Từ A - Z các thuật ngữ nghệ thuật có thể bạn chưa tỏ tường (phần cuối)

Việc nắm được một số thuật ngữ là điều cần thiết khi tìm hiểu và học hỏi về các kiến thức nghệ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho các tác phẩm cá nhân cũng như có thêm nguồn cảm hứng vô tận từ những điều đã có sẵn trong lịch sử thế giới.

iDesign xin giới thiệu với bạn đọc một số thuật ngữ (theo thứ tự từ A-Z) có thể bạn đã nghe qua nhưng chưa thật sự hiểu rõ, từ đó nới rộng hơn tầm hiểu biết trong kiến thức về lịch sử nghệ thuật đầy thú vị này!


V

*

Vorticism – Đi tìm sự tĩnh lặng trong các chuyển động của Thực tại

Những người theo chủ nghĩa Vorticism được xem là những người tiên phong tại Anh và được thành lập ở London vào năm 1914. Mục đích của họ là tạo ra nghệ thuật thể hiện sự năng động của thế giới hiện đại. Phong trào nghệ thuật và văn học này được xem là khơi nguồn từ Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) và Chủ nghĩa Lập thể (Cubism). Các tác phẩm theo Vorticism thường kết hợp sự phân mảnh lập thể của thực tế với hình ảnh sắc nét bắt nguồn từ máy móc và môi trường đô thị.

Wyndham Lewis
Workshop (~1914–1915)

Họa sĩ và nhà văn người Anh theo chủ nghĩa hiện đại Wyndham Lewis là nhân vật trung tâm của Vorticism. Chủ nghĩa Vorticism cũng được cho là có mối liên quan và hội tụ với phong trào Vị lai (Futurism) của Ý do Filippo Tommaso Marinetti lãnh đạo. Trên thực tế, nó còn được xem là phiên bản Anh tương đương với Futurism của Ý, mặc dù có khác biệt về học thuyết và Lewis vô cùng căm ghét những người theo phong trào ấy.

Trong khi những người theo Vorticism chia sẻ với các nghệ sĩ Futurism niềm đam mê với sự năng động và nền công nghiệp của thế giới hiện đại, họ lại đồng thời bác bỏ sự tôn vinh của những người theo Futurism về sự tiến bộ công nghiệp. Vorticism cũng mong muốn ghi lại chuyển động bên trong hình ảnh như Futurism, nhưng họ đi tìm kiếm sự tĩnh lặng ở trung tâm của chuyển động ấy.

Lewis đã xuất bản hai số của tạp chí cho phong trào mang tên BLAST, vào tháng 6 năm 1914 và tháng 7 năm 1915. Ông cũng từng khẳng định về tầm nhìn của phong trào mình trong một bài viết trên tạp chí rằng, “CHÚNG TÔI CHỈ MUỐN THẾ GIỚI NÀY TỒN TẠI, và cảm nhận năng lượng thô sơ của nó chảy qua mình,” và “Chúng tôi đứng về Thực tại của Hiện tại – không phải những rung cảm cho Tương lai hoặc Quá khứ đã khuất.

Wyndham Lewis, Portrait of an Englishwoman, 1913/1914




Phong trào này kết thúc ba năm sau khi bắt đầu do nhiều thành viên được kêu gọi phục vụ trong Thế chiến I. Sự liên kết với vài khía cạnh của Chủ nghĩa phát xít cũng góp phần vào kết thúc sớm của phong trào. Dù vậy năm 1920, Lewis cũng cố gắng làm sống lại Vorticism qua nhóm Group X (tiếc thay, họ cũng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi). Cái bóng kinh hãi của chiến tranh là lí do khiến các phong trào tiên phong (avant-garde) bị chối từ, nhường đường cho sự trở lại của các phương pháp nghệ thuật truyền thống, sự nỗi dậy này còn được biết đến với thuật ngữ ‘return to order’.

