Cái Trác tuyệt trong Nghệ thuật (Phần 2)

Cái trác tuyệt là một khái niệm đã xuất hiện trong triết học từ thời La Mã cổ đại, với cuốn Về cái Trác tuyệt của Longinus, được các nghệ sĩ Lãng mạn bắt đầu nghiên cứu và khai thác một cách sâu sắc, toàn diện vào thế kỷ 18.

Chủ đề đó vẫn tiếp tục xuất hiện trong câu chuyện của nghệ thuật – triết học cho tới tận ngày nay và chắc chắn là trong tương lai, với những diễn giải mới cùng cách thể hiện mới. Trác tuyệt đã thay đổi hoặc không thay đổi, như thế nào qua các góc nhìn và các thời đại khác nhau – chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần thứ 2 của chuỗi bài về cái Trác tuyệt trong Nghệ thuật.

Khái niệm và Phong cách 

Tôn giáo và cái Siêu việt

Cái trác tuyệt và tôn giáo đã được gắn liền với nhau từ thời La Mã, các nhà văn ca ngợi những họa sĩ thời kỳ Phục hưng đã lay động người xem vượt qua một sự tán thưởng thường nhật dành cho các tác phẩm theo chủ đề tôn giáo. 

Jonathan Richardson mô tả những tấm thảm dệt ở nhà nguyện Sistine của Raphael là những ví dụ trác tuyệt bậc nhất của nghệ thuật. Ông cũng bày tỏ sự tôn kính đến “Bồ Câu thánh trên Thiên Đường rộng mở cùng vô vàn thiên sứ kính yêu chung vui” trong tác phẩm Sự kiện Truyền Tin cùng các Nhà tiên tri và Thiên sứ xướng ca (The Annunciation with Prophets and Music-making Angels) (1572) của Federico Zuccaro.

Khung cảnh trong nhà nguyện Sistine với những tấm thảm của Raphael (treo dọc hai bên tường)

Sự mênh mông vô bờ bến và nỗi kinh hoàng của tự nhiên được khai thác dưới bàn tay người hoạ sĩ lãng mạn thường ẩn chứa âm hưởng tôn giáo. Ví dụ như Caspar David Friedrich thường vẽ các thầy tu và những cảnh đám tang, đồng thời lấy cảm hứng rất nhiều trong suy tưởng từ một vị mục sư thuộc Giáo hội Luther.

Hội hoạ đầu thế kỷ 20 đã mở ra con đường mới cho cái trác tuyệt, thông qua việc các hoạ sĩ thử sức với sự trừu tượng để mang đến một trải nghiệm về cái siêu việt. Nổi tiếng trong đó là bức Hình vuông đen (Black Square) (1913) được tác giả Kazimir Malevich treo ở một góc phòng trong lần triển lãm đầu tiên. Theo truyền thống, vị trí đó là biểu tượng cho chánh giáo trong một căn nhà người Nga – do vậy, Malevich đã ngụ ý rằng hình vuông đen là một hiện thân của thần thánh. Dù đã bị che giấu suốt nhiều năm, nhưng Hilma af Klint của Thụy Điển đã cho ra đời một kho tàng tác phẩm trừu tượng đồ sộ, mang tên Những bức tranh cho Đền thờ (The Paintings for the Temple). Bà hy vọng những bức vẽ này sẽ mang đến trải nghiệm khai sáng cho những ai chiêm ngưỡng.

Bố cục Tuyệt đỉnh: Trắng chồng Trắng (Suprematist Composition: White on White) (1918) của Kazimir Malevich “cho phép chúng ta nhìn thấy duy nhất bằng cách khiến ta không thể nhìn thấy”, theo lời của Jean – François Lyotard, triết gia người Pháp.
Ba bức Tranh cho Đền thờ của Hilma Af Klint (từ trái qua phải): Nhóm X, số 1, Tranh thờ (Group X, No.1, Altarpiece (Altarbild)); Nhóm X, số 2, Tranh thờ (Group X, No.2, Altarpiece (Altarbild)), Nhóm X, số 3, Tranh thờ (Group X, No.3, Altarpiece (Altarbild))

