Trường phái Sông Hudson (Phần 1)

Thừa hưởng truyền thống nghệ thuật cổ điển phương Tây và đặc biệt là chủ nghĩa Lãng Mạn của Anh và Đức, các nghệ sĩ Mỹ đã tạo ra một phong cách hội hoạ riêng của quốc gia trong phong trào Trường phái Sông Hudson (1826-70). Đây được nhiều người công nhận là phong trào nghệ thuật đầu tiên của Hoa Kỳ. Các tác phẩm của phong trào sử dụng cái trác tuyệt của thiên nhiên nước Mỹ để khơi gợi tình yêu tổ quốc cũng như niềm tin vào thuyết Vận mệnh hiển nhiên. Chúng ta sẽ tìm hiểu Trường phái Hudson River trong loạt bài ba phần.

Tóm lược

Trong quá trình tìm kiếm một phong cách nghệ thuật mang tính quốc gia, những họa sĩ Trường phái Sông Hudson tập trung chủ yếu vào chính cảnh quan rộng lớn và hoang sơ của nước Mỹ. Sự mở rộng của Mỹ và thuyết Vận mệnh hiển nhiên thấm nhuần vùng nông thôn hoang sơ với biểu tượng của sự thịnh vượng và nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước. Mảnh đất này đưa ra một lựa chọn thay thế cho văn hóa và lịch sử châu Âu; nó trở thành một chủ đề sáng tác tuyệt đẹp, thấm đẫm lòng yêu nước và giàu cảm hứng. Nhóm các họa sĩ được kết nối lỏng lẻo với nhau gọi là Trường phái Hudson đã khám phá khắp đất nước của mình rồi trở về các xưởng vẽ ở New York để tạo nên những tác phẩm quy mô lớn khiến khán giả rung động và tôn vinh sức mạnh tuyệt vời của thiên nhiên và sự tiến bộ của con người.

Những ý tưởng và thành tựu chính

  • Từ lâu đã được xem là một chủ đề mang lại lợi nhuận, nhưng thấp, đối với những nghệ sĩ nghiêm túc (vì nó chỉ sao chép lại những gì được quan sát), hội họa phong cảnh nhận được sự chú ý mới vào giữa thế kỷ 19. Giống như những họa sĩ chủ nghĩa Lãng mạn ở Anh và Đức, những họa sĩ Trường phái Sông Hudson xem phong cảnh là một chủ đề giàu ý nghĩa, chính xác là khi nền công nghiệp hóa bắt đầu thay đổi đất đai và tái định hình sự kết nối của con người với môi trường của mình. Người Mỹ vừa ủng hộ những lực lượng hiện đại hóa này lại vừa xót xa cho những thứ bị mất dưới danh nghĩa của “tiến bộ”.
  • Nhiều thế hệ họa sĩ Mỹ đã quay lại châu Âu để nhận đào tạo và tiếp nhận những phong cách và chủ đề của nghệ sĩ Cựu Thế giới. Họa sĩ Trường phái Sông Hudson khao khát một truyền thống bản địa hơn và do vậy họ vẽ những phong cảnh đặc trưng của Mỹ. Về mặt cá nhân và chuyên môn, họ thành lập mạng lưới với những nhà văn và triết gia để tạo thành một nền văn hóa Mỹ riêng biệt.
  • Những nghệ sĩ như Thomas Cole đã gắn liền phong cảnh với chủ nghĩa biểu tượng, ám chỉ rằng những cảnh quan thiên nhiên này có thể được biến đổi thành những phúng dụ ý nghĩa cũng như những trải nghiệm khiến người xem đắm chìm và biến đổi. Với sự tập trung cẩn thận của họ vào chủ nghĩa hiện thực và ảo ảnh chính xác, cũng như những viễn cảnh truyền tin phức tạp và đáng thán phục, kết quả là những bức vẻ có thể được tán dương cả ở mức độ trí tuệ lẫn cảm xúc.
  • Thế hệ những họa sĩ Trường phái Sông Hudson thứ hai rời vùng New York để khám phá những khu vực xa xôi của nước Mỹ. Tranh của họ ghi lại cuộc bành trướng về phía tây và củng cố khái niệm Vận mệnh hiển nhiên. Trong suốt cuộc Nội chiến, những hình ảnh hùng vĩ về một miền Tây hoang sơ đã dấy lên niềm hy vọng về sự hòa giải sau chiến tranh và lời hứa về một vùng đất hoang dã được mở rộng, đầy hứa hẹn và không bị chiến tranh tàn phá.

