Dù cho Bangkok có ngập lụt nghiêm trọng, có một công viên vẫn tạo nên điều phi thường

Ốc đảo xanh ở thành phố phát triển này có một nhiệm vụ quan trọng: đủ khả năng chứa gần 4 triệu lít nước.

* Tác giả: Patrick D’Arcy, quản lí phần biên tập tại chương trình Nghiên cứu sinh của TED (TED Fellows)


Bangkok đang chìm dần. Dọc theo vùng châu thổ sông Chao Phraya là thủ đô của nước Thái Lan từng được biết đến như Venice của phương Đông bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Hiện nay, nhờ vào sự phát triển vượt bậc, nhiều tuyến đường thủy tại đó đang bị lấp đầy xi măng. Không còn nơi nào để nước rút, Bangkok trở nên nổi tiếng với những trận ngập thường xuyên và gây thiệt hại nặng nề, thi thoảng chỉ cần sau ba mươi phút trời mưa. Thực tế là thành phố này có tới 20 triệu dân và được xây dựng trên lớp bùn sông đang chuyển dịch, đang chìm với tốc độ hơn 1cm/năm và có thể dưới mực nước biển vào năm 2030.

Kiến trúc sư cảnh quan người Thái – Kotchakorn Voraakhom, một Nghiên cứu sinh của TED, tận mắt chứng kiến thành phố của mình biến thành một khu rừng bê tông dày đặc. “Khi tôi còn nhỏ, có những cánh đồng và kênh rạch khắp thành phố.” Cô nhớ lại. “Tôi có thể nghe thấy tiếng còi tàu từ nhà mình tại trung tâm Bangkok. Giờ thì những thứ đó đã bị ngăn chặn bởi bê tông và bao bọc giữa những kiến trúc cao chọc trời. Tất cả các tòa nhà và bê tông trở thành chướng ngại để nước thoát, vậy nên thành phố cứ ngập lụt.

Tại công ty Landprocess của cô ở Bangkok, Voraakhom thiết kế công viên, vườn, mái xanh và cầu vượt để giải quyết tình trạng ngập lụt tại thành phố trong khi tái kết nối người dân với môi trường tự nhiên. “Chúng ta đang bị vây bủa giữa những tòa nhà cao tầng.” cô cho biết. “Tôi nghĩ rằng với tư cách là một người thành thị, có những nơi để ta có thể kết nối lại với thiên nhiên và Trái Đất là thật sự cần thiết. Chỉ cần ta được nhìn thấy bầu trời xanh.

Góc nhìn từ trên không của Chulalongkorn Centennial Park

Dự án được hoàn thành gần đây nhất của Voraakhom là một công viên tuyệt đẹp ở ngay trung tâm Bangkok, đặt tại khuôn viên trường đại học Chulalongkorn. Cô đã chuyển đổi 4.5 héc-ta đất của thành phố trị giá khoảng 700 triệu Đô la Mĩ thành công viên Chulalongkorn University Centennial Park, một ốc đảo xanh tươi có không gian rộng rãi cho những cuộc gặp gỡ ngoài trời, giảng đường, bãi cỏ lớn để giải trí, sân chơi, thậm chí là một bảo tàng cỡ nhỏ. Từ khi mở cửa vào tháng 3/2017, công viên đã thu hút sự chú ý của nhiều sinh viên và người dân (một podcast địa phương gọi nơi này là ‘viên ngọc ẩn giấu’). Trong khi 4.5 héc-ta có vẻ không nhiều, bất cứ công viên mới nào được xây dựng trong tình trạng không gian xanh đang thiếu thốn tại Bangkok đều là vấn đề to lớn. Theo Siemens Green City Index, Bangkok chỉ có 3.3 mét vuông không gian xanh/ người (đối nghịch thì ta có thành phố  Manila: 5 mét vuông/người;  Paris có 11; Thượng Hải là 13.5; New York là 23.1; London là 27; Singapore có 66).

