Vẻ đẹp của một cơn khủng hoảng trông như thế nào?

Covid-19 xuất hiện, hành tinh của chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng chưa từng có. Hàng chục vạn người nhiễm bệnh, hàng ngàn người đã chết. Những người còn lại may mắn khỏe mạnh nhưng công việc thì đã mất, tiền bạc càng tiêu hao, chỉ quanh quẩn nhiều tuần liền trong nhà, và đặc biệt hơn là mắc kẹt trong chính nỗi sợ hãi của bản thân mình.

Nhiều nơi từng sầm uất giờ đây hoang vắng như phim zombie, những khu chợ không còn người buôn kẻ bán, những trường học được trưng dụng làm khu cách ly, những bến xe, công viên, tòa cao ốc đều được treo biển “Ngưng hoạt động”. Tiêu điều, tê liệt, khủng hoảng là những từ ngữ được nhắc đến ra rả trên báo chí, tivi và trong cả các cuộc nói chuyện xã giao hàng ngày. Và như một lẽ thường tình, chúng ta sẽ dễ dàng chìm đắm trong đại dương thông tin ảm đạm đó, và cho phép nỗi sợ hãi dẫn lối tâm trí mình.

Tôi cũng suýt rơi vào chính cái bẫy tâm lý đó nếu không có buổi sáng ngày hôm nay, khi tôi vô tình đọc được một câu nói của Khổng Tử từ thuở trước. “Everything has beauty, but not everyone can see it – Mọi thứ trên đời đều có một vẻ đẹp mà không phải ai cũng nhìn thấy.”


Vẻ đẹp của sự yên ả

Đường phố vắng vẻ vào buổi chiều thứ sáu là một điều kì diệu. Đứng từ cửa sổ trước nhà, tôi không còn nghe tiếng động cơ xe chạy qua lại hay tiếng í ới của những đứa trẻ hàng xóm nữa. Mặc dù sự yên tĩnh này xuất phát từ chỉ thị bắt buộc cách ly cộng đồng của chính phủ hay từ sự tự phòng ngừa lây nhiễm của cá nhân, thì cuối cùng, những điều này cũng đương kết lại thành một khung cảnh thật xinh đẹp và dễ chịu.

Khung cảnh yên ả này chính là môi trường làm việc lý tưởng cho các nhà thiết kế, kiến trúc sư, lập trình viên cũng như nhà văn, nhà nghiên cứu, họ là những người làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi sự riêng tư và yên tĩnh để có thể vận dụng tối đa sự tập trung của mình.

Thành phố New York vốn là biểu tượng của sự sầm uất nay trở nên vắng vẻ và thanh bình trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona gây ra. Ảnh chụp bởi New York Times ngày 24/03/2020.

Vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi

Khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cũng là lúc nhiều hoạt động sản xuất, lưu thông, thương mại bắt đầu đình trệ. Chúng ta, loài người, bắt đầu bật trạng thái nghỉ ngơi. Trái đất, Mẹ thiên nhiên, bắt đầu có một hơi thở trong lành đúng nghĩa. Theo thống kê, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm tới một phần ba so với tình trạng ô nhiễm trầm trọng trước đây tại nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc và điều này là một tin tốt lành cho hành tinh của chúng ta.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có thêm một ít thời gian để dành cho những điều mà ở cuộc sống công sở thường nhật khiến ta quá bận rộn để thực hiện. Bao lâu rồi chúng ta chưa dành 30 phút buổi sáng để gập bụng hay chuẩn bị một bữa điểm tâm đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân? Bao lâu rồi chúng ta chưa pha một ô màu, quệt một vệt cọ, căng một mảng canvas dù đã hứa sẽ vẽ một bức tranh chân dung tặng bố mẹ? Và khi nhìn chiếc kệ trên bàn học kia, bao lâu rồi kể từ lần cuối chúng ta chưa lật mở được một trang sách nào? Nếu câu trả lời là rất lâu rồi thì còn chần chừ gì nữa, những ngày tránh dịch này chính là thời gian quý báu để chúng ta cùng nhau thực hiện những dự định còn dang dở đó. Hãy nắm bắt sự yên bình của khung cảnh xung quanh cùng sự nhàn rỗi khi nhịp sống chậm lại để tạo nên những điều tích cực cho cuộc sống của chính mình. Tập thể dục và dùng bữa sáng chất lượng là tạo giá trị thể chất, hoàn thiện món quà tặng bố mẹ là tạo giá trị tinh thần, còn bắt đầu đọc sách chính là tạo giá trị trí tuệ.

