Phỏng vấn Yuko Shimizu: “Cạnh tranh xấu xí chỉ xảy ra khi mọi người làm những điều tương tự nhau”

Nguồn ảnh: yukoart.com/

Cùng gặp gỡ họa sĩ và giảng viên minh họa nổi tiếng tại New York qua cuộc trò chuyện thân mật cùng trang Girlsclub Asia.

Hãy cho chúng tôi biết một chút về bạn.

Hiện tại thì tôi đang là một họa sĩ minh họa. Bắt đầu công việc này từ năm 2003 nên có thể xem như tôi đang ở giai đoạn giữa của sự nghiệp. Tôi cũng đang giảng dạy tại trường cũ của mình (Trường Nghệ thuật Thị giác tại New York) từ khi làm việc như một họa sĩ chuyên nghiệp. Đây không phải là công việc đầu tiên mà tôi làm, trước cột mốc này tôi làm công việc hoàn toàn khác, tôi như là ‘họa sĩ được tái sinh’ vậy.

Tôi từng học quảng cáo và tiếp thị trong chuyên ngành kinh doanh tại một trường đại học ở Nhật Bản, thời điểm đó tôi nghĩ đây là lựa chọn sáng tạo nhất trong một lĩnh vực thực tiễn.

Thật ra, tôi LUÔN thích vẽ từ lúc còn rất nhỏ, nhưng khoảng 17-18 tuổi, tôi không biết nên làm gì với cuộc đời mình. Bố mẹ tôi là những bậc phụ huynh Nhật Bản điển hình, tin tưởng rằng sự lựa chọn tốt nhất là một chuyên ngành mang tính thực hành cao để tôi có một công việc ổn định.

Tôi đã có thể khăng khăng đi học trường nghệ thuật, nhưng thật lòng bản thân đã lạc lối và không hề có một cơ sở tranh luận tốt. Tôi đã tận hưởng những gì được học, vẫn đi chơi với các bạn cùng lớp thời đại học mỗi khi trở về nhà. Nhiều người trong số đó đã trở thành giám đốc điều hành trong lĩnh vực quảng cáo. Họ là một nhóm có tư tưởng cởi mở và chấp nhận sự lựa chọn kỳ quặc của tôi khi trở thành một họa sĩ minh họa.

Giờ thì tôi đang dạy sinh viên đại học và thường nhìn lại bản thân từng thế nào khi bằng tuổi họ. Có một số người hoàn toàn tập trung, biết chính xác những gì họ muốn làm và toàn tâm toàn ý dốc sức để trở thành họa sĩ minh họa. Tôi rất ngạc nhiên, việc này thật sự tốt cho tương lai của họ, nhưng tôi đã không đi một lộ trình như thế.

Tôi cũng thấy những người trẻ lạc lối. Một số bạn mất hứng thú với những gì họ đang học và muốn làm một cái gì đó khác. Họ chỉ muốn vượt qua giai đoạn này, nhận bằng tốt nghiệp và chuyển sang chương mới trong cuộc đời. Tôi nói với họ rằng: “Em đừng bao giờ cảm thấy tội lỗi khi bản thân không muốn làm việc trong ngành em đang học. Cô hiện không theo đuổi ngành học của cô, nhưng cô hoàn toàn hạnh phúc vì điều đó. Không có gì em từng học là lãng phí cả. Và điều quan trọng nhất là em có quyền lựa chọn con đường khiến mình hạnh phúc.


Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi có làm PR cho một công ty. Tôi thích lĩnh vực ấy, nhưng môi trường văn phòng không dành cho tôi. Tôi nhanh chóng hiểu những gì tốt nhất cho bản thân là trở thành ‘ông chủ’ của chính mình. Nhưng một lần nữa, tôi còn trẻ, và lại để cho bản thân lạc lối.

Tôi đã làm việc 11 năm ở đó, đến khi tôi chạm ngưỡng 30. Tôi thật sự sốc khi nhận ra mình chỉ sống một lần và đây không phải là cuộc sống mà tôi muốn sống. Tôi mất một thời gian để suy nghĩ và tìm ra những gì bản thân muốn làm. Cuối cùng, tôi đi đến kết luận rằng mình thích vẽ và từng muốn trở thành một họa sĩ. Tôi để dành tiền, đóng gói hai chiếc vali và rời bỏ công việc cũng như quê hương Nhật Bản. Tôi chuyển đến New York để học nghệ thuật lần đầu tiên vào năm 1999.

Tôi bắt đầu học đại học năm thứ nhất vì bản thân chưa tham gia lớp học vẽ bao giờ. Các bạn cùng lớp của tôi, ít nhất là hầu hết trong số họ, khoảng 18 tuổi, gần bằng một nửa tuổi tôi lúc ấy. Tôi vẫn giữ liên lạc với một số người trong số họ, và bây giờ họ đã là những người chững chạc rồi đây!

Hai năm cuộc sống đại học trôi qua, hiệu trưởng của trường – Thomas Woodruff – người mà tôi rất tôn trọng như một cá nhân và là một nghệ sĩ, đã đề nghị và giúp tôi nộp đơn vào chương trình sau đại học, sau đó tôi đã học thêm hai năm nữa.

Cuối cùng, tôi tốt nghiệp bằng Thạc sĩ về Minh họa và bắt đầu làm việc chuyên nghiệp. Đã 20 năm kể từ khi chuyển đến New York, cảm giác như chỉ mới ngày hôm qua mà cũng như đã rất lâu rồi. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có thể làm việc mình yêu thích toàn thời gian.

Hãy cho chúng tôi biết về nơi bạn đang ở và điều gì khiến bạn thích ở nơi này.

New York không phải là một thành phố hoàn hảo. Không có thành phố nào như thế cả. Mỗi lần đi du lịch ở đâu đó, tôi lại tự hỏi mình một câu: Tôi có thể sống ở đây không? Cho đến nay, chưa có thành phố nào đánh bại New York, vì vậy tôi vẫn ở đây.

New York chứa đầy những người có tham vọng cao và không ngại dồn toàn tâm sức vào đó. Người New York luôn bận rộn. Tôi không gặp bạn bè trong nhiều tháng, và không chỉ với tôi mà còn là với tất cả mọi người. Mặc dù không có cơ hội gặp gỡ thường xuyên như tôi muốn, những người bạn ấy vẫn luôn truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng. Bạn có thể có ý tưởng và ý kiến ​​của riêng bạn, không ai phán xét vì mọi người đều khác nhau. Những người này – những người có mục tiêu, tham vọng và ước mơ của riêng họ – biến New York thành một nơi rất sống động và thú vị.

New York rất sáng tạo, rất kích thích và cũng vô cùng đắt đỏ để sống. Dù điều này vẫn luôn không thay đổi nhưng thực chất nó đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. NY từng được lấp đầy bởi những người trẻ tuổi có rất nhiều tham vọng, ước mơ với không một đồng xu dính túi. Những người có tham vọng và ước mơ vẫn đến, nhưng hiện tại, thật sự rất khó khăn nếu bạn nghèo đói ở đây, điều này khiến cho năng lượng của người trẻ khó phát triển hơn.


Mỗi lần đi du lịch ở đâu đó, tôi lại tự hỏi mình một câu: Tôi có thể sống ở đây không? Cho đến nay, chưa có thành phố nào đánh bại New York, vì vậy tôi vẫn ở đây.

Ba từ mô tả cảm giác khi trở thành một người sáng tạo ở nơi bạn sống?

Tràn đầy năng lượng, hứng khởi và đầy tính cá nhân.

Bạn đã bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật ra sao?

Tôi đã nói rất nhiều ở phía trên về cách mình bắt đầu. Về cơ bản, sau giờ học, tôi quảng bá tác phẩm của mình từng chút một và công việc cứ đến dần. Một trong những điều tốt nhất về việc học tập ở New York là, những người dạy bạn đồng thời là những người đang làm việc để kiếm sống. Vì vậy, các giáo sư đã chỉ dạy tôi rất nhiều. Đồng nghiệp tôi gặp trên chặng đường học tập cũng như khách hàng đã thuê tôi ngay từ khi bắt đầu đã nâng đỡ tôi.

Khi những người bên ngoài New York nghĩ về cộng đồng sáng tạo ở đây, họ cho rằng mọi thứ vô cùng khốc liệt và cạnh tranh. Vâng, theo một cách nào đó thì đấy là sự thật, nhưng điều tuyệt vời là tất cả chúng tôi đều làm việc của mình. Nếu tôi làm việc của tôi và bạn làm việc của bạn, chúng ta không cần phải cạnh tranh với nhau. Ở đây không phải là chuyện tôi nhận được một dự án bởi vì bạn không có được nó, mà là việc khách hàng muốn phong cách của bạn hay của tôi. Đó là một cuộc thi thố lành mạnh hơn. Cạnh tranh xấu xí chỉ xảy ra khi mọi người làm những điều tương tự nhau. Làm việc của riêng bạn, và bạn sẽ tốt hơn ở nhiều mặt. NY là nơi tuyệt vời để tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Khi tôi trưởng thành như một cá nhân và một người nghệ sĩ, tôi muốn làm nhiều việc có ý nghĩa hơn, với dự án mà tôi thật sự có thể khai thác sâu hơn.

