Wassily Kandinsky (Phần 1)

Nghệ thuật trừu tượng hiện đại không thể đòi hỏi được một nhà lý thuyết với tầm nhìn xa và lôi cuốn hơn Kandinsky. Với tất cả những lý tưởng, những nghiên cứu, những chuyến đi, những thực hành, và cả những tình bạn… không mệt mỏi suốt cuộc đời – Kandinsky là một trong những nhà nghệ thuật Hiện đại quan trọng nhất. Ảnh hưởng của ông cũng vươn ra ngoài địa hạt của nghệ thuật và trải đầy trong các lĩnh vực thiết kế, với tư cách một giảng viên Bauhaus và một nhà lý thuyết sâu sắc về tạo hình, với góc nhìn cảm xúc và tinh thần. Trong loạt bài hai phần, ta sẽ tìm hiểu về Wassily Kandinsky.

  • Hội hoạ trừu tượng là khó nhất trong tất cả các loại nghệ thuật. Nó đòi hỏi bạn phải biết vẽ tốt, có một sự nhạy cảm tột bậc về bố cục và màu sắc, và rằng bạn là một nhà thơ đích thực. Điều cuối cùng là thiết yếu.” 
  • Màu sắc là một phương thức để tạo tác động trực tiếp tới linh hồn.
  • Các vật thể làm hại tới hình ảnh”.

Tóm lược về Wassily Kandinsky

Wassily Kandinsky, tên khai sinh là Wassily Wassilyevich Kandinsky, sinh 16/12/1866 tại Moscow, Nga và mất 13/12/1944 tại Neuilly-sur-Seine, Pháp.

Wassily Kandinsky là một trong những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật Trừu tượng Hiện đại. Ông đã khai thác mối tương quan gợi sự liên tưởng giữa màu sắc và hình thức để tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ thu hút cái nhìn, cái nghe, và cảm xúc của công chúng. Ông tin rằng trừu tượng hóa toàn diện mang lại khả năng biểu đạt sâu sắc, siêu nghiệm, và việc sao chép từ tự nhiên chỉ làm cản trở quá trình này. Với nguồn cảm hứng tột độ về việc tạo ra nghệ thuật truyền đạt cảm giác phổ quát về tính tâm linh, ông đã cải cách và tạo ra một ngôn ngữ hình ảnh liên kết rất lỏng lẻo với thế giới bên ngoài, nhưng thể hiện rất nhiều về trải nghiệm nội tâm của người nghệ sĩ. 

Vốn từ vựng về hình ảnh của ông được phát triển qua ba giai đoạn, chuyển từ những bức tranh sơn dầu mang tính đại diện thời kỳ đầu và chủ nghĩa biểu tượng thần thánh của chúng, sang những tác phẩm cuồng nhiệt và kịch tính, đến thời kỳ cuối với các mảng màu phẳng, hình học và sinh học. Nghệ thuật và ý tưởng của Kandinsky đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ sinh viên của ông tại Bauhaus cho đến những người theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng sau Thế chiến thứ hai.

Các thành tựu

  • Trên tất cả, hội họa có giá trị tinh thần sâu sắc đối với Kandinsky. Ông đã tìm cách truyền tải cái tâm linh thâm sâu và chiều sâu cảm xúc con người thông qua một ngôn ngữ hình ảnh phổ quát của các hình thức và màu sắc trừu tượng vượt lên các ranh giới văn hóa và vật chất.
  • Kandinsky xem nghệ thuật trừu tượng phi khách quan là phương thức thị giác lý tưởng để thể hiện “thiết yếu nội tại” của nghệ sĩ và để truyền tải những cảm xúc và ý tưởng phổ quát của con người. Ông xem mình như một nhà tiên tri có sứ mệnh chia sẻ lý tưởng này với thế giới vì sự tốt đẹp hơn của xã hội.
  • Kandinsky xem âm nhạc là hình thức nghệ thuật phi vật thể siêu việt nhất – các nhạc sĩ có thể khơi gợi hình ảnh trong tâm trí người nghe chỉ bằng âm thanh. Ông cố gắng tạo ra những bức tranh tương tự không vật thể, giàu tâm linh, khơi gợi âm thanh và cảm xúc thông qua một sự thống nhất của cảm quan.
Vàng đỏ xanh lam (Jaune-rouge-bleu) (1925)

Tiểu sử của Wassily Kandinsky

Thời thơ ấu

Wassily (Vasily) Wassilyevich Kandinsky sinh năm 1866 tại Moscow, cha mẹ thuộc tầng lớp thượng lưu, trí thức, có nguồn gốc dân tộc pha trộn. Cha ông sinh ra ở gần Mông Cổ, trong khi mẹ ông là người Đại công quốc Moskva (Muscovite), và bà của Kandinsky đến từ vùng Baltic nói tiếng Đức. Phần lớn thời thơ ấu của Kandinsky trải qua ở Odessa, một thành phố quốc tế thịnh vượng với dân cư Tây Âu, người Địa Trung Hải và nhiều nhóm dân tộc khác. Khi còn nhỏ, Kandinsky đã bộc lộ sự nhạy cảm khác thường đối với các kích thích từ âm thanh, từ ngữ và màu sắc. Cha của ông đã khuyến khích năng khiếu độc đáo và quý giá đối với nghệ thuật này của Kandinsky và đăng ký cho ông tham gia các lớp học vẽ tư, cũng như các lớp dương cầm và cello. 

Wassily Kandinsky năm 3 tuổi với mẹ của mình (1869)

Mặc dù sớm tiếp xúc với nghệ thuật, Kandinsky chỉ thực sự chuyển sang hội họa khi ông đến tuổi 30. Trước đó, ông vào Đại học Moscow năm 1886 để học luật, dân tộc học và kinh tế. Mặc dù chú tâm học luật chính quy nhưng mối quan tâm của Kandinsky đến chủ nghĩa biểu tượng màu sắc và ảnh hưởng của nó đối với tâm lý con người lớn dần trong suốt thời gian ông ở Moscow. Đặc biệt, một chuyến đi nghiên cứu dân tộc học vào năm 1889 tới vùng Vologda, phía tây bắc nước Nga đã khơi dậy niềm yêu thích đối với nghệ thuật dân gian mà Kandinsky sau đó mang trong mình xuyên suốt sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1892, ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục trong ngành luật bằng cách giảng dạy tại trường đại học.

Đào tạo ban đầu

Wassily Kandinsky trong dáng vẻ chuyên nghiệp (không ghi ngày tháng)

Mặc dù thành công với tư cách là một nhà giáo dục, Kandinsky từ bỏ sự nghiệp giảng dạy luật của mình để theo học trường nghệ thuật ở Munich vào năm 1896. Trong hai năm đầu tiên ở Munich, ông học tại trường nghệ thuật Anton Azbe, và vào năm 1900, ông theo học Franz von Stuck tại Học viện Mỹ thuật. Tại trường của Azbe, ông đã gặp những những người đồng chí hướng như Alexei Jawlensky, người đã giới thiệu Kandinsky với nghệ sĩ tiên phong ở Munich. Năm 1901, cùng với ba nghệ sĩ trẻ khác, Kandinsky đồng sáng lập “Phương trận” (“Phalanx”) – hiệp hội nghệ sĩ phản đối quan điểm bảo thủ của các tổ chức nghệ thuật truyền thống. Nhóm Phương trận mở rộng bao trùm một trường nghệ thuật, trong đó Kandinsky giảng dạy, và một nhóm triển lãm. 

Trong một lớp học của mình tại trường Phalanx, ông đã gặp và bắt đầu mối quan hệ với một học trò của mình, Gabriele Munter, người đã trở thành bạn đồng hành của Kandinsky trong suốt 15 năm sau đó. Trong chuyến chu du châu Âu và bắc Phi cùng Munter từ năm 1903 đến năm 1909, Kandinsky đã làm quen với chủ nghĩa Biểu hiện đang bành trướng và phát triển phong cách của riêng mình dựa trên các nguồn nghệ thuật đa dạng mà ông đã chứng kiến ​​trong các hành trình của mình.

