Yếu tố tâm linh trong các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại

Trong khi dấu ấn sâu sắc của các chủ thể tôn giáo trong lịch sử nghệ thuật tiếp tục ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đương đại thì sự hiện diện của yếu tố tâm linh trong lĩnh vực nghệ thuật ngày nay sẽ liên kết nhiều hơn với hiện tại.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mới mẻ xung quanh yếu tố tâm linh trong thế giới nghệ thuật. Tại các viện bảo tàng, những nghệ sĩ trước đó đã đào sâu vào chủ nghĩa thần bí và tôn giáo đang được thế hệ sau này chú ý. Có lẽ ví dụ nổi bật nhất cho điều này là Hilma af Klint, nghệ sĩ người Thụy Điển ở thế kỷ 20 với cuộc triển lãm năm 2018 – 2019 tại bảo tàng Guggenheim đã trở thành show diễn có số lượng tham quan nhiều nhất trong lịch sử của tổ chức.

Gần đây hơn là Agnes Pelton, họa sĩ thần bí và là thành viên nhóm Hội họa Trừu tượng của Santa Fe, đã có một show diễn cá nhân tại bảo tàng nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney vào năm 2020. Được ra mắt lần đầu tại bảo tàng nghệ thuật Phoenix, show diễn của Pelton là buổi triển lãm đầu tiên trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ trong hơn 20 năm. Sự quan tâm xoay quanh các thế lực và hệ thống đức tin ở một thế giới khác cũng được thể hiện trong tinh thần của những nghệ sĩ làm việc thời nay.

Nghệ sĩ Iran Parviz Tanavoli đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Sự trỗi dậy của yếu tố tâm linh đang hiện hữu nhiều hơn bao giờ hết trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. “Các cuộc chiến tranh, xung đột và chủ nghĩa tiêu dùng dường như đã thúc đẩy khát vọng về sự siêu việt, nơi ẩn náu và bản chất tinh túy của sự vật. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ hướng đến sự tinh túy của yếu tố tâm linh trong tác phẩm của mình”. Bất kể niềm tin tôn giáo cá nhân của họ là gì, các nghệ sĩ đang chuyển mình sang các chủ đề triết lý tâm linh và biểu tượng về thần thánh để đánh giá đức tin của chính họ và hiểu thêm về khoảnh khắc hiện tại.

Là một thành viên của phong trào nghệ thuật Saqqakhaneh ở Iran, Tanavoli là một nhà điêu khắc nổi tiếng, người đã xây dựng sự nghiệp thành công kéo dài nhiều thập kỷ với trọng tâm là chủ đề biểu tượng dân gian và tâm linh. Ông từng tin rằng yếu tố tâm linh bị giới hạn trong phạm vi tôn giáo “nhưng khi thời gian trôi qua và chứng kiến được ​​sự tàn bạo trong nhiều tôn giáo khác nhau, tôi nhận ra mình đã sai lầm như thế nào”, Tanavoli giải thích. “Đó là lý do tại sao tôi thay đổi hướng suy nghĩ của mình và tìm kiếm yếu tố tâm linh trong nghệ thuật, tất cả loại hình nghệ thuật bao gồm cả thơ ca, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn.”

Sự quan tâm sâu sắc của Tanavoli đối với chủ đề này được phản ánh trong series “Heech” đặc biệt của ông, bao gồm các tác phẩm điêu khắc với chủ đề là từ heech, trong tiếng Farsi có nghĩa là “không có gì” hoặc “hư vô”. Tanavoli lần đầu tiên tạo ra những tác phẩm này vào năm 1965 như là sự phản đối những giới hạn về mặt trí tuệ và tình trạng vụ lợi mà ông gặp phải trong nền nghệ thuật thượng lưu của Iran. Ông đã mô tả các tác phẩm “Heech” của mình như là “những sinh vật sống” giúp khắc họa nên “một cõi hư vô thuộc thế giới tâm linh”. Tác phẩm Blue Heech (2005) của ông sẽ được giới thiệu trong triển lãm “Rebel, Jester, Mystic, Poet: Contemporary Persians – Bộ sưu tập Mohammed Afkhami”, khai mạc tại Asia Society ở New York vào tháng 9 này.

Là một nghệ sĩ người Pakistan ở Austin, Texas, Nadia Waheed cũng tìm đến những ý tưởng và biểu tượng tâm linh để nghiên cứu những chủ đề to lớn, đặc biệt là về phụ nữ. Tác phẩm của Waheed, hiện đang được trưng bày trong show diễn “She Came to Stay” của phòng trưng bày mỹ thuật Andrea Festa, bao gồm các bức tranh siêu thực đầy sống động đưa người xem vào những vũ trụ khác.

