5 chia sẻ từ các cá nhân trong ngành sáng tạo để đương đầu và thoát khỏi lối mòn sáng tạo

Làm thế nào để bạn có thể vượt qua trở ngại sáng tạo? Đây là câu hỏi đơn giản nhưng lại là vấn đề mà ta cứ phải đương đầu khi làm một nhà sáng tạo. Ngay khi chúng ta nghĩ rằng mình đã tìm được câu trả lời để thoát khỏi lối mòn ấy thì thách thức mới lại xuất hiện. Cảm giác bế tắc xảy ra đến với tất cả chúng ta, dù là sinh viên mới tốt nghiệp, nhà thiết kế mới trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, người sáng tạo trong giai đoạn giữa chừng hay chuyên gia lão luyện.

Dù thường hay hỗ trợ những chuyên gia sáng tạo thoát khỏi thế bí với vai trò của một nhà huấn luyện sự nghiệp, tôi đã quyết định lên mạng để giúp mình trả lời câu hỏi: Làm sao để tôi có thể vượt qua trở ngại trong sáng tạo? Cụ thể hơn, tôi đã hỏi những người theo dõi Instagram của mình, những cá nhân đã hào sảng chia sẻ các bí quyết thực tế, rằng điều gì đã giúp các bạn tiếp tục hành trình, chủ động xử lý khi bị bế tắc và những câu hỏi cần tìm hiểu thêm khi đương đầu với trở ngại trong sáng tạo.

Viết ra trước công việc sáng tạo

Benjamin Welch (@benjaminwelch) đã chia sẻ một phương pháp mới mà anh đang thử áp dụng và cảm thấy nó thật sự hữu ích. “Tôi viết ra những công việc sáng tạo cần làm vào đêm trước thay vì vào ban ngày hoặc hôm trước khi bắt đầu. Sau đó quyết định điều duy nhất cần làm là kiểm tra danh sách việc cần làm và bắt đầu thực hiện theo thôi. Bằng cách này tôi không cần dựa vào cảm xúc hoặc cảm hứng để cho ra ý tưởng, đồng thời cũng không cần cảm thấy áp lực khi phải nghĩ ra một điều gì đó.” Thay vì thế, anh chỉ cần nhìn vào danh sách công việc, chọn lựa và bắt đầu làm việc thôi.

Quan niệm rằng bạn không nên đợi cảm hứng xuất hiện được Kara Gordon (@kayessgordon) nhắc lại rằng: “Tôi luôn ghi nhớ trong đầu rằng mình không cần chờ đợi cảm hứng xuất hiện để có thể tạo ra nghệ thuật. Không phải dấu ấn hoặc tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần được trân trọng mà chính là quá trình thực hiện nó.”

Thay đổi thói quen

Nhiều người tin rằng việc thay đổi mọi thứ theo nghĩa đen có thể tạo ra hiệu quả bởi nó cho bạn nhịp nghỉ mà vẫn vận dụng sức sáng tạo của mình theo một cách thức khác. Kara Gordon chia sẻ rằng việc từ bỏ thói quen có thể giúp cô tiếp tục hành trình sáng tạo, điều đó có thể là đi làm hoặc thăm bảo tàng bằng con đường khác hay gặp một người bạn đã từ lâu chưa hội ngộ. “Nhìn thấy và trải nghiệm một thứ gì đó mới có thể cho phép bạn sắp xếp lại các quy luật trong bộ não của mình.”

Michaela Fiasova (@michaelafiosova) thường làm nhiều dự án cùng lúc để có thể luân phiên giữa chúng và khi trong tình thế bế tắc, cô thường xem Youtube về các chủ đề hoàn toàn không liên quan đến các dự án ấy. Indhira Rojas (@redindhi) cũng áp dụng phương pháp này bằng cách chuyển sang một công việc hoặc hoạt động hoàn toàn khác để gột rửa tâm trí, thậm chí nó có thể chỉ mang tính chất giải trí “với hi vọng tìm kiếm điều gì đó mới mẻ hoặc làn sóng sáng tạo mới sẽ xuất hiện”. Đối với Danielle Evans (@marmaladebleue) mục tiêu hàng đầu là phải có kết quả gì đó để xây dựng đà làm việc: “Tôi thay đổi luân phiên các quy tắc làm việc của mình. Đôi khi kết quả là kết quả và đó là tất cả những gì quan trọng.”

Tái kết nối với phần thể chất của mình

Một trong những chiến lược được đề xuất nhiều nhất để vượt qua trở ngại sáng tạo là vận động, dù đơn giản như đi bộ ngắn ngoài trời như Nicole Jacek (@nicolejacek) hoặc dài hơi như đi bơi theo Anne Stark Ditmeyer (@pretavoyager), “Hồ bơi là một trong những nơi mà các ý tưởng hay nhất của tôi xuất hiện. Việc này nghe có thể giống như đi ngược lại quá trình hoàn thành công việc nhưng mấu chốt ở đây là nó giúp bản thân thoát khỏi chiếc máy tính và màn hình.”

Karoleen Decastro (@karoleend) muốn đưa hoạt động thể chất lên một mức độ cao hơn, “Đi bộ theo hướng chánh niệm thật sự rất kì diệu. Có thể cô sẽ thách thức bản thân đếm được 10 thứ màu xanh lam, 9 thứ màu đỏ, 8 thứ màu xanh lục và vâng vâng cho đến khi cảm thấy an yên và cởi mở với thế giới nội tâm của mình.”

