7 ngày để chuyển sang một lối sống không rác thải (Zero Waste)

Bài viết và hình ảnh: Diên Đinh 

Mình mất chừng 9 tháng để tìm hiểu và thay đổi thói quen sống. Nhìn lại thì có thể làm ngần ấy việc trong một tuần chăng?

NGÀY 1: NHỮNG SẢN PHẨM DÙNG MỘT LẦN

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 01
Lọ thuỷ tinh mình hay dùng.

Nhà mình có quá nhiều túi bóng mỗi lần đi chợ về. Đi ra hàng uống nước thì họ đưa cho cốc nhựa, cốc giấy với ống hút. Ăn ngoài họ đưa không hộp xốp thì thìa nhựa, đũa tre. Tất cả đều là những thứ dùng một lần rồi vứt. Vậy nên mình cố gắng tuyệt đối không dùng đồ dùng một lần. Trừ khi nó được làm từ chất liệu sinh học có thể phân hủy an toàn. Giải pháp là mình mang túi vải và âu cơm (hoặc hộp nhựa) đi chợ. Túi vải để đựng rau củ, âu cơm đựng những đồ nước. Đi uống cafe cũng mang theo lọ thủy tinh để mua. Tìm mua cái ống hút tre nếu mà bạn thích dùng ống hút quá. Đối với các quán cafe thì có 2 sự lựa chọn nữa là ống hút inox hoặc ống hút cỏ bàng. Thế là mình không còn cần đến túi bóng nữa nhé.

NGÀY 2: Ủ PHÂN

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 02
Cà chua mọc ra từ thùng ủ phân. 

À nhưng mà, bây giờ không có túi bóng thì làm gì có cái gì đựng những rác trong quá trình làm bữa? Như là vỏ rau củ quả ấy. Phải học ủ phân thôi. Dễ lắm. Rác lúc làm bữa bỏ vào bát. Nhà có vườn thì tốt quá: đào cái hố, cứ thế đổ những rác hữu cơ vào xong lấp đi là sau nó thành phân, không thì chất đống lên lâu ngày nó cũng thành phân. Còn không có vườn thì kiếm cái thùng, đục lỗ, cứ một lớp rác hữu cơ thì một lớp đất mỏng, thỉnh thoảng đảo lên, giữ ẩm, sau một tháng thì cũng có phân để trồng cây. Nhớ nhé, phân cần có: các chất hữu cơ, độ ẩm, oxi, vi sinh vật. Có video hướng dẫn cách ủ phân kìa. Không tự ủ phân được thì làm cái túi bằng giấy hoặc xô, gom lại rồi đem người ta ủ giúp. Thật tốt nếu mỗi khu dân cư đều có một nơi ủ phân dành cho những gia đình không có vườn. 

NGÀY 3: THAY THẾ CHẤT HÓA HỌC

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 03
Chanh, bồ hòn và bồ kết. 

Thực ra, cái đầu tiên cần thay đổi phải là dừng việc dùng những chất hóa học lại. Biết là những hạt vi nhựa trong nhiều loại kem đánh răng hay sữa rửa mặt đều rất độc hại. Và hơn nữa, hàng tháng lại có thêm bao nhiêu chai lọ vứt ra môi trường. Nên là cần thay thế các loại chất tẩy rửa. Đánh răng bằng dầu dừa, gội đầu bằng bồ kết, giặt quần áo bằng bồ hòn hoặc muối hạt, tẩy rửa bằng muối với chanh, rửa mặt bằng nước từ lá trà xanh. Tóm lại là với bằng ấy thứ thì có thể thay thế được hết những loại chất tẩy rửa hiện có trong nhà. Nhưng mà cũng không có nhiều thời gian, nên là tìm những nơi họ làm những chất tẩy rửa tự nhiên để trong lọ thủy tinh với gốm ấy (nhưng cần khuyến khích họ tái sử dụng những lọ này khi mình mua lần sau), không thì thương lượng với họ, bảo là cho em mua bằng lọ được không ạ. Cái này là lâu nhất này. Vì nếu họ không có bán thì mình phải tự làm, với tùy điều kiện nơi mình ở có loại nào thì mình dùng loại đó. Xem ông bà mình ngày xưa sống như nào rồi xem cách nào thì hợp với mình.

NGÀY 4: ĐỒ NHỰA VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐÓNG GÓI

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 04
Món cơm bí ngô. 

