Bậc thầy cổ điển (Phần 1)

Có nhiều khái niệm trong nghệ thuật được sử dụng phổ biến ngày nay, như bậc thầy hay kiệt tác, tuy nhiên có thể với ý nghĩa hoàn toàn khác vào thời điểm chúng được tạo ra. Việc tìm hiểu bối cảnh, ý nghĩa ban đầu, lịch sử phát triển của những khái niệm này là cần thiết. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm Old Master (Bậc thầy cổ điển) và vai trò cực kỳ quan trọng của các Bậc thầy cổ điển đối với nền nghệ thuật nhân loại. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu được thế nào bậc thầy (master), kiệt tác (masterpiece), cũng như nguồn gốc của các phương pháp hay truyền thống giáo dục nghệ thuật còn tồn tại tới tận ngày nay.

Tóm lược về các Bậc thầy cổ điển

Khái niệm Bậc thầy cổ điển được sử dụng để định danh một nghệ sĩ châu Âu lỗi lạc trong khoảng thời gian từ 1300 đến 1800 và bao gồm những nghệ sĩ từ Phục hưng sơ kỳ cho tới trào lưu Lãng mạn. Cách diễn đạt này cũng có thể được dùng để chỉ tác phẩm được tạo ra bởi một nghệ sĩ trong nhóm này, phổ biến nhất là tranh sơn dầu hoặc bích hoạ (fresco), nhưng cũng có thể là bản vẽ (drawing) (thường là tranh vẽ chì/than/phấn) hoặc bản in. 

Khái niệm được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 18, nó có thể được đặt vào bối cảnh khi các học viện nghệ thuật và phòng trưng bày châu Âu trỗi dậy vào thời kỳ này, thông qua các chính sách về sưu tầm và giáo dục, đã hệ thống hoá những gì được coi là nghệ thuật lịch sử “tốt”, qua đó đã tạo ra ý tưởng hiện đại về các Bậc thầy cổ điển. 

Như với bất kỳ khái niệm nào, bao gồm mô phổ rộng nghệ thuật và nghệ sĩ như vậy, có một số cuộc tranh luận đáng kể về tiêu chí chính xác để xác định một Bậc thầy cổ điển, đặc biệt là phạm vi thời gian và trình độ kỹ năng hay danh tiếng cần thiết của người nghệ sĩ được vinh danh.

Những ý tưởng và thành tựu chính

  • Về nguồn gốc, một nghệ sĩ hay nghệ nhân bậc thầy là cá nhân đã được đào tạo đầy đủ trong hệ thống của nghiệp đoàn, đã tiến bộ đến mức được phép làm việc độc lập và thường thu nhận học sinh cho riêng mình. Điều này khác biệt với phiên bản hiện đại của khái niệm khi mà nghệ sĩ làm việc ngoài các nghiệp đoàn hay trong bối cảnh, còn hiện đại hơn nữa, một vài người khác (ví dụ như Paul Cézanne) cũng có thể được xếp loại là Bậc thầy cổ điển (hoặc đôi khi được nhắc tới như là “Bậc thầy hiện đại”). Tuy nhiên, như trong cách sử dụng trước đó, thuật ngữ này tiếp tục biểu thị một mức độ về chất lượng.
  • Những tác phẩm nổi tiếng nhất của các Bậc thầy cổ điển đặc trưng bởi sự đổi mới trong kỹ thuật và phong cách, cũng như động lực để tạo ra những hình tượng người và phong cảnh tin được qua sự thể hiện về phối cảnh và tỉ lệ mang tính hiện thực.
  • Từ thế kỷ 18, sao chép tác phẩm của các Bậc thầy cổ điển trở thành nền tảng cơ bản cho giáo dục nghệ thuật và học sinh phải thành thạo việc này trước khi được cho phép vẽ trực tiếp từ đời sống. Điều này củng cố tầm quan trọng của các Bậc thầy cổ điển và đặt họ vào một vị thế đáng tôn kính.
Hoạ sĩ Mai Trung Thứ cũng được biết đến với những bức hoạ vẽ lại tranh của bậc thầy cổ điển như Mona Lisa hay Grande Odalisque theo phong cách và hình ảnh Việt Nam

Những khởi đầu

Các nghiệp đoàn Trung cổ – Medieval Guild

Bắt đầu từ thế kỷ 11, các nghiệp đoàn là các tổ chức hoạt động trên cơ sở cộng đồng độc quyền về một ngành thương mại hoặc thủ công. Đến thế kỷ 12, họ đã phát triển một quy trình thăng tiến nghiêm ngặt.