Những khởi đầu của Trường phái Sông Hudson

Trường phái Sông Hudson: Nhóm họa sĩ và Thuật ngữ

Trường phái Sông Hudson không phải là một trường phái hay một phong trào nghệ thuật theo nghĩa đương thời của thuật ngữ, mà nó là tên của một nhóm các họa sĩ phong cảnh bắt đầu làm việc ở Thung lũng sông Hudson của bang New York. Tên của nhóm được cho là do nhà phê bình nghệ thuật Clarence Cook hoặc nghệ sĩ Homer Dodge Martin đặt, nhưng dù là ai đi nữa, cái tên này được tạo ra vào những năm 1870 là một từ chê bai ám chỉ rằng phong cách và chủ đề của nhóm này là lỗi thời và quê mùa.

Người lãnh đạo đầu tiên

Những tác phẩm đầu tiên có thể được xếp vào Trường phái Sông Hudson là do Thomas Doughty sáng tác. Doughty nằm trong số những nghệ sĩ phong cảnh Mỹ đầu tiên với những bức tranh phong cảnh yên tĩnh trữ tình của vùng đất này. Tuy nhiên, người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất nhóm lại là Thomas Cole; chính dưới sự lãnh đạo của ông mà nhóm trở nên nổi tiếng và được tôn trọng và vì vậy, ông thường được cho là người sáng lập của nhóm này.

Tác phẩm Cảnh sông Hudson (On the Hudson) (1830-35) của Thomas Doughty

Cole chủ yếu tự học chỉ được đào tạo rất cơ bản về hội họa và có chút kinh nghiệm của một thợ khắc gỗ. Khi ông bắt đầu vẽ và phác họa ngoài trời, trong chuyến du ngoạn đến Dãy núi Catskill vào năm 1825, ông chưa qua trường lớp học thuật nào. Thế nhưng, khi ông trưng bày ba bức tranh phong cảnh (dựa vào những bức phác thảo ngoài trời) tại tiệm sách và phòng trưng của William Colman ở New York, chúng lập tức được John Trumbull, William Dunlap và Asher B. Durand phát hiện. Cụ thể, Trumbull mua Thác Kaaterskill, Dãy núi Catskill (Kaaterskill Upper Fall, Catskill Mountains), Dunlap mua Hồ có cây chết – Núi Catskill (Lake with Dead Trees – Catskill), và Durand mua Quang cảnh Pháo đài Putnam (View of Fort Putnam). Phát hiện về sự kết hợp đột phá giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa duy tâm của Cole đáng chú ý đến nỗi được đăng trên tờ New York Evening Post. Trumbull – người được xem là họa sĩ của Cách mạng Hoa Kỳ nhờ các tác phẩm như Tuyên ngôn Độc lập (Declaration of Independence) (1819) của ông – và Dunlap – người tiên phong trong sân khấu và lịch sử Mỹ – đã hướng sự chú ý của những nhà bảo trợ quan trọng đến tác phẩm của Cole.

Thác Kaaterskill, Dãy núi Catskill (1826)
Sông với cây chết (1825)
Quang cảnh pháo đài Putnam (1825)

Durand trở nên thân thiết với Cole và là một trong những thành viên ban đầu của Trường phái Sông Hudson. Những nghệ sĩ khác, gồm Martin Johnson Heade và Jasper Cropsey, sớm theo bước Cole, hy vọng sẽ lặp lại thành công của ông bằng cách vẽ phong cảnh Dãy núi Adirondacks, dãy Núi Trắng và dãy Catskill ở ngoại ô New York. Hầu hết những nghệ sĩ này đều vẽ tranh ngoài trời để tạo ra các bức phác họa chì và sơ bộ, sau đó trở về các xưởng vẽ của họ ở Thành phố New York để hoàn thành bức tranh. Kết quả của quá trình này thường là các phong cảnh tổng hợp, tạo ra một cảnh quan tưởng tượng và lý tưởng hóa để đạt được hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn.  

