Từ A - Z các thuật ngữ nghệ thuật có thể bạn chưa tỏ tường (phần 5)

Việc nắm được một số thuật ngữ là điều cần thiết khi tìm hiểu và học hỏi về các kiến thức nghệ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho các tác phẩm cá nhân cũng như có thêm nguồn cảm hứng vô tận từ những điều đã có sẵn trong lịch sử thế giới.

iDesign xin giới thiệu với bạn đọc một số thuật ngữ (theo thứ tự từ A-Z) có thể bạn đã nghe qua nhưng chưa thật sự hiểu rõ, từ đó nới rộng hơn tầm hiểu biết trong kiến thức về lịch sử nghệ thuật đầy thú vị này!



P

*

Pastel

Henri Gaudier-Brzeska, Sophie Brzeska (1913)

Pastel hay phấn màu là một phương tiện vẽ được làm từ bột màu nguyên chất trộn với chất kết dính (binder) để tạo thành một cây phấn nhỏ. Chúng được sản xuất ở dạng mềm, cứng và dạng chì.

Phấn màu mềm (soft pastel) được sử dụng phổ biến nhất và dễ dàng pha trộn trên giấy bằng cách làm nhòe bằng ngón tay, vải mềm hoặc dụng cụ vẽ như tortillon (dạng như bút chì, thường làm từ giấy được cuộn chặt và sản xuất đặc biệt cho mục đích blend màu). Phấn (chalk) có thể được thêm vào các sắc tố màu (pigment) trong phấn màu mềm để làm dịu các màu đậm và tạo ra một loạt các màu sắc khác nhau.

Phấn màu dầu (oil pastel) được tạo ra bằng cách sử dụng chất kết dính có dầu và sáp cũng như có độ đặc như kem, rất khác với độ đặc của phấn màu mềm. Các dung môi như nhựa thông có thể sử dụng để làm mờ và trộn với phấn màu dầu.

Purism

Purism là một phong trào được hình thành vào khoảng năm 1918. Phong trào được thành lập bởi Edouard Jeanneret (thường được biết đến với cái tên Le Corbusier, một kiến trúc sư hiện đại lẫy lừng) và Amédée Ozenfant.

Amédée Ozenfant, tác phẩm: Glasses and Bottles

Họ đưa ra lý thuyết về Purism trong cuốn sách được cả hai chấp bút có tên Après le Cubisme (sau Chủ nghĩa Lập thể) xuất bản năm 1918. Le Corbusier Amédée Ozenfant chỉ trích sự phân mảnh của đối tượng trong tranh Lập thể và cách mà trường phái này phát triển, theo quan điểm của họ, chỉ mang tính trang trí vào thời điểm đó. Thay vì vậy, cả hai đề xuất một kiểu tranh mà các đối tượng được thể hiện dưới hình thức cơ bản mạnh mẽ với các chi tiết đã được lược bỏ. Fernand Léger là một nghệ sĩ quan trọng khác gắn liền với Purism.

Một yếu tố quan trọng của Purism là sự bao trùm của công nghệ và máy móc, nhằm mục đích mang lại cho các đối tượng cơ khí và công nghiệp một dấu ấn cổ điển vượt thời gian. Có thể thấy sự tham khảo tử kiến trúc Hy Lạp cổ đại trong các đường gờ (như những thức cột Hy Lạp) trên các chai lọ thuộc nhiều tranh tĩnh vật của Ozenfant.

Le Corbusier (1887-1965), Accordéon, carafe et cafetière
mặt trước được kí với tên ‘Jeanneret 26.’


Purism đạt đến đỉnh điểm trong tác phẩm kiến trúc của Le Corbusier có tên Pavillon de l’Esprit Nouveau, được xây dựng năm 1925 cho Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp ở Paris. Sau đó, mối quan hệ chủ chốt giữa Ozenfant Le Corbusier cũng dần rạn nứt.

