/viết một tay/ Điện ảnh Việt Nam - Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm kịch bản chất lượng?

Phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Dù vốn là hai loại hình nghệ thuật riêng biệt, nhưng văn học từ lâu đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đến với nền điện ảnh của mỗi quốc gia. Từ việc nhìn vào những thành tựu mà các nước phát triển đạt được trong lĩnh vực điện ảnh, hãy cùng rút ra một số điều mà các nhà làm phim Việt Nam có thể học hỏi để giảm thiểu tình trạng khan hiếm kịch bản chất lượng như hiện nay. 

1. Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh

Ra đời cách nhau hơn một thế kỷ, văn học và điện ảnh cho thấy mối tương quan tuyệt vời khi chúng đều có khả năng đưa người đọc/người xem, hay gọi cách khác là đối tượng cảm thụ, đến với một thế giới tưởng tượng của riêng mình. Từ khi mới ra đời, văn học đã trở thành một cách thức biểu đạt cảm xúc hiệu quả của con người. Các tác giả dùng nó để truyền đạt câu chuyện về các vị thần, anh hùng và chiến thắng cũng như thần thoại lịch sử, tình cảm lãng mạn bi đát hoặc chuyện dân gian. Sự ra đời của điện ảnh, với kỹ thuật thể hiện câu chuyện qua hình ảnh trên màn chiếu lớn, càng tạo điều kiện kết nối và tương tác dành cho khán giả.

Những tác phẩm của nhà văn William Shakespeare là nguồn tư liệu lớn lao cho nền điện ảnh hiện đại

Nếu văn học truyền tải nội dung qua chữ viết thì điện ảnh lại mang thế giới tưởng tượng đến cho khán giả qua âm thanh, hình ảnh và diễn xuất. Chúng đều kích thích đối tượng cảm thụ phải suy nghĩ, tưởng tượng và đào sâu để hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của một tác phẩm. Mối quan hệ mật thiết này khiến văn học trở thành một trong những nguồn cảm hứng lớn lao với nền điện ảnh thế giới. Những tác phẩm văn học kinh điển của các tác gia như Shakespeare, Tolstoy, Dickens, Voltare, vv nhiều lần được chuyển thể thành phim và đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả đại chúng. Thêm vào đó, cần biết rằng một bộ phim trong quá trình thực hiện, ngay từ những khâu đầu tiên như kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh hay lời thoại, thì đều cần sử dụng phương tiện văn học. 

Một cảnh trong phim “The Martian” (2015) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andy Weir

Những tác phẩm chuyển thể từ văn học có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp điện ảnh. Thậm chí, giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar còn dành một hạng mục riêng biệt có tên gọi Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, phần nào thể hiện sự quan trọng của những tác phẩm văn học. Văn học trên-màn-ảnh-rộng còn được thể hiện qua cách thức những bộ phim được kể. Bằng cách sáng tạo ra phương pháp riêng biệt, chú trọng vào cuộc đời của một tác giả nổi tiếng hoặc đưa ra những sáng tạo về hình ảnh, chỉ đạo diễn xuất, lời thoại hoặc cách dựng phim đều được xem là ảnh hưởng của văn học đến quan điểm thẩm mỹ của một tác phẩm điện ảnh. 

Giải thưởng thường niên Oscar dành riêng một hạng mục cho những kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất

Bộ phim Jules and Jim (1962) của đạo diễn François Truffaut có lẽ sẽ là ví dụ tiêu biểu cho điều này. Những ảnh hưởng của phong trào Làn sóng mới Pháp khiến ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim phù hợp đến lạ với văn phong của nhà văn Henri-Pierre Roché. Những câu dựng sắc lẻm, ngắn gọn, có xu hướng thay đổi đột ngột cùng với những phân đoạn được quay với cú máy động như để báo hiệu một sự bùng nổ trong câu chuyện. Qua đó, tình yêu và lối sống tự do của nhân vật được thể hiện rõ ràng.

Một cảnh trong phim “Jules and Jim” (1962) dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Henri-Pierre Roché

Vì vậy, có thể nói rằng, văn học là bước khởi đầu của điện ảnh. Và nhờ có văn học, các nhà làm phim mới có cơ sở, kiến thức và nguồn động lực để hoàn thành đứa con tinh thần của mình.

2. Hollywood chuyển thể phim từ văn học

Từ lâu, Hollywood đã sớm nhận ra lợi thế họ có được về nhiều mặt từ việc chuyển thể các tác phẩm văn học. Ngoài việc đề cao các kịch bản gốc, việc phát triển những tựa sách được đại chúng ưa thích cũng là một lựa chọn thường xuyên của các hãng phim. Đầu tư vào hiệu ứng truyền thông, nghiêm túc và trung thành với câu chuyện cũng như nội dung gốc của tác giả có lẽ là chìa khóa thành công của bộ ba phim Lord of the Rings của đạo diễn Peter Jackson. Loạt phim Harry Potter với 8 phần cũng là một ví dụ tiêu biểu cho thành công của phim chuyển thể từ văn học.

Bộ ba phim “Lord of the Rings” của đạo diễn Peter Jackson là một trong những dự án chuyển thể thành công nhất trong lịch sử

Rõ ràng, những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học là một lựa chọn an toàn và tránh rủi ro cho các hãng phim. Bởi, các tác phẩm văn học đã cung cấp sẵn một hệ thống chi tiết và hồ sơ nhân vật khá đầy đủ cho việc chuyển thể thành phim. So với một quá trình dày công nghiên cứu các chi tiết để phát triển một kịch bản gốc, trong khi chưa chắc chắn về hướng đi của nó, các kịch bản chuyển thể có được ưu thế hơn. Việc rút ngắn quá trình góp phần làm giảm đi chi phí về nhân sự và tiết kiệm thời gian.