Câu lạc bộ Bánh mì và Phô mai, và Câu lạc bộ Phác họa

Câu lạc bộ Bánh mì và Phô mai (Bread and Cheese Club), hay còn được gọi là Câu lạc bộ ăn trưa (Lunch Club), là một nhóm những người trí thức và nghệ thuật do nhà văn James Fenimore Cooper sáng lập. Hoạt động từ năm 1822 tới 1827, câu lạc bộ gồm những thành viên như nhà văn, học giả và chuyên gia Mỹ có hứng thú tới nghệ thuật, chẳng hạn như Cole và Durand. Với những buổi họp mặt thường xuyên ở Thành phố New York, nhóm này là nơi tụ họp những ý tưởng mới mẻ nhất về nghệ thuật và văn hóa Mỹ. Khi câu lạc bộ bị giải tán, Câu lạc bộ Phác họa (Sketch Club), được Durand thành lập năm 1827, đã tiếp tục truyền thống này.

Một số kết nối có tầm ảnh hưởng đã được hình thành trong nhóm này. Nhà văn Cooper chính là một điểm tập trung với tư cách là một trong những tiểu thuyết gia Mỹ nổi tiếng nhất – mhiều nghệ sĩ đã vẽ minh họa hoặc những cảnh lấy từ tác phẩm của ông. Đặc biệt, Cooper xem Cole là “một trong những thiên tài đầu tiên của thế kỷ”, và Cole chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tiểu thuyết của Cooper. Cole rồi đã bốn cảnh trong quyển Người Mohican cuối cùng (The Last of the Mohicans) (1826).

Thomas Cole vẽ cảnh Cora quỳ gối ở chân Tamenund

Cũng có những kết nối khác đã thúc đẩy những nguồn ảnh hưởng cổ điển hóa và lý tưởng hóa hơn đến những nghệ sĩ Trường phái Sông Hudson. William Cullen Bryant, nổi tiếng nhất với bài thơ Ngẫm về cái chết (Thanatopsis), có mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp thân thiết với Durand và Cole. Thật vậy, bức Những tâm hồn đồng điệu (Kindred Spirits) (1849) của Durand mô tả Bryant và Cole là một đôi bạn cùng thám hiểm. Khi Durand giúp thành lập Học viện Nghệ thuật Thiết kế Quốc gia vào năm 1836, Bryant được bầu làm “Giáo sư bộ môn Thần thoại và Cổ vật” của trường. Durand thể hiện sự tôn trọng của mình với Bryant trong tác phẩm Cảnh từ Ngẫm về cái chết (Scene from Thanatopsis) (1850), khắc ghi lời khích lệ của bài thơ: “Hãy bước tới dưới bầu trời cao rộng và lắng nghe lời dạy của tự nhiên”.

Bức Những tâm hồn đồng điệu
Bức Cảnh từ Thanatopsis

Những hiệp hội này đã định hình và phát triển nghệ thuật Mỹ và các viện nghệ thuật, đặc biệt khi Church và Durand giúp thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York trong những năm 1850; bảo tàng trở thành tấm gương cho những bộ sưu tập khác trong cả nước. 

