|Bản đồ chất liệu| Những sợi vải sinh ra từ phụ phẩm nông nghiệp

Thị trường thời trang luôn háo hức mong đợi những điều mới mẻ và thú vị, có thể là một thiết kế mới, một số màu sắc lạ, phong cách dệt may mới lạ hoặc sự xuất hiện một số chất liệu vải mới.

Sợi vải từ vỏ cam

Tất cả đều bắt đầu ở thành phố Sicily, Catania khi hai cô gái đã hiện thực hóa giấc mơ và đam mê của mình với sự ra đời của công ty Orange Fiber, biến hàng tấn vỏ cam bị bỏ đi thành sợi vải vô cùng độc đáo.

Ở Sicily, chất thải từ ngành công nghiệp chế biến cam quýt lên tới khoảng 700 triệu tấn. Do đó Adriana, một sinh viên ngành thời trang Viện Afol tại Milan đã nảy ra ý tưởng tái sử dụng số lượng vỏ cam quýt bị bỏ đi này để tạo nên sợi vải phục vụ trong ngành thời trang.

Adrianna và Enrica, nhà sáng lập của Orange Fiber.

Trong bài luận văn của mình, Adriana đã thực hiện nghiên cứu về một loại vải dệt bền vững và giàu vitamin từ chất thải trong quá trình chế biến cam quýt. Enrica, bạn cùng phòng của cô vào thời điểm đó, đã hưởng ứng theo ý tưởng này và bổ sung chuyên môn về tiếp thị và truyền thông của cô vào đó. Luận án này đã phát triển thành một dự án tại Đại học Bách khoa Milan. Với sự hỗ trợ tài chính của Trentino Sviluppo và sự giúp đỡ của hai nhà đầu tư và một luật sư, Orange Fiber chính thức trở thành một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Catania và Rovereto vào tháng 2 năm 2014.

Nguyên tắc ở đây là cellulose được chiết xuất từ những chiếc vỏ cam bị loại bỏ từ quá trình ép và chế biến cam. Nhờ công nghệ nano và tinh dầu vốn có trong phần vỏ cùng với việc sử dụng thuốc thử hóa học, chất cellulose này có thể biến thành sợi vải và có thể mang lại cảm giác mềm mại và không nhờn dính cho da giống y như khi bạn sử dụng kem dưỡng thể hương cam vậy. Ý tưởng sáng tạo này có tiềm năng mang lại sự bền vững trong ngành dệt may, giải quyết được vấn đề môi trường của chất thải từ quy trình chế biến cam quýt và mang lại cơ hội việc làm ở một vùng khó khăn.

Cho đến nay, ý tưởng này đã giành được một số giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế như UNECE Ideas for Change Award vào tháng 4 năm 2015. Tương lai cho sợi vải này cũng đầy hứa hẹn. Mục đích sử dụng của nó rất đa dạng; từ lĩnh vực mỹ phẩm, dệt gia dụng đến việc phát triển dòng thời trang riêng cho sợi vải là vô cùng rộng mở.

Ngoài vẻ đẹp và cảm giác dễ chịu, sợi vải từ vỏ cam còn có một lợi ích nữa. Do chất liệu này vẫn chứa tinh dầu và vitamin C nên khi da hấp thụ các loại dầu và vitamin này, chất vải trở thành một loại kem dưỡng thể lành mạnh. Theo Orange Fiber, mặc dù mang tinh chất dầu nhưng vải không gây cảm giác nhờn rít. Các loại tinh dầu này có thể lưu lại trên sợi vải ít nhất 20 lần giặt nhưng công ty đang thử nghiệm các phương pháp làm mới nó bằng chất làm mềm vải đặc biệt.

Vải từ vỏ bắp

Nguồn: DimaSobko/Getty Images.

Bắp là một loại nông sản chứa hàm lượng lớn tinh bột. Đây là yếu tố khiến vỏ bắp có thể được sử dụng làm thành sợi vải.

Quy trình

Quy trình tạo nên sợi bắp cũng khá đơn giản.

