Từ ‘ô cửa’ nhìn ra thế giới: Tại sao là những ô cửa? (phần 1)

Cảnh vật ngoài ô cửa đôi khi là nắng vàng, đôi khi là những ngày mưa tầm tã. Cửa sổ khép chặt hay mở rộng thì đâu đó những cơn gió nhẹ vẫn len lỏi, từng tiếng động bên ngoài thế giới vẫn theo ô cửa vang vọng vào tai. Đừng buồn bã khi không có một ô cửa nhỏ xinh hay chán chường khi ngắm nhìn những cảnh vật cũ kỹ. Tôi sẽ đem đến cho bạn những ô cửa đầy thơ mộng của những miền nghệ thuật.

Những ngày Sài Gòn giãn cách, bạn chắc hẳn đang rất cuồng chân, từng cái chạm rất thực tưởng chừng đơn giản nhưng giờ đây lại là khao khát kinh khủng. Gò bó trong không gian nhỏ hẹp khiến khao khát tìm về những ngày tự do càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thế giới hiện tại được ngắm nhìn qua màn hình máy tính, dù là ở nhà thì con mắt bạn vẫn trải rộng khắp mọi nơi, thế giới tưởng xa nhưng hóa ra rất gần. Hãy thôi phóng tâm mắt để trở về những điều rất nhỏ xung quanh mình. Thực sự chậm rãi và điềm tĩnh, bạn sẽ tìm thấy cách thức thú vị khác để ngắm nhìn thế giới.

 Asakusa-Tanbo, Torinomachi-mode, Utagawa Hiroshige

Như một ô cửa nhỏ chẳng hạn, nó gần bạn, rất gần bạn đấy thôi. Nhưng khi lướt qua nó hằng ngày, bạn chẳng màng đến những điều nó gửi trao…

Những ô cửa luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt trong nghệ thuật, từ những tác phẩm hội họa kinh điển đến những thước phim lặng câm, xa mờ, những bức ảnh chụp trầm lắng, ý vị,… Tất cả sự chuyển động của thế giới đều thông qua một ô cửa để ngắm nhìn. Bạn sẽ thấy nó đặc biệt khi chịu nhìn lâu và sâu hơn: hàng tá những chi tiết, chuyển động sống động được đóng khung trong một ô cửa nhỏ.

Sự thu hẹp về không gian có khiến bạn tò mò muốn hiểu hơn về những điều đằng sau những cánh cửa ấy?

Dust Motes Dancing in Sunbeams, Vilhelm Hammershøi (1900)

“Trong nhiều thế kỷ, cửa sổ đã được các nghệ sĩ sử dụng để giúp mọi người hiểu hơn về thế giới và đó là một biểu tượng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết cho đến ngày nay.”

Sally Grant
Open Window, Collioure,  Henri Matisse (1905)

Bạn đã tự hỏi ô cửa của bạn và những ô cửa được đặc tả trong nghệ thuật có gì khác biệt. Điều gì khiến những khung cửa sổ là cách thức yêu thích để các nghệ sĩ hiểu hơn về thế giới, là một biểu tượng âm thầm nhưng mạnh mẽ? Những ô cửa trong nghệ thuật được xuất hiện là một tuyên cáo mơ hồ cho cách thức quan sát khác biệt từ góc độ nghệ sĩ về những điều diễn ra hằng ngày bên ngoài thế giới. Đó đôi khi là một ô cửa sổ nhỏ xinh thực tế trên cao, những cạnh viền đặc tả từng chi tiết với bóng lưng cô đơn hay thậm chí là một khung tranh bên ngoài tác phẩm.

Cách mạng hóa nghệ thuật phương Tây và cá nhân hóa những trải nghiệm, đề cao cái nhìn cá thể

Ý tưởng về một bức tranh giống như một cửa sổ với ngưỡng vọng nhìn ra thế giới đã cách mạng hóa nghệ thuật phương Tây mĩ miều. Nghệ sĩ/ kiến trúc sư người Ý Filippo Brunelleschi được cho là người đầu tiên tạo ra mối liên hệ này trong những năm đầu của thời kỳ Phục hưng và sau đó được Leon Battista Alberti hệ thống hóa trong chuyên luận De Pictura năm 1435. Từ đây, phương pháp toán học của Brunelleschi về phối cảnh tuyến tính bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong nghệ thuật.

Đây là một hệ thống tạo ảo giác về chiều sâu trên một bề mặt phẳng, sử dụng các đường thẳng song song (trực giao) trong một bức tranh hoặc bản vẽ hội tụ tại một điểm trên đường chân trời của bố cục. Những người và vật thể được mô tả dọc theo các đường trực giao (ẩn) này trở nên nhỏ hơn ở khoảng cách xa, như thể chúng ta đang thực sự nhìn thấy chúng qua không gian bao quanh của một cửa sổ.