Trường phái và Tạp chí Knickerbocker 

Một diễn đàn khác cho những kết nối liên ngành mang tính dân tộc giữa các nghệ sĩ và nhà văn là Nhóm Knickerbocker. Được đặt tên theo quyển Knickerbocker’s History of New York (Lịch sử New York của Knickerbocker) (1809) của Washington Irving, nhóm này gồm có James Fenimore Cooper, Henry Wadsworth Longfellow, Oliver Wendell Holmes, James Russell Lowell, J.K. Paulding, và William Cullen Bryant cùng với chính Irving. Họ hy vọng lập ra một văn hóa đậm chất Mỹ, tách biệt khỏi ảnh hưởng châu Âu, với trung tâm là Thành phố New York. (Knickerbocker là tên một nhân vật hư cấu của Irving; và quả thật, anh đã trở thành một phần lâu dài của văn hóa thành phố, phản ánh trong cách đặt tên đội bóng chày nổi tiếng New York Knicks)

Bìa số XLVIII (48) của tạp chí Knickerbocker năm 1856 của Samuel Hueston

Nhiều thành viên của nhóm đóng góp vào tạp chí Knickerbocker (cũng được gọi là Nguyệt san New York), được xuất bản từ năm 1833 đến 1865, quay quanh các tác phẩm văn chương với các bài tiểu luận và bài xã luận về nghệ thuật. Thường những bài viết đóng góp tập trung vào “sự hoang dã đang biến mất” của nước Mỹ, một trong những chủ đề môi trường đầu tiên nhấn mạnh vào cảnh quan quốc gia Mỹ. Sự quan tâm này tạo ra một mối quan hệ tự nhiên giữa các nhà văn và họa sĩ của Trường phái Sông Hudson; họ cũng có chung niềm khao khát tạo ra một nền nghệ thuật và văn chương độc đáo riêng của Mỹ. Những tác phẩm “lai” bao gồm cả kiệt tác đầu tiên của Cole, tác phẩm Gelyna (Quang cảnh gần Pháo đài Ticonderoga) (Gelyna [View near Fort Ticonderoga]) (1826), được sáng tác dựa vào truyện ngắn cùng tên của Gulian Verplanck.

Tác phẩm Gelyna (Quang cảnh gần Pháo đài Ticonderoga) của Thomas Cole

Chủ nghĩa Lãng mạn

Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa Lãng mạn châu Âu, Trường phái Sông Hudson có ý định truyền tải vẻ đẹp trác tuyệt của thiên nhiên. Trong Tiểu luận về phong cảnh nước Mỹ (Essay on American Scenery) mang tầm ảnh hưởng lớn của Cole, ông nhấn mạnh đến những khả năng khơi gợi cảm xúc trong tranh phong cảnh – “Phong cảnh nước Mỹ là một chủ đề mà mọi người dân Mỹ nên quan tâm hơn cả… đó là quê hương của họ; vẻ đẹp của nó, vẻ tráng lệ của nó, cái trác tuyệt của nó – tất cả đều của họ; và họ chẳng xứng với cái quyền được sinh ra ở đây nếu mắt chẳng buồn nhìn, tim chẳng buồn cảm!” Để truyền tải tốt nhất vẻ hùng vĩ của phong cảnh nước Mỹ, những hoạ sĩ Trường phái Sông Hudson ưa chuộng những vùng hoang sơ hiểm trở và hẻo lánh hoặc vùng nông thôn bình dị và trữ tình. Nếu có sự hiện diện của con người, thì cách miêu tả ưa thích là người đang đi thị sát, và bị lu mờ bởi quy mô của thiên nhiên hoang sơ.

Khái niệm trác tuyệt là trọng tâm của chủ nghĩa Lãng mạn, được người theo nó xem là lý tưởng. Từ chối những tường thuật giàu chất trí tuệ trong phong cách Tân Cổ điển, họ tính toán bố cục, bảng màu, và chủ thể sao cho gợi được cảm xúc mãnh liệt ở người xem. Mặc dù cách phản ứng cảm xúc này có thể nghiêng về cả phía sợ hãi hoặc ghê tởm, các họa sĩ phong cảnh thường khao khát được kinh phục và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, và khiêm tốn trước sức mạnh của nó. Cái trác tuyệt này đạt được trong sự hấp dẫn trực tiếp với các giác quan qua những cách biểu hiện điều phi thường.

