Lời khuyên dành cho freelancer: Bạn sẽ cần đến những nguyên tắc để “tồn tại”

Đừng ôm ấp hi vọng bất kì ai sẽ đứng sẵn đó và giúp đỡ bạn! Họ đều bận rộn, và sự mắc kẹt của bạn không hề ảnh hưởng đến cá nhân họ. Hãy cứ vững vàng, và đứng lên sau những thất bại.

Nếu bạn thuộc tuýp người không muốn chiến đấu với mớ bòng bong của xã hội, có lẽ thế giới của ngành sáng tạo sẽ làm bạn chán nản và cô độc. Nhưng với nhiều người đam mê công việc sáng tạo, sự tự do lại là niềm khao khát, là cơ hội để chứng minh cho thế giới thấy khả năng của mình không chỉ dừng lại ở một công việc “tầm thường”.

Hãy theo dõi 4 nhà sáng tạo lừng lẫy và thành công với vai trò freelance (người làm tự do): Owen Gildersleeve, Emily Stein, Sister ArrowJack Sachs. Từ những kinh nghiệm của mình, họ có một số lời khuyên tuyệt vời dành cho các freelancer, hoặc những người đang muốn dấn thân vào cuộc đời freelance.

1. Họa sĩ Sister Arrow

Hãy là phiên bản của chính mình.

Làm những thứ bạn thật sự muốn làm, và cho cả thế giới thấy tác phẩm của bạn. “Tự quảng cáo” trên mạng xã hội dường như là một ý kiến không khả thi lắm. Có ai quan tâm không? Ở đó, mọi người đều cố gắng quảng cáo một thứ gì đấy. Hãy dành thời gian và sức lực cho công việc, và sau đó, nghiêm túc suy nghĩ về nơi có những người sẽ thực sự quan tâm đến năng lực và tác phẩm bạn tạo ra.

Liệu thiết kế của bạn, dù là bản in xuất bản, một platform online, được trình chiếu trên màn hình, trưng bày trong một triển lãm, hay thậm chí là workshop,… có liên quan đến nội dung hay không? Hãy đem mối băn khoăn này đến cho một vài cá nhân để xin lời khuyên. Đừng bận tâm về việc liệu bạn có đang “khoe khoang” bản thân và tác phẩm của mình hay không. Miễn là bạn tìm được câu trả lời, rồi sau đó, bạn sẽ tạo dựng được câu chuyện hấp dẫn khiến mọi người hứng thú về những gì bạn làm – và họ sẽ thực sự quan tâm về nó.

Học hỏi càng nhiều càng tốt, có được nền tảng kiến thức vững chắc. Sự học là cả đời. Bạn càng đọc, càng xem, càng nhìn nhận và lắng nghe thật nhiều, bạn sẽ càng tỏ tường về thế giới này, và nâng cao thứ hạn của bạn trong xã hội.

Đừng quên việc luyện tập với những đường line. Điều này sẽ cho thấy khả năng kiểm soát của bạn đến đâu, và giúp bạn định hình được phong cách của chính mình. Sáng tạo là một chuỗi những hành động không ngừng nghỉ và tiếp nối nhau.

Quản lí tài chính

Hãy thành thật với bản thân về khả năng tài chính của mình. Trước hết là, hạn chế chi tiêu đến mức thấp nhất và cắt bỏ những khoản chi không thực sự cần thiết. Sau đó, bạn nên chọn ra thời điểm thích hợp – để đầu tư cho bản thân và tay nghề của bạn. Những vật dụng không cần thiết, đôi lúc sẽ có giá trị, nhưng rồi cuối cùng, chính những thứ này sẽ tiêu tốn thời gian của bạn và gây ra một vài thiệt hại kinh tế. Hãy vay nợ hợp lý, để sở hữu một chiếc máy tính đảm bảo về chất lượng, và chắc chắn rằng “người bạn này” sẽ không trở thành một đống phế liệu vô dụng.