Trộn vỏ và râu bắp. Các kiện hàng lớn chứa vỏ và xơ bắp sẽ được chuyển đến nhà máy xử lý sợi. Máy trộn sợi sẽ tách và trộn các vỏ và xơ bắp từ các kiện hàng khác nhau tạo nên hỗn hợp gần giống như sợi.

Chải thô – là quá trình các búi sợi được chuyển thành các dạng sợi riêng lẻ. Điều quan trọng là phải tách các sợi ra để có thể chuyển đổi thành dạng sợi chỉ.

Chải kĩ – Các sợi thô sẽ được đưa vào máy chải kĩ để tạo nên những sợi nhỏ và thưa hơn. Các sợi tạo ra sẽ phân chia thành từng lớp với độ mượt mà cao hơn. Chúng sẽ có được sự đồng đều, độ mịn, mảnh và bền bỉ cao hơn.

Sắp xếp sợi – Các sợi xơ được gấp đôi và kết lại với nhau để tạo ra các sợi xơ song song sao cho đồng đều nhằm kiểm soát tốt hơn.

Xoắn sợi – Đây là quá trình trung gian trong quá trình chuyển đổi sợi xơ thành sợi chỉ. Mục đích của công đoạn này là để chuẩn bị chất lượng sợi tốt hơn cho bước kéo sợi. Các sợi xơ được xoắn lên suốt chỉ giúp việc vận chuyển thuận tiện hơn và tránh hư hỏng. Đây là lý do vì sao xoắn sợi vẫn là một công đoạn quan trọng.

Kéo sợi – Công đoạn cuối cùng trong quy trình này là kéo sợi. Trong quá trình kéo sợi, các sợi sẽ được kéo và kết lại để tạo nên sợi chỉ hoàn chỉnh. Sau đó là quá trình dệt vải từ sợi ngô đã có.

Lợi thế của sợi bắp

Sợi xơ ngô có cấu trúc ở dạng sợi với nhiều mức độ dày khác nhau, từ siêu mỏng đến các sợi to. Điều này khiến sợi chỉ có khả năng tạo nên chất vải nhẹ nhàng và mảnh để sử dụng trong nhiều trường hợp riêng biệt.

Có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên, các sản phẩm tạo ra sẽ thân thiện với môi trường và có thể tái chế.

Sản phẩm dệt từ sợi bắp sẽ có sự cân bằng giữa độ bền, cảm giác thoải mái, mềm mại và mịn màng. Ngoài ra, sợi bắp còn có khả năng chống cháy tự nhiên và không sử dụng chất phụ gia hóa học hoặc chất xử lý bề mặt.

Sợi bắp với độ bóng và cấu trúc theo từng nếp mang đặc tính chống ẩm vượt trội cũng như khả năng lưu mùi thấp, tạo cảm giác thoải mái và tự tin cho người mặc.

Khi so sánh với sợi polyester về ứng dụng trong hàng may mặc chức năng, vải sợi ngô có khả năng hoạt động tốt hơn. Sợi bắp nổi bật ở khả năng chống tia UV, giữ được độ bền màu và có độ bền bỉ.

Còn về việc giặt ủi thì sao? Sản phẩm từ sợi bắp có thể được giặt giũ dễ dàng bằng các máy giặt và máy sấy tiêu chuẩn. Sợi vải cũng khô nhanh và hình dáng chất vải cũng được giữ nguyên sau khi giặt.

Ứng dụng sợi bắp

Với những đặc tính tuyệt vời của mình, sợi bắp có rất nhiều ứng dụng. Nó mang các đặc tính có thể thay thế nhiều loại sợi để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Sợi bắp có khả năng làm sợi nguyên chất để kéo thành sợi chỉ hoàn chỉnh khi được kết hợp với sợi bông, sợi len, sợi visco và các loại sợi nhân tạo khác.

Trang phục – Độ bền bỉ, khả năng đàn hồi, thoải mái cùng với độ dày, khả năng cách nhiệt và hút ẩm tự nhiên khiến sợi bắp trở thành lựa chọn hoàn hảo cho nhu cầu sử dụng vải làm hàng may mặc. Sợi bắp được sử dụng để sản xuất các loại hàng may mặc khác nhau như quần áo thể thao và mặc thường ngày, quần jean, các loại trang phục chức năng như áo sơ mi, quần tây, áo khoác lông, đồ lót và vải dệt . Nó cũng có thể được sử dụng trong hỗn hợp phủ tấm cách nhiệt, mang lại các hiệu quả cách nhiệt tự nhiên.

Đồ gia dụng – Tấm trải giường, vải nỉ, đệm, chăn, thảm, rèm, vải bọc, tấm ốp tường văn phòng có thể được làm từ sợi bắp. Ngoài ra nó có thể đùng để làm khăn lau và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ, mỹ phẩm và tã lót.

Các ứng dụng công nghiệp – Sợi bắp được dệt thành vải địa kỹ thuật, vải nông nghiệp, phương tiện lọc chuyên dụng, bao bì, vật liệu xây dựng dân dụng, sản phẩm đóng gói thực phẩm, khay, hộp đựng thực phẩm, túi lọc. Nó còn dùng để chỉ may sau phẫu thuật, băng, gạc, bông thấm, vâng vâng.

Sợi chuối

Như mọi người cũng biết, sau khi thu hoạch bắp chuối và quài chuối rồi thì thân cây sẽ không còn ra hoa kết trái nữa và sẽ bị đốn bỏ đi. Thật ngạc nhiên thay khi giờ đây thân chuối cũng được sử dụng để tạo nên những sợi vải với nhiều công dụng tuyệt vời mà bấy lâu ít ai cho rằng điều này là bất khả thi.

Cấu trúc trời phú cho cây chuối để làm ra sợi vải

Cellulose

Cellulose là chất hóa học chính tạo nên cấu trúc chủ đạo của thực vật và cũng là đại phân tử xuất hiện nhiều nhất trên Trái đất. Cellulose được tạo ra từ dạng chất glucoza và chiếm phần lớn trong việc tạo nên thành tế bào của tế bào thực vật. Dạng chất xơ này là yếu tố tạo nên hình dáng của cây cối.

Hemicelluloses

Hemicellulose (còn được gọi là polyose) là một trong số các heteropolymer xuất hiện cùng với cellulose trong hầu hết các thành tế bào thực vật trên cạn. Hemicellulose có cấu trúc ngẫu nhiên, vô định hình, độ bền kém và dễ bị thủy phân bởi axit hoặc bazơ loãng.

Lignin

Lignin là một loại polyme hữu cơ phức tạp cấu thành vật liệu cấu trúc chủ đạo trong các mô nâng đỡ của thực vật có mạch và một số loài tảo. Lignin giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thành tế bào, đặc biệt là trong thịt gỗ và vỏ cây vì chúng có độ cứng và không dễ bị mục rữa.

Microfibril là một sợi rất mảnh, có cấu trúc giống như sợi, bao gồm chất glycoprotein và cellulose. Lignin hỗ trợ và tăng cường sự gắn kết của hemicelluloses vào các sợi cấu trúc nhỏ. Sợi chuối cũng giống như sợi tre và sợi gai nhưng độ mảnh và khả năng kéo sợi của loại sợi này tốt hơn sợi tre và sợi gai.

Đặc tính của sợi chuối

Với thành phần hóa học bao gồm cellulose, hemicelluloses và lignin, sợi chuối có độ mịn màng và khả năng kéo sợi tốt, bao gồm phương pháp kéo sợi vòng (ring spinning), kéo sợi đầu hở (open-end spinning), kéo sợi bán thô (semi-worsted spinning).

Sợi chuối có độ bóng sáng tự nhiên và đặc tính hút nhả ẩm cực mạnh. Điều này khiến nó trở thành ứng cử viên sáng giá cho các sản phẩm ngành hàng may mặc và gia dụng.