Sau này, những nghệ sĩ Biểu hiện Trừu tượng đã ra sức khơi dậy cảm xúc tâm linh qua các tác phẩm của mình. Năm 1961, Robert Rosenblum mô tả hình ảnh một người hâm mộ chiêm ngưỡng tranh của Clyfford Still trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Albright ở New York. “Cứ như một trải nghiệm tôn giáo vậy!” anh ta nói với Rosenblum. Tương tự như thế, những bức tranh Trường màu (Color Field) của Mark Rothko và Barnett Newman cũng hướng đến việc gợi nên một cảm giác mang màu sắc tín ngưỡng trong một thế giới hậu tôn giáo.

Thiên nhiên

Thiên nhiên là cảm hứng chủ đạo cho cái trác tuyệt trong hội họa Lãng mạn: bầu trời mù sương, đại dương giông tố, các vực thẳm và thung lũng sâu hun hút, những cảnh núi non đầy kịch tính được tái hiện trên toan cỡ lớn khiến người xem không khỏi choáng ngợp.

Đối với Burke, thế giới tự nhiên là trác tuyệt nhất trong các chủ thể. James Ward đã thông qua bức Gordale Scar (1812 – 1814) để cố gắng truyền tải tính siêu phàm của thiên nhiên. Ông vẽ nên cảnh tượng kì vĩ của những tảng đá vôi cắt ngang phong cảnh hùng vĩ của Yorkshire (ở nước Anh) đối lập với nền trời tối tăm u ám. 

Gordale Scar (1812 – 1814) của James Ward khắc hoạ những vách đá hiểm trở và vòm trời đầy giông tố.

Sự phổ biến ngày càng gia tăng của cái trác tuyệt trong thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho Thomas Moran, người đã chu du khắp Đại Tây Dương và chia sẻ những gì ông tích lũy được cùng những người Mỹ đương thời của Trường phái Hudson River, nơi không gian, chiều sâu và sự kịch tính đã trở thành trật tự mỗi ngày. 

Ở Pháp, các hoạ sĩ của Trường phái Barbizon là Jules Dupré (lấy cảm hứng từ Constable) và Théodore Rousseau đã sử dụng thiên nhiên khai thác những chủ đề như sự nhỏ bé vô nghĩa của nhân loại và sự vô thường của cuộc sống. Những ý tưởng này sau đó đã thành nền móng cho chủ nghĩa Ấn tượng. 

Chủ đề này tự đưa mình vào thế kỷ 21 khi thiên nhiên biến đổi từ chủ thể thành phương tiện, và miền Tây nước Mỹ, trước kia từng được khắc hoạ là một biên giới đầy hiểm nguy, nay đã trở thành nơi trưng bày của trào Nghệ thuật Trái Đất (Earth Art). Tác phẩm Phủ định Kép (Double Negative) (1969) của Michael Heizer với hai con mương trải rộng miên man 457m chiều dài, 15m chiều sâu, 9m chiều rộng (lớn đến nỗi có thể nhìn thấy trong những hình ảnh từ vệ tinh của Google Map như những bóng đen) được khắc sâu vào lòng đất, khơi dậy cảm giác kinh ngạc và khiếp sợ nơi người nhìn khiến họ trở nên nhỏ bé. 

Đường hầm mặt trời của Nancy Colt

Tương tự như thế, Đường hầm mặt trời (Sun Tunnels) (1973 – 1976) của Nancy Colt đặt tại sa mạc Utah hướng đến mục đích kết nối người xem với vũ trụ bao la, làm bật lên sự nhỏ bé tầm thường của loài người đồng thời lại tôn họ lên đỉnh cao một cách nghịch lý. Tác phẩm bao gồm bốn đường hầm bằng bê tông, được khoan lỗ để tạo nên hình dáng những chòm sao Thiên Long, Anh Tiên, Thiên Cáp và Ma Kết nhằm mang bầu trời xuống mặt đất. Holt nói rằng bà muốn xem xét “nhận thức của con người về không và thời, trời và đất.”