Sistine Chapel

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những bức tranh hầu như được bao quanh bởi những khung tranh. Đâu là lý do cho những khung viền của những tác phẩm nghệ thuật? Khung của bức tranh mô phỏng lại khung cửa sổ; mặt phẳng hình phẳng trở thành ảo ảnh của cảnh thực. Và các tác phẩm có sự xuất hiện cụ thể của các ô cửa cho phép người nhìn càng chìm sâu hơn vào sự ảo tưởng này.

Nghệ thuật phương Tây nhờ chức năng của những ô cửa “ảo tưởng” đã có một cuộc cách mạng lớn, mọi sự thể hiện trong tác phẩm dường như chân thực hơn trong mắt người thưởng thức thời bấy giờ. Những câu chuyện Kinh thánh được mô tả đặc sắc và sinh động trên các bức bích họa choáng ngợp thị giác trong các Giáo đường, nhà thờ là minh chứng cho tác dụng tuyệt vời này.

Ceiling, Michelangelo Buonarroti (1508)

Trước hết là về nơi tôi vẽ. Tôi vẽ một tứ giác góc vuông, lớn như tôi muốn, được coi là một cửa sổ mở mà qua đó tôi nhìn thấy những gì tôi muốn vẽ.

Alberti

Những khung viền tranh, những khung tranh đã mô phỏng lại ít nhiều dấu vết của một ô cửa nơi nghệ sĩ quan sát, ngắm nhìn thế giới. Nó đem lại sự cá nhân hóa ý nhị cho toàn thể tác phẩm. Những bức bích họa tràn ngập trong giáo đường được đặt hàng từ các nhà chức trách lớn chính là lối kìm kẹp con mắt của nghệ sĩ, là hình thức trang trí mĩ miều cho cái gọi là quan điểm sâu kín đến cộng đồng mà cụ thể là tôn giáo hay chính trị. Tính cá nhân bị mờ ảo và nhấn chìm tuy nhiên với sự xuất hiện của ý tưởng mỗi tác phẩm có chức năng là một ô cửa nhìn ra thế giới, một phần quan điểm của nghệ sĩ cũng ít nhiều được phô diễn một cách ý nhị và tinh tế.

Với nghệ thuật hiện đại cái nhìn cá thể được tôn trọng và đề cao hết mực, các dấu hiệu của một ô cửa xuất hiện trong tác phẩm là sự “đóng đinh” vững chắc cho cái nhìn cá thể của nghệ sĩ, một hình thức đóng dấu chủ quyền đầy uy lực, mạnh mẽ nhưng không kém phần duyên dáng.

Cung cấp một giới hạn cụ thể cho mắt nhìn, con người dễ đi vào chiều sâu của suy nghĩ

Một vật thể, chủ thể được phơi bày trong một tác phẩm toàn cảnh, không có sự giới hạn thường sẽ đặt người xem vào cảm giác trung dung, mơ hồ và khó lòng cảm nhận sâu sắc những suy tưởng hay quan điểm mà nghệ sĩ muốn thể hiện.

Con mắt chúng ta nếu không cung cấp một giới hạn, nó sẽ rong chơi khắp lượt.

From a Window in the Hampstead Road, Spencer Frederick Gore (1911) 

Lang thang trong công cuộc rong ruổi nghệ thuật, có thể nhận thấy rằng không có công thức hay áp đặt cố định cho một “ô cửa” trong tác phẩm. Có những nghệ sĩ ưu tiên những ý nghĩ vượt thoát khỏi khuôn khổ tác phẩm mà không quan tâm đến quyền sở hữu của những suy tưởng đó là chính mình hay người xem, bởi với họ sự cộng hưởng trong tâm tưởng là điều hết sức thú vị thì việc áp đặt một ô cửa giả tưởng là điều không cần thiết.

Nhưng với những mơ hồ, những ý nghĩ đặc biệt của người tạo ra nó rất có thể bị lãng quên và lướt qua sẽ khiến những nghệ sĩ với ý thức cá nhân mạnh mẽ khó lòng chấp nhận điều này. Những tác phẩm là chính con người họ, hiển nhiên phải là cách để họ đặt thế giới mơ mộng của chính mình vào tâm trí người xem. Vậy nên ý tưởng về những khung cửa, hay những bức tranh về khung cửa xuất hiện như một sáng tạo mới, một sự điều hướng cho mắt nhìn cũng nhưng suy nghĩ của người thưởng thức.

 The Artist’s Wife Sitting at a Window in a Sunlit Room, Carl Vilhelm Holsøe

Ô cửa nhỏ xíu nhưng thật sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, làm say mê cả nền nghệ thuật. Trong 5 thế kỷ tiếp theo từ khi Filippo Brunelleschi đem những “ô cửa” vào nghệ thuật, nghệ sĩ phương Tây luôn dành sự tôn trọng cho khái niệm: bức tranh có chức năng như một cửa sổ nhìn ra thế giới. Với việc cung cấp ô cửa cho tác phẩm nghệ thuật bằng nhiều cách như một khung tranh thực tế, một bo viền dày mỏng hay đến đặc tả một cửa sổ cụ thể cũng là cách thức hấp dẫn thu hút mắt nhìn, bởi lợi thế kích thích sự cạnh tranh kịch tínhđè nén sự mâu thuẫn mơ hồ.

