|Bản đồ chất liệu| Lịch sử con tằm và quy trình làm nên chất vải lụa sang trọng

Lụa đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước và đến ngày nay vẫn được đánh giá rất cao như một trong những loại vải sang trọng có giá trị.

Sau ngần ấy năm, quy trình sản xuất vải lụa cũng có rất ít thay đổi. Dù con người đã đạt được những tiến bộ nhất định trong công nghệ và phương pháp sản xuất, việc sản xuất tơ lụa vẫn là một quy trình sử dụng nhiều lao động và bao gồm nhiều khâu khó nhằn.

Khởi nguồn một chương sử dài

Lịch sử con tằm và câu chuyện về tơ lụa đưa chúng ta về thời cổ đại ở Trung Quốc. Câu chuyện thường nghe nhất về nguồn gốc của những con tằm bắt đầu vào năm 2640 trước Công nguyên. Khi Si-Ling-Chi, Hoàng hậu Trung Hoa đang đi dạo trong khu vườn của mình thì một “cái kén” của con tằm rơi vào tách trà bà ấy. Nhặt nó lên, bà thấy cái kén bắt đầu bung ra, tạo thành một sợi tuyệt đẹp mà ngày nay được gọi là “tơ tằm”. Sau khi tìm kiếm vị trí của cái kén này, hoàng hậu Ling-Chi đã thấy cây dâu tằm ở phía trên và những con sâu bướm nhỏ (con tằm) đang bò xung quanh. Bà kết luận rằng cái kén này là của những con sâu bướm nhỏ ấy.

Trong 2500 năm, hoàng gia Trung Quốc đã giữ kín bí mật về chất vải lụa. Chất liệu này đã được bán cho những người cai trị phương Tây, tuy nhiên nguồn gốc của sợi tơ óng ánh làm ra chất vải này không được tiết lộ. Hình phạt ở Trung Quốc cho việc tiết lộ nguồn gốc thực sự của sợi tơ trên là án tử hình!

Nhân gian lưu truyền nhiều câu chuyện lạ kì về nguồn gốc của lụa, ví dụ như tơ lụa xuất phát từ những cánh hoa màu sắc trên sa mạc Trung Quốc, tơ được làm bằng đất mềm kỳ diệu hay có nguồn gốc từ một loài động vật giống nhện; chúng sẽ ăn cho đến khi bung ra và người ta tìm thấy những sợi tơ bên trong cơ thể nó. Những ý niệm này nghe có vẻ xa vời nhưng trong thời cổ đại chúng là những câu chuyện thật sự thuyết phục người ta.

Chứng cứ khảo cổ học

Triều đại họ Chu phía Tây (thế kỷ 11 – 8 trước Công nguyên) đã chứng kiến ​​sự phát triển của các loại vải lụa thổ cẩm. Nhiều ví dụ về chất vải lụa đã được phục hồi từ các cuộc khai quật khảo cổ học ở các vùng Mashan và Baoshan, có niên đại vào thời Vương quốc Chu (thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên) của thời Chiến quốc sau này. Các sản phẩm tơ tằm và công nghệ nuôi tằm đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thương mại của Trung Quốc và trong cả sự giao thoa của các nền văn hóa giữa các quốc gia. Đến thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên – năm số 9 sau Công nguyên), việc sản xuất tơ lụa đóng vai trò trọng yếu đối với nền thương mại quốc tế đến mức những con đường mòn của đoàn giao thương đi bằng lạc đà được sử dụng để nối Chang’An với châu Âu được đặt tên là con đường tơ lụa.

Hành trình tạo nên con đường tơ lụa.

Công nghệ nuôi tằm được truyền bá đến Hàn Quốc và Nhật Bản khoảng 200 năm trước Công nguyên. Châu Âu đã được giới thiệu các sản phẩm tơ lụa thông qua mạng lưới của con đường tơ lụa, tuy nhiên bí mật về việc sản xuất chất liệu tơ tằm vẫn còn là bí ẩn đối với các quốc gia nằm ngoài khu vực Đông Á cho đến thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Truyền thuyết kể rằng cô dâu của một vị vua ốc đảo Khotan ở vùng viễn tây Trung Quốc trên con đường tơ lụa đã lén mang theo những con tằm và hạt giống cây dâu tằm về quê hương cho chồng mới của mình. Đến thế kỷ thứ 6, Khotan đã phát triển việc kinh doanh sản xuất tơ lụa mạnh mẽ.