Vitrine – Tủ kính trưng bày quen thuộc của các nghệ sĩ đương đại

Three Ball Total Equilibrium Tank, 1985
bởi Jeff Koons

Vitrine là tủ kính lớn dùng để trưng bày các hiện vật nghệ thuật và có nhiều hình dạng khác nhau.
Thường được sử dụng trong các bảo tàng, vitrine đã được các nghệ sĩ như Joseph Cornell chiếm dụng vào những năm 1950 và Joseph Beuys vào giữa những năm 1960 để trưng bày những chất liệu độc đáo mà họ đầu tư với ý nghĩa tinh thần hoặc cá nhân.


W

*

White cube

Đề cập đến một kiểu thẩm mỹ nhất định trong phòng triển lãm nghệ thuật, có đặc điểm là phòng thường hình vuông hoặc thuôn dài, với tường trắng và nguồn sáng thường tỏa ra từ trần nhà.

Andrew Grassie
The Hanging of New Hang, 2005


Kiểu thẩm mỹ này được giới thiệu vào đầu thế kỷ XX để đáp ứng với tính trừu tượng ngày càng tăng của nghệ thuật hiện đại. Với sự chú trọng về màu sắc và ánh sáng, các nghệ sĩ từ các nhóm như De StijlBauhaus thích trưng bày các tác phẩm của họ trên nền tường trắng để giảm thiểu sự phân tâm của người xem. Những bức tường trắng cũng được cho là đóng vai trò như một cái khung, giống như đường viền của một bức ảnh. Sự phát triển song song trong kiến trúc và thiết kế cũng đã cung cấp môi trường thích hợp cho nghệ thuật.


Năm 1976, Brian O’Doherty viết một loạt bài tiểu luận cho tạp chí Artforum, sau đó được chuyển thể thành cuốn sách mang tên Inside the White Cube, trong đó ông phân tích về nỗi ám ảnh của các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Hiện đại về khối lập phương màu trắng khi họ cho rằng mọi vật thể đều trở nên thiêng liêng bên trong nó cũng như việc ‘đọc tranh’ từ đó nảy sinh thêm nhiều vấn đề khác.


Y

*

Young British Artists (YBAs)

Cái tên Young British Artists (YBAs), hay Nhóm Nghệ sĩ trẻ người Anh được áp dụng cho một nhóm các nghệ sĩ Anh từng bắt đầu triển lãm cùng nhau vào năm 1988. Họ thường được biết đến với sự cởi mở trong việc sử dụng chất liệu cũng như quy trình thực hiện, các chiến thuật gây sốc và đầu óc kinh doanh.

’The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living.’ (1991)
Damien Hirst


Vào cuối những năm 1980, nền nghệ thuật Anh bước vào giai đoạn nhanh chóng được công nhận là một giai đoạn mới và thú vị đặc biệt với sự xuất hiện của YBAs. Xuất phát điểm thuận lợi của họ là ở triển lãm Freeze (1988) tổ chức bởi Damien Hirst (một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của YBAs) khi anh vẫn còn là sinh viên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Goldsmiths. Ngôi trường này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của phong trào. Trong một số năm, nó đã thúc đẩy các hình thức sáng tạo mới thông qua các khóa học, xóa bỏ sự tách biệt của các chất liệu truyền thống. Michael Craig-Martin là một trong những giáo viên có ảnh hưởng nhất tại Goldsmiths.

Một trong những đặc điểm của YBAs là cách tiếp cận kinh doanh khả thi của họ để triển lãm và tiếp thị cho các tác phẩm. Điều này có thể được nhìn thấy trong các cuộc triển lãm đầy tham vọng như Freeze do Hirst và những người đồng môn của ông tổ chức, cũng như trong các dự án liên doanh như nhà hàng Pharmacy được mở ở Notting Hill vào năm 1998 và được Hirst hậu thuẫn, và The Shop được thiết lập trong một cửa hàng trống ở phía đông London của các nghệ sĩ Tracey Emin Sarah Lucas để tiếp thị tác phẩm của họ.

Mặc dù có thể thấy một số xu hướng nhất định trong các tác phẩm của YBAs, (chẳng hạn như việc sử dụng các đồ vật và hình ảnh được tìm thấy đôi khi bị cho là gây sốc); tuy nhiên không có một sự giới hạn nào trong phong cách hoặc cách tiếp cận của họ.