Primitivism

Paul Gauguin,Faa Iheihe (1898)

Thuật ngữ Primitivism (chủ nghĩa Nguyên thủy) được sử dụng để mô tả niềm đam mê của các nghệ sĩ châu Âu hiện đại với thứ nghệ thuật thuở đó được họ gọi là primitive art, hay nghệ thuật nguyên thủy. Cụm từ này bao gồm nghệ thuật của các bộ lạc (tribal art) từ châu Phi, Nam Thái Bình Dương và Indonesia, đến nghệ thuật châu Âu thời tiền sử và khi còn rất sơ khai cũng như nghệ thuật dân gian châu Âu (European folk art).

Các tác phẩm ấy đã có một tác động sâu sắc đến nghệ thuật phương Tây hiện đại. Việc Picasso khám phá ra nghệ thuật của người bản địa châu Phi vào khoảng năm 1906 đã có ảnh hưởng quan trọng đến hội họa của ông nói chung và là yếu tố chính dẫn vị họa sĩ này đến với chủ nghĩa Lập thể (Cubism).

Primitivism cũng có nghĩa là tìm kiếm một lối sống đơn giản hơn, tránh xa sự phức tạp của đô thị phương Tây và những hạn chế xã hội. Ví dụ điển hình về điều này là việc nghệ sĩ Paul Gauguin chuyển từ Paris đến Tahiti ở Nam Thái Bình Dương vào năm 1891. Chủ nghĩa Nguyên thủy (Primitivism) cũng rất quan trọng đối với chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism), bao gồm cả Die Brücke (hay còn gọi là Phong trào Cây cầu ở Đức).


Từ sự quan tâm và đánh giá cao của những nghệ sĩ này, mọi thứ từng được gọi là nghệ thuật Nguyên thủy (primitive art) hiện được coi là có giá trị ngang bằng với các hình thức nghệ thuật phương Tây. Thuật ngữ primitive (nguyên thủy) thường được tránh dùng hoặc sử dụng trong dấu ngoặc kép.

Postmodernism

Thuật ngữ Postmodernism, hay Chủ nghĩa hậu hiện đại gắn liền với chủ nghĩa hoài nghi (scepticism), sự mỉa mai và phê bình triết học đối với các khái niệm về chân lý phổ quát (universal truths) và thực tại khách quan (objective reality).

Jeff Koons, Three Ball Total Equilibrium Tank, 1985
Tate© Jeff Koons

Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào khoảng năm 1970.

Là một trào lưu nghệ thuật, Postmodernism ở một mức độ nào đó bất chấp định nghĩa – vì không có một phong cách hay lý thuyết hậu hiện đại nào mà nó được tóm gọn. Postmodernism bao gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm nghệ thuật, và có thể được cho là bắt đầu với pop art (nghệ thuật đại chúng) vào những năm 1960 và bao gồm phần lớn những phong trào tiếp theo như conceptual art (nghệ thuật khái niệm), neo-expressionism (chủ nghĩa tân biểu hiện), feminist art (nghệ thuật nữ quyền) những năm 1990.

Postmodernism là một phản ứng chống lại modernism.

Chủ nghĩa hiện đại nói chung dựa trên idealism (chủ nghĩa duy tâm) và một tầm nhìn không tưởng về cuộc sống, xã hội của con người và niềm tin vào sự tiến bộ. Nó giả định rằng một số nguyên tắc hoặc chân lý phổ quát to lớn, chẳng hạn như những nguyên tắc hoặc chân lý do tôn giáo, khoa học xây dựng có thể được sử dụng để hiểu hoặc giải thích thực tế. Cùng lúc, các nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại đã thử nghiệm hình thức, kỹ thuật và quy trình thay vì tập trung vào các chủ thể, tin rằng họ có thể tìm ra cách phản ánh hoàn toàn thế giới hiện đại.

Trong khi chủ nghĩa hiện đại dựa trên chủ nghĩa duy tâm và lý trí, chủ nghĩa hậu hiện đại được sinh ra từ chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) và nghi ngờ lý trí. Nó thách thức quan điểm rằng có những điều chắc chắn hoặc sự thật phổ biến. Nghệ thuật hậu hiện đại dựa trên triết học từ giữa đến cuối thế kỷ 20, và ủng hộ rằng kinh nghiệm cá nhân và cách giải thích kinh nghiệm của chúng ta cụ thể hơn các nguyên tắc trừu tượng. Trong khi những người theo chủ nghĩa hiện đại ủng hộ sự rõ ràng và đơn giản; chủ nghĩa hậu hiện đại bao hàm những lớp lang ý nghĩa phức tạp và thường có sự mâu thuẫn.