Sợi chuối có sức bền, ít bị giãn theo chiều dài và nhẹ. Vì thế các sản phẩm làm ra sẽ có vòng đời dài hơn và mang nhiều ứng dụng.

Sợi chuối được làm từ vỏ cây chuối nên nguồn cung cũng khá dồi dào. Sợi vải này có thể phân hủy sinh học nên rất thân thiện với môi trường.

Quy trình sản xuất vải sợi chuối

Ở Nhật Bản người ta gọi quy trình này là Kijōka-bashōfu, bao gồm nhiều công đoạn và tất cả đều được thực hiện bằng tay.

Công đoạn tách sợi xơ tự nhiên từ cây chuối cần được thực hiện kĩ lưỡng để tránh bị hư hại. Vào khoảng thời gian trước đó, các đoạn cây chuối được cắt từ thân chính của cây và được ép nhẹ theo chiều xoắn để loại bỏ độ ẩm dư thừa. Các tạp chất trong sợi xơ như chất màu, xơ gãy, lớp phủ cellulose sẽ được loại bỏ thủ công bằng lược chải sợi và sau đó các sợi xơ được làm sạch và sấy khô. Việc tách sợi chuối bằng máy và thủ công này khá tốn thời gian và gây hư hại cho sợi. Do đó, loại kỹ thuật này không được khuyến khích áp dụng trong sản xuất công nghiệp.

Một loại máy đặc biệt đã được thiết kế để tách sợi xơ chuối một cách tự động. Máy bao gồm hai thanh ngang làm đường dẫn cho một bộ phận gắn lược chải được thiết kế đặc biệt có thể di chuyển tới lui. Công đoạn tách sợi xơ bằng kỹ thuật này có thể được thực hiện dễ dàng bằng cách đặt một phần thân chuối đã được làm sạch lên bệ cố định của máy và kẹp ở hai đầu bằng cái kẹp. Việc này sẽ tránh thân cây bị chuyển động và làm đứt sớm các sợi xơ. Bước tiếp theo là làm sạch và sấy khô sợi xơ trong buồng ở nhiệt độ 200 độ C trong vòng 3 tiếng. Sau đó những sợi này sẽ được dán nhãn và chuyển qua quy trình cán mỏng.

Các sợi được cán mỏng và thu gom lại để chuyển sang công đoạn kéo sợi. Thông qua các nghiên cứu, người ta phát hiện rằng phương pháp kéo sợi đầu hở (open-end spinning) khá phù hợp để kéo sợi chuối. Các sợi được cắt thành độ dài 3 cm để đảm bảo cho quá trình kéo sợi được dễ dàng. Sau khi kéo sợi xong, công đoạn dệt vải được thực hiện trong khung dệt theo quy trình bình thường như các chất liệu vải khác.

Cần khoảng bốn mươi cây chuối để làm nên một cuộn vải tiêu chuẩn. Màu của sợi chuối mang gam tươi sáng đặc trưng, phù hợp để làm nền cho các hoa văn tối màu.

Sợi chuối thay đổi cuộc sống

Cây chuối chỉ ra hoa kết trái một lần trong đời, phần thân cây sẽ bị vứt bỏ và trở thành chất thải nông nghiệp. Một người bình thường tiêu thụ 12 kg chuối một năm, nghĩa là có hàng tỷ kg thân chuối bị vứt bỏ. Khi thân cây chuối được ứng dụng vào sản xuất vải dệt, toàn bộ cây chuối sẽ được sử dụng và giảm đáng kể lượng chất thải ra môi trường.

Giờ đây, người nông dân trồng chuối có thêm một nguồn thu nhập cho bản thân. Thay vì chỉ bán các buồng chuối như trước đây, họ có thể bán cả thân chuối để phục vụ làm vải dệt. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho sinh kế của những nông dân sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ.

