Bầu cua ‘Lộc Uyển’: Những ý niệm đằng sau các phép thử

Trước thềm năm mới chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023, Maztermind – đội ngũ những nghệ nhân thủ công và nhà thiết kế lành nghề, mong muốn tạo ra trải nghiệm khác biệt dựa trên những giá trị nguyên bản của những trò chơi board game truyền thống, vừa cho ra mắt bộ Bầu Cua mang tên “Lộc Uyển”. 

Cũng là trò chơi Bầu Cua truyền thống, nhưng để câu chuyện về những ngày Tết thêm phần mới lạ, Maztermind đã mạnh dạn nhuốm thêm những màu sắc mới trong phần thiết kế, để hôm nay chúng ta có nhiều điều để trò chuyện với nhau hơn. 

 “‘Quá hiện đại, ‘quá lạ lẫm’ với mọi người” cũng là những gì mà đội ngũ thiết kế Maztermind tự nhận định về bộ bầu cua “Lộc Uyển”. Liệu rằng đằng sau sự liều lĩnh với những phép thử: trong việc sử dụng bảng màu khác lạ, dựa trên cảm hứng từ nét văn hóa Pháp lam Huế kết hợp họa tiết vốn cổ dận tộc; cùng việc “chơi với chất liệu”, có ẩn chứa những ý niệm gì sâu xa mà chúng ta chưa kịp nghiền ngẫm? 

Ngay sau đây hãy cùng chúng mình trò chuyện với đội ngũ thiết kế nhà Maztermind để khám phá nhé!

Website | Fanpage | Instagram

Mỗi năm, Maztermind lại mang đến cho người chơi hệ boardgame một thiết kế mới về bộ môn Bầu Cua. Điều gì khiến team quyết định nâng cấp trò chơi này mỗi dịp Tết đến xuân về mà không phải là một trò chơi nào khác?

Bầu Cua luôn là một trò chơi rất đặc biệt cho dịp Tết. Thứ nhất, cách chơi vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần 5 phút để hiểu rõ luật. Thứ hai, trò chơi này không phân biệt độ tuổi và không giới hạn số lượng người tham gia. Thứ ba, đây là trò chơi gắn liền với tuổi thơ và kí ức của nhiều người Việt. Với Maztermind, Bầu Cua là đại diện tiêu biểu nhất cho ý nghĩa của từ “sum vầy” vì không khí rộn ràng như Tết mỗi khi bàn Bầu Cua được bày ra.      

Maztermind muốn gửi gắm thông điệp gì qua cái tên “Lộc Uyển”?

Lộc Uyển – Khu vườn mùa Xuân, là tên gọi bộ Bầu Cua phiên bản giới hạn đặc biệt Tết Quý Mão 2023. 

Từng đường nét, từng màu sắc trên sản phẩm đều được chúng tôi R&D (Nghiên cứu & phát triển) và lựa chọn tỉ mỉ để khắc hoạ một khu vườn xuân đầy nhựa sống, đang đâm chồi nảy lộc.

Hơn cả một bức tranh xuân, Bầu Cua Lộc Uyển còn là một lời chúc Tết lấy cảm hứng từ chữ “Lộc” – chúc cho mỗi chúng ta một năm mới phát triển, thịnh vượng, thành tựu và may mắn. Những viên xí ngầu nhiều màu, lấp lánh dưới nắng tượng trưng cho những hạt giống của Niềm lạc quan (Lục), Thịnh vượng (Hoàng) và Bình an (Lam) được thả xuống khu vườn, để mở ra hy vọng về những điều tốt lành, may mắn và thịnh vượng của khởi đầu mới.

Được biết, thiết kế bộ Bầu Cua “Lộc Uyển” được lấy cảm hứng từ hoạ tiết vốn cổ dân tộc và màu tranh Pháp Lam cung đình Huế rực rỡ. Điều gì ở phong cách này khiến các bạn lựa chọn ứng dụng vào thiết kế Bầu Cua năm nay?