Away from the Flock (1994), bởi Damien Hirst

Do bản chất chống lại sự độc đoán, Postmodernism từ chối công nhận thẩm quyền của bất kỳ phong cách hoặc định nghĩa duy nhất nào về việc nghệ thuật nên là gì. Nó làm sụp đổ sự phân biệt giữa văn hóa xa hoa và văn hóa đại chúng hay giữa nghệ thuật và cuộc sống hàng ngày. Bởi vì Chủ nghĩa hậu hiện đại đã phá vỡ các quy tắc đã được thiết lập về phong cách, nó đã giới thiệu một kỷ nguyên tự do mới và ý thức rằng ‘điều gì cũng có khả năng’.

Thường hài hước, mỉa mai hoặc lố bịch; Postmodernism có thể tạo ra cảm giác thách thức hoặc gây tranh cãi, thách thức ranh giới của khả năng cảm thụ nghệ thuật ở người xem. Hơn hết, nó phản ánh sự tự nhận thức về chính phong cách trong nghệ thuật. Thường pha trộn các style (phong cách) và media (phương tiện nghệ thuật) với sự phổ biến khác nhau, nghệ thuật hậu hiện đại cũng có thể vay mượn một cách có ý thức và tự giác hoặc bình luận một cách mỉa mai về một loạt các phong cách trong quá khứ. Người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Postmodernism là nhà phân tâm và lý luận học người Pháp Jacques Lacan.


R

*

Resin

Worlds Within Whales bởi Isana Yamada

Resin là một chất rắn (solid) hoặc nửa rắn (semi-solid) thường trong suốt, đôi khi được các nhà điêu khắc sử dụng như một chất liệu nghệ thuật. Là một vật liệu khá nhẹ, bền và tương đối rẻ – so với các vật liệu điêu khắc truyền thống khác – nó khá phổ biến với các nghệ sĩ (đặc biệt là những người muốn tạo nhiều phiên bản của một tác phẩm điêu khắc). Resin cũng có thể được sơn hoặc tráng men để trông giống như đá, đồng hoặc cẩm thạch.

Resin có thể là nhựa tự nhiên hoặc tổng hợp. Nhựa ‘tự nhiên’ có nguồn gốc từ thực vật hoặc côn trùng, trong khi nhựa ‘tổng hợp’ (ví dụ: alkyd và acrylic) được sản xuất công nghiệp. Chúng thường có thể được hòa tan trong dung môi hữu cơ để tạo ra dung dịch trong suốt, mặc dù nhiều loại nhựa tổng hợp được sản xuất dưới dạng chất phân tán (dispersions).

Romanticism

Francisco de Goya, “The Third of May, 1808′ (1814).
Tranh sơn dầu, 266 x 345 cm. Prado Museum.

Thuật ngữ Romanticism, hay Chủ nghĩa Lãng mạn, được sử dụng vào đầu thế kỷ XIX để mô tả một phong trào trong nghệ thuật và văn học nhấn mạnh vào mối quan tâm mới trong tâm lý con người, biểu hiện của cảm giác cá nhân và sự quan tâm đến thế giới tự nhiên.

Caspar David Friedrich, The Abbey in the Oakwood, 1809-10,
sơn dầu trên canvas, 110 x 171 cm

Đặc điểm chung là một chủ nghĩa cảm tính mới đối lập với những ý tưởng phổ biến về sự kiềm hãm trong tâm tưởng từ trước đó. Nỗi kinh hoàng, đam mê và kinh hãi, đặc biệt trải nghiệm khi đối mặt với cảnh quan hùng vĩ của thiên nhiên đã cung cấp một liều thuốc giải bằng nghệ thuật, níu lại cái thế giới tâm linh vốn dĩ đang bị đẩy xa khi sự ra đời của thuyết tiến hóa đang bao trùm lấy cả thế giới lúc ấy. Các nghệ sĩ bấy giờ khao khát quay về một thế giới mà sự hoang sơ của thiên nhiên và những bí ẩn của nó giúp con người có thể lắng lại để khám phá nội tại của riêng họ. Sự hoài cổ này đã truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa Lãng mạn chuyển sự chú ý vào trí tưởng tượng của cá nhân và cách giải thích của họ về thế giới xung quanh. Đây là cú chuyển ngoặt đi ra khỏi tính truyền thống cổ điển đã ở đỉnh cao từ khoảng năm 1780 đến năm 1830, dù nó vẫn tiếp tục có ảnh hưởng rất lâu sau đó.