Hòa trong dòng tin tức mang thông điệp tích cực đến cho cộng đồng, họa sĩ trẻ Nhỏ Jung đã chia sẻ một bộ ảnh do chính cô vẽ với thông điệp truyền cảm hứng cho các nhân viên đang làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch bùng phát ở nhiều nơi như thế này. Người họa sĩ trẻ khuyên để có thể “work from home” hiệu quả, chúng ta cần ngủ sớm, đủ giấc và khi đến giờ đi làm thì vẫn thay quần áo đẹp, trang điểm, làm tóc bình thường để cơ thể tự hiểu chúng ta đã sẵn sàng làm việc. Đồng thời, sắp xếp chỗ ngồi làm việc gon gàng và xa phòng ngủ, lên danh sách chi tiết các nhiệm vụ cần hoàn thành, tắt điện thoại và các ứng dụng giải trí trong suốt quá trình làm việc là những điều cần thiết để có thể đảm bảo hiệu suất của công việc dù có đến văn phòng hay không.


Vẻ đẹp của sự chấp nhận

Hãy bắt đầu chấp nhận rằng chúng ta không thể thay đổi được thực tại. Chúng ta chẳng thể nào trở lại khoảng thời gian trước khi con virus xuất hiện hay có thể đi lại thoải mái mà chẳng cần bất cứ trang phục phòng vệ nào trong thời gian này. Điều tốt nhất cho cộng đồng và bản thân mà chúng ta có thể làm lúc này là chấp nhận rằng chúng ta đang phải sống chung với một cơn đại dịch và thời điểm kết thúc vẫn còn là một ẩn số trong tương lai. Đăng một status với lời lẽ nặng nề chỉ trích những bệnh nhân ở nước ta có giúp cơn dịch này mau qua đi được? Miệt thị một quán bar được cấp phép hoạt động hợp pháp nhưng có kiểu thiết kế đi ngược với một số niềm tin tôn giáo có đẩy nhanh tốc độ điều chế vaccine? Không. Vẫy vùng trong một vũng bùn chỉ làm chúng ta nhanh chìm hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy chấp nhận thực tại nghiệt ngã mà cả nhân loại đang phải đối diện và hướng đến những điều tích cực hơn.

Nếu chúng ta không phải là y bác sĩ tuyến đầu đang chiến đấu với đại dịch, không phải là đội hậu cần phải nấu hàng ngàn suất ăn ở khu cách ly tập trung mỗi ngày, không phải là phi hành đoàn bay từ tâm dịch phục vụ đồng bào về nước, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều cách để trở thành một thành tố có ích cho xã hội. Đơn giản, nếu sử dụng mạng xã hội, hãy đăng status tuyên truyền ý thức không tụ tập đông người thay vì chỉ trích một ai đó, hãy chia sẻ các thông tin có độ chính xác và tin cậy cao. Đặc biệt, nếu có năng khiếu hội họa, hãy sử dụng nét vẽ của mình để tạo nên những bộ ảnh, những sản phẩm minh họa có giá trị lan tỏa thông điệp tích cực.

Mưa bão, thảm họa, tai nạn, bệnh tật, dù muốn hay không, đều là một phần hiển nhiên của cuộc sống. Chúng ta chỉ là một phần trong hệ sinh thái chung của trái đất nên không một ai có thể thay đổi những sự thật hiển nhiên này, tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có khả năng thay đổi quan điểm và cách đối diện với những thảm họa đó. Dưới đây là một vài hình ảnh của các họa sĩ trẻ Việt Nam dùng nét vẽ của mình để phủ màu xanh tươi sáng lên các kênh thông tin và mạng xã hội vốn đang có quá nhiều màu xám ảm đạm vì Covid-19 gây ra.

Ảnh: KAA

Không chỉ lan tỏa thông điệp tới cộng đồng, các họa sĩ Việt còn gửi lời cảm ơn đến những người đang ngày đêm vất vả trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh thông qua hashtag #Cám_ơn_Việt_Nam và #ThankYouVietNam, được khởi xướng bởi KAA Illustration.

Bộ ảnh Stay Safe được @xlan.illustration minh họa các bước mặc đồ và cởi bỏ đồ bảo hộ cho các bác sỹ, y tá tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19

Hình ảnh một chiến sĩ làm nhiệm vụ đưa người dân từ sân bay về khu cách ly chỉ kịp ăn vội bữa cơm, trên người vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ được minh họa lại bằng nét vẽ của Le Duc Phu Quang.

Cuối cùng, vậy vẻ đẹp của cơn khủng hoảng là ở đâu? Câu trả lời chính là ở cách nhìn nhận về khủng hoảng trong chính bản thân mỗi người. Vắng vẻ là một vẻ đẹp nếu chúng ta thừa nhận rằng vắng vẻ mang đến sự bình yên cho khu trọ của mình. Nghỉ ngơi cũng là một vẻ đẹp khi chúng ta có thời gian chăm sóc bản thân và những người yêu thương hơn. Và nếu không có cơn khủng hoảng sức khỏe này, làm sao chúng ta thấy được cộng đồng người Việt đoàn kết và tương thân tương ái đến thế nào. Đại dịch làm con người trở nên mong manh nhưng cũng chính đại dịch đã tôi rèn con người trở nên mạnh mẽ, trân trọng cuộc sống, biết cho đi trước khi nhận lại.

Thực hiện: Thùy Vân

Cùng tác giả

#Tag

corona Covid-19 covid19 idesign signature personal growth vietnam artist đại dịch covid19

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…