Các loại sợi gốc dầu như nylon, polyester và acrylic hoặc thậm chí là sợi tự nhiên như sợi bông tiêu thụ nhiều tài nguyên và các hóa chất không thể tái tạo để sản xuất chúng. Điều này gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho hành tinh thay vì tạo nên tác động tích cực. Vải cây chuối giúp giảm bớt áp lực cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và cây cần rất ít nước để phát triển, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững.

Bạn có đang sử dụng vải sợi chuối không?

Vải sợi chuối có thể phân hủy sinh học hoàn toàn. Một số công ty đang chuyển sang sử dụng vải sợi chuối để làm băng vệ sinh cho chị em phụ nữ khi nó có thể tái chế nhiều lần do có đặc tính phân hủy. Phụ nữ mình hiện đang sử dụng băng vệ sinh dùng một lần không bị phân hủy do sản xuất từ vật liệu chất tổng hợp và điều này không tốt chút nào.

Vải sợi chuối là một loại chất liệu thực vật lý tưởng thay thế cho lụa. Chúng mô phỏng rất nhiều đặc điểm quý giá của vải lụa. Sợi chuối mềm, mịn và có độ bóng từ vừa phải đến cao. Chất vải này không cần ủi và có thể giữ nguyên dáng vải ngay cả sau khi đã được giặt nhiều lần. Ngoài ra, vải sợi chuối cũng có thêm lợi thế là một loại vải không có nguồn gốc từ động vật.

Loại vải này có thể được sử dụng để làm rất nhiều thứ do tính linh hoạt của nó. Lớp vỏ bên ngoài dày và chắc chắn của thân cây có thể được sử dụng để làm dây thừng và thảm trong khi lớp vỏ mềm bên trong được ứng dụng để làm giấy và quần áo.

Vải chuối cực kỳ chắc chắn và bền hơn nhiều so với các loại giấy thông thường. Nó được sử dụng làm các bao xi măng lên đến 25 kg và làm túi mang những vật nặng khác. Sợi chuối có độ bền cao nên được rất nhiều hãng ô tô sử dụng để tăng cường độ bền cho thân xe.

Sợi chuối có khả năng chống cháy, chống nước, chống rách và được coi là một trong những loại vải bền nhất. Sợi xơ chuối bao gồm các mô tế bào có thành dày được liên kết bởi chất gôm dính tự nhiên. Trong một nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng giấy làm từ xơ chuối có thể tồn tại đến 100 năm và có thể được gấp lên đến 3.000 lần. Đặc điểm này khiến nó trở thành lựa chọn phù hợp để làm tiền giấy, ví dụ như tờ tiền Yên Nhật như hiện nay.

Quần áo làm từ loại vải này sẽ rất mềm mại và thoáng khí. Nó sẽ hút ẩm và giữ cho bạn luôn trong trạng thái mát mẻ vào những ngày hè nóng nực trong khi sợi tổng hợp có thể gây khó chịu và đổ mồ hôi nhiều.

Biên tập: Đáo


/Bản đồ chất liệu/ Series bài viết bàn về các chất liệu vải sử dụng trong thời trang, chia sẻ kiến thức về ngành công nghiệp may mặc cũng như tác động của nó với môi trường. Loạt bài viết sẽ được cập nhật trên website idesign.vn mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Cùng tác giả

#Tag

banana fiber Corn fi orange fiber phụ phẩm nông nghiệp Series Bản đồ chất liệu sợi vải thân cây chuối sợi vải vỏ bắp sợi vải vỏ cam đảo

iDesign Must-try

Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hoạt động cắt dán thúc đẩy phá vỡ các quy tắc và kết hợp những yếu tố khác nhau theo nhiều cách bất ngờ. Hãy cùng iDesign khám phá một…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua các bức tranh nổi tiếng về loài chó, khỉ và cừu cùng những câu chuyện thú…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Từ những bức tranh trong hang động cổ xưa đến những tác phẩm sống động khắc họa các loài vật, những bức tranh về động vật nổi tiếng đã xuất…
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thêm những xu hướng thiết kế đồ họa nào sẽ là lựa chọn hoàn hảo để xây…