J.M.W. Turner, “Valley of Aosta: Snowstorm, Avalanche and Thunderstorm,” 1836/37

Trong nghệ thuật Anh, Chủ nghĩa Lãng mạn đã xuất hiện trong những phản ứng mới với thiên nhiên ở các tác phẩm của John Constable J.M.W.Turner. Một họa sĩ có tầm nhìn xa như William Blake đã xem xét vị trí của con người trong vũ trụ và mối quan hệ của con người với Chúa trời cũng như khám phá những cách nhìn mới về lịch sử nhân loại. Nhiều họa sĩ quan trọng khác đi sâu vào chủ đề lịch sử bao gồm Henry Fuseli, James BarryJohn Hamilton Mortimer.


Các giai đoạn sau của phong trào Romanticism ở Anh bao gồm thời kỳ Tiền Raphaelites (Pre-Raphaelites) và Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism).


S

*

Suprematism

Kazimir Severinovich Malevic, 0.10 Exhibition 

Cái tên Suprematism (Trường phái Tuyệt đỉnh) được nghệ sĩ người Nga Kasimir Malevich lấy làm tên gọi cho thứ nghệ thuật trừu tượng mà ông phát triển từ năm 1913, đặc trưng bởi các dạng hình học cơ bản, chẳng hạn như hình tròn, hình vuông, đường thẳng và hình chữ nhật; các tác phẩm này cũng có số lượng màu hạn chế.

Triển lãm thực tế đầu tiên có các bức tranh của Suprematism là vào tháng 12 năm 1915 tại St Petersburg (Nga), ở một triển lãm tên O.10. Góp mặt trong sự kiện bao gồm ba mươi lăm bức tranh trừu tượng của Kazimir Malevich, trong số đó có bức tranh vuông màu đen trên nền trắng nổi tiếng của vị họa sĩ này.

Năm 1927, Malevich xuất bản cuốn sách The Non-Objective World, một trong những tài liệu lý thuyết quan trọng nhất của nghệ thuật trừu tượng. Trong đó, ông có viết:

Vào năm 1913, cố gắng tuyệt vọng để giải phóng nghệ thuật khỏi sức nặng chết chóc của thế giới thực, tôi đã ẩn náu trong hình khối của hình vuông.

Ngoài ‘suprematist square’ như cách gọi trìu mến dành cho thứ hình khối ấy, Malevich cũng phát triển một loạt các hình khối bao gồm hình chữ nhật, hình tam giác và hình tròn thường có màu sắc mạnh. Chúng thường được đặt trên nền trắng, và cảm giác về màu sắc lơ lửng trong không gian ở các bức tranh Suprematism là một khía cạnh quan trọng của phong trào này.

Kazimir Malevich (1878-1935), Supremus No. 58, 1915.

Suprematism là một trong những phong trào quan trọng của nghệ thuật hiện đại ở Nga và đặc biệt gắn liền với cuộc Cách mạng của đất nước. Sau sự trỗi dậy của Stalin từ năm 1924 và sự áp đặt của hiện thực xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp của Malevich sụp đổ. Trong những năm cuối cùng trước khi qua đời vào năm 1935, ông đã vẽ những bức tranh theo trường phái hiện thực.

Một đoạn clip dài gần 5 phút giải thích cô đọng về Suprematism

Năm 1919, nghệ sĩ người Nga El Lissitsky gặp Malevich và bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Suprematism, cũng như nghệ sĩ người Hungary Laszlo Moholy-Nagy.