“Những người theo trường phái lãng mạn đã tìm thấy một biểu tượng mạnh mẽ cho trải nghiệm đứng trước ngưỡng cửa giữa thế giới bên trong và bên ngoài.”

Sabine Rewald

Sự cạnh tranh kịch tính của những tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm có sự xuất hiện của những ô cửa sổ luôn được đẩy lên cao. Bởi ô cửa luôn là màn chắn, ngăn cách hai không gian. Với việc cho phép ô cửa tồn tại trong tác phẩm, nghệ sĩ phải đủ khả năng tạo ra ít nhất là hai không gian khác biệt. Các yếu tố về chiều sâu, ánh sáng, màu sắc,… được tập trung để giải quyết vấn đề về không gian này, giúp mắt nhìn có thể dễ dàng phân định, không bị nhập nhằng mơ hồ.

https://ychef.files.bbci.co.uk/624x624/p09mbjtb.jpg
Madonna of Chancellor Rolin (khoảng 1433 – 1434)

Trong Madonna of Chancellor Rolin (khoảng 1433 – 1434), Jan van Eyck đã khéo léo thuyết phục người xem về chiều sâu và độ mở rộng của tác phẩm. Sự xuất hiện của ô cửa càng làm gia tăng hơn ảo giác về không gian, sự cạnh tranh về các yếu tố giữa hai không gian là điều có thể nhận biết được. Bằng cách áp dụng phối cảnh tuyến tính, không gian bên trong với chủ thể và vật thể có kích thước lớn, chi tiết tinh xảo, phần ánh sáng vừa đủ nhưng mức độ có phần yếu thế hơn so với khung cảnh dòng sông thơ mộng, mờ ảo bên ngoài cửa sổ lớn hình vòm. Đẩy mạnh sự cạnh tranh kịch tính khiến tác phẩm có nhiều tầng thể hiện hơn chỉ là một bề mặt phẳng lỳ, đơn giản.

Chính sự cạnh tranh kịch tính của các yếu tố trong tác phẩm có sự xuất hiện của các ô cửa giúp người xem cảm nhận mơ hồ về sự mâu thuẫn được đè nén trong tác phẩm. Cảm thức về khao khát tự do rất có thể được dấy lên mạnh mẽ khi bạn quan sát những tác phẩm có mặt của ô cửa. Với vai trò trung gian cũng như đặc tính vật lý cụ thể là màn chắn với thế giới bên ngoài khiến sự bó hẹp trong không gian cụ thể của một tác phẩm càng bị ghì chặt hơn, gia tăng hơn sự khó chịu và bức bối trong cảm xúc. Điều này giúp nâng cao sự quan sát của người xem về tác phẩm, khơi gợi nhiều ảo tưởng hơn, điều hướng cảm xúc mãnh liệt và cụ thể hơn. Một không nhỏ hẹp, trầm ngâm nhìn từ bên trong ô cửa càng tô đậm vẻ lung linh, lộng lẫy cho toàn cảnh bên ngoài thế giới. Tưởng tượng về những cảm giác của những ngày giãn cách xã hội, nó hoàn toàn tương tự.

Cảm thức mơ hồ về sự giam cầm, tù túng càng khiến cho những ngày tự do thêm phần đẹp đẽ và khoái hoạt.

https://ychef.files.bbci.co.uk/720x900/p09mbkpd.jpg
View from the Artist’s Window (1978)

Từ ô cửa nhìn ra thế giới khiến mắt nhìn tự động tăng tính thẩm mỹ cho mọi vật thể, chủ thể được quan sát. Trong View from the Artist’s Window (1978), Alice Neel vẽ lại hình ảnh vô cùng quen thuộc với cư dân thành phố New York và những cư dân thành phố khác, đó là tòa nhà chung cư đối diện. Nếu tái hiện trực tiếp và cụ thể không qua một cửa sổ (dấu hiệu của ô cửa sổ trong tác phẩm là hai mảng màu thẳng ở trên và dưới của tác phẩm), liệu bạn có thấy ánh sáng dường như lan rộng và ấm áp hơn, những chuyển động của những tấm rèm dường như tinh tế hơn?

Autumn leaves, Tetyana Yablonska (2004)

Liệu bạn có mong muốn ngắm nhìn nhiều hơn thế giới từ những ô cửa? Liệu bạn có tự hỏi những ô cửa tại sao lại được những nghệ sĩ tái hiện với cách thức này mà không phải bằng cách khác? Những dụng ý ẩn sâu là gì và tại sao nó lại kích thích tâm trí bạn mạnh mẽ đến vậy? Nếu như có thể đồng nhất với nghệ sĩ trong tác phẩm để ngắm nhìn thế giới với góc nhìn của chính cá thể độc đáo đó, bạn nghĩ mình thực sự cảm nhận gì?

Hãy đón chờ nhé, tôi sẽ cho bạn biết sớm thôi!

Thực hiện: Y.ink

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ nghệ thuật Series từ ô cửa nhìn ra thế giới Y.ink

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…