Nhưng công viên Đại học Chulalongkorn còn có chức năng quan trọng khác đối với thành phố dễ bị lụt này: nó thu thập, xử lí nước cũng như giảm thiểu sức nóng của khu vực đô thị có nhiệt độ cao do tác động của con người (urban heat island). Điều tuyệt vời của công viên này ư? Nó có thể chứa tới gần 1 triệu gallons nước (khoảng 4 triệu lít) vào đợt ngập lụt nghiêm trọng. (Để hiểu rõ hơn thì 1 triệu gallons tương đương với một sân bóng đá Mĩ bị ngập trong mực nước sâu 1.13 mét). Về cơ bản, Voraakhom đã tạo ra một công viên chống lụt bằng cách xây dựng nó để ngập.

Ảnh trên: Lối đi bộ của công viên xuất hiện ở hai bên và hòa vào các khối nhà liền kề.
Ảnh dưới: Các lối đi được lấy cảm hứng từ hệ thống rễ của ‘cây mưa’ (rain tree)

Trong khoảng thời gian thiết kế công viên, Voraakhom có hai nguồn cảm hứng chính: cây mưa và đôi má của khỉ. Đại học Chulalongkorn, cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất ở Thái Lan, đã đề nghị tạo ra khoảng không gian kỉ niệm 100 năm thành lập. Vậy nên khi Voraakhom có những bản thiết kế đầu tay, cô hướng tới biểu tượng của ngôi trường: cây mưa (rain tree). “Nó có hệ thống gốc rễ sâu và đặc trưng, cùng với các cành vươn xa và tạo ra bóng râm hay hệ sinh thái cho môi trường xung quanh.” Voraakhom nói. “Công viên này là một ẩn dụ trong việc tạo ra một cây mưa to lớn cho xã hội. Tôi mong muốn cơ sở hạ tầng xanh này có thể lan rộng như rễ cây vào thành phồ.”

Để mô phỏng những cành dài của cây và rễ hấp thụ nước, Voraakhom thêm các tuyến đường xanh dọc theo những con đường đông đúc chạy vuông góc với công viên. Cô mở rộng con đường từ 12 mét thành 30 mét, nhưng thật ra là giảm các làn đường xe cộ và thay thế chúng với những làn cho người đi xe đạp và lối đi bộ – những điều chưa từng được biết tới tại Bangkok (thực tế thì cô tin rằng ở công viên này là nơi đầu tiên tại Bangkok có tuyến đường chính thay thế làn đường giao thông cho các lối đi bộ). Người đi đường và chạy xe đạp nay có thể sà vào bóng râm ở những tuyến đường có cây chạy dọc ở các hướng trong công viên.

Giờ là câu chuyện về đôi gò má của những chú khỉ. Vua Bhumibol, trị vì Thái Lan từ năm 1946 đến khi mất vào năm 2016, thường sử dụng phép ẩn dụ ‘đôi gò má của khỉ’ (monkey’s cheeks) để nói về cách mà thành phố Bangkok thích ứng với ngập lụt. Như việc những chú khỉ thường giữ đồ ăn trong miệng cho tới khi cần tiêu hóa, đức vua nói, Bangkok cũng nên có khả năng giữ nước cho đến lúc cả thành phố cần dùng. Ý tưởng này tạo cảm hứng cho Voraakhom xây dựng các bộ phận cấu thành để giữ nước vào công viên: một mái nhà xanh, vùng ngập nước, bãi cỏ giữ nước và ao nuôi.

Nước mưa chảy từ mái nhà xanh (green roof) qua vùng ngập nước (wetland),
đóng khung hai bên của công viên thành ao nuôi (retention pond);
nước cũng có thể thu nhận ở bãi cỏ giữ nước(detention lawn)

Công viên Đại học Chulalongkorn đã khéo léo khai thác sức mạnh của lực hấp dẫn. Voraakhom để công viên tọa lạc tại một góc tiến dần tới khoảng ba độ để lực hấp dẫn kéo mưa và nước lũ từ điểm cao nhất của công viên – mái nhà xanh – đến điểm thấp nhất ở một phía khía của kiến trúc này, dùng nước để lấp đầy một ao nuôi.

