Chủ nghĩa Lãng mạn (Phần 2): Các khái niệm, phong cách, và xu hướng

Trong phần thứ hai của loạt bài về chủ nghĩa Lãng mạn, chúng ta tìm hiểu các khái niệm, phong cách, và xu hướng của thời kỳ, cũng như các ảnh hưởng nổi trội của chủ nghĩa vẫn tiếp diễn sau thời kỳ của nó.

Cụ thể, ta tìm hiểu về hội hoạ chủ nghĩa Lãng mạn ở Đức, Pháp, Anh, và Mỹ, và chủ nghĩa Lãng mạn trong kiến trúc. Các phát triển sau đó thì được thể hiện qua các ảnh hưởng của Lãng mạn trong nhóm Tiền Raphael, các ảnh hưởng từ Goya, Turner, Delacroix, Goya, William Blake, Caspar David Friedrich tới hậu thế. 

Chủ nghĩa Lãng mạn: Các khái niệm, Phong cách, và Xu hướng

Chủ nghĩa Lãng mạn ở Đức

Trong thời kỳ Khai sáng, hay kỷ Lý tính, các họa sĩ lãng mạn Đức đã hướng tầm nhìn của họ sang cảm xúc nội tại thay vì quan sát lý tính. Họ tìm kiếm, trong các thời đại trước, bao gồm cả thời Trung cổ, ví dụ về con người sống hòa hợp với thiên nhiên và với nhau.

Nazarenes, một nhóm họa sĩ được thành lập ở Vienna vào năm 1809, ưa chuộng hội họa Ý thời Trung cổ và Tiền kỳ Phục Hưng, khước từ phong cách Tân Cổ điển được ưa chuộng vào thời điểm đó. Người tiên phong trong phong trào Lãng mạn ở Đức Caspar David Friedrich làm việc chủ yếu với tranh phong cảnh và khám phá mối quan hệ của con người với vùng đất. 

Trăng mọc trên biển (Mondaufgang am Meer) (1882) của Caspar David Friedrich

Tranh phong cảnh đã trở thành một câu chuyện ngụ ngôn cho tâm hồn con người cũng như một biểu tượng của tự do và sự vô biên, phê phán một cách tinh tế sự hạn chế về chính trị của thời đó.

Chủ nghĩa Lãng mạn ở Tây Ban Nha

Giữa Chiến tranh Bán đảo bùng nổ bởi Napoléon và Chiến tranh Độc lập Tây Ban Nha, các họa sĩ Lãng mạn Tây Ban Nha bắt đầu khám phá những quan điểm chủ quan hơn về phong cảnh và chân dung, định giá cái cá nhân. 

Francisco de Goya cho đến nay vẫn là người nổi bật nhất. Trong khi ông vẫn là họa sĩ chính thức cho triều đình, vào cuối thế kỉ 18, ông bắt đầu khám phá những điều tưởng tượng, sự phi lý, và sự khủng khiếp của hành vi con người và chiến tranh. Các tác phẩm của ông, bao gồm bức tranh Mùng ba tháng năm, 1808 (The Third of May, 1808) (1814) và các chuỗi tác phẩm in khắc chìm bằng axit (etching) Những thảm họa của chiến tranh (The Disasters of War) (1812-15) là những lời phản pháo mạnh mẽ về chiến tranh trong thời kỳ Khai sáng. 

Bức 36 trong Những thảm hoạ của chiến tranh (Los Desastres de la Guerra)

Ngày càng thu mình, Goya thực hiện một loạt Những bức tranh đen (Black Paintings) (1820-23) khám phá những nỗi kinh hoàng ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn con người.

Chủ nghĩa Lãng mạn ở Pháp

Sau khi Chiến tranh Napoléon kết thúc với việc Napoléon lưu vong, các họa sĩ Lãng mạn bắt đầu thách thức Chủ nghĩa Tân Cổ điển của Jacques Louis David, họa sĩ hàng đầu trong thời gian Cách mạng Pháp, và phong cách Tân cổ điển được Viện Hàn lâm ưa chuộng. 

Không giống Đức, người Pháp có một kho đề tài lớn hơn có bao gồm vẽ chân dung và vẽ lịch sử. Các nghệ sĩ như Jean-Léon Gérôme và Eugène Delacroix đã tạo ra nhiều bối cảnh của Bắc Phi, mở ra xu hướng thịnh hành cho chủ nghĩa phương Đông, và bố cục mang tính sắp đặt rõ rệt của màu sắc và ánh sáng làm nổi bật lên sự khủng khiếp của những sự kiện và bi kịch đương thời.