Không giống với chủ nghĩa Lãng mạn Pháp thường gắn với những thôi thúc cách mạng trong xã hội, chủ nghĩa Lãng mạn trong Trường phái Sông Hudson có quan hệ mật thiết hơn với các tấm gương Đức và Anh đương thời về hội họa phong cảnh mang tính biểu tượng và giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, cùng lúc đó, phong cách này về bản chất là đậm tinh thần yêu nước, kết nối với cảm giác bản sắc Mỹ ngày càng tăng bằng cách truyền tải vẻ đẹp độc đáo của cảnh quan bản địa. Trong khi các họa sĩ không thể sánh ngang với lịch sử của các đối tác châu Âu của họ, các bức tranh khổ lớn về những vùng đất mở rộng, hoang sơ đã nói lên tiềm năng và lời hứa hẹn của Mỹ.

Thế hệ thứ hai và sự tập trung vào chủ nghĩa Tự nhiên

Khi Cole mất năm 1848, Asher B. Durand lên nắm quyền lãnh đạo Trường phái Sông Hudson. Chịu ảnh hưởng bởi phong cảnh của họa sĩ chủ nghĩa Lãng mạn Anh, phong cảnh của John Constable, Durand chuyển phong cách của nhóm theo hướng vẽ tự nhiên hơn. Là hiệu trưởng của Học viện Thiết kế Quốc gia, ông nhấn mạnh việc quan sát kỹ lưỡng và cách miêu tả. Ông khuyến khích những cảnh yên tĩnh liên kết thiên nhiên hơn là phúng dụ kịch tính. Thế hệ các họa sĩ Trường phái Sông Hudson thứ hai xoay quanh Durand, Albert Bierstadt, John Frederick Kensett, Sanford Robinson Gifford, cùng với học trò duy nhất của Cole, Frederic Edwin Church. Mặc dù họ rút ra rất nhiều điều từ tấm gương của Cole, Church và Bierstadt bắt đầu khám phá những vùng địa lý khác, đặc biệt ở những phong cảnh Bắc Mỹ của Church và những chuyến đi của Bierstadt để vẽ miền Tây nước Mỹ. Cả hai vùng đều được xem là những không gian kỳ vĩ với sự hoang dã tiềm tàng và trác tuyệt chưa được chạm đến, và tác phẩm của họ có liên quan đến sự bành trướng của Mỹ và thuyết Vận mệnh hiển nhiên. Những cảnh thiên nhiên quy mô lớn thường là cảnh tổng hợp hoặc được lý tưởng hóa, được tính toán để tạo ra hiệu ứng toàn cảnh góc siêu rộng. Tính trình diễn chi phối việc trưng bày công khai của các tác phẩm này với dàn dựng kịch tính – những triển lãm có đúng một tác phẩm duy nhất đã là những sự kiện cực kỳ phổ biến. Church và Bierstadt trở thành người nổi tiếng. Church tiếp tục khám phá những địa điểm kỳ lạ hơn, cuối cùng vẽ tranh tại Trung Đông và Bắc Cực, như được thể hiện qua bức Những tảng băng trôi (The Icebergs) (1861) (chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác phẩm của họa sĩ phong cảnh Lãng mạn Đức, Caspar David Friedrich).

Những tảng băng trôi của Frederic Edwin Church

Những họa sĩ thế hệ thứ hai, như John Frederick Kensett, phát triển những chủ đề mới sau này được đặt tên là chủ nghĩa Quang chiếu (Luminism), nhấn mạnh hiệu ứng ánh sáng trong những cảnh chiêm ngưỡng biển cả hay các vùng nước khác. Những họa sĩ này tạo ra những bức vẽ nhỏ thân mật tập trung vào những khu vực quen thuộc, đối lập với cái trác tuyệt kịch tính của đồng nghiệp của mình. Những người theo chủ nghĩa Ánh sáng thường quay về những khu vực đó nhiều lần để nghiên cứu sự thay đổi ánh sáng và bầu không khí.

 Nguyên bản tiếng Anh do Rebecca Seiferle tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhã Văn dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trường phái Sông Hudson

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…