Hãy mua một vài món đồ dùng và sách làm quà tặng cho mọi người trong một phần chi phí của bạn. Tận dụng kì nghỉ của bạn cho công việc, chẳng hạn như, làm một cuộc nghiên cứu cần thiết hoặc đến một buổi họp nào đó tại nơi mà bạn nghỉ dưỡng.

Nếu bạn bè và gia đình đã tặng bạn những món quà như quần áo và vật dụng thiết yếu hằng ngày, hãy để dành tiền cho việc đầu tư bản thân, mua tài liệu cần thiết và đăng kí những khóa học dài hạn. Hoặc tiết kiệm. Bạn sẽ cần đến một khoản ngân quỹ dự phòng trong trường hợp ốm đau, bị thương hay … thất nghiệp chẳng hạn.

Ghi chép lại toàn bộ chi tiêu của mình theo tuần. Đây là một thói quen cực kì bổ ích khi bạn muốn quản lí tài chính của chính mình.

Đừng dừng lại

Nghệ thuật, minh họa, thiết kế, hoạt họa – tất cả đều là cuộc chinh chiến trường kì. Hãy tập trung vào kiến thức và kĩ năng của bạn.

Tìm ra mục tiêu, điều gì khiến bạn quan tâm nhất? Điều gì khiến nhịp đập trái tim trở nên mất kiểm soát, và không thể che giấu nổi niềm phấn khích của mình? Công việc của bạn nên xoay quanh những yếu tố như thế. Sau đó, bạn sẽ luôn có động lực để thực hiện đam mê của mình.

Hãy trở thành vị chiến binh quả cảm

Đương đầu với những rủi ro và tin tưởng vào bản thân.

Nếu cơ hội tìm đến, ngay cả khi bạn hoàn toàn không đáp ứng được tất cả yêu cầu của công việc, hãy cứ nắm bắt lấy. Bất kì một kĩ năng thiếu hụt nào cũng có thể được bồi đắp. Học hỏi qua những video hướng dẫn trên mạng, và thực hành bất kì lúc nào. Hãy tìm đến một người đáng tin cậy và yêu cầu sự giúp đỡ hoặc lời khuyên từ họ, nếu bạn cảm thấy không chắc chắn.

Hãy tự thì thầm với bản thân, về niềm tin vào chính mình, và một ngày, bạn sẽ trở nên thật tuyệt vời. Ngay cả khi mọi thứ làm cản bước đi của bạn, hãy cứ tin tưởng và bước tiếp. Rồi thành công sẽ đến.

2. Nhà sáng tạo Owen Gildersleeve

Có một vài lời khuyên nho nhỏ mà tôi luôn dành cho bất kì sinh viên nào tôi gặp trong các chuyến ghé thăm và trò chuyện ở trường học, hầu hết đều dựa trên những trải nghiệm tình cờ và những sai lầm mà bản thân đã đối mặt trong sự nghiệp của mình.

Trước hết là tầm quan trọng của việc sở hữu một website chứa các tác phẩm của bạn ở đó: sẽ không ai biết đến bạn hoặc khả năng của bạn, trừ phi bạn có thứ gì đó để “khoe” với cả thế giới. Thỉnh thoảng, một vài người sẽ cảm thấy nghi ngại về các tác phẩm của mình và cho rằng chúng không xứng đáng để được mọi người đánh giá. Nhưng nghệ thuật luôn luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ, và mọi người có thể sẽ nhìn nhận tác phẩm của bạn theo những góc nhìn tích cực. Không có gì là giới hạn.

Có những điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên, chẳng hạn như những người đến với tôi một cách tình cờ. Khoản thu nhập đầu tiên mà tôi có được, là từ tuần báo New York Times khi tôi còn học năm 2 đại học, thuộc một dự án cá nhân mà tôi đặt trên website của mình. Tôi không bao giờ nghĩ rằng bọn họ sẽ quan tâm đến những thứ mà tôi đã làm trong giai đoạn đó.

Điều thứ hai mà tôi muốn nhắn nhủ, là hãy bước ra, và đối mặt với mọi người. Đây là một điều rất quan trọng để tạo ra những mối quan hệ cá nhân, không chỉ với những khách hàng tiềm năng mà còn là với những người trong cùng lĩnh vực với bạn. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng một mạng lưới kết nối và hỗ trợ bạn khi cần thiết, hoặc nếu bạn đang tìm kiếm một ý tưởng nào đó và cần thêm chút gia vị. Những mối quan hệ này thực sự rất quan trọng khi bạn rời khỏi trường đại học và kết thúc cuộc đời sinh viên, đi đến một thế giới mới bao quanh bởi đồng nghiệp và những mối quan hệ xoay quanh công việc.

3. 3D Artist – Jack Sachs

Như một điều hiển nhiên, việc tiếp xúc với những con người mà bạn muốn làm việc cùng thật sự rất quan trọng khi bạn bắt đầu freelance. Sẽ chẳng khó khăn mấy để tìm ra địa chỉ email của một giám đốc nghệ thuật, và giới thiệu về bản thân bạn – cho họ thấy những gì mà bạn làm được. Tránh việc gởi mail đến những tài khoản cá nhân hoặc những nơi quá riêng tư, như nhà riêng,… đây có thể coi là một hành động xâm phạm tự do cá nhân.

Tôi đã từng thấy một giám đốc hãng phim săn người tài về cho công ty, chỉ bằng việc xem qua cách inbox hoặc đánh giá email. Và cách này thực sự hiệu quả, ngay cả khi bạn không nhận được bất kì sự phản hồi nào, bạn vẫn đang ở trong hộp inbox và họ vẫn đang quan sát cách mà bạn làm việc.

Về công việc, tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu bạn duy trì những sáng tạo cá nhân bên cạnh sự chuyên nghiệp trong công việc. Tôi nhận thấy một điều, các giám đốc nghệ thuật sẽ cảm thấy hứng thú hơn với những tác phẩm mà bạn làm thuộc dự án cá nhân của chính bạn, mà không phải theo yêu cầu của khách hàng. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng đánh giá năng lực và mức độ phù hợp của bạn đối với công việc, mà không dính líu đến bất kì khách hàng nào.

4. Nhiếp ảnh gia Emily Stein

Tiền và Sự sáng tạo

Sau khi hoàn thành chương trình cao đẳng, tôi đã làm công việc partime trong một photo studio và trở thành phụ tá cho nhiều photographer khác nhau, để có đủ tiền. Tôi nghĩ rằng những tác phẩm của bạn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ bạn, truyền cảm hứng hoặc mang lại cho bạn những lợi ích nhất định. Rất dễ để đảm đương nhiều công việc và kiếm ra tiền, nhưng điều này cũng sẽ chiếm lấy quá nhiều thời gian, và bạn sẽ không có thời gian để nâng cao kĩ năng của bản thân. Vì thế, tôi cho rằng, tìm kiếm sự cân bằng giữa việc kiếm ra tiền và công việc mà bạn muốn là điều rất quan trọng. Hãy chọn công việc có ích cho portfolio của bạn, và bắt đầu từ đó.

Hãy cộng tác với những người mà bạn ngưỡng mộ. Cố gắng tạo nên mối quan hệ với các giám đốc nghệ thuật, hoặc một graphic designer đang làm công việc mà bạn yêu thích, và học hỏi từ họ.

Giao diện website

Khi thiết kế website của riêng mình, hãy giữ nó thật đơn giản và “gọn gàng”, giúp bạn có thể update một cách rõ ràng, hơn là trả tiền cho ai đó, hoặc đợi ai đó làm cho bạn. Tôi sử dụng nền tảng Cargo Collective và nó rất dễ thực hành.