Buổi cầu nguyện ở Cairo (La prière au Caire) (1865) của Jean-Léon Gérôme

Người Pháp cũng phát triển một phong cách điêu khắc mạnh mẽ của chủ nghĩa Lãng mạn. Géricault đã thử nghiệm nghệ thuật điêu khắc, tạo ra Nymph và Satyr (1818), một tác phẩm mô tả một cuộc gặp gỡ đầy khêu gợi và bạo lực giữa hai nhân vật thần thoại. Ông cũng đã tạo ra các tác phẩm như Ngựa lột da I (Flayed Horse I) (khoảng 1820-24), kết hợp kiến thức giải phẫu của mình về con ngựa, một trong những chủ đề yêu thích nhất của ông, qua góc nhìn tối tăm và méo mó. 

 Tượng Ngựa lột da I (Cheval écorché I)(1820-1824) của Théodore Géricault

Tác phẩm điêu khắc theo chủ nghĩa Lãng mạn thu hút bởi những cảnh những con thú dữ và con mồi và những con thú chiến đấu với nhau trong đó chúng được miêu tả bằng những cơ thể quằn quại. Khắc họa một con thú man rợ lấn át vẻ đẹp tinh tế, những tác phẩm như vậy nhằm truyền tải cảm giác lãng mạn về terribilità (sự khủng khiếp), cảm giác kinh hoàng hoặc khiếp sợ được tạo ra bởi Tuyệt luân (The Sublime). 

Người nổi tiếng nhất trong số các nhà điêu khắc động vật là Antoine-Louis Bayre, người có các tác phẩm bằng đồng như Con hổ làm một con linh dương bất ngờ (Tiger Surprising an Antelope) (khoảng 1835) trở nên phổ biến trong tầng lớp thống trị.

 Con hổ làm một con linh dương bất ngờ (Tigre surprenant une antilope) (lên mẫu khoảng 1835, đúc sau 1855) của Bayre, bản đặt tại Bảo tàng nghệ thuật Dallas

Chủ nghĩa Lãng mạn ở Anh

Ngoại trừ William Blake, người thực hành nghệ thuật có tầm nhìn xa hơn, các họa sĩ Lãng mạn ở Anh ưa chuộng tranh phong cảnh. Tuy nhiên, cách miêu tả của họ không kịch tính và siêu phàm như các tác phẩm của Đức, thay vào đó mang tính tự nhiên hơn. 

Norwich School là một nhóm các họa sĩ phong cảnh được phát triển từ Hiệp hội Nghệ sĩ Norwich năm 1803. John Crome, là thành viên sáng lập của nhóm và là chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Norwich, tổ chức các cuộc triển lãm hàng năm từ năm 1805-1833. Sử dụng và làm việc với màu nước và sơn dầu, Crome giống như các thành viên khác, ông muốn nhấn mạnh vào vẽ tranh phong cảnh và yếu tố quan sát khoa học về phong cảnh. 

Sông Wensum, Norwick (The River Wensum, Norwick) (khoảng 1814) của John Crome

Tuy vậy, tác phẩm của ông và tác phẩm của các nghệ sĩ khác trong nhóm thể hiện cảm giác của Lãng mạn như được thấy trong tác phẩm Những chàng trai tắm sông Wensum, Norwich (Boys Bathing on the River Wensum, Norwich) (1817) miêu tả một khung cảnh được quan sát tỉ mỉ dọc theo con sông Wensum nhưng đồng thời truyền tải được cảm giác của con người hài hòa với vẻ đẹp siêu phàm của bối cảnh. 

John Constable là người có ảnh hưởng lớn nhất trong số các họa sĩ phong cảnh người Anh, kết hợp quan sát thiên nhiên tỉ mỉ với một sự nhạy cảm sâu sắc. Phản bác lại những thực hành tiêu chuẩn của viện hàn lâm, ông đã viết cho người bạn của mình: “Trong hai năm qua, tôi đã chạy theo những hình ảnh, và tìm kiếm những sự thật thứ cấp… Tôi đã không cố gắng đại diện cho thiên nhiên với cùng một tầm cao của tâm trí mà tôi đã đặt ra, mà thay vào đó tôi đã cố gắng làm cho tác phẩm của mình giống tác phẩm của những người khác. Hành vi vĩ đại của hiện tại là bravura, một nỗ lực làm điều gì đó vượt ra ngoài sự thực”. 

Khung cảnh sông Stour gần Dedham (View on the Stour near Dedham) (1822) của John Constable

Việc sử dụng màu sắc của John Constable đã có ảnh hưởng đến Eugène Delacroix trẻ tuổi, người rất thích cách Constable sử dụng các chấm màu khu vực và màu trắng để tạo ra ánh sáng lung linh, biến chuyển như mặt nước. 

Màu sắc được J.M.W Turner khám phá triệt để nhất. Turner đã là một nghệ sĩ năng suất, nhưng đồng thời lập dị và ẩn dật, làm việc với sơn dầu, màu nước và tranh in. Việc Turner áp dụng màu sắc trong các nét vẽ nhanh đã tạo ra một bề mặt linh hoạt và dày màu khiến ông được coi là “họa sĩ vẽ ánh sáng”. Turner có ảnh hưởng lớn đối với những người theo trường phái Ấn tượng vào cuối thế kỷ 19 và thậm chí cả họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng Mark Rothko vào giữa thế kỷ 20.