Dù bạn thoát ly khỏi tâm trí và tập trung vào cơ thể của mình bằng cách nào đi nữa thì việc thay đổi về mặt thể chất có thể tác động đến góc nhìn, Lys Hunter (@lyshunter) ghi chú, “Đôi khi bạn cần phải thoát ly – thoát ra khỏi văn phòng và ngôi nhà của mình. Hãy đi bộ và cố gắng suy nghĩ về một vấn đề lớn lao hơn để thoát ra khỏi vấn đề nhỏ của riêng mình.”

Ngừng khó chịu trước lối mòn

Wix VP of Design Hagit Kaufman (@hagitkaufman) đã chọn thay đổi quan điểm của cô về việc đi theo một lối mòn. Thay vào đó cô coi nó là một cơ hội, “Tôi đã từng căm ghét nó nhưng dạo gần đây cảm giác ấy ngày càng ít đi bởi giờ đây mình biết rằng nó luôn đưa tôi đến một nơi hoặc điều gì đó mới lạ. Một ý tưởng mới mẻ, một hướng tư duy mới hay điều gì đó đơn giản hơn như việc kết hợp hai thứ cũ kĩ theo một hướng mới.”

Payal Vaidya (@payalcv) cũng coi trở ngại trong sáng tạo là một cơ hội thay vì thể hiện phẫn nộ trước nó. Cô luôn tự hỏi làm cách nào để nhìn nhận chúng theo một góc nhìn khác hoặc thậm chí là thay đổi con người mình để giải quyết vấn đề từ quan điểm mới mẻ, “Paula Scher sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào hay Debbie Millman sẽ đặt nghi vấn gì?”

Cố gắng vượt qua trở ngại

Trong khi bản năng muốn nghỉ ngơi và làm thứ gì đó khác thì một vài cá nhân nói rằng họ thấy việc giữ nguyên vị trí và vượt qua trở ngại thật sự hữu ích. Kate Aldridge (@k8.aldridge) tìm hiểu sâu về dự án mà cô ít hứng thú hoặc cảm thấy nó ít sáng tạo nhất, từ đó mọi chuyện chỉ xoay quanh quá trình thực hiện và áp lực để kết nối với sức sáng tạo của cô. “Tôi làm công việc mà mình thấy ít hứng thú nhất, ví dụ như việc chỉnh sửa để vẫn có thể nhúng tay vào thực hiện nó mà không cảm thấy áp lực cần phải sáng tạo.”

Đối với Kriz Bell (@krizbell), quan trọng là phải hoàn thành giai đoạn đầu tiên không mấy hứng thú của dự án. “Tôi bắt đầu đào sâu và cố gắng hoàn thành phần việc mà mình không mấy hứng thú. Và nếu thật sự không có ý tưởng gì thì tôi sẽ áp dụng cách thực hiện cơ bản như đặt câu hỏi ai, cái gì, nơi nào, khi nào, làm thế nào. Nếu tiếp tục thực hiện thì bạn sẽ sớm có được một thành quả nào đó thôi.

Xác định nguồn gốc vấn đề của bạn

Đôi khi trong lúc chúng ta gặp phải trở ngại sáng tạo thì dự án chính là vấn đề. Như Karoleen Decastro có chia sẻ, nó có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc sự buồn chán về công việc. Nếu có thể xác định nguồn gốc, cô sẽ tìm ra chi tiết cách để xử lý nó. Lời khuyên của Devin Kate Pope (@devinkatepope) dựa trên phương thức này và yêu cầu chúng ta cân nhắc rằng các yếu tố làm mình bối rối có thể không phải là công việc. Cô gợi ý sử dụng phương pháp HALT. “Mình có cảm thấy đói bụng (Hungry), giận dữ (Angry), cô đơn (Lonely) hay mệt mỏi (Tired) không?” Nếu có thì hãy xử lý nó và tiếp tục hành trình của mình.

Tất nhiên chúng ta sẽ có nhiều dịp để đối mặt trực diện với trở ngại sáng tạo trên con đường sự nghiệp của mình. Việc dự đoán sự xuất hiện tất yếu của nó sẽ giúp chúng ta chấp nhận rằng chúng ta không có gì sai cả – chúng ta không hề thiếu thốn hoặc không hoàn hảo mà chỉ đơn giản là có một trải nghiệm bình thường. Điều chỉnh sự mong đợi của bản thân có thể là điểm mấu chốt, như Rojas chỉ ra, đặc biệt là khi trở ngại sáng tạo không mất đi trong thời gian ngắn, “Nếu trở ngại sáng tạo là một quá trình dài thì tôi sẽ giảm bớt kì vọng cho dự án, cho bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn và cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ nhiều góc nhìn hơn.”

Tác giả: Tina Essmaker
Người dịch: Đáo
Nguồn: 99U

Cùng tác giả

#Tag

creative process personal growth tips

iDesign Must-try

Chút tâm tình tiếp lửa cho những freelancer vững bước
Chút tâm tình tiếp lửa cho những freelancer vững bước
Hãy vững tin vào con đường mà mình đã chọn và đừng dành quá nhiều thời gian để so sánh bản thân với những freelancer khác. Trong thời đại khủng…
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Quá trình sao chép thật chất là một cách học tuyệt vời về việc kiểm soát chất lượng tác phẩm và phát triển phong cách cá nhân khi bạn có…
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta. Bạn đang…
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
Katie là một nhà lãnh đạo thiết kế, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà giáo dục được công nhận trên toàn quốc. Trước khi gia nhập MASS vào đầu…
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
‘Garfield’ và ‘Calvin and Hobbes’ là ví dụ cho hai phương thức sáng tạo rất khác biệt, dù có chung một hình thức là comic strip (các khung truyện tranh…