Sinh vật trong truyền thuyết

Ngoài câu chuyện về nàng dâu ốc đảo Khotan, còn có vô số huyền thoại gắn liền với nghề nuôi tằm và dệt vải. Ví dụ, một nghiên cứu về các nghi lễ vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên ở Nara, Nhật Bản của học giả tôn giáo Shinto Michael Como đã phát hiện ra rằng quá trình dệt lụa gắn liền với vương quyền và sự lãng mạn trong triều đình. Theo các truyền thuyết xuất phát từ Trung Hoa đại lục, con tằm thể hiện khả được năng chết và tái sinh thành một hình dạng hoàn toàn khác.

Nghi lễ tại Nara bao gồm những lễ hội gắn liền với các vị thần được gọi là trinh nữ dệt vải (Weaver Maiden) và các nữ thần, pháp sư và phụ nữ bất tử khác. Vào thế kỷ thứ 8 công nguyên, một điềm báo đã xảy ra. Chiếc kén tằm với 16 cơ quan được nạm ngọc đã xuất hiện và dệt tơ xung quanh nó, đưa ra lời tiên tri về cuộc sống vĩnh hằng cho hoàng hậu và mang lại hòa bình đến vương quốc. Trong bảo tàng Nara, một vị thần bướm được vẽ minh họa lại – người có công đuổi những con quỷ mang dịch bệnh vào thế kỷ 12 sau công nguyên.

Một phần của tư liệu Extermination of Evil khắc họa vị thần xua đuổi ma quỷ của bệnh dịch, có từ thời Kamakura thế kỷ 12 sau công nguyên. The Divine Insect là một cách gọi tắt của loài tằm khi đã hóa bướm. Bảo tàng quốc gia Nara. VCG Wilson / Corbis Historical / Getty Images.

Quy trình sản xuất lụa tơ tằm

1. Nuôi tằm (Sericulture)

Sericulture là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình nuôi tằm và thu hoạch kén của chúng để lấy nguyên liệu dệt vải.

Con tằm cái đẻ khoảng 300 đến 500 quả trứng trong mỗi lần sinh sản. Những quả trứng này được ấp trong môi trường có kiểm soát đến khi chúng nở thành ấu trùng (sâu bướm) và nở ra con tằm.

Ấu trùng nằm trong cái kén của nó.

Những con tằm liên tục ăn một lượng lớn lá dâu tằm để kích thích sự phát triển của nó. Phải mất khoảng 6 tuần để chúng phát triển hoàn toàn (dài khoảng hơn 7.5 cm). Lúc này, chúng sẽ ngừng ăn và bắt đầu ngóc đầu lên, cũng là lúc chúng sẵn sàng kết kén.

Khi được gắn vào một khung cây chắc chắn và an toàn, con tằm sẽ bắt đầu kết kén bằng cách xoay cơ thể của nó theo chuyển động hình số 8 khoảng 300,000 lần và quá trình này sẽ mất khoảng từ 3 đến 8 ngày. Mỗi con tằm tạo ra một sợi tơ duy nhất dài khoảng 100 mét và được liên kết với nhau bằng một chất gôm tự nhiên là sericin.

Bạn có biết không? Cần khoảng 2,500 con tằm để tạo ra 450 gram tơ thô.

2. Trích sợi tơ

Khi tằm quay kén, chúng sẽ tự bao bọc mình bên trong và đó cũng là lúc để lấy sợi tơ.

Kén được thả vào nước sôi để làm mềm và hòa tan chất gôm kết kén lại với nhau. Đây là một bước quan trọng trong quy trình sản xuất tơ lụa vì nó đảm bảo rằng sợi tơ sẽ được nối liên tục và không bị đứt rời.

Những cái kén tằm màu vàng tươi được thả vào nồi đun để trích lấy sợi tơ.

Sau đó tơ được trích cẩn thận khỏi kén thành từng sợi dài riêng lẻ và quấn thành cuộn. Chất gôm sericin có thể vẫn còn trên sợi để bảo vệ trong quá trình xử lý, tuy nhiên chất này thường được tẩy sạch bằng xà phòng và nước sôi.