Trong Sūnyatā, Kenosis (2020), Waheed khắc họa hình ảnh một người phụ nữ trong trang phục màu xám được bao quanh bởi một thế giới thiên nhiên rực rỡ ánh sáng. Tác phẩm khám phá các chủ đề về sự trống rỗng, tự giải phóng bản thân và sự tiến hóa tâm linh dựa trên śūnyatā, một khái niệm từ triết học Phật Giáo đề cập đến sự trống rỗng tâm linh và kenosis, một khái niệm trong thần học Cơ Đốc giáo nói về trạng thái “tự làm rỗng” của Chúa Giê-su để chào đón ý định thiêng liêng của Đức Chúa Trời.

Trong Nirvana (2019), một người phụ nữ với làn da xanh ngọc lục bảo và đôi tay được trang điểm bằng lá cây, đầu đeo một mạng che mặt màu xanh lam thể hiện được phẩm chất thần thánh của bà. Từ aisha, có nghĩa là “người phụ nữ sống sót”, được viết bằng tiếng Ả Rập trên tấm mạng che và bà đang ở phía trước hình vòng cung tựa như một vầng hào quang phía sau.

Vầng hào quang là một mô-típ xuất hiện nhiều trong tác phẩm của những nghệ sĩ bị hấp dẫn bởi chiều không gian tâm linh. Bức ảnh Bardo (2017) của Tsoku Maela là một ví dụ đầy thu hút ám chỉ niềm tin của người Tây Tạng về trạng thái trung gian sau khi chết. Với hình ảnh hai người hơi cúi đầu, xung quanh là vầng hào quang hoa văn trên nền trắng, tác phẩm là một trong năm công trình trong “Barongwa: I am that I am” (2016), một series lấy cảm hứng từ những trải nghiệm tâm linh của chính người nghệ sĩ Nam Phi.

Nghệ sĩ đa ngành người Mỹ Carla Jay Harris cũng bắt đầu đưa những ý tưởng thần bí vào tác phẩm của mình theo trải nghiệm bản thân. “Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, tôi luôn bắt đầu với những điều đang diễn ra trong đời sống cá nhân”, Harris giải thích. “Và sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cảm thấy mình có chút phiêu bạt. Nghiên cứu yếu tố thần thoại và tâm linh là cách riêng của tôi để củng cố lại bản thân và đó là điều thực sự khiến tôi thích thú với chủ đề này.”

Carla Jay Harris, Tầm với, 2020, Luis De Jesus Los Angeles.

“Khi nghe đến chủ đề tâm linh, tôi nghĩ ngay về mối liên hệ với một cái gì đó lớn hơn bản thân và bạn là người xác định điều đó. Thượng đế, một quan cảm về vũ trụ, một cảm giác về thiên nhiên.” Nghệ sĩ tại Los Angeles với triển lãm cá nhân khai mạc tại Luis De Jesus Los Angeles vào cuối tháng 8 đã kiên quyết quay trở lại chủ đề thần thoại như một cách để đi sâu vào cảm giác thân thuộc và kết nối của nhân loại.

Trong series nghẹt thở “Celestial Bodie” (2018 – 20) – các tác phẩm lấy cảm hứng từ trải nghiệm của cô khi còn là “đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba” và lớn lên bên ngoài Hoa Kỳ – những nhân vật Đen và Nâu trừu tượng được miêu tả trong khung cảnh thần thoại. Trong Eden’s Eye (2019), một người mặc áo choàng đỏ nhìn chằm chằm vào người xem khi được bao quanh bởi những chiếc lá vàng và vầng hào quang mỏng manh nhưng vô cùng rạng rỡ. Nói về việc sử dụng mô-típ ngày càng phổ biến này, Harris chia sẻ rằng đó là một trong những yếu tố cuối cùng mà cô kết hợp vào tác phẩm nhằm có được cảm giác cân bằng. Không có quan niệm coi vầng hào quang là một biểu tượng tôn giáo nghiêm chỉnh, cô đã sử dụng hình ảnh ấy để chỉ mặt trời. (Series “Celestial Bodies” của Harris sẽ được giới thiệu tại The Armory Show ở New York cùng với Luis De Jesus vào tháng 9 này.)

Nghệ sĩ nữ quyền Ann Agee, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc gốm được làm bằng tay đầy khéo léo, đã sử dụng hình tượng tôn giáo mà không gán bất kỳ ý nghĩa tâm linh nào cho tác phẩm của cô. “Tâm linh là một từ khiến tôi thấy hơi khó chịu một chút,” Agee nói. “Cảm giác như có một sự ngụ ý gì đó ám chỉ về cách sống đúng hay sai và tôi không thích bất cứ điều gì chỉ bạn cách sống”.