Ảnh trên bên trái: Bảo tàng tại công viên có mái xanh lớn nhất tại Thái Lan
Ảnh trên bên phải: Bãi cỏ hấp thụ nước mưa và là không gian mở cho dân cư thành phố
Ảnh dưới: Ở độ cao 10.5 mét, mái xanh cho người xem một góc nhìn tuyệt vời của Bangkok

Công viên này có phần mái nhà lớn nhất tại Thái Lan. Ở khu phía tây có 5.220 mét vuông mái nhà xanh để che phủ Bảo tàng Công viên Đại học Chulalongkorn mới xây dựng. Phần mái có cỏ dại và các giống cây cỏ địa phương bao bọc và đòi hỏi ít sự chăm sóc; nó vừa phải đủ khỏe mạnh để hấp thụ một khối lượng nước lớn vào mùa mưa trong tầm tháng 7 đến tháng 10, vừa đủ cứng cáp để chịu được nhiệt độ cao của mùa khô từ tháng 3 đến tháng 6.

Phần yêu thích của Voraakhom trong cả công viên là phía trên đỉnh mái nhà xanh này, dựng cao khoảng 10.5 mét. “Thông thường thì Bangkok khá bằng phẳng, và bạn thường không có trải nghiệm về độ cao khi đến công viên,” cô cho biết. “Nhưng ở đây, khi đi lên tới mái xanh, bạn có thể nhìn thấy cả thành phố ở một góc nhìn mới mẻ, và nó là một trải nghiệm khác lạ. Dù tôi sinh ra và lớn lên ở đây cả cuộc đời mình, khung cảnh của Bangkok từ nơi đây nhìn ra vẫn khiến tôi sửng sốt.

Góc nhìn được thực hiện bởi người vẽ cho thấy bể dự trữ phía dưới mái xanh và bảo tàng

Có các bể dự trữ được ẩn giấu dưới mái xanh này. Ba bể lớn dưới mái và bảo tàng có thể giữ tới gần 950.000 lít nước chảy xuống từ mái nhà. Vào mùa khô, nước mưa ở các bể này có thể giữ công viên được tưới tiêu đến 20 ngày. “Không có giọt nước nào rơi vào công viên là hoang phí,” Voraakhom nói. Một bãi cỏ cạnh công viên cũng thu giữ nước mưa; hình dạng tròn và như một chiếc muỗng của nó có thể chứa gần 400.000 lít nước.

Trẻ con vui chơi ở vùng ngập nước

Các vùng ngập nước lọc nước và tạo ra không gian khám phá cho trẻ em. Nước mưa cũng được thu nhận ở bốn vùng ngập nước nối liền dọc theo công viên, bao gồm một loạt các con đập và ao hồ. Những vùng ngập có thực vật thủy sinh địa phương giúp làm sạch và lọc nước -cung cấp một nơi ẩn náu cho lũ trẻ. “Trẻ em thường thích chơi đùa ở không gian này, nơi chúng có thể kết nối trực tiếp cùng thiên nhiên,” Voraakhom giải thích.

Sinh viên đại học cũng có nhiều lí do để dành thời gian tại công viên nơi khuôn viên trường. Có 8 khu vực ngồi ngoài trời dọc theo các phía của công viên cũng như vườn rau và giảng đường. “Đại học Chulalongkorn là ngôi trường rộng lớn và lâu đời nhất của thành phố, tựa như Harvard của Bangkok vậy,” Voraakhom tường thuật lại. “Vậy nên công viên cần phải phục vụ cộng đồng của trường ở các sự kiện lớn như lễ tốt nghiệp, hoặc là nơi để giải trí và tập luyện cho người dân xung quanh.”

Xe đạp nước tại chỗ có hai mục đích chính:
cho mọi người một chỗ để tập thể dục và giữ các hồ nước khỏi bị ứ đọng.

Vào những đợt mưa ít, nước chảy qua các vùng đất ngập nước và ao nuôi, nơi mà chúng có thể từ từ bốc hơi. Ở một khía cạnh thực tiễn và thú vị khác, những người đến công viên có thể nhảy lên những chiếc xe đạp nước tại chỗ dọc theo bờ hồ, vừa vận động vừa giữ cho dòng nước di chuyển và tiếp thêm khí oxi.

Tuy vậy, trong viễn cảnh nước ngập nghiêm trọng, ao nuôi có thể tăng kích cỡ gần như gấp đôi bằng cách trải rộng tới phần bãi cỏ tơi xốp chính. Nếu gộp tất cả các phần thì công viên có thể giữ gần 4 triệu lít nước. “Với ao nuôi và những bãi cỏ, chúng tôi có thể giữ nước ngập bao lâu tùy ý muốn nếu cả thành phố đều lụt. Sau chốt, chúng tôi có thể rút nước ở công viên vào hệ thống thoát nước công cộng khi các phần ngập khác của thành phố đã được rút cạn.

Góc nhìn trên cao lúc hoàng hôn của công viên

Dĩ nhiên là một công viên đơn lẻ chẳng thể nào điều khiển được việc ngập lụt của cả thành phố. 4.5 héc-ta đất chỉ bằng 0.003% diện tích của Bangkok. Nhưng đó là một sự khởi đầu. “Tôi nghĩ công viên Đại học Chulalongkorn cho ta cơ hội để quan tâm hơn về thành phố và những gì ta có thể làm,” Voraakhom bày tỏ. “Làm thế nào ta có thể tìm thấy những cách giải quyết linh hoạt hơn? Điều này bao gồm việc phục hồi kênh rạch, tạo ra mái nhà xanh cho các tòa nhà và nông trường đô thị cũng như các ruộng lúa.”

Voraakhom vẫn tiếp tục mơ tưởng và tìm kiếm những phương pháp giải quyết để bảo vệ thành phố của mình. Cô vừa hoàn thành một khu vườn với mục đích chữa trị và một mái xanh lớn ở phía trên của bệnh viện Ramathibodhi, giúp xả nước chảy xuống hệ thống thoát nước công cộng. Cô còn đang tiến hành xây dựng một công viên rộng 14.5 héc-ta cho Đại học Thammasat (Bangkok), nơi sẽ có chức năng tương tự như công viên Đại học Chulalongkorn là giảm thiểu tác động của lũ. Nó dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2019.

Bản vẽ của Voraakhom cho công viên tại trường đại học Thammasat 

Trong một hướng nhìn khác cho tương lai, Voraakhom và những người ủng hộ không gian xanh hẳn sẽ vô cùng háo hức về vô vàn khả năng trở thành công viên công cộng mà mảnh đất rộng lớn ở khu Makkasan của Bangkok có được. Trải dài gần 80 héc-ta và chỉ dùng để chứa nguồn chất thải của đường sắt tỉnh bang, đây là một trong những mảnh đất lớn nhất cuối cùng thuộc sở hữu của chính phủ. “Nếu nơi đó trở thành một công viên, đó sẽ là cơ hội cuối cùng để Bangkok có một Central Park*,” cô nói. “Tôi hy vọng công viên Đại học Chulalongkorn tạo ra một tia sáng cho hy vọng ấy.


*Central Park là một công viên công cộng ở trung tâm Manhattan thuộc Thành phố New York, Mĩ.


Ảnh: Landprocess
Nguồn: ideas.ted.com
Dịch: Lệ Lin

Cùng tác giả

#Tag

công viên kiến trúc ngập nước thái lan

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
ELLE Fashion Show 2023: Giao lộ thời trang & Kiến trúc
ELLE Fashion Show 2023: Giao lộ thời trang & Kiến trúc
Ngày 07/12/2023 – ELLE Fashion Show 2023 chính thức công bố chủ đề GIAO LỘ THỜI TRANG & KIẾN TRÚC sẽ diễn ra vào ngày 20/12/2023 tại Dinh Độc Lập,…
Kasaya - nhà hàng chay với thiết kế lấy cảm hứng từ vạt áo cà sa
Kasaya - nhà hàng chay với thiết kế lấy cảm hứng từ vạt áo cà sa
Công trình được xây dựng trên khu đất 20x20m của phố Hàng Than (Hà Nội), với 8 tầng, trong đó 4 tầng nhà hàng, 1 tầng khối phụ trợ –…
Copenhagen giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với kiến ​​trúc chống chịu khí hậu
Copenhagen giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với kiến ​​trúc chống chịu khí hậu
Với việc Copenhagen (thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Đan Mạch) đăng cai Đại hội Kiến trúc sư Thế giới UIA, thành phố đặt mục tiêu…
Hội quán Quảng Đông: Không gian văn hoá mới được phục dựng giữa lòng phố cổ Hà Nội
Hội quán Quảng Đông: Không gian văn hoá mới được phục dựng giữa lòng phố cổ Hà Nội
Với diện tích lên tới 1800 m2, hội quán Quảng Đông vừa được phục dựng là một quần thể kiến trúc cổ kính, đặc sắc thể hiện nỗ lực bảo…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…