Cornelia Parker, Rorschach (Accidental 1), 2005
52 vật mạ bạc bị nghiền nát bởi một máy ép kim loại 250 tấn

Các nghệ sĩ YBA hàng đầu đã bảo quản xác động vật đã chết (Damien Hirst); nghiền nát các đồ vật được tìm thấy bằng máy hơi nước (Cornelia Parker); những đồ vật được góp nhặt có liên quan đến một bệnh nhân (Christine Borland); lấy chiếc giường của riêng mình trưng thành một tác phẩm nghệ thuật (Tracey Emin); tác phẩm điêu khắc từ thực phẩm tươi sống, thuốc lá hoặc quần bó của phụ nữ (Sarah Lucas). Các nghệ sĩ YBA đã sử dụng rộng rãi phim, video và nhiếp ảnh cũng như tranh vẽ và bản in theo mọi cách có thể hình dung (Michael Landy); ngày càng phát triển khái niệm của nghệ thuật sắp đặt (một tác phẩm gồm nhiều phần chiếm một không gian duy nhất), và không kém phần quan trọng, làm mới và hồi sinh nghệ thuật hội họa (Gary Hume).


Z

*

Light Dynamo (1963), bởi Heinz Mack
Chất liệu: nhôm, kính, gỗ và động cơ


Zero

Zero là nhóm nghệ sĩ đã thực hành hình thức nghệ thuật động học (kinetic art) sử dụng ánh sáng và chuyển động.

Trong tác phẩm chạm khắc này, người xem không thể quan sát được chuyển động thực nhưng chiếc đĩa nhôm dường như tan biến thành một gợn sóng ánh sáng. Thông qua ảo ảnh quang học, vật này dường như liên tục tự chuyển đổi thành hình bầu dục trong khi thực chất vẫn là hình tròn.

Group Zero, hay Group O thường được gọi đơn giản là Zero. Họ thành lập ở Dusseldorf (Đức) vào năm 1957, như một phản ứng với đặc điểm mang tính chủ quan trong các tác phẩm của những phong trào có khuynh hướng trừu tượng như Tachisme hay Art informel. Zero cho rằng cách tiếp cận nghệ thuật sử dụng ánh sáng và chuyển động đã mở ra những hình thức nhận thức mới.

Otto Piene, Light Ballet trong triển lãm ZERO: Countdown to Tomorrow, 1950s–60s
tại bảo tàng Guggenheim (Mỹ)

Nhóm được thành lập bởi Otto Piene Heinz Mack, sau đó có thêm Gunther Uecker gia nhập năm 1960. Họ từng phát hành ba số của tạp chí Zero, được xuất bản vào năm 1958 đến năm 1961. Nhóm giải thể vào năm 1966.


Biên tập: Lệ Lin
Tranh và lời: Tổng hợp từ Tate và nhiều nguồn khác


Cùng tác giả

#Tag

art history contemporary art damien hirst Từ điển Nghệ Thuật vitrine vorticism yba

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Nghệ thuật và Tâm hồn
Nghệ thuật và Tâm hồn
Đây không phải là bài viết sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Nghệ thuật và Tâm hồn, mà được viết nên để độc giả tự đặt cho…
Prison Art - Lịch sử những người nghệ sĩ đứng sau song sắt
Prison Art - Lịch sử những người nghệ sĩ đứng sau song sắt
Cùng tìm hiểu về những nghệ sĩ trong tù làm việc như thế nào? Vì sao việc làm nghệ thuật trong tù lại giúp tù nhân thay đổi cuộc đời?
Yếu tố tâm linh trong các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại
Yếu tố tâm linh trong các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại
Trong khi dấu ấn sâu sắc của các chủ thể tôn giáo trong lịch sử nghệ thuật tiếp tục ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đương đại thì sự hiện…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…
Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
Từ lâu, những câu hỏi như: “Thế nào là nghệ thuật?”, “Thế nào là nghệ sĩ?”, “Làm sao để phân biệt giữa nghệ thuật và thiết kế?” đã luôn được…