Nỗi kinh hoàng và Cái chết

Nghệ thuật trác tuyệt sinh ra là để khiến người ngắm chao đảo, run sợ, nhằm nhắc nhở họ rằng mạng sống của họ mong manh ngắn ngủi ra sao. Burke có viết về một “tính trác tuyệt khiếp đảm” liên quan tới ý niệm về chết chóc, về sự bất lực và về sự hủy diệt. Trong quá trình ấy, cũng như Longinus, ông đã ví nó như đại dương rộng lớn, không thể chế ngự và đầy bí ẩn. Những hoạ sĩ như Turner và Claude Joseph Vernet đã truyền tải điều này bằng cách khắc hoạ cảnh đắm tàu, những cảnh tượng thông qua việc chết chìm để đánh thức nỗi sợ trong ta, không chỉ sợ cái chết mà còn sợ thứ ngoài tầm hiểu biết.

Bức Vụ đắm tàu (Le Naufrage) (1772) của Vernet, trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật quốc gia, Washington, Mỹ

Burke liên kết nỗi đau với chết chóc bằng lời giải thích: “Nhìn chung, cái khiến cho nỗi đau càng đau gấp bội, là vì nó được xem như sứ giả của vị chúa tể của mọi kinh hoàng này.” Nỗi kinh hoàng ấy có thể thấy trong những tác phẩm máu me gan ruột của Eugène Delacroix và Théodore Géricault. Truyền thống này cũng được thể hiện xuyên suốt thế kỷ 20 qua những bức tranh Ba Đầu Lâu (The Three Skulls) (1900) của Paul Cezanne, Guernica (1937) của Pablo Picasso và Cô bé mang Mặt Nạ Tử Thần (Girl with Death Mask) (1938) của Frida Kahlo.

Các hoạ sĩ đương đại đã khai thác sự siêu phàm khiếp đảm trong sự kiện chính trị những năm gần đây, cũng như tác động của chúng lên tâm thức của cá nhân và tập thể. Trong khi đó, nhà phê bình hội hoạ Thomas McEvilley đã dự đoán rằng một khi bước sang thế kỷ mới, “sự phát triển toàn cầu hoá của tư bản chủ nghĩa tích tụ bao lâu nay sẽ trở thành cái siêu phàm – nỗi khiếp sợ của 50 năm tới.”

Tĩnh vật, ba đầu lâu (khoảng 1900) của Cézanne, thuộc bộ sưu tập của Viện nghệ thuật Detroit

Công nghệ và Hiện đại

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, các nghệ sĩ bắt đầu để ý đến những thay đổi trong ngành tác động lên trải nghiệm của con người ra sao. Tuyến đường thủy New York đã trở thành một chủ đề cho Trường phái Ashcan và các nghệ sĩ như George Bellows, Robert Henri, Reginald Marsh, và Georgia O’Keeffe vẽ nên những cây cầu, cần cẩu và tàu biển chở khách. 

Ở châu Âu, sự siêu phàm về công nghệ được khám phá bởi hội nghệ sĩ Chủ nghĩa Vị lai người Ý như Filippo Tommaso Marinetti và Umberto Boccioni, những người đã sử dụng khoa học và cơ học để lay động người xem, bác bỏ truyền thống cũng như quá khứ. 

Gần đây hơn, nhà văn hoá sử học David Nye, trong cuốn American Technological Sublime (Trác tuyệt Công nghệ Mỹ) (1994) đã cho rằng niềm ngưỡng mộ sự siêu phàm của thiên nhiên như đã từng trải nghiệm trong những cảnh quan hùng vĩ, đã nhường chỗ cho sự siêu phàm của nhà máy, hàng không, máy móc quân sự và sự siêu phàm của máy tính.