3. Nhuộm màu

Khi các sợi tơ đã được tẩy sạch chất gôm, chúng sẽ được tẩy trắng và làm khô trước khi quá trình nhuộm bắt đầu.

Theo kỹ thuật nhuộm lụa truyền thống, thuốc nhuộm được lấy từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn trong môi trường, ví dụ như trái hoặc lá cây chàm. Các sợi chỉ sẽ được ngâm với nhau theo từng bó trong một chậu nước lá chàm nóng. Quá trình này được thực hiện nhiều lần trong nhiều ngày để đảm bảo tông màu và chất lượng phù hợp.

Tuy nhiên, những phương pháp nhuộm truyền thống này đã gần như không còn được áp dụng trong ngành sản xuất tơ lụa mục đích thương mại. Những tiến bộ trong công nghệ khiến các nhà sản xuất lựa chọn các loại thuốc nhuộm khác nhau như thuốc nhuộm axit hoặc thuốc nhuộm hoạt tính. Việc này sẽ tạo ra vải lụa nhiều màu sắc và sắc thái hơn nhằm phục vụ nhu cầu rộng rãi của người tiêu dùng.

Việc nhuộm tơ tằm qua các thuốc nhuộm công nghiệp có thể mang lại nhiều màu sắc hơn, tuy nhiên tính hữu cơ và chất tự nhiên không còn được đảm bảo.

Dù vậy, nhìn chung kỹ thuật này vẫn giữ nguyên và tơ lụa sẽ được ngâm trong bể nhuộm để thấm màu. Tơ có thể được đưa vào bể nhuộm qua hai ống hình trụ hoặc được cố định vào một khung tròn được ngâm trong bể.

Trong nhiều trường hợp, quy trình sẽ dừng lại ở bước trích sợi tơ vì các nhà sản xuất hiện nay thường thích nhuộm từng phần riêng lẻ để giảm thiểu lượng chất thải. Khi không tiến hành nhuộm màu sợi tơ ngay mà chỉ gom lại để đó, việc này giúp tránh trường hợp có quá nhiều sợi tơ màu chưa được đặt hàng và có thể không bao giờ được sử dụng.

4. Quay tơ

Bánh xe quay tơ truyền thống luôn và sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong quy trình sản xuất tơ lụa. Dù các quy trình sản xuất công nghiệp hiện nay có thể kéo sợi tơ nhanh hơn nhiều, suy cho cùng nó cũng chỉ mô phỏng lại các chức năng vốn có của bánh xe quay cổ điển.

Về cơ bản quy trình kéo sợi tức là cuốn các sợi đã nhuộm vào một ống chỉ để các sợi tơ nằm ngay ngắn và sẵn sàng cho quá trình dệt. Công đoạn này có thể được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau, từ quay bằng tay đến quay theo vòng và quay bằng con la.

5. Dệt sợi tơ

Dệt là quá trình khi các sợi tơ lụa được kết hợp với nhau. Có nhiều cách dệt tơ lụa – kiểu dệt vân đoạn (satin), kiểu dệt vân điểm (plain) và kiểu dệt hở (open) là những phương pháp phổ biến nhất và mức độ hoàn thiện của tấm vải lụa sẽ phụ thuộc vào kiểu dệt được áp dụng.

Bạn có đang sử dụng vải lụa tơ tằm không?

Nhìn chung, dệt tơ là đan xen hai bộ sợi tơ lại để chúng quấn vào nhau và tạo ra một mảnh vải đồng đều và chắc chắn. Các sợi tơ sẽ được dệt theo các góc vuông, từ đó chúng ta có sợi dọc và sợi ngang. Sợi dọc sẽ chạy cheo chiều lên và xuống trong khi sợi ngang sẽ nằm ngang trong mảnh vải.

6. Công đoạn in vải

Nếu một mảnh vải lụa với hoa văn và thiết kế đặc biệt được yêu cầu, nó sẽ cần được in sau công đoạn xử lý. Việc này có thể được thực hiện theo hai phương pháp khác nhau: In kỹ thuật số hoặc in lưới.

In lụa kỹ thuật số sử dụng máy in vải được thiết kế với chức năng đặc biệt, sử dụng mực in để chuyển chi tiết được vẽ tay hoặc bằng công cụ kỹ thuật số lên miếng vải.