Bắt đầu là người học việc (apprentice), những người tham gia sẽ làm việc và học tập dưới sự chỉ dẫn của một bậc thầy, nghệ nhân mẫu mực trong vài năm trước khi hoàn thiện một sản phẩm đủ điều kiện để được chứng nhận là thợ thạo việc (journeyman). Khi đạt được chứng chỉ này, anh ta có thể thoải mái du hành ngoài giới hạn địa lý nghiệp đoàn của mình và học tập từ các bậc thầy ở các nơi khác. Cuối cùng, sau một vài năm tiếp tục học tập, một người thợ thạo việc có thể trở thành một bậc thầy, nhưng chỉ sau khi hoàn thiện một tác phẩm bậc thầy (“masterpiece“- trong tiếng Việt được dịch là “kiệt tác”) được công nhận bởi tất cả các bậc thầy của nghiệp đoàn. 

Tài liệu về nghiệp đoàn Scotland ghi lại việc sử dụng từ “masterstik” lần đầu tiên (một từ Scotland cổ mà giờ đây được dịch thành tác phẩm bậc thầy) vào năm 1570 và nhà biên kịch người Anh Ben Jonson sử dụng từ “tác phẩm bậc thầy” vào năm 1605. 

Những nghệ nhân bậc thầy này hiếm khi ký tên các tác phẩm của mình và kết quả là rất nhiều người vẫn còn ẩn danh tới nay. Những nhà sử học nghệ thuật sau này khi tìm cách xác định một phong cách riêng đã có xu hướng đặt tên chúng theo vị trí của tác phẩm (ví dụ Bậc thầy của Flémalle (một đô thị ở tỉnh Liège, Bỉ)) hay theo một tác phẩm cụ thể (Bậc thầy của Nhị liên hoạ Brunswick).

Nhị liên hoạ Brunswick là một bức nhị liên hoạ tại Brunswick, hay Braunschweig, một thành phố ở vùng Hạ Sachen của Đức, miêu tả Đức Mẹ Maria với Chúa Hài đồng, một tu sĩ Carthusian đang quỳ gối và Thánh Barbara.

Bắc Âu dẫn đầu trong việc phát triển các nghiệp đoàn cho hoạ sĩ và trường hợp đầu tiên được ghi nhận là Nghiệp đoàn của Thánh Luca, được thành lập tại Antwerp năm 1382. Nghiệp đoàn này lấy tên theo môn đồ của Chúa Ki-tô mà theo quan điểm truyền thống là đã vẽ nên hình ảnh đầu tiên về Đức mẹ Đồng Trinh. 

Ở các khu vực khác như Florence, các hoạ sĩ có thể tham gia nghiệp đoàn Bác sĩ và Dược sĩ, bởi Dược sĩ cung cấp nguyên liệu để làm màu vẽ. Họ cũng có thể tham gia Compagnia di San Luca (Hội thánh Luca) thành lập năm 1349, một hội nhóm được tổ chức lỏng lẻo hơn một nghiệp đoàn. 

Bất chấp những khác biệt này, các xưởng do nghệ sĩ bậc thầy điều hành trở thành phương thức sản xuất nghệ thuật và cách để nhận được sự giáo dục về nghệ thuật thống trị toàn châu Âu. Nghệ sĩ đáng chú ý người Ý Giotto được cho là đã trở thành người tập sự của Cimabue vào tuổi lên 10, bản thân Cimabue là bậc thầy hàng đầu của thế kỷ 13. Một truyền thống về học tập từ một bậc thầy tiếp tục cho tới thời Phục hưng và sau đó, như có thể thấy trong việc tập sự của Michelangelo với Domenico Ghirlandaio và Leonardo da Vinci ban đầu đã học với Andrea del Verrocchio, người có xưởng Florentine mà theo nhà sử học nghệ thuật Arturo Galansino đã tạo nên “bao thế hệ nghệ sĩ”.

Bức Thánh Luca vẽ Đức Trinh nữ (Saint Luke drawing the Virgin) (khoảng 1435 – 40) được Rogier van der Weyden vẽ cho nhà nguyện của nghiệp đoàn hoạ sĩ ở Brussels

Các học viện Nghệ thuật

Các học viện nghệ thuật đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập khái niệm về các Bậc thầy Cổ điển (Old Masters), khi các học viện phát triển chương trình học nhấn mạnh vào việc sao chép tác phẩm của họ, cũng như nghệ thuật cổ đại cổ điển của Hy Lạp và La Mã. 

Học viện đầu tiên được sáng lập bởi Cosimo I de’ Medici ở Florence vào năm 1562 theo gợi ý của Giorgio Vasari, vốn cũng là một nghệ sĩ và được cho là nhà sử học nghệ thuật đầu tiên. Accademia e Compagnia delle Arti del Disegno (Học viện và hội Nghệ thuật Vẽ) có vai trò kép, vừa cung cấp nền giáo dục về nghệ thuật cũng như giám sát việc sản xuất nghệ thuật trong thành phố. 

Bên cạnh việc sao chép các tác phẩm cổ điển và các tác phẩm của bậc thầy Phục hưng, những người được công nhận là ngang bằng hoặc vượt qua thời đại cổ điển cổ đại, các học sinh cũng học hình học, giải phẫu học, và các ý tưởng về chủ nghĩa Nhân văn Phục hưng. Học viện Florentine trở thành hình mẫu cho những học viện sau này, đáng chú ý nhất là Accademia di San Luca (Học viện Thánh Luca), được thành lập tại Rome năm 1577.

Khi vua Pháp Louis XIV sáng lập ra Académie royale de peinture et de sculpture (Học viện hoàng gia về hội hoạ và điêu khắc) năm 1648 dưới sự ảnh hưởng và dẫn dắt của Charles le Brun, nó được tạo ra với hình mẫu từ Accademia di san Luca ở Rome và tiếp nhận phương pháp tiếp cận giáo dục nghiêm khắc. 

Bức Hành trình đến Cythera (L’embarquement pour Cythère) vừa là kiệt tác nổi tiếng của Rococo vừa là tác phẩm ứng tuyển (reception piece) của Antoine Watteau cho Học viện Pháp, được vẽ khi ông tốt nghiệp.

Sinh viên đầu tiên sẽ học vẽ, sao chép từ các bản in về điêu khắc La Mã cổ điển và Bậc thầy Cổ điển Phục hưng là Raphael, da Vinci, và Leonardo. Sau đó, họ học vẽ hình tượng người, sau đó nữa học từ điêu khắc cổ điển hoặc khuôn thạch cao, trước khi họ có thể vẽ thẳng từ đời sống hay phác thảo một người mẫu nam. Họ cũng học hình học và giải phẫu, chỉ sau vài năm họ mới được cho phép vẽ màu.

Năm 1677, Học viện tổ chức triển lãm nghệ thuật công cộng đầu tiên, hay Salon. Mặc dù ban đầu chỉ tập trung vào việc trưng bày tác phẩm của các sinh viên vừa tốt nghiệp, những buổi triển lãm hàng năm nay bắt đầu có cả tác phẩm của những nghệ sĩ khác. Theo thời gian, việc được chấp nhận trưng bày tranh tại Salon đã phát triển thành một điều kiện tiên quyết để đạt được thành công về nghệ thuật, và việc bị từ chối có thể huỷ hoại một sự nghiệp.

Học viện trở thành trọng tài chính của thị hiếu nghệ thuật, quyết định chủ đề, phong cách, và thậm chí cả cách dùng màu. Điều này tạo ra một thể loại hội hoạ được biết đến là Nghệ thuật Học viện, được hình thành phần nhiều nhờ các tác phẩm của Bậc thầy cổ điển. Các học viện quốc gia ra đời sau đó, như Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London và Học viện Mĩ thuật Hoàng gia Đan Mạch, tiếp nhận hình mẫu của Pháp, dẫn tới kết quả: hội hoạ học viện thống trị nghệ thuật phương Tây, cho tới đầu thế kỷ 19 khi những nghệ sĩ Hiện thực bắt đầu nổi dậy chống lại hệ thống.

Khung cảnh Salon Carré ở Louvre (View of the Salon Carrée at the Louvre) (khoảng 1880) của Alexandre Jean – Baptiste Brun

Cùng với những thay đổi này trong việc giảng dạy và trưng bày, ghi chép đầu tiên về việc sử dụng khái niệm Bậc thầy cổ điển với ý nghĩa hiện tại cũng có thể được tìm thấy tại thời kỳ này. Năm 1696, John Evelyn, một nhà viết nhật ký người Anh nổi tiếng đã viết: “L:Pembroke của tôi…đã gửi tới rất nhiều những hình ảnh đa dạng và hiếm có của những Bậc thầy tốt nhất và cổ điển, đặc biệt là của M: Angelo….& một cuốn sách lớn của những bức vẽ đẹp nhất bởi các Bậc thầy Cổ điển.” Cách sử dụng từ Bậc thầy Cổ điển của Evelyn theo một cách nào đó gợi ra rằng nó đã là một khái niệm được hiểu rõ vào cuối thế kỷ 17.