Sở hữu một studio

Tôi đã sở hữu studio ngay khi tôi có đủ khả năng, bởi vì tôi cảm thấy rằng không gì buồn chán hơn là phải làm việc ở nhà. Ngay cả khi bạn phải chia sẻ bàn làm việc với nhiều người, hoặc bạn chỉ dành ra 2 -3 ngày một tuần tại studio, ít ra bạn đã có một nơi để kết nối với những người sáng tạo và mọi người có thể chia sẻ các ý tưởng “điên rồ” với nhau. Bạn sẽ không cảm thấy mình đơn độc trong thế giới này, ngồi ở chiếc bàn cạnh bên giường ngủ, trong bộ pyjama lúc 1 giờ trưa.

Thách thức

Khi nhận công việc freelance đầu tiên, tôi mong đợi mình sẽ đạt được những thành công nhất định – một cách nhanh chóng. Nhưng khi mọi thứ không như tôi kì vọng, tôi cảm thấy rằng mình thật sự là một kẻ thất bại. Điều này đã ám ảnh tôi trong nhiều năm liền. Tôi ước rằng mình có thể quay lại và nói với bản thân mình sự thật. Không phải tất cả những kì vọng và mong đợi của bạn sẽ trở thành hiện thực. Có thể sẽ tốn nhiều năm, có thể bạn sẽ mất mát đôi chút, liên tục tự nghi hoặc bản thân, nhưng nếu thật sự đắm mình vào công việc, với niềm đam mê về mọi thứ bạn làm, và không còn lựa chọn nào khác. Rồi bạn vẫn sẽ “tồn tại”, và một ngày nào đó, sẽ được mọi người công nhận.

Còn một điều nữa, hãy theo đuổi và luôn chủ động. Đừng ôm ấp hi vọng bất kì ai sẽ đứng sẵn đó và giúp đỡ bạn! Họ đều bận rộn, và sự mắc kẹt của bạn không hề ảnh hưởng đến cá nhân họ. Hãy cứ vững vàng, và đứng lên sau những thất bại. Đừng bao giờ từ bỏ, như lựa chọn không bao giờ từ bỏ đam mê của bạn.

Người dịch: thuyvi

Nguồn: itsnicethat

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá cảm hứng sáng tạo cong viec designer freelance Hướng dẫn khó khăn khi làm freelance nghề tự do người nổi tiếng thiết kế website

iDesign Must-try

An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
Multidisciplinary Design là một thuật ngữ “vừa mới, vừa lạ” tại Việt Nam. Mình đã có dịp đọc một bài viết sáng tạo liên quan và tìm hiểu về nó:…
6 xu hướng thiết kế web đáng xem trong năm 2023
6 xu hướng thiết kế web đáng xem trong năm 2023
Sự hòa nhập của người dùng sẽ trở thành chìa khóa cho trải nghiệm web vào năm 2023, nhưng điều này sẽ diễn ra như thế nào? Kể từ khi…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
Thỉnh thoảng bạn tự hỏi, liệu mình có đang tiến triển gì trong công việc? Cách rõ nhất để thấy được sự phát triển là đạt được thành tích, mục…
11 Bí mật về công việc thiết kế web sẽ không ai nói với bạn
11 Bí mật về công việc thiết kế web sẽ không ai nói với bạn
Là một nhà thiết kế web, chắc hẳn, bạn sẽ có nhiều điều để suy nghĩ trong thị trường đầy cạnh tranh này. Bạn có các kỹ năng, sự tinh tế,…
Chút tâm tình tiếp lửa cho những freelancer vững bước
Chút tâm tình tiếp lửa cho những freelancer vững bước
Hãy vững tin vào con đường mà mình đã chọn và đừng dành quá nhiều thời gian để so sánh bản thân với những freelancer khác. Trong thời đại khủng…