Phương pháp in lưới là quá trình đưa một thiết kế sang mảnh vải lụa trơn, sử dụng khuôn in, bàn in, dao gạt và mực in. Nguyên tắc cơ bản của kĩ thuật này là thấm mực vào giấy in một phần và đặt xuống tấm vải trơn để in họa tiết lên đó. Quá trình thực hiện phải chậm rãi và tỉ mỉ, đòi hỏi trình độ kỹ năng cao nên thành quả vô cùng tuyệt vời.

Phương pháp in lưới cho kết quả vô cùng ấn tượng.

7. Hoàn thành

Để có thể sẵn sàng đem sử dụng, các tấm lụa phải được xử lý hoàn thiện kỹ lưỡng. Việc xử lý mảnh lụa mang lại độ bóng sáng vốn có của chất vải lụa trứ danh và vẻ ngoài như mong muốn.

Quá trình xử lý hoàn thiện vải lụa có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chủ yếu áp dụng các phương pháp xử lý hóa học để bổ sung nhiều đặc tính có giá trị cho vải, bao gồm khả năng kháng cháy và chống nhăn.

Ứng dụng của vải lụa tơ tằm

Công dụng của lụa tơ tằm là vô tận vì nó có thể được hô biến thành các sản phẩm khác nhau. Vải lụa đã chứng minh được giá trường tồn của nó khi vượt qua bài kiểm tra và thử thách của thời gian trong ngành thời trang. Quần áo làm từ lụa tơ tằm được coi là hàng cao cấp do đặc tính trơn mượt, thoáng mát, vẻ ngoài óng ả và tất nhiên là giá cả cũng đắt đỏ.

Đối với quần áo thể thao, sợi tơ tằm được pha với sợi bông để tăng cường độ bền và chống ố. Lụa cũng được sử dụng cho đồ nội thất gia đình. Mền, gối và rèm cửa bằng vải lụa là những ví dụ về phong cách trang trí nhà cửa được ưa chuộng trong giới thượng lưu. Đặc tính kháng khuẩn của vải lụa dệt cho phép nó được sử dụng cho các mục đích y tế., đặc biệt là sản xuất động mạch giả và để che vết thương, vết bỏng. Hơn nữa, sợi tơ lụa thường được pha trộn với các vật liệu khác và sử dụng để chế tạo dù và lốp xe đạp.

Tơ lụa và môi trường

Tác động của việc sản xuất tơ lụa đối với môi trường thể hiện ở quá trình sử dụng năng lượng. Các trang trại tơ lụa cần được duy trì ở mức độ ẩm và nhiệt độ nhất định (65 độ). Vì đa số tơ lụa được hoàn thiện ở vùng có khí hậu nóng tại khu vực châu Á, quy trình này sẽ tiêu thụ một lượng lớn năng lượng để điều hòa không khí và kiểm soát độ ẩm. Các trang trại tơ tằm cũng sử dụng hơi nước hoặc không khí nóng để làm khô kén sau khi thu hoạch, đồng nghĩa với việc tiêu tốn một lượng lớn năng lượng (giống như khi bạn sử dụng nước nóng để giặt quần áo và sấy khô chúng vậy). Dù có thể được cung cấp năng lượng bằng cách đốt các cành cây dâu tằm, công đoạn này chủ yếu được hỗ trợ với nguồn năng lượng dồi dào từ nhà máy đốt than và những làn khói đen mịt cùng chất thải là điều bạn không hề muốn thấy.

Việc sử dụng hơi nước và tiêu thụ nước trong quy trình sản xuất tơ lụa công nghiệp đặt ra vấn đề về tiêu thụ năng lượng.

Vậy thì: Nếu mối quan tâm chủ yếu của bạn là về khí hậu và môi trường, bạn có thể chuyển sang dùng sợi polyester được cho là có tác động khí hậu thấp hơn vải lụa, nhưng cũng chỉ một chút thôi. Bạn cũng có thể chuyển sang dùng sợi vải Tencel hoặc tìm kiếm và làm việc trực tiếp với trang trại tơ lụa cung cấp sợi vải mang giá trị bền vững.

Nuôi tằm có sử dụng hóa chất không?

