Hải nữ - di sản văn hoá của Đại Hàn Dân Quốc

Ngày nay, phần lớn chỉ những người phụ nữ khoảng độ 60 hoặc hơn còn tiếp tục “sánh vai” hải nữ. Các thợ lặn này xuống biển quanh năm và chỉ “khoác” độc một chiếc mặt nạ lặn cũ kỹ trông giống đèn pha. Nhiếp ảnh gia Huyng đã thuyết phục những thợ lặn đặc biệt này chụp hình sau khi họ trồi lên mặt biển. Các bức ảnh chân dung phản chiếu rõ những khuôn mặt có lẽ là thế hệ hải nữ cuối cùng hằn đầy vết nhăn và mái đầu bạc phơ. Chúng tôi đã gặp gỡ nhiếp ảnh gia chụp bộ ảnh này để tìm hiểu thêm về câu chuyện của những người phụ nữ lặn biển ấy. Những con người vẫn thường được mô tả như chiến binh biển cả, đánh cược mạng sống mình để lục tìm thủy sản dưới đáy đại dương.

Hải nữ ý chỉ những người phụ nữ làm nghề lặn biển truyền thống để thu hoạch hải sản tại đảo Jeju 

Xin chào anh Hyung, anh có thể cho chúng tôi biết thêm về mình ?

Tôi sinh ra ở Seoul và hiện vẫn đang sinh sống tại đó. Tôi có một cửa tiệm chụp hình “Studio Zip”. Tôi làm nghề chụp ảnh chân dung được 20 năm. 4 năm trước, tôi quyết định tập trung vào một dự án thiên về cá nhân và chụp lại hàng loạt tác phẩm chân dung đầu tiên cho mình. Cứ thế dự án “Hải nữ” đến trong tôi.

Được biết dự án “hải nữ” tập trung chụp ảnh những người phụ nữ hàn quốc lặn biển đã khai máy vào năm 2012 trên mảnh đất Jeju. Làm thế nào anh biết đến họ?

Bốn năm trước, khi đang du lịch tại đảo Jeju, tôi bắt gặp họ. Lúc ấy, họ vừa kết thúc công việc của mình và đang lên bờ. Tôi đã từng nghe về hải nữ, nhưng ngày hôm ấy là lần đầu chính mắt tôi trông thấy một hải nữ. Nhìn thấy họ ngay lúc kết thúc công việc vô cùng khó nhọc của mình, tôi thấy rất thương cảm và muốn bắt lấy khoảnh khắc này.

Làm thế nào anh thuyết phục được các nữ thợ lặn chụp ảnh sau khi nổi lên mặt biển ?

Tôi đã nhiều lần thử chụp ảnh họ nhưng lúc ấy họ chưa sẵn sàng với điều này. Hầu hết các hải nữ không muốn hợp tác với bất kỳ kiểu dự án nhiếp ảnh nào, hay kể cả phỏng vấn bởi đơn giản họ đã thấm mệt. Quá trình này thực sự rất khó khăn vì họ chưa từng chụp trước ống kính, đặc biệt không thích cảnh nền được dựng nhân tạo, vì vậy họ luôn tránh né tôi. Nguyên do chủ yếu là vì họ cho rằng công việc của mình chẳng có gì đáng để tuyên dương. Trước lúc lặn, tôi đã thỉnh cầu họ và sau đó đợi 4-5 giờ đồng hồ để được chụp ảnh. Cuối cùng, mọi điều tôi làm đều xứng đáng. Từ lúc ấy, tôi may mắn được chụp ảnh họ thêm nhiều lần và giờ thì tôi biết rất rõ về họ. Tôi cũng đã học biết tên và các thành viên trong gia đình họ. Giờ đây, khi thấy tôi, họ thật sự đối tốt với tôi như cháu mình vậy.

Những người phụ nữ này có lẽ sẽ là thế hệ hải nữ đảo Jeju cuối cùng.

Các hải nữ và biển cả có mối tương quan gì ?

Hầu như cả cuộc đời họ sống như những hải nữ, hay còn gọi là phụ nữ của biển cả. Ngay lúc còn trẻ, chỉ vừa 13, họ đã bắt đầu công việc. Họ dành 50 năm cuộc đời với biển cả. Những người phụ nữ đại dương này lặn hơn trăm lần trong một ngày. Họ bán mạng mình vì công việc, nhưng họ làm vậy vì gia đình.

Những người phụ nữ Jeju kiếm sống từ công việc thu nhặt hải sản bằng tay dưới đáy đại dương. Họ không sử dụng thiết bị dưỡng khí, nhưng vẫn có thể ở lâu dưới nước và lặn đến những mực sâu thẳm. Vậy thái độ của người trong vùng với họ như thế nào?

