5 cách làm sáng tạo để tránh lãng phí thức ăn

Ông cha ta luôn dạy “có thực mới vực được đạo”. Thức ăn là một trong những nhu yếu phẩm giúp con người sinh tồn, hoạt động và làm việc. Nhưng kỳ khôi thay, chúng ta thời nay đang ngày càng vô tâm với chúng.

Điển hình như khi chúng ta vung tay quẳng đi quả đào héo do bỏ quên trong ngăn tủ lạnh quá lâu hay cây bắp cải méo mó trong siêu thị chỉ bởi không đủ tiêu chuẩn về cảm quan. Cứ thế, 1.3 triệu tấn thực phẩm bị đổ bỏ mỗi năm trong khi hơn 790 triệu người thiếu ăn, suy dinh dưỡng. 

Ảnh: Huffpost

Ngoài việc đương không chiếm chỗ trong thùng rác, làm “đau” túi tiền của bạn, của các chủ siêu thị, thực phẩm thừa còn tiêu hao nguồn nước, nguồn năng lượng và đất đang dần hao mòn của chúng ta. Theo một báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, thực phẩm đổ bỏ hằng năm trị giá 2,6 tỷ đô la Mỹ và chiếm gần 30% đất nông nghiệp trên thế giới. Nếu ví thức ăn thừa là một đất nước, đây sẽ là quốc gia thải khí nhà kính nhiều thứ ba toàn cầu.

5 lối thoát sáng tạo, tiện lợi dưới đây sẽ giúp chúng ta chấm dứt hành động vô tội vạ này, xây dựng cuộc sống bền vững và thịnh vượng hơn.


1. Thiết kế nội thất sang chảnh pha trộn phương pháp lưu trữ thực phẩm xa xưa

Ảnh: Save Food From The Fridge

Hoà cùng cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm, hai nhà thiết kế Jihyun Ryou và David Artuffo cùng nhau sáng tạo những kệ thực phẩm theo lời khuyên từ người bà của Jihyun Ryou là hãy đặt thực phẩm ở nơi dễ thấy, bắt mắt bởi sự thật “vì chúng ta bỏ thức ăn vào tủ lạnh nên mới quên bẵng chúng đi”. Qua cách bảo quản thực phẩm tuy cũ mà mới này, hai nhà thiết kế cũng lột tả nét hấp dẫn toát ra từ nhiều loại rau củ. 

Táo tiết ra lượng lớn khí Etylen, đẩy nhanh độ chín của trái cây và rau củ để gần chúng. Nhưng khi táo để cùng khoai tây lại có tác dụng ngăn khoai tây mọc mầm. Ảnh: Save Food From The Fridge
Bạn không thể có một dĩa trứng chiên ngon nếu bỏ chúng trong tủ lạnh cùng các nguyên liệu khác vì trên vỏ trứng có hàng triệu lỗ nhỏ li ti nên dễ dàng hút mùi và các chất xung quanh. Kệ thực phẩm được thiết kế dành riêng cho việc bảo quản trứng. Đồng thời, người dùng có thể kiểm tra độ tươi của trứng trong nước. Trứng tươi sẽ có xu hướng chìm xuống dưới đáy. Ảnh: Save Food From The Fridge
Nhiều nhà nội trợ thường lầm tưởng bí ngòi, cà tím và dưa leo là rau củ, nhưng thực chất chúng thuộc họ trái cây. Kệ thực phẩm này sẽ giúp chúng ta có thói quen tưới nước cho chúng mỗi ngày, giúp bảo quản trái cây tốt hơn. Ảnh: Save Food From The Fridge
Gạo có khả năng hút ẩm tốt. Hũ đựng gia vị với thiết kế nút đậy đính kèm gạo nhỏ giúp giữ gia vị luôn khô ráo, không vón cục. Ảnh: Save Food From The Fridge
Bằng mẹo sử dụng cát, kệ thực phẩm từ sự sáng tạo kết hợp của Jihyun Ryou và David Artuffo cho phép rau củ đứng dọc dễ dàng và giữ độ ẩm cho thực phẩm. Phương pháp truyền thống này giúp tiết kiệm điện trong nhà và bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn. Ảnh: Save Food From The Fridge

2. Keep-it

Bạn rất muốn tận dụng triệt để thực phẩm trong nhà, nhưng thật oái ăm khi bạn hoàn toàn không nhớ thời điểm mua miếng cá hồi từ siêu thị và không chắc liệu có ổn khi ăn nó? Vứt chúng vào thùng rác luôn được cho là giải pháp tối ưu trong tình huống này.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Đời sống Nauy (UMB) đã phát triển thành công Keep-it, thanh nhiệt theo dõi thực phẩm. Thanh nhiệt kế nhỏ Keep-it dán trên bao bì giúp xác định nhiệt độ môi trường mà sản phẩm đang được bảo quản và hiện số ngày sử dụng của thực phẩm đó. Nhờ vậy, người tiêu dùng không còn tự đoán đố chính mình về ngày sử dụng để rồi lại hoang phí thực phẩm. “Với những loại thực phẩm dễ hư, nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất. Nhiệt độ trực tiếp tác động đến thời hạn sử dụng của chúng,” Christian Aasland, CEO cuả Keep-it phân tích. Hiện nay, thanh nhiệt theo dõi được sử dụng trên bao bì đóng gói thịt đông lạnh, thịt heo và cá tại REMA 1000, cửa hàng tạp hoá bán lẻ lớn thứ hai tại Na Uy.   


