Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ

Trải qua gần 800 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Hát Bội đã trở thành một phần linh hồn văn hóa Việt Nam, được xem như là loại hình sân khấu cổ điển, đặc sắc của nghệ thuật biểu diễn truyền thống nước nhà.

Dự án “Vẽ Về Hát Bội” ban đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ,dần dà cuốn thành một cơn sóng lớn nơi những người trẻ cùng nhau thể hiện lại “Hát Bội” dưới góc nhìn của chính họ, với mong muốn sẽ tạo nên những gợn sóng lan toả trong lòng giới trẻ Việt.

Hát Bội là một loại hình nghệ thuật vừa quen vừa lạ đối với khán giả Việt. Dù rằng cụm từ Hát Bội không người Việt Nam nào là không hay biết, hoặc những vở tuồng, tích vẫn đều đặn được chiếu trên màn ảnh nhỏ, nhưng câu hỏi liệu«Hát Bội vẫn luôn sống?» sẽ khiến chúng ta ngập ngừng đôi lúc.

Nguồn ảnh: 1890 THEATRE ANNAMITE – Nhà hát An Nam Exposition coloniale. Théatre Annamite, Esplanade des Invalides. Publisher : Imp. Floucaud & Cie, 38 rue Lecourbe & 36 rue des Petits-Champs (Paris). Date of publication: 1890.

Trải qua gần 800 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Hát Bội đã trở thành một phần linh hồn của văn hóa Việt Nam, được xem như là loại hình sân khấu cổ điển, đặc sắc của nghệ thuật biểu diễn của truyền thống nước nhà. Nhiều thế hệ nghệ sĩ và người mộ điệu đã tạo dựng nên nền nghệ thuật Hát Bội bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của cuộc đời họ. Tất cả những tuồng, tích của nghệ thuật Hát Bội đều được thể hiện từ tư tưởng của ông cha người Việt xưa. Từ cách vẽ mặt, hoạ tiết trang phục nhân vật lộng lẫy đều là thành quả của những nghệ nhân bồi đắp từ xưa đến nay.

Tuy nhiên, môn nghệ thuật sân khấu này đang ngày càng mai một và không chạm đến được thế hệ trẻ bởi nhiều lý do.

Cũng vì lẽ đó, dự án Vẽ Về Hát Bội ban đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ, cháy lên ý tưởng từ niềm xúc động của hai hoạ sĩ trẻ Killien Huynh Phùng Nguyên Quang đối với những vở tuồng cổ, dần dà đã cuốn thành một cơn sóng lớn với sự tham gia và ủng hộ của hơn 40 nghệ sĩ và 100 nhân sự từ nhiều mảng ngành khác nhau từ Nam chí Bắc, cùng nhau thể hiện lại Hát Bội dưới góc nhìn của chính những người trẻ, với mong muốn sẽ tạo nên những gợn sóng lan toả trong lòng giới trẻ Việt.

Sau gần 2 tháng thai nghén, ngày hôm nay 2/2/2018, dự án đã chính thức thành hình và ra mắt mọi người với buổi triển lãm «Vẽ về hát bội» trong sự đón nhận đông đảo của nhiều lứa tuổi và các luồng văn hoá khác nhau.

Mời bạn cùng xem qua một số hình ảnh trong buổi triển lãm ngày hôm nay và nhâm nhi vài thông tin mà iDesign đã lượm lặt được trong quá trình các nghệ sĩ vẽ tranh nhé.

_______________________________

Tranh của hoạ sỹ Cao Lê Diệu Phúc vẽ về vở Đào Tam Xuân

Tranh lấy cảm hứng từ chia sẻ về Võ tướng Đào Tam Xuân của chịLê Hương Mai, dưới đây là trích đoạn về chia sẻ của chị.

Khóc Đào Tam Xuân

Trước khi biết tới Tam Xuân, một đứa dư nước muối như mình đã sấp mặt khóc lên khóc xuống vì Xuân Liên võ trạng. Có thể nói, tích của Tam Xuân là một tích được cải lương rất ưa dùng, vẫn chừng đó tình tiết, vẫn chừng đó tuyến nhân vật, vẫn chừng đó câu thoại, lại không ngừng hoán thai đổi cốt, biến hóa tên gọi cùng bối cảnh.