Thay thế những vật dụng có thể. Chuyển qua dùng bàn chải tre, bông tăm thân giấy hoặc gỗ, là con gái thì thôi không dùng băng vệ sinh bình thường nữa, mà tập quen với dùng băng vệ sinh vải hoặc mooncup, cũng đừng dùng cái nịt đen nhỏ nhỏ nữa. Hay làm handmade như mình thì tự dưng phải không dùng băng keo, keo 502, hay là bìa mô hình nữa, tự nấu keo mà làm, rồi làm bằng những vật liệu tự nhiên. Người thích vẽ thì tự dưng phải chuyển qua dùng những loại màu tự nhiên. Thấy cái gì trong nhà rác thì đổi dần dần. Mà nhất là đồ ăn có đóng bao bì, nhiều rác nhất luôn. Nên thành ra, tự dưng mình phải học nấu ăn. Kẻo bạn bè đến nhà lại không có đồ ngồi ăn vui. Học làm các thứ từ những nguyên liệu gần nhà. Dần dần rồi tự dưng mình quen, với tay nghề cũng giỏi hơn nhiều. Còn không thì mình lại tìm những nơi họ làm đồ ăn homemade, bảo họ là cho em mang hộp đến mua nha, rồi họ quen, mình tới cái là họ bảo đâu, đưa hộp đây. Cái này là tùy nhu cầu mỗi người nhưng nếu buộc phải mua gì thì mình thường ưu tiên mua những thứ đựng trong hộp kim loại – có thể dễ dàng tái chế. Tuy nhiên, tiêu dùng những nông sản được trồng thuận tự nhiên từ những nông trang gần nơi mình ở là tốt nhất.

NGÀY 5: PHÂN LOẠI RÁC

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 05
Những lọ thuỷ tinh cũ và mới. 

Qua mấy ngày mình dọn nhà các thứ thì bây giờ mình soạn đồ đạc trong nhà xem, có những gì đem cho được, những gì cần vứt đi. Thành ra mình phải học cách phân loại rác. Có vài loại rác thôi, rác hữu cơ thì mình ủ thành phân rồi, rác vô cơ thì phải chia ra. Loại tái chế được, tức là những thứ mà những cô đồng nát sẽ mua (giấy, kim loại, xốp hạt to, chai lọ nhựa nhớ rửa sạch trước); loại rác thải độc hại (thủy ngân, bóng huỳnh quang) và những loại hỗn tạp cần tiêu hủy hoặc chôn; loại rác thải điện tử (pin, điện thoại,…) thu gom ở những nơi chuyên xử lý. Nhân tiện dọn nhà thì mình chuyển qua sống tối giản luôn. Phân loại rác tại nguồn là thực sự cần thiết, dù mình thải ra ít rác hay nhiều rác! Mẹo nhỏ khi nhà đôi khi vẫn có rác nho nhỏ. Rửa sạch, để khô, nhét chúng vào một cái chai nhựa. Sau này có thể mình gom lại cùng nhau xây nhà.

NGÀY 6: TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 06
Túi làm từ áo cũ và vải dư.

Cái này là mình phải tự làm nè. Nếu mà có đủ quần áo rồi thì đừng mua thêm nữa (như mình thì là không may thêm nữa) xem có tự sửa hoặc làm nó thành cái gì khác được không, như là túi vải nè, tạp dề, thảm,… Quần áo hiện đại đa phần làm từ những cây trồng dùng nhiều chất hóa học, in màu hóa học, lúc phân hủy ra vẫn độc, thành ra mình dành tiền mua đồ của những người trồng hữu cơ, nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên. Hoặc mình cũng tự nhuộm đồ cũ của mình luôn. Cũng có thể mua hoặc trao đổi những đồ cũ phù hợp với mình, vì thực sự lĩnh vực thời trang bây giờ đang tạo ra rất nhiều rác khó tái chế. Với những thứ khác cũng vậy, ưu tiên dùng đồ có thể tái sử dụng hoặc tái chế dễ dàng, hoặc là dùng hẳn những đồ thuần tự nhiên, bền vững.

NGÀY 7: NGHĨ VÀ LÀM

idesign 7 ngay de chuyen sang mot loi song khong rac thai 07
Cây bạc hà mình trồng thử trong túi vải nay đã chết. 

Hết rồi, ngày thứ 7 này là mình tự dành thời giờ để mình nghĩ xem còn gì mình làm được không. Mua cái gì thì cũng phải nghĩ xem nó đến từ đâu, xong rồi nó đi về đâu. Thay đổi đến khi nó thành thói quen thì cũng lâu, thành ra lúc nào cũng phải để ý, có khi còn phải chăm chỉ tìm những thứ thay thế cho sở thích hiện tại của mình nữa. Nhưng chúng ta có lẽ chẳng tuyệt đối được, vì đôi khi có những cái không có vật liệu thay thế. Như mình vẫn chụp máy phim một tháng một cuộn. Mình cũng từng làm phim từ những vật liệu không thể phân hủy, mà hồi đó hay bây giờ thì mình vẫn không hối hận gì. Bây giờ thì mình chuyển qua dùng những nguyên liệu tự nhiên hoặc tái sử dụng, tận dụng những nguyên liệu còn dư. Để thấy sự thay đổi đang diễn ra như nào, thì mình kể bạn nghe, trong 9 tháng qua, mình đã nghe có hòn đảo nọ đưa ra luật cấm sử dụng túi nylon, hay quốc gia nọ vừa thông qua một điều luật rằng tất cả mọi loại cốc đĩa nhựa đều phải được làm bằng các chất liệu có nguồn gốc sinh học tới năm 2020, hay là đã có cả một ngôi làng không rác thải. Mình tin là trong tương lai công nghệ sẽ thay đổi đủ để chúng ra không còn tàn phá môi trường nữa. Còn bây giờ thì mình làm những điều trong khả năng của mình thôi. Ngày thứ 7 này thực ra rất dài, vì mình phải làm nó hàng ngày, có khi chỉ là nhớ bảo cô chủ quán là cháu không dùng ống hút mà thôi. Các bạn có thể xem rất chi tiết những lý do vì sao, và những giải pháp thay đổi qua album “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày” của chị Trang Nguyen.