3. Ứng dụng săn hàng cận hạn sử dụng

Ảnh: Ideas.Ted

Tại Hà Lan, thực phẩm thường được định giá dựa trên hạn sử dụng của chúng. “Các sản phẩm tại siêu thị cận ngày cuối cùng sử dụng sản phẩm tốt nhất sẽ được dán nhãn giảm giá“, August de Vocht giải thích. Ông là người đã phát triển ứng dụng Afgeprijsd, mang truyền thống định giá ở Hà Lan “nhập cuộc” vào thế giới kỹ thuật số. Người dùng có thể lập danh sách mua hàng trên Afgeprijsd. Ứng dụng sẽ gửi thông báo đến người dùng khi món hàng họ muốn đang giảm giá tại khu vực gần đó. Ứng dụng ra mắt vào năm 2014 và đến nay, khoảng 20,000 người sử dụng giao diện mỗi ngày tại Hà Lan. 


4. Disco Soup – Bữa ăn giáo dục về sự lãng phí

Ảnh: Ideas.Ted

Năm 2012, một nhóm bạn trẻ hưởng ứng phong trào không lãng phí thực phẩm tại Berlin đã cùng nhau nghĩ ra ý tưởng nấu món “Schnippeldisko”– Nghĩa tiếng Anh là “chopping disco” (Tạm dịch: sàn disco thái rau củ). Họ đã đến các cửa hàng, nhà hàng và gom lại hơn một tấn rau củ bị bỏ đi tại đây.

Ảnh: Eden Project Communities

Nhóm tình nguyện trẻ mời gọi mọi người chung tay xắt nhỏ rau củ để nấu món soup “Schnippeldisko”. Họ cùng nấu ăn dưới dàn nhạc disco sôi động. Trong khi hai tay DJ làm “nóng” sàn bếp ngoài trời này, 300 tình nguyện viên đã nấu đủ soup phục vụ cho 9,000 người. Bữa tiệc nấu ăn cộng đồng dần biến thành tổ chức thế giới và những sự kiện tương tự diễn ra tại Amsterdam, Tokyo và Nairobi. Vài món soup “disco” còn mang đậm hương vị truyền thống. Ngoài niềm vui thoả mãn, những bữa tiệc như vậy còn dạy ta cách trân quý từng miếng ăn và ý thức hơn về hành động lãng phí chúng. Steffen Schweizer, nhà thổ nhưỡng học, đã từng tổ chức nhiều bữa ăn “Schnippeldiskos”, chia sẻ “Qua bữa tiệc “Disco Soup”, chúng tôi hy vọng mọi người có thể nhìn lại những thực phẩm thừa trong nhà mình và cân nhắc đem chúng trở lại bàn ăn.”


5. Vận động giải pháp pháp lý 

Ảnh: NPR

Năm 2016, Ủy viên Hội đồng tại thành phố Courbevoie, Arash Derambarsh đã dẫn đầu cuộc biểu tình yêu cầu thông qua dự luật cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm tồn tại Pháp. Thay vào đó, họ phải quyên góp chúng cho các tổ chức từ thiện hoặc dùng làm thực phẩm cho động vật. Derambash hồi tưởng lại khi còn đi học ở trường Luật tại Paris phồn hoa và chỉ kiếm được phần lương ít ỏi. Anh thường phải bỏ bữa, nhịn ăn để tiết kiệm chi tiêu. Trong quãng thời gian túng thiếu ấy, anh quả thực rất buồn khi thấy các cửa hàng tiêu huỷ những thực phẩm vẫn có thể ăn được nhưng tồn đọng bằng cách đổ thuốc tẩy vào thùng rác để đuổi lũ động vật ăn đồ thừa. Tháng 02/2016, dự luật do anh đề xuất được đông đảo người dân bỏ phiếu đã được thông qua. “Sau một năm điều luật mới được áp dụng, hơn 10 triệu phần ăn được phục vụ đến người nghèo đói,” anh chia sẻ. 

Người dịch: Jane
Nguồn: Ideas.Ted

Cùng tác giả

#Tag

Afgeprijsd David Artuffo Disco Soup Jihyun Ryou Keep-it Schnippeldisko Thực phẩm thừa