Khi đặt lên bàn cân so sánh, tơ lụa tốt hơn các sợi vải khác ở việc sử dụng ít diện tích đất và hóa chất. Những con tằm ăn lá cây dâu để sống và những cây dâu tằm được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu vì nó có thể gây hại cho con tằm.

Tuy vậy không phải tất cả những người nuôi tằm đều y hệt nhau. Để bảo vệ tằm khỏi bệnh tật, một số trang trại nuôi tằm xử lý khung nuôi bằng các chất khử trùng như formaldehyde, vôi hoặc clo. Tuy nhiên, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, hấp hoặc khử trùng bằng khí nóng là những lựa chọn thay thế tốt khi không sử dụng hóa chất.

Các hóa chất sử dụng trong công đoạn nhuộm vải cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Đôi khi người ta sử dụng hóc-môn để thúc đẩy sự phát triển và sản xuất tơ tằm. Tơ lụa cũng có thể được “tăng trọng”, làm cho nặng và bóng hơn bằng cách sử dụng các muối kim loại. Điều này có thể làm tăng độc tính của tơ cũng như nước thải từ quy trình sản xuất. Công đoạn nhuộm lụa và tạo thành phẩm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sử dụng hóa chất độc hại. Điều này cũng tương tự như hầu hết các loại vải khác vậy.

Vậy thì: Nếu cảm thấy cần thiết, hãy chọn mua vải lụa chưa được “tăng trọng” hoặc lựa chọn vải lụa được nhuộm bằng thuốc nhuộm tự nhiên lành tính hay có chứng nhận hữu cơ, thể hiện quy trình sản xuất mà không sử dụng bất kỳ hóa chất tổng hợp hoặc hóc-môn tăng trưởng nào.

Vấn đề đạo đức

Trong quy trình sản xuất tơ tằm, hàng triệu cái kén tằm sẽ bị đun sôi và con tằm nằm trong đó cũng vậy. Điều này được cho là có chút man rợ và lãng phí. Tuy nhiên, có một phương pháp giải quyết vấn đề này là quy trình sản xuất lụa Ahimsa hay còn gọi là “peace silk”. Các con tằm sẽ được rút ra khỏi cái kén trước khi bị đun sôi và sẽ không có một cuộc thảm sát dã man nào ở đây cả.

Về việc sử dụng lao động, Quartz báo cáo rằng việc sản xuất lụa tơ tằm có thể mang tác động tốt hoặc xấu. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất tơ lụa bên cạnh Ấn Độ, Uzbekistan, Brazil, Iran và Thái Lan. Như nhiều sản phẩm khác, lụa tơ tằm liên quan đến việc sử dụng lao động trẻ em ở Ấn Độ và Uzbekistan. Tuy nhiên các quy định của hiệp hội bảo vệ lao động và bảo vệ trẻ em cũng đã có những động thái cần thiết để xóa bỏ tình trạng bóc lột này.

Vậy thì: Như hầu hết các vấn đề đạo đức trong thời trang, việc định lượng mọi thứ đều khó khăn. Quan điểm đánh giá vải lụa có đạo đức hay không phụ thuộc vào những ưu tiên mà bạn đặt ra. Điều đó không khác biệt mấy với các loại vải khác, kể cả những chất vải công nghiệp hóa như polyester và rayon/viscose.

Biên tập: Đáo


/Bản đồ chất liệu/ Series bài viết bàn về các chất liệu vải sử dụng trong thời trang, chia sẻ kiến thức về ngành công nghiệp may mặc cũng như tác động của nó với môi trường. Loạt bài viết sẽ được cập nhật trên website idesign.vn mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Cùng tác giả

#Tag

con tằm con đường tơ lụa Series Bản đồ chất liệu silk tơ lụa vải lụa đảo

iDesign Must-try

Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hoạt động cắt dán thúc đẩy phá vỡ các quy tắc và kết hợp những yếu tố khác nhau theo nhiều cách bất ngờ. Hãy cùng iDesign khám phá một…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua các bức tranh nổi tiếng về loài chó, khỉ và cừu cùng những câu chuyện thú…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Từ những bức tranh trong hang động cổ xưa đến những tác phẩm sống động khắc họa các loài vật, những bức tranh về động vật nổi tiếng đã xuất…
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thêm những xu hướng thiết kế đồ họa nào sẽ là lựa chọn hoàn hảo để xây…