30 năm trước, hải nữ được xếp ở một tầng lớp thấp kém hơn trong cơ cấu xã hội. Nhưng do Jeju là một hòn đảo núi lửa nên công việc kiếm cơm manh áo trên mặt đất rất chật vật. Vào thời điểm ấy, bắt cá và những loài hải sản khác là phương cách chủ yếu để có cuộc sống tốt hơn và kiếm được tiền. Đây quả thực là một cuộc sống cơ cực nhưng họ cũng chỉ còn lựa chọn kế sinh nhai duy nhất. Họ chưa bao giờ có thời gian nhàn rỗi cho bản thân. Vào tháng 3/2014, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) chính thức công nhận hải nữ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Hơn hai trở lại đây, mọi người đã bắt đầu trân trọng họ và xem họ như một phần quan trọng của di sản văn hóa quốc gia. Tuy, nhiều nữ thợ lặn có tuổi vẫn chưa quen với điều này. Điều đấy cũng giải thích vì sao họ không vui khi bị chụp hình. Nhiều khách ghé thăm Jeju để được nhìn thấy họ như một thắng cảnh du lịch. Thậm chí, giờ còn có cả Bảo Tàng Hải Nữ ở Jeju đem lại không ít phiền nhiễu cho họ. Những người phụ nữ biển cả ấy chỉ muốn tiếp tục công việc thường nhật của mình.

Anh có thể chia sẻ thêm về cảm xúc của mình khi gặp gỡ các thợ lặn biển phi thường độc nhất này?

Nhờ họ và công việc nhiếp ảnh, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Các hải nữ có kỹ năng lặn biển tự do tới độ sâu 60 feet. Sau khi kết thúc chuyến lặn biển, họ đánh dấu sự trở lại bằng tiếng huýt sáo đặc trưng. Đây là âm thanh của sự sống mà bạn không thể nghe được ở bất kỳ nơi nào khác. Điều này như một lời khẳng định rằng họ sống để lặn. Âm thanh nghe thực lôi cuốn, nhưng cũng não lòng. Họ bị dày vò bởi nhiều vấn đề sức khỏe như suy giảm thính lực và đau đầu kinh niên. Họ liên tục dùng dược phẩm để bám lấy nghề lặn biển và lạm dụng thuốc giảm đau. Những rào cản này không thể khiến họ ngừng lại cuộc sống duy nhất mà bản thân nhận thức – Họ là mẹ biển cả và biển cả là đấng sinh thành của chính họ.

“Hải nữ” là di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận.

Họ đối mặt ra sao trước sự thật mình sẽ là thế hệ hải nữ cuối cùng ?

Họ đã tiếp nối công việc hải nữ qua 3 hay 4 thế hệ và cảm nhận rõ rằng mình sẽ là thế hệ cuối cùng. Lứa con cháu sẽ không kế nghiệp họ. Các cháu gái họ lớn lên trong xã hội công nghệ tân tiến tương đối sung túc và không hứng thú với công việc này. Những người phụ nữ biển cả không muốn bất kỳ đứa cháu nào của mình mưu sinh bằng nghề hải nữ, vì đây quả thực là một công việc khó nhọc.

Kết quả là bức chân dung trông rất tự nhiên: Những khuôn mặt mệt mỏi tràn đầy sức lực. Ẩn ý của anh phía sau bộ ảnh này là gì ?

Một sự khác biệt giữa đời thực về dáng vẻ của họ trước và sau khi lặn. Sau khi lặn, các hải nữ vô cùng kiệt quệ. Đây chính xác là khoảnh khắc của sự mạnh mẽ và uy quyền tôi đã bắt gặp và chụp lại. Suốt mỗi chuyến lặn biển, họ đánh cược sự sống của mình và tôi đã mong muốn bắt lấy những khoảnh khắc nghị lực ấy. Tôi muốn mang nét đẹp này ra ngoài thế giới.

Dạo gần đây anh vẫn đến đảo Jeju chứ ?

Tôi xuống Jeju mỗi khi có thể. Vẫn còn một số hải nữ tôi muốn chụp. Và miễn là vẫn còn sức làm việc, tôi sẽ cứ tiếp tục chụp ảnh họ.

Họ chính là hải nữ – những nữ thợ lặn ngày ngày phải đối mặt với nguy hiểm nơi biển khơi.

Nguồn: Panthalassa
Người dịch: Jane
Ảnh & ảnh bìa: Panthalassa


Cùng tác giả

#Tag

chụp ảnh chân dung Hải nữ Hyung S. Kim Jeju phụ nữ của biển cả