Phụ nữ như Bậc thầy Cổ điển

Như nhà phê bình nghệ thuật Scott Reyburn viết vào năm 2018, “Không như nghệ thuật đương đại, những Bậc thầy Cổ điển (như thuật ngữ này ngụ ý) cũng có vấn đề về việc là một tiêu chuẩn cứng nhắc và do nam giới thống trị. Tuy nhiên, từ thời Phục hưng, các nghệ sĩ Bậc thầy đã bao gồm phụ nữ, mặc dù họ phải đương đầu với sự phản kháng xã hội và nghệ thuật.”

Trong khi một số nghiệp đoàn Trung cổ chỉ có thành viên là nữ và những nghiệp đoàn khác nhận phụ nữ học việc trong nhiều ngành nghề thủ công và thương mại khác nhau, Phục hưng Ý không khuyến khích việc chấp nhận phụ nữ là người tập sự trong hội hoạ, khiến họ bị cắt bỏ khỏi sự nghiệp nghệ thuật.

Sofonisba Anguissola đã thiết lập một ngoại lệ hiếm có khi bà tham gia vào xưởng của Bernardino Campi khoảng năm 1546. Được Michelangelo ca ngợi, bà tiếp tục đạt được sự thành công quốc tế, làm việc cho Công tước Milan trước khi trở thành một hoạ sĩ chính thức của Vua Philip II ở Tây Ban Nha. Tấm gương và tác phẩm của bà đã ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ, bao gồm Anthony van Dyck, người đã ghi nhận bà là người dạy cho ông “những nguyên tắc thực thụ” của nghệ thuật.

Bức Chân dung tự hoạ với Bernardino Campi (Self – portrait with Bernardino Campi) (1559) của Sofonisba Anguissola miêu tả người thầy của bà đang vẽ chân dung bà và thách thức các chuẩn mực giới, tiên phong thể loại chân dung kép.

Bất chấp tấm gương của Anguissola, hầu hết phụ nữ được đào tạo nghệ thuật tại các xưởng gia đình. Ví dụ như Lavinia Fontana, một hoạ sĩ Kiểu cách, được dạy bởi cha của bà, cũng như các bậc thầy Baroque Artemisia Gentileschi và Elisabetta Sirani. Những nghệ sĩ này đã tạo ra ảnh hưởng tới những người cùng thời và những thế hệ sau, cũng như tiên phong tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ. 

Là người duy nhất tạo ra nguồn tài chính cho gia đình mình, Fontana là người nghệ sĩ nữ chuyên nghiệp đầu tiên, Gentileschi là người đầu tiên trở thành thành viên của Accademia di Arte del Disegno xứ Florence. Sirani thiết lập ra trường hội hoạ đầu tiên cho phụ nữ, nơi có các nghệ sĩ đáng chú ý như Veronica Fontana, Lucrezia Scarfaglia và Ginerva Cantofoli theo học.

Vào thời kỳ Rococo, Élisabeth Louise Vigée Le Brun nổi tiếng với những bức chân dung sống động của mình, và Angelica Kauffman trở thành một bậc thầy hàng đầu của thời kỳ Tân Cổ điển, được biết tới nhờ tranh lịch sử. Le Brun là hoạ sĩ chính thức của triều đình Pháp, và Kauffman là thành viên sáng lập của Học viện Hoàng gia London. Judith Leyster đã rất thành đạt trong thời kỳ Hoàng Kim Hà Lan. Tuy nhiên, sau khi bà qua đời, hầu hết các tác phẩm của bà được cho là của chồng bà Jan Miense Molenaer hay của Frans Hals. Chỉ tới năm 1893 các tác phẩm của bà mới được quy về chính xác cho tác giả của chúng.

Bức Chân dung tự hoạ với mũ rơm (Self – portrait in a Straw Hat) (khoảng 1782) của Élisabeth Louise Vigée Le Brun là một bức chân dung tự hoạ sống động, thể hiện địa vị xã hội và khả năng nghệ thuật bậc thầy của bà.

Tới thế kỷ 18, nhiều bậc thầy nữ đã bị lãng quên, các tác phẩm của họ không được trưng bày và họ thường bị loại bỏ khỏi lịch sử nghệ thuật. Trào lưu Nữ quyền vào những năm 1970s đã tái khám phá rất nhiều trong số những người tiên phong ấy, mặc dù đúng như Sotheby’s đã nói vào buổi đấu giá “Phụ nữ Chiến thắng” (The Female Triumphant) năm 2019 trong Tuần lễ Bậc thầy rằng “Gần 50 năm sau, những câu chuyện của những người phụ nữ đáng chú ý đã phá vỡ những ranh giới để đạt được những thành tựu nghệ thuật mà giờ mới bắt đầu được kể.”

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Bậc thầy cổ điển Hương Mi Lê Lê Hương Mi may Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Hoạ Chiêu…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…