Tuy chỉ là một nhân vật hư cấu, nhưng câu chuyện của Đào Tam Xuân đã in dấu qua nhiều đời tuồng võ. Mỗi lần trông thấy câu chuyện này lặp lại trước mắt, trong lòng không hiểu sao lại nhói lên một cái, cảm xúc ập về như cuồng thủy.

Mình từng nói, Tam Xuân không có nước mắt của Tam Xuân, Tam Xuân không có nước mắt của đàn bà. Tại sao có thể nói như vậy? Tại vì Tam Xuân trong lòng mình là một nhân vật hỗn tạp rất nhiều tư cách, rất nhiều vai trò, rất nhiều tâm thế. Trước khi là một người vợ, một người mẹ, Tam Xuân đã là một võ tướng thân trải sa trường.

Võ tướng ở chiến trường rất khác võ tướng ở triều đường. Trên đầu bọn họ vẫn là cái gánh Quân-Thần, nhưng trước khi ngẫm tới cái gì là trọng ân báo quốc, thứ mà bọn họ phải đối mặt hằng ngày chính là cái chết. Là cái chết không ngừng bủa vây, không ngừng rình rập. Là cái chết có sức mạnh tuyệt đối, có thể tước bỏ tất cả mọi tài hoa, mọi tình thân, mọi nhân nghĩa, mọi chí nguyện, mọi lễ giáo, mọi ý niệm… của mọi con người.

Không phải tự dưng mà giai cấp cầm quyền luôn có tâm đề phòng tướng lĩnh ở sa trường. Vì bọn họ hiểu, thật sự hiểu được rằng “trong mắt quân sĩ không có vua, chỉ có tướng quân”. Trong mắt của những con người ngày đêm phải giành giật lấy từng mạng sống, có lúc kinh qua địa ngục, có lúc gần như chẳng còn sinh mệnh, thoi thóp tồn tại từng ngày, chỉ có người cùng họ đồng cam cộng khổ, cùng họ sống chết không rời mới xứng đáng để họ một đời tôn trọng.

Nước mắt của Tam Xuân không phải của Tam Xuân. Nước mắt của Tam Xuân là oán niệm của tướng sĩ sa trường. Những kẻ bán mạng cho đất, bán thây cho trời. Không muốn gục ngã? Vậy chỉ còn cách tiến về phía trước. Có thể trở thành ác quỷ, chĩa giáo hướng đao về phía quân thù, nhưng lại yếu ớt không chịu nổi một vết thương do triều đình ban tặng.

Nước mắt của Tam Xuân không phải chỉ là nước mắt của Tam Xuân. Mà là nỗi đau của những người lấy mạng ra “báo quốc” chỉ để đổi lấy phản bội, oán cừu.

Cứ nghĩ tới chuyện một người phụ nữ mất chồng mất con, lại mất luôn cả ý nghĩa để chiến đấu, tiếp tục tồn tại để chiến đấu liền cảm thấy đau lòng. Chiến trường đâu phải chỗ tốt lành. Trên thân toàn là vết thương, mà linh hồn thì vụn vỡ. Đã hiến toàn bộ cho đất nước, lại cửa nát nhà tan. Chẳng biết mình đã tận hiến vì cái gì, cũng chẳng rõ mình sẽ tiếp tục tận hiến vì cái gì.

Trong mắt không chỉ có bi, mà còn có nộ”.

Tranh của nghệ sĩ Khoa Lê
Không chỉ giới trẻ mà những người lớn tuổi cũng bày tỏ sự quan tâm tích cực đến sự kiện.

Cánh cửa – tranh chì bởi Lá Studio

Bức tranh được đầu tư rất công phu, hoàn thành trong tận một tháng, còn được nghệ sĩ cắt hộp giấy có cửa để vẽ ánh sáng cho thật. Với lời dẫn “Hát bội rồi sẽ bị lãng quên hay sẽ lại được tìm thấy?”, bức tranh đặt ra câu hỏi trăn trở cho nhiều thế hệ.

Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá (một cảnh trong vở tuồng Sơn Hậu) – tranh của hoạ sỹ Phùng Nguyên Quang

Tóm tắt vở tuồng Sơn Hậu: Nhân lúc vua Tề băng hà, huynh đệ Tạ Thiên Lăng (thái sư đương quyền) mưu tiếm ngôi bằng cách lập “Tiểu giang sơn” (cung điện riêng). Chúng hạ ngục thứ phi đang mang thai, chờ ngày lâm bồn xong sẽ hành quyết. Thái giám Lê Tử Trình trá hàng, xin chân giữ tù thứ phi hòng tìm phương cứu giá. Sau cuộc công phá “Tiểu giang sơn” thất bại, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá hợp sứcLê Tử Trình cứu thoát thứ phi và hoàng tử mới sinh đưa đến “Sơn Hậu thành”, lấy nơi đây làm căn cứ địa để phục thù. Tạ Thiên Lăng cho quân đuổi theo. Khương Linh Tá ở lại cản đường, rồi bại trận và bị chặt đầu. Khi Kim Lân và mẹ con thứ phi bị lạc trong rừng, Linh Tá hiện lên thành ngọn đuốc dẫn họ về thành Sơn Hậu. Quân thái sư cố thủ trong thành. Thiên Lăng bắt mẹ Kim Lân làm con tin. Nhờ sự giúp đỡ của Nguyệt Hạo, Kim Lân giao bà đổi lấy mẹ mình. Cuối cùng quân Kim Lân chiến thắng. Tạ Ôn Đình bị hồn Linh Tá hiện về chém chết, còn Thiên Lăng bị đuổi về quê. Hoàng tử lên ngôi vua.

Họa sỹ Phùng Nguyên Quang chia sẻ: “Sau khi được xem trích đoạn Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá, mình rất ấn tượng cảnh người diễn viên quấn sẵn một dải lụa đỏ trên đầu, khi chiếc mũ rơi xuống thì bung dải lụa đỏ ra như một dải máu. Sau đó anh ta cúi xuống nhặt lấy mũ đội lại lên đầu trong sự hoảng hốt của Ôn Đình và hai tên lâu la. Cảnh bốn người đánh nhau, cùng với chiếc roi là bốn con ngựa dữ, cảnh Khương Linh Tá rơi đầu bằng một dải lụa máu làm cho một người tay ngang, trước đó chưa biết gì về hát bội như mình cũng cảm nhận được sức mạnh của sự ước lệ trong hát bội và tài năng diễn xuất của người diễn viên, nên mình đã chọn mô tả lại cảnh này”.

Búp bê mô hình Hát Bội, tác giả Diễm Nguyễn.
Tranh pixel art 8-bit của nghệ sĩ Tú Bùi
Trang phục áo dài sử dụng hoạ tiết của Hát Bội
Một phần tranh minh hoạ Hồ Nguyệt Cô hoá Cáo của hoạ sĩPhạm Quang Phúc

Hồ Nguyệt Cô vốn là cáo tu luyện ngàn năm trở thành người. Nàng trải qua nhiều biến cố vào sinh ra tử. Đến khi nàng đem lòng yêu Tiết Giao và bị chàng ta phụ bạc, đánh cắp mất “ngọc người” và phải quay về kiếp cáo. Ngay khi xem NSND Minh Gái diễn trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo tôi đã bị ấn tượng cực kì sâu sắc vì cảm nhận được thần lực của loài cáo toát ra mạnh mẽ từ cô. Dường như ngay lúc đó tôi thấyđược bóng dáng của loài cáo. Từ đó tôi vẽ nên tác phẩm này, phần lớn (sân khấu, trang phụ biểu diễn, diễn xuất…) được truyền cảm hứng từ phiên bản biểu diễn vô cùng xuất thần của NSND Minh Gái.

Tác giả sân khấu Trần Vượng đã nói rằng nếu phải chọn một vở để giới thiệu tuồng đến khán giả quốc tế, thì đó sẽ là vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Vì nó phù hợp với lăng kính hiện đại hơn các vở tuồng khác và ý nghĩa triết học của nó về con người: “Nhân tính qua rèn luyện tăng dần theo tỷ lệ ngược với thú tính bớt dần đi. Nhưng nếu tu luyện kém, con người dễ trở lại con thú, nghĩa là cái ác thắng cái thiện.”
” Một vũ điệu phải nói là mê ly, vũ điệu Nguyệt Cô mất dần nhân tính, mọc lông trở lại thành cáo. Một tác phẩm triết lý sâu sắc, lại rất hiện đại…”

Tác phẩm cắt giấy Ngạo của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Vũ
Tác phẩm Võ Tam Tư trảm cáo của hoạ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín
Một phần tác phẩm hình tượng Đào Tam Xuân của họa sĩ Miên PhanRougemie.