Một trong những series gần đây nhất của Agee, “Madonnas of the Girl Child” (2020), đã được giới thiệu trong một buổi trình diễn tuyệt đẹp tại P.P.O.W ở New York. Những tác phẩm điêu khắc bằng gốm với nhiều kích thước, hình thức và lớp men khác nhau đã tái hiện mô-típ Madonna and Child thần thánh khi khắc họa đứa trẻ là một cô gái, một yếu tố hoàn toàn khác biệt với truyền thống đạo Cơ Đốc. Tuy nhiên, Agee không coi đứa trẻ trong các tác phẩm là thần thánh. Thay vào đó, cô chuyển sang biểu tượng kinh điển này và sử dụng nó như một vật chứa để phản ánh những câu chuyện cá nhân, thế tục.

“Tôi nghĩ rằng những người phi tôn giáo coi Madonna như một biểu tượng triết học Yunginan hoặc Freudian” Agee khẳng định. “Hình ảnh đó mang một sức mạnh tâm lý. Dù có theo đạo hay không, bạn sẽ thấy cậu bé là một yếu tố đầy quyền năng và chúng ta đặt hy vọng và ước mơ của mình vào cậu bé. Tôi sẽ muốn bố mẹ đặt hy vọng và ước mơ của họ vào bản thân nhiều như họ đã làm với anh trai tôi”. Tuy nhiên, “những tác phẩm là bức chân dung kép bởi vì có một câu chuyện khác bên cạnh đó là ‘Tôi là một nghệ sĩ và cũng là một người mẹ.’”

Agee chia sẻ rằng các tác phẩm được lấy cảm hứng một phần từ cái hầm muối hình Madonna mà cô bắt gặp trong bộ sưu tập của cung điện Davanzati ở Florence. Cô luôn bị thu hút bởi các tác phẩm nghệ thuật chức năng, bởi vì nó đưa nghệ thuật vào thế tục. Agee cũng là một người tôn sùng thẩm mỹ tôn giáo trong một thời gian dài mặc dù cô luôn cẩn thận tránh những giáo điều, thay vào đó là tập trung vào các yếu tố kỹ thuật như ứng dụng màu sắc và ánh sáng.

Theo như cô nói, “Đã có lúc các nghệ sĩ không thể tồn tại nếu họ không tạo ra các hình tượng tôn giáo, vì vậy rất nhiều bức tranh tuyệt vời đã được tạo ra từ những câu chuyện này.”

Carla Jay Harris (Tạm dịch: Con đường của thần linh), 2020, Luis De Jesus Los Angeles.

Vì vậy, trong khi dấu ấn sâu sắc của các chủ thể tôn giáo trong lịch sử nghệ thuật tiếp tục ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đương đại, thì sự hiện diện của yếu tố tâm linh trong lĩnh vực nghệ thuật ngày nay sẽ liên kết nhiều hơn với hiện tại. “Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những lo lắng, hỗn loạn và tôi cảm thấy yếu tố tâm linh là một cách để đối phó với điều đó”, Harris nói. “Có lẽ nhiều người khác cũng cảm thấy như vậy.”

Mặc dù gần như không thể có được một lý do giải thích cho sự trỗi dậy của yếu tố tâm linh trong nền nghệ thuật đương đại ngày nay nhưng đối với nhiều nghệ sĩ, đó là vấn đề liên quan đến tác phẩm của họ để phản ánh về niềm tin cá nhân dù có mang tôn giáo hay không. Họ có thể dựa vào thần học để khám phá các chủ đề siêu hình hoặc diễn giải lại hình tượng tôn giáo để thảo luận về các vấn đề thế tục có ý nghĩa. Thời gian sẽ trả lời liệu sự hồi sinh của những chủ đề này chỉ là hiệu ứng của hiện tại hay một con đường mới ở phía trước.

Biên tập: Đáo

Cùng tác giả

#Tag

contemporary art nghệ sĩ đương đại spirituality tâm linh đảo

iDesign Must-try

Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hoạt động cắt dán thúc đẩy phá vỡ các quy tắc và kết hợp những yếu tố khác nhau theo nhiều cách bất ngờ. Hãy cùng iDesign khám phá một…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua các bức tranh nổi tiếng về loài chó, khỉ và cừu cùng những câu chuyện thú…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Từ những bức tranh trong hang động cổ xưa đến những tác phẩm sống động khắc họa các loài vật, những bức tranh về động vật nổi tiếng đã xuất…
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thêm những xu hướng thiết kế đồ họa nào sẽ là lựa chọn hoàn hảo để xây…