Một số mục tiêu và tham vọng cho công việc tương lai của bạn là gì?

10 đến 12 năm đầu tiên, tôi làm việc chủ yếu dựa trên tham vọng và mục tiêu. Tôi đã có một danh sách những người muốn làm việc cùng, danh sách này rất quan trọng nếu bạn muốn làm giỏi và tốt công việc của mình, đặc biệt ở New York. Hiện tại, mục tiêu của tôi đã thay đổi. Có lẽ tôi dễ tính hơn, hoặc có thể những gì tôi cho là tham vọng và mục tiêu đã thay đổi. Tôi thích làm các dự án lớn và dài hạn hơn để có thể đào sâu vào từng công việc, dành nhiều thời gian và công sức hơn cho chúng.

Những năm đầu tiên trong sự nghiệp, chủ yếu là một dự án được hoàn thành trong vài ngày rồi lại cứ xoay vòng. Tôi muốn đi sâu hơn. Tôi chỉ vừa hoàn thành một dự án sách ảnh mà bản thân đã dành ra một năm có tên là Cat Man of Aleppo (cuốn sách sẽ được phát hành bởi NXB Penguin Putnam vào năm 2020).

Một nửa năm đó về cơ bản chỉ dành cho việc nghiên cứu. Lý tưởng nhất, tôi muốn được tới Aleppo nhưng không thể nào tôi lại có thể bay đến một Syria đang bị chiến tranh tàn phá. Tôi thực hiện thử thách này một cách nghiêm túc và cố gắng làm hết sức để miêu tả nơi tôi chưa từng đến. Đó là một chủ đề rất quan trọng và câu chuyện cần phải được kể; tôi rất vui khi là một phần của dự án. Đó chỉ là một ví dụ, nhưng đúng vậy, khi tôi trưởng thành như một cá nhân và một người nghệ sĩ, tôi muốn làm nhiều việc có ý nghĩa hơn, với dự án mà tôi thật sự có thể khai thác sâu hơn.

Nếu có cơ hội hợp tác với bất kì ai trên thế giới, bạn sẽ chọn ai?

Có rất nhiều người hùng trong lĩnh vực của tôi nên rất khó để chọn chỉ một hoặc một vài. Có lẽ là Wong Ka-Wai hay Jean Paul Gaultier chăng? Tôi thích cái nhìn độc đáo của họ.

Có thử thách nào đối với người phụ nữ trong lĩnh vực của bạn không?

Như bạn có thể biết, Nhật Bản là một xã hội gia trưởng. Nó từ từ thay đổi giống như bất cứ nơi nào khác, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi. Tôi lớn lên trong xã hội vào khoảng thời gian khi mà các cô gái được nuôi dạy để trở thành những người mẹ làm lụng tại nhà. Khi lớn lên nếu bạn chọn học đại học, bạn sẽ bị xem là ‘khó tìm chồng’.

Tôi thuộc thế hệ GenX (1961 -1981 – n.d), vì vậy mọi thứ bắt đầu đổi khác. Tôi từng học ở môi trường đại học bốn năm, nhưng tôi chỉ là một trong 4 phụ nữ của một lớp có sĩ số 40 người.


Có bất kỳ người phụ nữ trong lĩnh vực sáng tạo nơi bạn sinh sống mà bản thân vô cùng ngưỡng mộ khi lớn lên không?

Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở Nhật Bản, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng được cân nhắc khá nhiều cho đàn ông, ngoài giáo viên, y tá và tiếp viên hàng không. Nhưng sau đó, ngành công nghiệp về truyện tranh dành cho thiếu nữ (shoujo-manga) bùng nổ, nhiều người sáng tác đều là phụ nữ. Những người như vậy bắt đầu có sự nghiệp phát triển, sự tôn trọng to lớn hay thậm chí là cơ hội để xây dựng thương hiệu, danh tiếng và sự giàu có của riêng mình. Vì vậy, khi nhìn lại, chính họ là những người hùng của tôi.

Bên cạnh đó thì tôi có đọc tác phẩm tự thuật mang tính hư cấu về Shōen Uemura (上村松園) – một trong những nữ họa sĩ hàng đầu Nhật Bản – được minh họa bởi Tomiko Miyao, cũng là một nữ tiểu thuyết gia hàng đầu. Cô ấy đạt được rất nhiều thành tựu khi là người phụ nữ có một sự nghiệp nghệ thuật hay nói cách khác, đã khó hơn ta giờ đây rất nhiều. Cô đã chứng minh với thế giới rằng bản thân mình có thể vẽ tốt hơn những đồng nghiệp nam tốt nhất thời ấy. Bạn luôn có thể tìm thấy người hùng của chính mình. Và mặc dù phụ nữ đạt được điều ấy khó hơn rất nhiều thì so với họ, tôi vẫn sống trong một thế giới đặc quyền.

Đây là một lĩnh vực tuyệt vời để dấn thân.

Tôi cam đoan với bạn.

Bạn có lời khuyên gì cho những người phụ nữ trẻ đang được truyền cảm hứng để làm việc trong lĩnh vực sáng tạo không?

Là một họa sĩ minh họa tự do vốn là thiểu số, lại là nữ và bắt đầu sự nghiệp trễ hơn hầu hết mọi người, điều tôi có thể nói là trong lĩnh vực này là không ai từng hỏi tuổi, giới tính, chủng tộc, kinh nghiệm của bạn; không bao giờ tôi được yêu cầu để đưa resume hoặc bằng tốt nghiệp nào từng có. Khách hàng chỉ quan tâm đến công việc của bạn, những gì bạn tạo ra, những gì bạn có thể cung cấp cho họ và bạn làm việc tốt như thế nào.

Tôi không hề nhớ là mình đã từng có tình huống nào mà bản thân phải cảm thấy tự ti về chính mình. Vấn đề là về tất cả những gì tôi đã tạo ra và những gì tôi sẽ có thể tạo ra. Đây là một lĩnh vực tuyệt vời để dấn thân.Tôi cam đoan với bạn.

Bản quyền hình ảnh thuộc về Yuko Shimizu.


Website:

yukoart.com

Instagram:

@yukoart

Facebook:

@YukoShimizuArt

Twitter:

@yukoart


Nguồn: Girlsclub Asia

Cùng tác giả

#Tag

cảm hứng minh họa giới thiệu họa sĩ nghệ sĩ minh họa phỏng vấn

iDesign Must-try

Nhiếp ảnh gia trẻ Thành Long: Việc khó nhất là tạo cảm xúc qua ảnh
Nhiếp ảnh gia trẻ Thành Long: Việc khó nhất là tạo cảm xúc qua ảnh
Nhiếp ảnh gia chụp ảnh sản phẩm thời trang là một công việc thầm lặng, dù bạn có thể bắt gặp những tác phẩm của họ hàng ngày hàng giờ.…
/nhân vật/ Rohan Dahotre, hoạ sĩ đam mê thiên nhiên và muông thú
/nhân vật/ Rohan Dahotre, hoạ sĩ đam mê thiên nhiên và muông thú
Hoạ sĩ kiêm nhà thiết kế đồ hoạ người Ấn Độ Rohan Dahotre rất đam mê thiên nhiên và thế giới hoang dã. Những tác phẩm của anh thể hiện…
Mari Kim, một trong những nghệ sĩ Pop Art hàng đầu Hàn Quốc và cơ duyên với 2NE1
Mari Kim, một trong những nghệ sĩ Pop Art hàng đầu Hàn Quốc và cơ duyên với 2NE1
Cùng tìm hiểu về một trong những họa sĩ minh họa hàng đầu tại Hàn Quốc, Mari Kim.
Gặp gỡ Doan Ly: Nhà thơ của những bức hình tĩnh vật hoa
Gặp gỡ Doan Ly: Nhà thơ của những bức hình tĩnh vật hoa
“Tôi yêu cái đẹp, cuộc sống xung quanh chúng ta có thể khó khăn, và tôi muốn là người đem đến những điều tích cực dành tới mọi người.” Bằng…
Họa sĩ Stephen Savage: Minh họa sách trẻ em là công việc dành cho đứa trẻ bên trong ta
Họa sĩ Stephen Savage: Minh họa sách trẻ em là công việc dành cho đứa trẻ bên trong ta
Chúng ta đã quen với việc thường thức nghệ thuật trong phạm vi bảo tàng. Thậm chí xem chiếc TV thế kỉ 21 là một phương tiện thể hiện nghệ…
Bức tranh tường khổng lồ minh họa quá trình làm việc trong một nhà máy đèn qua minh họa của Emans
Bức tranh tường khổng lồ minh họa quá trình làm việc trong một nhà máy đèn qua minh họa của Emans
Linealight là công ty của Ý chuyên cung cấp các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng theo đơn đặt hàng. Họ muốn đặt một bức tranh minh họa khổ…