NHỮNG NƠI ĐỂ TÌM MUA SẢN PHẨM THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Những nơi bạn có thể tìm mua những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là những nơi mình biết, hy vọng có thể bổ sung thêm. 

Cửa hàng 3T (HCM – ống hút tre, ống hút cỏ bàng, chiếu cỏ bàng, túi cói,…)
Sạp hàng Chàng Sen (HN – bàn chải tre, ống hút inox, tre, cỏ)
VietHerb – Thuốc nam của người Việt (Gội đầu thảo dược, lọ rửa mặt đựng trong lọ gốm,…)
XanhShop.com (HCM – tất cả mọi loại đồ ăn không đóng bao bì, hoặc đựng trong lọ có thể đổi được)
Hoa Đất – Tiêu dùng an lành (HN- – đồ ăn lành mạnh, đựng trong lọ đổi được)
Nông trại hữu cơ Tuệ Viên (HN)
Bếp Mộc Lan (HN – bếp nấu ăn chay, đựng hộp từ bã mía hoặc lọ, dầu ăn đựng trong chai thủy tinh đổi được)
Papa’s Dreamer – Xà bông của Ba (HN – Xà bông hữu cơ)
Zó Project (HN – giấy dó)
Kilomet109 (Quần áo làm từ vải trồng hữu cơ và nhuộm tự nhiên)
Hemp – vải Lanh (Vải hữu cơ và nhuộm tự nhiên)
Nhặt lá, đá ống bơ (HN – Túi vải và đồ làm từ vải nhuộm tự nhiên)
Green Lady Vietnam (Băng vệ sinh vải hữu cơ)
Uni Organicbread (HN – bánh homemade không đóng gói)
LÀNH (HN – thực phẩm sạch và chương trình tái sử dụng lọ)
Bồ hòn – MADE BY HÁUQuả Bồ Hòn – Be BioQuả giặt Bồ Hòn – Xà phòng tự nhiên (HN – bán quả bồ hòn)
TRE SHOP (HN – các sản phẩm từ tre)
Vietnam Sustainable Space (Chương trình trao đổi đồ cũ)
Các địa điểm thu gom rác điện tử theo dõi tại: Việt Nam Tái Chế

Bài viết và hình ảnh: Diên Đinh
Xem bài viết gốc tại đây.




Cùng tác giả

#Tag

bền vững cây thành thị không rác thải lối sống tái chế thân thiện môi trường zero waste

iDesign Must-try

Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
House of Flowers: Nhà khách đáp ứng mô hình du lịch hiện đại nhưng vẫn kết nối với thiên nhiên
House of Flowers: Nhà khách đáp ứng mô hình du lịch hiện đại nhưng vẫn kết nối với thiên nhiên
Tại House of Flowers, du khách sẽ được thưởng thức rượu vang sản xuất hữu cơ, giữa bầu không khí yên tĩnh và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Khu…
Ai nói tổ chức tiệc sinh nhật thì không thể bảo vệ môi trường?
Ai nói tổ chức tiệc sinh nhật thì không thể bảo vệ môi trường?
Mỗi ngày, ta đều phải đưa ra những lựa chọn cuộc sống gây ra ít nhiều ảnh hướng tới môi trường. Điều này có thể trải rộng đến cả việc…
Khám phá cách tiếp cận mới với việc tái chế và tái sử dụng trong thiết kế vật liệu
Khám phá cách tiếp cận mới với việc tái chế và tái sử dụng trong thiết kế vật liệu
Một triển lãm khám phá cách các nhà sáng tạo sẽ tái chế và tái sử dụng các vật liệu như thế nào được ra mắt vào cuối năm ngoái…
Aisle chăm sóc kỳ kinh nguyệt của bạn bằng sản phẩm thân thiện môi trường
Aisle chăm sóc kỳ kinh nguyệt của bạn bằng sản phẩm thân thiện môi trường
Aisle tạo ra những sản phẩm chăm sóc kỳ kinh nguyệt một cách hữu hiệu, mang lại cảm giác dễ chịu và thân thiện môi trường. Họ đã yêu cầu…
Bao bì gạo hữu cơ được làm hoàn toàn từ vỏ trấu có thể tái sử dụng thành hộp khăn giấy
Bao bì gạo hữu cơ được làm hoàn toàn từ vỏ trấu có thể tái sử dụng thành hộp khăn giấy
Thiết kế bao bì dành cho thương hiệu gạo Srisangdao tại Thái Lan, được thực hiện bởi studio Prompt Design. Thung Kula Ronghai từ lâu đã là một vùng sản…