Gần đây hơn nữa, nghệ sĩ Simon Morley đã định vị sự siêu phàm đương đại trong trải nghiệm của cuộc sống hiện đại và mối quan hệ của nó với khoa học, công nghệ khi nó tiến vào vùng chưa biết. Ông liên kết cái kinh ngạc, huyền diệu với cái kinh hoàng, ông viết: “Trải nghiệm trác tuyệt cơ bản là có tính biến đổi về mối quan hệ giữa hỗn loạn và trật tự, những sự gián đoạn của các tọa độ ổn định trong thời gian và không gian. Có thứ gì đó ập đến, chúng ta bị biến đổi một cách sâu sắc.” Trong bối cảnh này, các nghệ sĩ bao gồm Anish Kapoor, Damien Hirst, Bill Viola và Hiroshi Sugimoto xem xét bản thân cùng vai trò của nghệ sĩ trong bối cảnh truyền thông đại chúng tiến bộ, trong quay cuồng và công nghệ phát triển chóng mặt. 

Công trình khổng lồ giống như chiếc kèn Giải địa điểm ‘Vị trí I’ (Dismemberment ‘Site I’) (2009) của Anish Kapoor, nằm trong Công viên điêu khắc trang trại Gibbs ở New Zealand, có chiều cao bằng một tòa nhà 8 tầng. 

Chủ nghĩa Hậu hiện đại và Nghệ thuật ý niệm

Các nghệ sĩ ý niệm đã chơi với quan niệm về nỗi sợ trong một cuộc chất vấn đương đại về cái trác tuyệt. Marsyas (2002) của Anish Kapoor bao gồm các tác phẩm điêu khắc khổng lồ chiếm toàn bộ phòng Turbine tại Tate Modern, cao ngất ngưởng trước người xem như cách mà những giám tuyển giải thích là “xâm ngấm vào không gian vật lý và tâm lý.” Các kết cấu được làm bằng PVC với mục đích trông như da người, giống như những cái miệng khổng lồ, đe dọa nuốt chửng người xem.

Trong khi đó, các nghệ sĩ môi trường như Betty Beaumont và Agnes Denes sử dụng không gian ngoài trời để nhấn mạnh đến những tổn hại mà chúng ta đang gây ra cho trái đất, dẫn đến không chỉ cái chết của một cá nhân mà là cái chết của toàn nhân loại. Mặt khác, những bức ảnh của Andreas Gursky hướng đến sự trác tuyệt toán học của Kant, ông trưng bày những hình ảnh phức tạp và chóng mặt đến mức khiến người xem phải bối rối và cảm thấy choáng ngợp với những góc nhìn lặp đi lặp lại. 

99 cent (1999) của Andreas Gursky. Hiện ông là người có nhiều tác phẩm nhất trong nhóm 15 tác phẩm nhiếp ảnh đắt nhất thế giới từng được bán

Cái trác tuyệt luôn được sử dụng như một phương tiện để hiểu (hoặc truyền đạt những điều không nắm bắt được) về các sự kiện trên thế giới và điều đó không khác đi trong bối cảnh đương đại. 

Trong bức tranh trừu tượng Sự phân tán (Dispersion)(2002), Julie Mehretu đề cập đến vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Như nghệ sĩ Julian Bell giải thích, “Sự đại kịch tính của cô ấy trong những véc – tơ phi nhào xuống và các tự vị đan lồng vào nhau, với sự phức tạp xuất chúng, kiểu baroque, dường như đã hình dung ra được sự năng động của thời đại này trên một quy mô rất lớn về tổng quát.” 

Tĩnh vật do Luc Tuymans sáng tác cùng năm đã được trưng bày để phản ứng lại các cuộc tấn công vào Mỹ. Bức tranh miêu tả một đĩa trái cây đặt trong một khổ toan rất lớn, đại diện cho một sự hư vô tuyệt đối và là một tượng đài cho sự bất tương xứng trong cách diễn đạt. Như Simon Morley đã chỉ ra: “Luc Tuymans mang đến cái trác tuyệt để ứng phó lại nỗi kinh hãi quá sức tưởng tượng. Một mức độ bất lực đáng kinh ngạc, đến nỗi không thể diễn tả bằng cả từ ngữ lẫn những bức tranh.” 

