đang chơi đùa gợi đến tâm trạng vô tư trong toàn bộ tổng thể tác phẩm của ông. Trong khi những nghệ sĩ Ấn tượng khác tập trung vào các chủ đề hiện sinh như sự xa lánh trong xã hội hiện đại, thì khuynh hướng của Renoir vẫn giữ sự nhẹ nhàng, thư thái, với phần lớn các tác phẩm của ông miêu tả các hoạt động giải trí và những người phụ nữ xinh đẹp.

Sinh năm 1841, Renoir có xuất thân khiêm tốn hơn nhiều so với những người bạn cùng trang lứa, cha của ông là một thợ may đã chuyển gia đình đến Paris hòng có tương lai tốt đẹp hơn. Vào năm 1862, Renoir ghi danh tại xưởng vẽ của Charles Gleyre, nơi ông gặp Monet và Sisley, và vì vậy, trở thành một trong những thành viên ban đầu của nhóm trường phái Ấn tượng non trẻ. Giống với Monet, Renoir yêu thích việc sử dụng ánh sáng tự nhiên trong các bức tranh của mình. Tuy nhiên, đến những năm 1880, ông đã không còn hài lòng với việc bắt lấy các hiệu ứng hình ảnh thoáng qua. Cảm thấy mình đã “vắt kiệt chủ nghĩa Ấn tượng”, và mất hết cảm hứng hay mong muốn vẽ tranh, Renoir bắt đầu tìm kiếm sự rõ ràng hơn ở hình dạng. Kết quả của quá trình này là việc ông đã khám phá ra kỹ thuật “aigre”.

Khi chuyển từ việc miêu tả nhận thức nhất thời sang một cách sử dụng nét vẽ mang tính biểu hiện hơn, sự phát triển của Renoir với tư cách là một hoạ sĩ sau này trong sự nghiệp của ông dự đoán về sự xuất hiện của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism), theo đó nét vẽ trở nên có chủ ý và khí chất bao giờ hết. Vì lý do này và những lý do khác, bao gồm cả sự gần gũi của ông với những nghệ sĩ chủ chốt khác của phong trào, Renoir là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế hệ trường phái Ấn tượng.

1897: Đại lộ Montmartre, Xế chiều của Camille Pissarro

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng State Hermitage, St. Petersburg

Đại lộ Montmartre, Xế chiều (The Boulevard Montmartre, Afternoon) của Pissarro áp dụng nhiều kỹ thuật từ tranh phong cảnh vẽ ngoài trời trước đó của ông cho thành phố hiện đại. Tác phẩm sử dụng nét cọ lớn, được đưa cẩn thận lên toan vẽ, để thể hiện bản chất thoáng qua của cuộc sống hiện đại, và ấn tượng thị giác tạo bởi siêu đô thị. Đây là một trong một loạt các bức tranh, được vẽ trong phòng của Pissarro tại khách sạn Russie nhìn ra phía đường phố, miêu tả cùng một cảnh qua nhiều thời điểm khác nhau trong ngày và các mùa khác nhau trong năm. Loạt tranh này nhấn mạnh những hiệu ứng thay đổi của ánh sáng tự nhiên với bối cảnh đô thị, dẫn đến sự phản ánh về sự trôi qua của thời gian và sự biến đổi của thành phố.

Pissarro là một trong những người lớn tuổi nhất trong nhóm các nghệ sĩ Ấn tượng, được Cézanne gọi là “nghệ sĩ Ấn tượng đầu tiên”. Mang dòng máu lai giữa Do Thái-Pháp-Bồ Đào Nha, ông sinh năm 1830 trong một gia đình thương gia trên hòn đảo St. Thomas nhỏ bé ở Caribbean. Những bức tranh thời đầu của Pissarro miêu tả những bãi biển ngập nắng và những cây cọ trên hòn đảo quê nhà của ông, nhưng ông đã theo học trường nội trú ở Paris từ khi còn nhỏ, và chuyển đến đó ở luôn vào năm 1855.

Ông trở nên được kính trọng trong số những hoạ sĩ Ấn tượng khác bởi kỹ năng nghệ thuật và sự thông thái của mình, những tác phẩm của ông đặc trưng bởi một bảng màu sáng, miêu tả phong cảnh yên tĩnh, và sự đại diện của ánh sáng tự nhiên. Pissarro từng là người cố vấn cho nhiều người bạn trẻ hơn của ông, bao gồm cả Paul Cézanne, và là một trong những hoạ sĩ Ấn tượng cấp tiến nhất. Thật vậy, Pissarro xem quyết định của họ là hình thành Hiệp hội vô danh của các Nghệ sĩ, Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc, Thợ khắc vào năm 1874 là một quyết định quan trọng về mặt chính trị, phù hợp với lý tưởng vô chính của ông về chế độ tự trị.

Là nghệ sĩ duy nhất trưng bày tác phẩm của mình ở tất cả tám buổi triển lãm nhóm của trường phái Ấn tượng (1874 – 86), Pissarro cũng chỉ dạy cho một số nghệ sĩ Hậu Ấn tượng, bao gồm Georges Seurat – người tiên phong của kỹ thuật Điểm chấm – Vincent Van Gogh, và Paul Gauguin. Không hề quá lời khi nói vai trò của Pissarro với tư cách vừa là một nghệ sĩ và với tư cách một người giảng dạy đối với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại vào cuối thế kỷ 19 đều vô cùng quan trọng.

Khoảng 1872 – 75: Dạ khúc: xanh lam và vàng ròng – Cây cầu Battersea cũ của James Abbott McNeill Whistler

Tranh sơn dầu trên toan – Tate Britain 

Dạ khúc: Xanh lam và vàng ròng (Nocturne: Blue and Gold – Old Battersea Bridge) của Whistler là một trong những tác phẩm tỏa sáng nhất của phong trào Ấn tượng ở quy mô lớn hơn. Được ra đời vào thời điểm tái thiết đô thị ở London, bức tranh miêu tả cây cầu Battersea cũ ở phía Nam thành phố từ góc nhìn bên bờ sông, với những ánh đèn của cây cầu Albert mới hơn nhấp nháy ở phía sau trong khi pháo hoa đổ xuống từ bầu trời. Đây là một trong toàn bộ loạt tranh Dạ khúc truyền tải sự tĩnh lặng, vẻ đẹp, và sự báo trước tinh tế về bầu không khí buổi đêm của London. Whistler thể hiện sự nhấn mạnh của trường phái Ấn tượng trên quan điểm cá nhân, phối cảnh có giới hạn về thời gian trong một bối cảnh hoàn toàn khác với khung cảnh đường phố bận rộn của trường học Paris.

Nhà phê bình nghệ thuật Frances Spalding miêu tả kĩ thuật sáng tạo mà Whistler đã sử dụng để tạo ra những Dạ khúc của ông. “Đầu những năm 1870, ông ấy đã phát triển một hệ thống và một công thức mà ông có thể thay đổi với những hiệu ứng tinh vi. Ông ấy sẽ pha trộn những màu sắc của mình trước, sử dụng nhiều phương tiện, cho đến khi ông ấy có, theo cái cách mà ông gọi, là một thứ ‘nước xốt’. Sau đó, trên một tấm toan vẽ thường được chuẩn bị với một nền đỏ để làm bật màu xanh lam và để gợi ra bóng tối phía sau, ông sẽ đổ lên trên phần sơn lỏng, thường vẽ trên sàn nhà để tránh làm sơn chảy ra, và, với những nét kéo dài của cây cọ từ bên này sang bên kia, sẽ tạo ra bầu trời, những toà nhà và dòng sông, biến đổi một cách tinh tế các tông màu khi cần thiết và pha trộn chúng với kỹ năng tối ưu nhất.” Sau đó, Whistler thêm các đặc điểm riêng lẻ như sà lan và hình tượng người trong bức tranh này, thường xuất hiện như một bóng ma hay lu mờ so với lớp nền.

Whistler tiếp nhận một cách mạnh mẽ phong cách Nhật Bản, đặc biệt là tranh in mộc bản, được phản ánh trong loạt tranh Dạ khúc của ông. Điều này giải thích cho một tâm trạng phương Đông được truyền tải một cách tinh tế qua hình dáng phóng đại của sà lan trong nước. Đồng thời, phối cảnh nhìn nghiêng gây tò mò, cắt bỏ một phần lớn của cây cầu khỏi tầm nhìn, gợi ý vị trí của cá thể riêng biệt đang đứng quan sát từ bờ sông, trong khi sự miêu tả hai đốm pháo hoa trên bầu trời, một quả đang bay lên, quả còn lại thì đang nổ, xác định vị trí hình ảnh một cách chính xác trong một khoảnh khắc thời gian. Có lẽ vì lý do này mà tiêu đề cho tác phẩm này và các tác phẩm khác, Dạ khúc, đề cập đến một tác phẩm âm nhạc gợi lên màn đêm, kết nối những tác phẩm với phương tiện mang tính phụ thuộc vào thời gian của âm nhạc.

Dạ khúc của Whistler đã gây ra sự phẫn nộ khi lần đầu tiên được trưng bày, kích động nhà phê bình thời Victoria John Ruskin khiến ông có những lời lẽ gay gắt đến mức Whistler phải đưa ông ta ra toà. Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau khi nó được tạo thành, bức tranh này và những bức tranh khác đã được công nhận là những kiệt tác của một phong cách hiện đại riêng biệt. Như Spalding viết, những tác phẩm nghệ thuật của Whistler truyền tải một chất lượng gần như có ma lực, không thể nói ra hết được: “vượt ra khỏi sự thống nhất về mặt trang trí… phát triển bầu không khí và điều bí ẩn, cảm giác rằng thế giới hữu hình che đậy những điều không thể giải thích được một cách quyến rũ.”

Dịch: Khánh Nguyên

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa trào lưu ấn tượng trường phái ấn tượng

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…