Bộ ba phép thuật Harry Potter là một biểu tượng kinh điển khi nhắc đến dòng phim chuyển thể từ sách

Không thể bỏ qua lợi thế của bộ phim khi sở hữu độ nhận diện sẵn có và nhận được ủng hộ từ những độc giả của tác phẩm gốc, qua đó đảm bảo về lượng người xem ở các rạp chiếu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật làm thay đổi hành vi mua sắm, giải trí và cả nhu cầu của khán giả. Giữa vô vàn lựa chọn giải trí, họ có yêu cầu cao hơn khi bỏ tiền vé và thời gian ra để xem một bộ phim ở rạp. Thêm vào đó, cơ hội tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm giải trí chất lượng cao một cách dễ dàng góp phần khiến trình độ và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả đại chúng được nâng cao. Do đó, việc chuyển thể những tác phẩm văn học vốn nổi tiếng và được ưa thích làm tăng tính cạnh tranh của một bộ phim. 

Sự đầu tư hoành tráng không thể ngăn được những phản ứng trái chiều đối với “The Great Gatsby” của đạo diễn Baz Luhrmann

Tuy nhiên, yếu tố này còn tùy thuộc vào việc lựa chọn tựa sách và hướng khai thác phù hợp. Nếu không, điều này sẽ trở thành bất lợi khi độc giả trở thành người đầu tiên tẩy chay bộ phim. The Great Gatsby của đạo diễn Baz Luhrmann, một bộ phim có sự đầu tư hoành tráng về bối cảnh và phục trang, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng, lại nhận về những ý kiến trái chiều từ những độc giả vốn yêu thích tác phẩm của nhà văn Francis Scott Fitzgerald. Bởi, theo họ, cách kể chuyện của bộ phim đã khắc họa một Gatsby khá khác biệt so với tác phẩm gốc, qua đó, khiến nhân vật phần nào trở nên hời hợt và thiếu hẳn tinh thần vốn có.

3. Văn học Việt Nam qua các thời kỳ

Dù là một đất nước với lịch sử dài sống trong những cuộc chiến dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta vẫn có được cho mình một nền văn học riêng biệt, mang đậm bản sắc và truyền thống dân tộc. Ngoài thể loại văn học dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác, văn học viết cũng góp phần đáng kể vào việc định hình văn hóa dân tộc. Vào thời kỳ đầu xuất hiện, văn học viết chỉ giới hạn trong các thể loại như văn vần, câu đối hoặc tản văn. Từ cuối thế kỷ 18, chữ Nôm xuất hiện thúc đẩy các văn sĩ nước nhà cống hiến nhiều hơn, có thể kể đến những tác phẩm nổi bật của Hồ Xuân Hương và đại thi hào Nguyễn Du. Tiếp theo, cùng với sự du nhập của văn hóa phương Tây và việc hình thành chữ quốc ngữ, ta dần có văn học trung đại và văn học hiện đại. 

Tranh minh họa cảnh Kim Trọng gặp Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy rằng những tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng được chuyển thể thành những bộ phim có nội dung hay và hấp dẫn. Tiêu biểu, trong những năm gần đây, ba tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gồm có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua Mắt biếc khi được chuyển thể thành phim đều nhận được sự quan tâm lớn từ phía công chúng. Ấy là chưa kể đến số lượng phim truyền hình dài tập được chuyển thể từ truyện của nhà văn này. 

“Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” là một trong những bộ phim chuyển thể thành công của đạo diễn Victor Vũ từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Văn học hiện đại Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của những cây viết đầy cảm xúc như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, vv. Trong đó, đề tài mà những tác giả này khai thác vô cùng đa dạng, với văn phong chân phương và góc nhìn chân thực, rất đỗi gần gũi với đời sống nhưng cũng đong đầy xúc cảm, tính lãng mạn và tính thơ.

Thay cho việc remake, các nhà làm phim có thể đào sâu vào nghiên cứu và tìm tòi những chất liệu vô cùng đa dạng trong nền văn học nước nhà. – Trailer phim “Cô gái đến từ hôm qua” (2017)

Qua đó, ta có thể thấy rằng nền điện ảnh Việt Nam, với tuổi đời vô cùng non trẻ, có thể học hỏi cách mà Hollywood đang làm với những tác phẩm văn học. Nếu việc thiếu hụt một kịch bản gốc chất lượng – điều cốt lõi làm nên một bộ phim hay – là vấn đề nan giải trong nhiều năm trở lại đây, thì thay cho việc remake các dự án phim nước ngoài, các nhà làm phim có thể đào sâu vào nghiên cứu và tìm tòi những chất liệu vô cùng đa dạng trong nền văn học nước nhà. Với sự đầu tư và thực hiện nghiêm túc, những dự án điện ảnh được chuyển thể từ các tác phẩm văn học Việt Nam chắc chắn sẽ có được sự đón nhận từ khán giả nội địa, và cũng là một cách giới thiệu về nền văn hóa nước nhà với bè bạn quốc tế.

Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: raindance, asjournal, wikipedia.

Cùng tác giả

#Tag

harry potter kịch bản gốc kịch bản phim. nghệ thuật nguyễn nhật ánh oscars phim phim chuyển thể phim điện ảnh the great gatsby the lord of the rings Trào lưu điện ảnh văn học victor vũ viết một tay điện ảnh điện ảnh Việt Nam

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…