Nghệ sĩ người Mỹ gốc Ethiopia Julie Mehretu thuyết trình về bức tranh trừu tượng Dispersion (2002)

Những phát triển xa hơn

Vào thập niên 1980, nhà triết học người Pháp Jean – François Lyotard đã mở ra một làn sóng trác tuyệt hậu hiện đại mới, khám phá về các quan niệm về khoái cảm và đau đớn, chứng loạn thần kinh và chứng khổ dâm. Lyotard có hai bài luận có sức ảnh hưởng là “Diễn tả điều không thể diễn tả: Cái trác tuyệt” (Presenting the Unpresentable: The Sublime) (1982), “Trác tuyệt và tiền tiến” (The Sublime and the Avant – garde) (1984), chúng đã làm nóng lại chủ đề này trong thảo luận công cộng và mở ra những buổi triển lãm mang cuộc tranh luận trở lại với công chúng khán giả.

Lyotard nhìn lại thời của Burke và vào ngày hôm nay, tập trung vào cách mà tính chất tạm thời chiếm ưu thế trong tranh luận nghệ thuật, để nhìn nhận lại lời phát biểu “Cái Trác tuyệt chính là hiện tại” của Barnett Newman, ý muốn nói rằng “hiện tại” thực tế là một khoảnh khắc hư vô. 

Bức Onement I (1953) của Barnett Newman được bán với giá 43,8 triệu $ vào năm 2013 ở nhà Christie’s, là bức đắt nhất từng được bán của ông. Tất nhiên là nó đã làm lên dấy lên những tranh luận kiểu tranh như thế thì có đáng ngần đấy tiền không. 

Lyotard viết: “Nhiệm vụ của avant – garde là hoàn tác các giả định tâm linh liên quan đến thời gian. Ý thức về trác tuyệt là cái tên đặt cho việc tháo dỡ đó.” Tư duy hiện tại cũng đã khám phá khái niệm về tính tạm thời trong cái trác tuyệt và đặt câu hỏi làm thế nào nghệ thuật có thể kéo giãn nó hoặc làm nó mất ổn định. Olafur Eliasson, nghệ sĩ người Đan Mạch gốc Iceland, nói về tính chủ quan của thời gian và “độ dài của hiện tại”.

Dự án Thời tiết (The Weather Project) (2003) của Olafur Eliasson, cũng sắp đặt tại phòng Turbine của Tate Modern. Eliasson là một nghệ sĩ vĩ đại thời đại này. Những tác phẩm tái thiết lại điều kiện của thiên nhiên cũng như các điều kiện siêu thực phi tự nhiên của ông thực sự gây rúng động cảm thức của người xem.

Những khái niệm về nỗi sợ hãi và sự kinh ngạc đã được chứng minh là không thể cưỡng lại được đối với cả nghệ sĩ đương đại lẫn những người lãng mạn. Năm 2018, triển lãm Hỗn loạn và Kinh hoàng: Hội hoạ cho thế kỷ 21 (Chaos and Awe: Painting for the 21st Century) tại bảo tàng nghệ thuật Frist, Tennessee đã trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ đang vật lộn với những tác nhân gây mất ổn định của các lực lượng thuộc thế kỷ 21 như sự toàn cầu hoá, sự di cư hàng loạt, hệ tư tưởng cấp tiến và công nghệ phức tạp. 

Giám tuyển Mark Scala từng nói: “Nhiều người ngày nay đang cảm thấy bất an và bất lực. Mọi người đang phải vật lộn để thích nghi với một thời kỳ của sự bất ổn và những thay đổi đột ngột trong ý nghĩa”. Thông qua các tác phẩm của Franz Ackermann, Wangechi Mutu, Ellen Gallagher và Matthew Ritchie, Scala đã khám phá ra sự bấp bênh của thế giới đương đại và cách mọi người phản ứng với nó. 

Dịch: CM Ngô

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi may Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trác tuyệt trong nghệ thuật

iDesign Must-try

Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 04/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Hoạ Chiêu…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…