Điều team rất ngưỡng mộ ở họa tiết vốn cổ dân tộc là những nét hoa văn trang trí chạm trên gỗ hoặc trên đá đều rất mềm mại và thanh thoát, những mảng cong được tạo ghép rất tinh tế. Đường nét nghệ thuật trong vốn cổ dân tộc linh hoạt và dứt khoát, khỏe khoắn nhưng lại tạo được sự mềm mại, nhịp nhàng. Trong các tác phẩm nghệ thuật cổ, các họa tiết trang trí luôn có sự liên hoàn và trở nên gắn bó chặt chẽ trong một tổng thể chung.

Về Pháp lam Huế, Pháp Lam hiểu một cách đơn giản là tên gọi loại sản phẩm mĩ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Kỹ nghệ Pháp Lam bắt nguồn từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827), thông qua sự tài hoa và khối óc của các nghệ nhân Việt Nam xưa mà trở thành tinh hoa độc đáo. Pháp Lam được sử dụng rất nhiều trong việc trang trí nội ngoại thất các cung điện ở Huế, đó là những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế.

Pháp lam Huế chứa đựng những màu sắc tươi sáng lộng lẫy, có cường độ mạnh, nổi bật trên các phông màu xám cố hữu của các kiến trúc cổ kính rêu phong, tạo nên những điểm xuyết sinh động, làm cho các công trình kiến trúc vốn uy nghi, trầm mặc có thêm phần tươi sáng và thanh thoát. Ấn tượng với cách phối màu độc đáo, team quyết định học hỏi và cố gắng truyền tải tinh thần màu sắc Pháp lam vào “Khu vườn mùa xuân” của mình.

Team có thể chia sẻ bảng màu của bộ Bầu Cua “Lộc Uyển”? Có thể thấy, các bạn đã kết hợp những màu sắc mới trong thiết kế năm nay, vượt ra khỏi những cách phối màu truyền thống trong những thiết kế liên quan đến ngày Tết của người Việt (như đỏ hay vàng). Team có thể chia sẻ về điều này?

Những màu sắc này đều là những màu sắc quen thuộc trong dịp Tết (xanh, vàng, cam). Bạn có thể tìm thấy chúng ở cây quất, cây mai, mâm ngũ quả, cành lộc… chỉ có điều Maztermind đã kết hợp chúng, sắp đặt chúng, gia giảm chúng để những màu sắc này tương phản lẫn nhau, tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen. 

Thực ra đây cũng là sự liều lĩnh, dám thử nghiệm màu sắc và phong cách của chính chúng tôi. Không phải ngay từ đầu cả team đã đồng tình với ý tưởng này, vì nó liệu có “quá hiện đại”, “quá lạ lẫm” với mọi người. Nhưng chúng tôi ko muốn lặp lại chính mình của quá khứ. Bộ Bầu cua cá cọp 2022 đã sử dụng tối đa sắc đỏ. 2023 cần cho ra một sản phẩm đột phá hơn, khác biệt hơn. Và chúng tôi đã quyết định với màu sắc đó, bố cục đó, tinh thần đó – như sản phẩm Bầu Cua cuối cùng bạn cầm trên tay.

Ngoài việc sử dụng chất liệu da PU cao cấp, chống thấm nước cho bàn cờ, kết hợp mực in UV sắc nét, bền màu; team cũng rất đầu tư cho những chiếc xúc xắc khi 6 mặt đều dán da PU tạo cảm giác chắc chắn khi cầm, kết hợp việc dùng chất liệu nhựa resin có độ trong, bắt sáng tốt để tạo hiệu ứng lấp lánh dưới nguồn sáng. Quá trình cải tiến chất liệu cho bộ Bầu Cua có gì thú vị? Các bạn có gặp khó khăn nào không?