Wassily Kandinsky và Gabriele Munter

Kandinsky đã vẽ tác phẩm đột phá của mình, Kỵ sĩ màu xanh lam (Der Blaue Reiter) (1903) trong giai đoạn chuyển tiếp này. Tác phẩm thuở ban đầu này cho thấy sự quan tâm của ông đối với các mối quan hệ rời rạc giữa hình-nền và việc sử dụng màu sắc để thể hiện cảm xúc hơn là vẻ bề ngoài – hai khía cạnh sẽ chi phối phong cách trưởng thành của ông. Năm 1909, ông là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội nghệ sĩ mới ở Munich (Neue Kunstlervereinigung Munchen (NKVM)), một nhóm tìm cách giúp đỡ các nghệ sĩ tiên phong có cách thực hành quá cấp tiến đối với các tổ chức và học viện truyền thống thời đó. 

Kỵ sĩ xanh lam (1903), BST cá nhân

Những bức tranh của ông ngày càng trở nên trừu tượng hơn với thế giới xung quanh khi ông dần hoàn thiện phong cách của mình. Ông bắt đầu đặt tên các tác phẩm: Ngẫu hứng, Bố cục hoặc Ấn tượng để nhấn mạnh hơn nữa khoảng cách của chúng với thế giới khách quan và tiếp tục sử dụng các tiêu đề tương tự trong suốt phần còn lại của sự nghiệp.

Thời kỳ trưởng thành

Năm 1911, để phản hồi lời việc triển lãm NKVM hàng năm từ chối một trong những bức tranh của Kandinsky, ông và Franz Marc đã tổ chức một cuộc triển lãm cạnh tranh và đồng sáng lập Kỵ sĩ màu lam – một hiệp hội tự do của chín nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện trong đó có bao gồm August Macke, Munter và Jawlensky. Mặc dù mục đích và cách tiếp cận của các nghệ sĩ này khác nhau, nhìn chung nhóm tin tưởng vào việc quảng bá nghệ thuật Hiện đại và khả năng trải nghiệm tâm linh thông qua các kết hợp biểu trưng của âm thanh và màu sắc – hai vấn đề rất gần gũi và thân thuộc đối với trái tim của Kandinsky. Dẫu rằng có những điểm tương đồng giữa biệt danh của nhóm và tiêu đề bức tranh năm 1903 của Kandinsky, các nghệ sĩ thực sự đã đặt tên Kỵ sĩ màu lam là kết quả của sự kết hợp giữa tình yêu ngựa của Marc và sự quan tâm của Kandinsky đối với biểu tượng kỵ sĩ, và cả hai nghệ sĩ đều ưa chuộng màu xanh lam. 

Những con ngựa màu xanh lớn (Die grossen blauen Pferde) (1911) của Franz Marc. Walker Art Center, Minneapolis, Minnesota, Mỹ

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của họ, nhóm đã xuất bản một tuyển tập Sách lịch Kỵ sĩ màu xanh lam (The Blue Rider Almanac) và tổ chức ba cuộc triển lãm. Ngoài ra, Kandinsky đã xuất bản cuốn sách Về cái Tinh thần trong Nghệ thuật (Concerning the Spiritual in Art) (1911), bài luận lý thuyết đầu tiên của ông về sự trừu tượng chỉ rõ lý luận của ông rằng nghệ sĩ là một thực thể tinh thần được thông tri và bị ảnh hưởng bởi đường nét, màu sắc và bố cục. 

Bìa cuốn sách lịch Kỵ sĩ xanh lam (The Blue Rider Almanac) (1911) Wassily Kandinsky

Kandinsky đã tạo ra cả tác phẩm trừu tượng và tượng hình vào thời gian này, nhưng mở rộng mối quan tâm của mình đến hội họa phi khách quan. Bố cục VII (Composition VII) (1913) là một ví dụ ban đầu về sự tổng hợp của ông về hình thức tinh thần, cảm xúc và không tham chiếu thông qua các họa tiết phức tạp và màu sắc rực rỡ. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914 dẫn đến việc giải thể Nhóm Kỵ sĩ màu lam, tuy nhiên, mặc dù nhiệm kỳ ngắn ngủi, nhóm đã khởi xướng và truyền cảm hứng sâu sắc cho phong cách Biểu hiện có ảnh hưởng lớn tại Đức.

Bố cục VII của Kandinsky

Sau khi Đức tuyên chiến với Nga, Kandinsky buộc phải rời khỏi Đức. Ông đã đi chuyển đến sống ở Thụy Sĩ và Thụy Điển với Munter trong gần hai năm, nhưng trở lại Moscow vào đầu năm 1916, và điều này làm kết thúc mối quan hệ của họ. Tại Moscow, ông đã tán tỉnh và kết hôn với Nina Andreevskaia, con gái nhỏ của một đại tá của Sa hoàng. Trong thời gian ở đó, ông không chỉ làm quen với nghệ thuật của những người theo chủ nghĩa Kiến tạo và Siêu việt như Vladimir Tatlin và Kazimir Malevich, mà còn sống trong cùng tòa nhà với Aleksander Rodchenko, và gặp gỡ những người nổi tiếng tiên phong khác như Naum Gabo, Lyubov Popova và Varvara Stepanova. 

Wassily và Nina Kandinsky 

Với Cách mạng Tháng Mười năm 1917, kế hoạch xây dựng một trường học và xưởng vẽ riêng của Kandinsky đã bị cản trở bởi việc Cộng sản phân phối lại tài sản tư nhân và thay vào đó, ông làm việc với chính phủ mới để phát triển các tổ chức và trường học nghệ thuật. Mặc dù đã tham gia vào việc phát triển các thể chế mới chính thức được công nhận, nhưng ông ngày càng cảm thấy xa rời sự tiên phong. Việc tìm kiếm khía cạnh tinh thần trong nghệ thuật của ông không phù hợp với thẩm mỹ thực dụng được bảo hộ bởi chính phủ non trẻ và các nghệ sĩ mà nó bảo vệ.

Năm 1921, khi kiến trúc sư Walter Gropius mời Kandinsky đến Đức để giảng dạy tại trường  Bauhaus ở Weimar, ông đã chấp nhận và chuyển đến Berlin cùng vợ, nhập quốc tịch Đức vào năm 1928. Là một thành viên của trường phái đổi mới, triết lý nghệ thuật của Kandinsky hướng về ý nghĩa của các yếu tố hình học – cụ thể là hình tròn, nửa hình tròn, đường thẳng, góc, hình vuông, bàn cờ và hình tam giác. Năm 1926, ông xuất bản công trình lý thuyết lớn thứ hai của mình, Từ Điểm và Đường đến Mảng  (Point and Line to Plane), phác thảo những ý tưởng về một “Khoa học của hội họa.” Trong cả tác phẩm và lý thuyết của mình, ông đã chuyển từ cách thể hiện lãng mạn, trực quan của những bức tranh sơn dầu trước chiến tranh sang việc nhấn mạnh vào các bố cục được tổ chức một cách có chủ đích.

Bố cục VIII (Composition VIII) (1923) của Kandinsky

Những năm cuối đời và cái chết

Khi Đức Quốc xã đóng cửa trường Bauhaus vào năm 1933, Kandinsky buộc phải rời khỏi ngôi nhà thuê của mình ở Đức và chuyển đến Pháp, nơi ông ở lại cho đến cuối đời. Ông và vợ là Nina định cư trong một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Paris, Neuilly-sur-Seine, và được nhập tịch Pháp vào năm 1939. Trong khi ở Pháp, phong cách của ông lại thay đổi và ông đã thử nghiệm các hình khối sinh học, mang tính hữu cơ hơn các hình dạng hình học khắc khổ trong các bức hoạ Bauhaus của ông. 

Bố cục X (Composition X) (1939) của Kandinsky

Mặc dù ông vẫn tiếp tục vẽ cho đến năm cuối của mình, năng suất của Kandinsky chậm lại trong chiến tranh và nghệ thuật của ông không còn được ưa chuộng khi những hình ảnh tham chiếu của chủ nghĩa Lập thể và Siêu thực đã thống trị chủ nghĩa Tiên phong Paris. Bất chấp khoảng cách với vị trí hàng đầu về thẩm mỹ, Kandinsky vẫn tiếp tục cải tiến phong cách và xem lại nhiều chủ đề và phong cách trước đây của mình trong giai đoạn này, tổng hợp các yếu tố trong toàn bộ bức tranh của ông thành những tác phẩm phức tạp và rộng lớn. Phong cách cuối cùng của ông đã kết hợp bảng màu biểu cảm của các Bố cục phi vật thể ban sơ từ đầu những năm 1910 với các yếu tố có tính cấu trúc hơn mà ông đã nghiên cứu khi ở Bauhaus cũng như các hình khối sinh học được truyền bá bởi những người theo chủ nghĩa Siêu thực, như Joan Miró và Jean Arp.

Xanh trời (Sky Blue) (1940)

Đức Quốc xã đã tịch thu 57 bức tranh sơn dầu của ông trong cuộc thanh trừng “Nghệ thuật suy đồi” vào năm 1937, nhưng bất chấp sự bài trừ của phát xít chống lại nghệ thuật của ông, những người bảo trợ Mỹ – đặc biệt là Solomon R. Guggenheim – vẫn say mê sưu tầm tác phẩm trừu tượng của Kandinsky. Các tác phẩm của ông đã trở thành chìa khóa để định hình sứ mệnh của bảo tàng mà Guggenheim đã lên kế hoạch mở cửa dành riêng cho nghệ thuật tiên phong, hiện đại. Với hơn 150 tác phẩm trong bộ sưu tập, Kandinsky được biết đến như là “Vị thánh bảo trợ của Guggenheim“. Ông mất vào tháng 12 năm 1944 trong tình trạng tương đối cô độc, nhưng thanh thản.

Di sản của Wassily Kandinsky

Công trình của Kandinsky, cả nghệ thuật và lý thuyết, đóng một vai quan trọng trong nền tảng triết học cho các trào lưu hiện đại sau này, đặc biệt là chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và các biến thể của nó như hội họa Trường Màu. Những tác phẩm mang tính sinh học thời kỳ sau của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của Arshile Gorky với phong cách phi vật thể, từ đó giúp hình thành thẩm mỹ của Trường phái New York. 

Các hoạt động đa dạng (Actions variées) (1941) của Kandinsky

Jackson Pollock quan tâm đến những bức tranh cuối cùng của Kandinsky và bị cuốn hút bởi những lý thuyết của ông về khả năng biểu đạt của nghệ thuật, cụ thể là sự nhấn mạnh về hoạt động và tiềm thức tự phát. Phân tích của Kandinsky về các đặc tính cảm quan của màu sắc đã có ảnh hưởng to lớn đến các họa sĩ Trường Màu, như Mark Rothko, người đã nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa các sắc đối với tiềm năng cảm xúc của chúng. Ngay cả những nghệ sĩ những năm 1980 làm việc trong sự trỗi dậy của trường phái Tân biểu hiện trong hội họa, như Julian Schnabel và Philip Guston, đã áp dụng những ý tưởng của Kandinsky về biểu hiện nội tâm của nghệ sĩ trên toan vẽ vào tác phẩm hậu hiện đại của họ. Kandinsky đã tạo tiền đề cho phần lớn nghệ thuật biểu hiện hiện đại được sản xuất trong thế kỷ 20.

Nguyên bản tiếng Anh do Eve Griffin tổng hợp và viết, Những người Cộng sự của The Art Story biên tập và đăng tải. Bản tiếng Việt do Tố Uyên dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Wassily Kandinsky

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…