Symbolism

Symbolism (Chủ nghĩa Tượng trưng) là phong trào cuối thế kỷ 19 ủng hộ việc thể hiện ý tưởng hơn là mô tả thực tế về thế giới tự nhiên.

Dante Gabriel Rossetti,
Beata Beatrix


Thuật ngữ này được nhà phê bình Pháp Jean Moréas đặt vào năm 1886 để nói về thơ của Stéphane Mallarmé Paul Verlaine. Nó sớm được áp dụng vào nghệ thuật thị giác, khi mà mô tả thực tế về thế giới tự nhiên được tìm thấy trong chủ nghĩa Ấn tượng (Impressionism), chủ nghĩa Hiện thực (Realism), chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) bị khước từ để thay vào đó là giới mơ tưởng với những nhân vật bí ẩn trong văn học, kinh thánh và thần thoại Hy Lạp.

Tác phẩm của các nghệ sĩ và nhà văn theo chủ nghĩa Tượng trưng cũng được thúc đẩy bởi nội dung tâm lý mới, đặc biệt là khiêu dâm và thần bí. Các chủ đề phổ biến bao gồm: tình yêu, nỗi sợ hãi, nỗi thống khổ, cái chết, sự thức tỉnh về tình dục và ham muốn đơn phương.

Symbolism đặc biệt nổi bật ở Pháp (Gustave Moreau, Odilon Redon, Paul Gauguin), Bỉ (Fernand Khnopff, Jean Delville) và Anh (Dante Gabriel Rossetti, Sir Edward Coley Burne-Jones, George Frederic Watts, Aubrey Beardsley).

Synthetism

Thuật ngữ Synthetism (chủ nghĩa Tổng hòa) gắn liền với phong cách thể hiện mang tính tượng trưng được Paul Gauguin và những người đi theo ông áp dụng vào những năm 1880. Các tác phẩm đi theo phong trào này được đặc trưng bởi các vùng màu phẳng và các đường viền đậm nét.

Louis Anquetin
Girl Reading a Newspaper (1890)

Thay vì vẽ một bức tranh được thể hiện theo phong cách tự nhiên của thực thể được quan sát, Paul Gauguin và những người theo ông ở Pont Aven mong muốn tạo ra nghệ thuật kết hợp (hoặc tổng hòa) chủ thể với cảm xúc của nghệ sĩ cùng với mối quan tâm về mặt thẩm mỹ trong đường nét, màu sắc và hình thức. Như Maurice Denis bộc bạch vào năm 1890:

Cần nhớ rằng một bức tranh trước khi là một con ngựa chiến, một người phụ nữ lõa thể hoặc trở thành một số giai thoại nào đấy, về cơ bản nó vẫn chỉ là mặt phẳng được phủ bằng nhiều màu sắc kết hợp với nhau trong trật tự nhất định.

Louis Anquetin
Girl Reading a Newspaper (1890)

Một cuộc triển lãm về Synthetism đã được tổ chức bởi các nghệ sĩ Pont-Aven vào năm 1889 và nhóm họa sĩ thuộc phong trào này – bao gồm Gauguin Emile Bernard – được thành lập vào năm 1891. Một người khác cũng là thành viên phong trào, Paul Sérusier, thì lại rẽ ngoặt và thành lập nhóm họa Nabis.


Biên tập: Lệ Lin
Tranh và lời: Tổng hợp từ Tate và nhiều nguồn khác


Cùng tác giả

#Tag

art history giới thiệu họa sĩ Heirstory in ấn Lệ Lin postmondernism primitivism art purism resin romanticism suprematism trường phái nghệ thuật Từ điển Nghệ Thuật

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 1): Tóm lược, ý tưởng chính và thành tựu, những sự khởi đầu
Gustave Courbet nói rằng ông vẽ “người thị trường, nặng 180kg, vị linh mục quản xứ, công lý của hoà bình, người mang thánh giá, công chứng viên Marlet, vị…
Chủ nghĩa Lãng mạn (Phần 3): Các tác phẩm nổi bật
Chủ nghĩa Lãng mạn (Phần 3): Các tác phẩm nổi bật
Trong phần cuối của loạt bài về chủ nghĩa Lãng mạn, ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa, sắp xếp theo trình tự thời gian. Các…
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật…