Trào lưu chủ nghĩa Biểu tượng (phần 1)

George Frederich Watts đã là một người dẫn đầu trào lưu chủ nghĩa Biểu tượng với tuyên bố giản dị nhưng khái quát được chủ nghĩa này “Tôi vẽ những ý tưởng, không phải vật thể”. Ông cũng nói rằng tác phẩm Hy vọng (Hope) (1886) của mình đã “đưa ra những suy nghĩ vĩ đại mà sẽ nói được với trí tưởng tượng và trái tim.” Trong loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Biểu tượng, ta tìm hiểu về một trào lưu được cho là tiên phong của nghệ thuật Hiện đại trong việc diễn đạt suy nghĩ và tư duy cá nhân của người nghệ sĩ trong tác phẩm, sự phát triển độc lập với dòng chảy của Hiện thực cho đến Ấn tượng vẫn được coi là mở đầu cho thời kỳ Hiện đại trong nghệ thuật.

Tóm lược về chủ nghĩa Biểu tượng (1880 – 1910)

Ngược lại với chủ nghĩa Ấn tượng, trong đó điểm nhấn là ở thực tại trên chính bề mặt bức tranh được vẽ lên, chủ nghĩa Biểu tượng – trong cả nghệ thuật và văn học – là một phong trào truyền đạt ý tưởng thông qua biểu tượng và nhấn mạnh ý nghĩa đằng sau các hình dạng, đường nét, khối, và màu sắc. Tác phẩm của một số người ủng hộ phong trào này là ví dụ điển hình cho việc khép lại truyền thống nghệ thuật mang tính đại diện từ thời Cổ điển. 

Cũng có thể coi chủ nghĩa Biểu tượng như là tiền tuyến của chủ nghĩa hiện đại, vì nó cho ra đời các cách thức mới và thường là trừu tượng để diễn tả sự thật về tâm lý con người, ý niệm là đằng sau thế giới vật lý có một thực tại tâm linh. Các nghệ sĩ Biểu tượng có thể trao hình dạng cụ thể cho những thứ khó biểu đạt như giấc mơ và ảo ảnh. 

Hi vọng (Hope) (1886) – George Frederic Watts. Sơn dầu trên toan. Tate Britain, London, Anh Quốc.

Những ý tưởng và thành tựu chính

  • Điểm chung liên kết vô số hoạ sĩ và phong cách liên quan tới chủ nghĩa Biểu tượng là sự chú trọng vào cảm xúc, cảm giác, ý tưởng và tính chủ quan hơn là tính hiện thực. Tác phẩm của họ mang tính cá nhân và truyền đạt những hệ tư tưởng của riêng họ, đặc biệt là niềm tin vào sức mạnh có thể phơi bày sự thật của người nghệ sĩ.
  • Nói về nội dung cụ thể của các tác phẩm thì các nghệ sĩ Biểu tượng kết hợp cái huyền bí trong tôn giáo với cái đồi trụy, cái gợi tình, và cái suy đồi. Chủ đề trong phong cách Biểu tượng thường được đặc trưng bởi một sự hứng thú với cái huyền bí, cái bệnh hoạn, thế giới trong mơ, nỗi u sầu, cái ác, và cái chết.
  • Thay vì sử dụng biểu tượng một-đối-một, liên hệ trực tiếp như có thể thấy ở các thể loại nghệ thuật tượng trưng phổ biến trước kia, các hoạ sĩ Biểu tượng hướng tới sự tinh tế và sự gợi tả, với các ý nghĩa mà họ ám chỉ một cách mập mờ, mang tính cá nhân và ít người hiểu được – theo như lời kêu gọi của những người cùng tư tưởng với họ trong văn học và âm nhạc.
  • Chủ nghĩa Biểu tượng tạo cơ hội cho một sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa Lãng mạn trong thời kỳ đầu của thế kỷ 19 sang chủ nghĩa Hiện đại đầu thế kỷ 20. Thêm vào đó, tính quốc tế của chủ nghĩa Biểu tượng thách thức quỹ đạo phát triển của lịch sử phát triển được đa số chấp nhận của nghệ thuật đương đại hình thành ở Pháp từ chủ nghĩa Ấn tượng đến chủ nghĩa Lập thể.
Le Cyclope (1898-1914) – Odilon Redon. Sơn dầu trên bìa bồi trên ván. Bảo tàng Kröller-Müller, Otterlon, Hà Lan.

Những khởi đầu của chủ nghĩa Biểu tượng

Chủ nghĩa Biểu tượng sinh ra và được định nghĩa từ trong các tác phẩm của nhà văn Gustave Kahn và Jean Moréas, người sử dụng cụm từ “chủ nghĩa Biểu tượng” lần đầu năm 1886. Hai nhà văn này bác bỏ chủ nghĩa Tự nhiên của Émile Zola và ưu ái cách tiếp cận chủ quan của Stéphane Mallarmé và Paul Verlaine đều là những nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn. Mallarmé tổ chức các buổi giao lưu cho các nghệ sĩ Biểu tượng mỗi thứ ba ở căn hộ của ông; ông là bạn với nhiều hoạ sĩ Biểu tượng bao gồm Paul Gauguin, James Abbott McNeill Whistler, Odilon Redon, và Edvard Munch.

Chủ nghĩa Biểu tượng đi sau chủ nghĩa Ấn tượng theo trình tự thời gian nhưng lại là phản đề của Ấn tượng, bởi điểm nhấn của Biểu tượng là ở ý nghĩa đằng sau các hình khối và màu sắc. Tuy nhiên, chủ nghĩa Biểu tượng cũng hưởng ứng cảm nghĩ của hai họa sĩ Hậu Ấn tượng Vincent Van Gogh và Paul Gauguin khi cả hai ca thán về sự suy tàn về mặt tinh thần trong thế giới hiện đại. Những yếu tố của Biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm của van Gogh và Gauguin, tuy nhiên những người theo chủ nghĩa Biểu tượng thông thường cho thấy mối bận tâm lớn về cuộc sống nội tại hơn là về thực tại bên ngoài. 

Chúa Ki-tô màu vàng (The Yellow Christ) (1889) – Paul Gauguin. Sơn dầu trên toan. Phòng trưng bày nghệ thuật Albright-Knox. Bức này của Gauguin, cùng với bức Chúa Ki-tô màu lục, được cho là một trong những tác phẩm then chốt của hội hoạ Biểu tượng thời kỳ đầu.

Chủ nghĩa Biểu tượng trong nghệ thuật thị giác có nguồn gốc từ chủ nghĩa Lãng mạn đầu thế kỷ 19 với sự chú trọng vào trí tưởng tượng, thay vì lý trí, và những chủ đề này được thấy rõ lần đầu trong tập thơ Những bông hoa ác (Les Fleurs du Mal) (1857) của Charles Baudelaire. Các nguồn cảm hứng khác của phong trào này bao gồm các thiên kiến cá nhân của hoạ sĩ và nhà thơ William Blake, tư tưởng thẩm mỹ của Hội huynh đệ Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood) ở Anh, và các thế giới trong mơ nên thơ, mang tính ngụ ngôn, và đầy tâm trạng tạo nên bởi Edward Burne-Jones, Dante Gabriel Rosetti, và Pierre Puvis de Chavannes.

Theo nhiều cách mà nói thì chủ nghĩa Biểu tượng là một phản ứng chống lại tư tưởng tôn thờ đạo lý, lý trí, và duy vật của những năm 1880. Thời kỳ fin-de-siècle (cuối-thế-kỷ, chỉ giai đoạn chuyển giao giữa thế kỷ 19 và 20) này là thời kỳ của căn bệnh sinh ra từ sự bất mãn. Các hoạ sĩ cảm thấy cần phải vượt lên chủ nghĩa tự nhiên trong hội hoạ, và cũng như các thể loại nghệ thuật và giải trí thời đó như là ba lê và cabaret (một loại hình giải trí bao gồm hài kịch, âm nhạc và khiêu vũ), chủ nghĩa Biểu tượng cho người ta một cửa thoát.

Lý thuyết chủ nghĩa Biểu tượng và Albert Aurier

Nảy sinh ra từ chủ nghĩa Biểu tượng trong văn học và có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật thị giác là địa hạt phê bình nghệ thuật, đặc biệt là theo phương thức của Albert Aurier. Năm 1891, trong tác phẩm sau đó về bản chất đã trở thành bản tuyên ngôn của chủ nghĩa Biểu tượng, ông viết rằng nghệ thuật nên đạt được những điều sau:

  1. Mang tính ý tưởng…. diễn tả một ý tưởng.
  2. Mang tính biểu tượng vì nó vốn diễn tả ý tưởng qua hình dạng.
  3. Mang tính tổng hợp vì nó diễn tả các dạng và ký hiệu đó theo một cách mà nói chung có thể hiểu được.
  4. Là chủ quan vì khách thể chỉ là sự biểu thị của một ý tưởng nhìn nhận bởi chủ thể.
  5. Và kết quả là nó cũng sẽ mang tính chất trang trí, vì hội họa trang trí là một loại nghệ thuật cùng một lúc mang tính tổng hợp, biểu tượng, và thể hiện ý tưởng.
Chân dung Albert Aurier

Chủ nghĩa Biểu tượng: Các khái niệm, Phong cách, và Xu hướng

Khoảng thời gian mà các họa sĩ Biểu tượng hoạt động được đặc trưng bởi sự hoang mang về thái độ đạo đức, xã hội, tôn giáo, và trí thức. Thế giới lúc này đang vượt ra ngoài các giới hạn là các quy tắc, tiêu chuẩn châu Âu; chủ nghĩa Xã hội không còn chứa đựng những mục đích cao thượng như thuở ban đầu. Mối quan hệ giữa tình yêu và hôn nhân, cũng như tôn giáo, đang bị nghi ngờ. Các nghệ sĩ đặc biệt cảm thấy họ bị cô lập và tách biệt khỏi giai cấp tư sản. 

Tuy vậy, khái niệm về cái được coi là tâm linh tinh thần rất quan trọng trong quá trình phát triển chủ nghĩa Biểu tượng và phản ánh các triết lý phản-duy vật mà đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa thần bí (một sự kết nối và hợp nhất trực tiếp với thực tại tối hậu). Một sự hứng thú nhất định với cái huyền bí, cũng như xu hướng ưa thích sự chết chóc và đồi truỵ, gắn liền với khái niệm này, vì khoảng thời gian này thường được mô tả như là thời kỳ của “sự suy đồi” (thời kỳ đặc trưng bởi sự thụt lùi trong nghệ thuật và đạo đức, như được thấy qua sự ưa chuộng cái giả tạo hơn là cái tự nhiên – cùng theo suy nghĩ đó, ý nghĩ là cả loài người đang thụt lùi). Các tác phẩm của nhà văn người Anh Oscar Wilde và tác phẩm Chống lại tự nhiên (tiếng Pháp: À Rebours, tiếng Anh: Against Nature) (1884) của nhà văn Pháp Joris-Karl Huysman, cũng như tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ Biểu tượng, phản ánh sự suy đồi này.

Chân dung Huysman

Các nghệ sĩ (và nhà văn) theo chủ nghĩa Biểu tượng nhấn mạnh nguyên lý nghệ thuật vì nghệ thuật qua việc họ thường xuyên phản đối các ứng dụng vị lợi của nghệ thuật (khác hẳn với các hoạ sĩ Art Nouveau) và tin rằng nghệ thuật không nhất thiết phải gần với trải nghiệm đời thường.

Chủ nghĩa Biểu tượng và chủ nghĩa Tổng hợp 

Ta đặc biệt cần có chủ nghĩa Tổng hợp (Synthetism) để hiểu được các nguyên tắc thẩm mỹ của chủ nghĩa Biểu tượng. Các họa sĩ theo chủ nghĩa Tổng hợp kết hợp các yếu tố từ thế giới thực hoặc vay mượn từ các tác phẩm hay thể loại nghệ thuật khác để tạo nên các thực tại mới. Ví dụ: trong số các xu hướng của các hoạ sĩ Biểu tượng là mong muốn đồng hóa âm nhạc vào nghệ thuật; ý tưởng này chịu ảnh hưởng từ triết gia Arthur Schopenhauer, người nhận thức rằng âm nhạc là một thể loại nghệ thuật mà truyền đạt ý nghĩa của nó một cách trực tiếp. 

Bùa hộ mệnh (The Talisman) (1888) – Paul Sérusier. Sơn dầu trên gỗ. Bảo tàng Orsay, Paris. Một tác phẩm chủ chốt của trường phái Tổng hợp.

Các nghệ sĩ thị giác bắt chước đặc điểm này của âm nhạc. Họ cũng dùng các phương pháp sắp xếp bố cục như trong âm nhạc, như việc sử dụng các nét chủ đạo (leitmotifs) – nhắc lại các chi tiết nhằm làm thống nhất tác phẩm. Các hoạ sĩ Biểu tượng đặc biệt để ý đến nhạc của Richard Wagner, người tin vào các năng lực tâm linh trong âm nhạc và mường tượng sự thống nhất toàn bộ của các loại nghệ thuật. Như vậy, dù trong nghệ thuật thị giác hay thính giác, các nghệ sĩ Biểu tượng cố gắng chuyển thể trải nghiệm khó diễn đạt thành một loại hình thức cảm quan dễ tiếp nhận nào đó.

Dịch: Hạnh Nguyễn

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trào lưu chủ nghĩa Biểu tượng

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…