Sơ lược về vở Đào Tam Xuân Đề Cờ – Trảm Trịnh Ân: Ðào Tam Xuân là một nữ tướng, vợ của Trịnh Ân. Khi nghe tin Vua Tống Thái Tổ giết Trịnh Ân là người anh em kết nghĩa với Vua Tống, Ðào Tam Xuân hết sức phẫn nộ đã kéo quân vể triều hỏi tội Tống Thái Tổ. Trước sự can ngăn của Cao Hoài Ðức và thái độ ăn năn hối lỗi của vua nên Ðào Tam Xuân chỉ bắt Hàn Tố Mai là ái phi của Vua, thủ phạm chính đã giả chiếu thư gây nên mối nghi ngờ dẫn đến cái chết oan của Trịnh Ân. Hàn Tố Mai bị bắt, bó vải đưađến cho Ðào Tam Xuân giết để tế chồng, trả thù cho Trịnh Ân.

Hoá trang nhân vật Ðào Tam Xuân trong mô hình đào võ, nhưng là kiểu hoá trang cách điệu một nhân vật đào chiến đặc biệt: Nền mặt một nửa màu hồng, một nửa màu xanh. Có ý kiến gìải thích về cách hoá trang này như: Nửa mặt màu xanh biểu hiện nhân vật xuất thân từ miền núi; nửa mặt màu hồng nói lên tính chẩt thục nữ anh hùng. Ý kiến khác cho rằng: Do luyện đao kiếm qua nhiều ngày đêm nơi rừng núi nên nước da nửa mặt bị biến màu. Tuy vậy những nét thanh mảnh của đôi lông mày vẫn giữ được vẻ đẹp của nữ tính. Đây là kiểu hoá trang cách điệu độc đáo, mang tính ước lệ đặc trưng trong tuồng. Những nét thanh thoát nhưng khoẻ khoắn biểu hiện đào võ (hay đào chiến) mang tính chẩt văn võ song toàn của mô hình nhân vật nữ tướng đặc biệt trong tuồng truyền thống Việt Nam.

Đời và Tuồng – tác phẩm của Vườn Illustration
Châu Thông – tác phẩm của Vườn Illustration
Tác phẩm lắp ghép mô hình của nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Vũ

Chuyện bên lề: Lý do ra đời của Vẽ về Hát Bội

Câu chuyện kể ra mới thấy rõ, từ một đốm lửa nhỏ niềm xúc động của các hoạ sỹ và lòng yêu nghề của NSND Đinh Bằng Phi, cùng với sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía cộng đồng nghệ sỹ và khán giả, “Vẽ về Hát Bội” mới được thành hình và ra mắt mọi người. Mời các bạn đọc để hiểu rõ hơn quá trình dày công của những người tham gia dự án nhé.

Thực hiện bởi hoạ sỹ tham gia dự án

Thông tin triển lãm

Địa điểm: Khu phức hợp mua sắm The Garden Mall,số 190 Hồng Bàng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Thời gian: bắt đầu từ lúc 18 giờ 00 ngày 01/02/2018, kéo dài cho đến hết ngày 10/02/2018

Chuỗi sự kiện bao gồm hàng loạt hoạt động đa dạng từ triển lãm đương đại, biểu diễn hát tuồng cổ và hoạt động tương tác với khán giả như lớp học ứng dụng, buổi trò chuyện với nghệ sĩ.

Xin mời bạn xem thêm chi tiết tại trang chủ của sự kiện Vẽ về Hát Bội.

Tác giả: Chilaxu | Ảnh bìa: Phạm Quang Phúc

Nguồn: Vẽ Về Hát Bội

Cùng tác giả

#Tag

cổ truyền garden mall idesign signature lâu đời minh hoa mỹ thuật nghệ thuật sân khấu Triển lãm truyền thông vẽ về hát bội xa xưa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…