Team đã phải thử rất nhiều loại chất liệu khác nhau cho Bầu Cua, có thể kể đến như: giấy mỹ thuật, giấy dán tường, gỗ, lụa, canvas… Mỗi chất liệu sẽ mang đến những ý tưởng đa dạng cho cấu trúc bàn cờ. Sau nhiều phiên bản, từ vải cuộn tròn, khung gỗ đến vải canvas xếp 6 mảnh, team mình dừng lại ở chất liệu da PU vì tính linh hoạt (dẻo dai), độ bền cao (chống thấm nước), độ bám màu tốt (in sắc nét), kỹ thuật xử lý thân thiện cùng cấu trúc gấp làm ba cứng cáp.

Ba quân xúc xắc của bộ Bầu Cua Lộc Uyển năm nay làm bằng Resin trong, bề mặt nhám với ba sắc thái màu Lục – Lam – Hoàng. Màu sắc trên mỗi chất liệu là những kĩ thuật riêng biệt. Ví dụ, màu bàn cờ là mực in UV trên da, màu xí ngầu resin lại là hỗn hợp của giọt màu, dung dịch resin cùng chất đóng rắn… nên để ra được chất màu như ý, sao cho xí ngầu khi đặt cạnh bàn cờ có được sự tương đồng, hài hòa về sắc độ, đội R&D phải gia giảm tỉ lệ, thử nghiệm rất nhiều lần với nhiều công thức khác nhau.

Việc cải tiến về mặt thiết kế, chất liệu suy cho cùng là để mang đến những trải nghiệm cao cấp hơn cho người sử dụng. Đằng sau những sự cải tiến đó, Maztermind mong muốn truyền tải những ý niệm gì về trò chơi vốn đã quá quen thuộc với người Việt?

Rằng nó “Hơn cả một trò chơi”. Như cây đào không chỉ là cây đào, thấy cây đào là thấy Tết. Bầu Cua cũng là một sản phẩm của dân gian. Thấy Bầu Cua cũng là thấy Tết. Vậy vì sao ta không nâng tầm trải nghiệm của trò chơi này, để cái Tết nay cũng hay, cũng đẹp, cũng giàu ý nghĩa, tình cảm, bản sắc chẳng khác gì Tết xưa (như nhiều người vẫn hay so sánh).

Bầu Cua năm nay không chỉ là sản phẩm được truyền cảm hứng từ một nét đẹp trong văn hoá Việt – Nghệ Thuật Pháp Lam cung đình Huế. Bầu Cua Lộc Uyển còn thể hiện một khát khao đổi mới, khác biệt, bứt phá, mà chúng tôi muốn gửi tặng cho tất cả những ai yêu xuân, mến xuân, những ai luôn mang trong mình niềm hy vọng, lạc quan, có ý thức gieo trồng những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chính họ. Chúc cho mỗi người đều có một khu vườn Xuân của riêng mình, chúc cho tất cả những hạt giống đẹp của suy nghĩ và hành động được đơm hoa kết trái.

Trong quá trình sản xuất bộ Bầu cua “Lộc Uyển”, khoảnh khắc nào được xem là “vui như Tết” đối với cả team?

Tổng thời gian nghiên cứu, thiết kế và phát triển bộ Bầu Cua Lộc Uyển là 10 tháng cùng rất nhiều bản sketch (phác họa) và prototype (mẫu thử). Một sản phẩm đi từ ý tưởng đến hiện thực chưa bao giờ là điều dễ dàng, nên khoảnh khắc hạnh phúc nhất của team mình là khi được cầm trên tay sản phẩm hoàn thiện cuối cùng được gửi “nóng hổi” trực tiếp từ xưởng. Đó là lúc cả team có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay thành quả nỗ lực trong suốt khoảng thời gian dài.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do Maztermind cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Bầu cua Bầu cua Lộc Uyển board game idesign signature may Maztermind

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…