Chủ nghĩa Lãng mạn ở Mỹ

Chủ nghĩa Lãng mạn Mỹ được thể hiện chủ yếu trong những bức tranh phong cảnh của Hudson River School, 1825-1875. Trong khi phong trào bắt đầu với Thomas Doughty, người có tác phẩm nhấn mạnh đến một loại chủ nghĩa vô vị (quietism) trong tự nhiên, thành viên nổi tiếng nhất của nhóm là Thomas Cole, người cho ra đời những tác phẩm phong cảnh truyền đạt cảm giác kinh ngạc trước sự bao la của thiên nhiên. 

 Thác nước Niagara nhìn từ xa (Distant view of Niagara Falls) (1830) của Thomas Cole

Các nghệ sĩ nổi tiếng khác là Frederic Edwin Church, Asher B. Durand, và Albert Bierstadt. Các tác phẩm của hầu hết các nghệ sĩ này tập trung vào phong cảnh ở Adirondacks, White Mountains và Catskills ở Đông Bắc nhưng dần dần phân nhánh chuyển dịch sang phía Tây Mỹ cũng như Nam và Mỹ Latinh. 

Dựa trên các bản phác thảo mà họ vẽ ngoài trời, các nghệ sĩ sẽ tạo ra các bức tranh sau đó trong xưởng của họ, đôi khi sử dụng các yếu tố tổng hợp từ nhiều cảnh khác nhau để tạo ra hình ảnh của một địa điểm có phần tưởng tượng. Điểm nhấn trong những bức tranh như vậy thường là những khung cảnh kịch tính, gây kinh ngạc, và tràn đầy cảm hứng, nơi mà con người trở nên “tí hon” và truyền tải một cảm giác choáng ngợp và siêu phàm trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

Cotopaxi (1862) của Frederic Edwin Church

Chủ nghĩa Lãng mạn trong kiến ​​trúc: Thời đại của Hồi sinh 

Chủ nghĩa Lãng mạn trong kiến trúc đã nổi dậy chống lại những lý tưởng Tân Cổ điển của thế kỷ 18 chủ yếu bằng cách gợi lên những phong cách trong quá khứ. Những phong cách từ các thời kỳ và khu vực khác trên thế giới được kết hợp với nhau, tất cả đều nhằm mục đích khơi gợi cảm giác, cho dù là hoài niệm về quá khứ hay sự bí ẩn xa lạ. Cũng theo đó, kiến trúc bị chi phối bởi những phong cách “hồi sinh”, như Hồi sinh Gothic (Gothic Revival) hay Hồi sinh phương Đông (Oriental Revival)

Mặc dù sự kết hợp của thiết kế Gothic vào kiến trúc đương thời đã bắt đầu vào những năm 1740, Gothic Revival trở thành một phong trào thống trị vào những năm 1800. Ở Pháp, tác phẩm của nhà sử học Arcisse de Caumont cung cấp một nền tảng trí tuệ về cổ vật, nhưng chính cuốn tiểu thuyết Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà (1831) của Victor Hugo đã phổ cập cơn sốt tân Gothic. Ở Anh, Nhà Quốc hội, còn được gọi là Cung điện Westminster, được thiết kế và xây dựng lại bởi A.W.N. Pugin với kiến trúc sư Charles Berry, tiêu biểu cho phong cách Gothic Revival.

Nhà quốc hội (Cung điện Westminster) ở London, nước Anh

Ví dụ nổi tiếng của phong cách Oriental Revival là Royal Pavilion (1815-1822) ở Brighton, Anh, do kiến trúc sư John Nash xây dựng. Ngôi nhà bên bờ biển của Vua George IV bao gồm các mái vòm và tháp hình củ hành và các biến thể của các khối đá trong tòa nhà để tạo ra một sự hiện diện hùng vĩ nhưng kỳ lạ bao gồm các yếu tố của phong cách châu Á và Trung Đông. 

Chiến dịch của Napoléon Bonaparte đến Ai Cập đã khơi dậy sự quan tâm đến văn hóa Ai Cập cổ đại, dẫn đến việc sử dụng các cột, tháp, giá treo và các tác phẩm điêu khắc nhân sư của Ai Cập. Khu giam giữ phức hợp “Những Ngôi mộ” (The Tombs), tên gọi ban đầu là Nhà Công lý (House of Justice), được xây dựng ở Thành phố New York vào năm 1838 là một ví dụ điển hình về phong cách Hồi sinh Phương Đông của người Ai Cập.

Royal Pavilion ở Brighton, nước Anh

Những phát triển sau này – Hậu chủ nghĩa Lãng mạn

Chủ nghĩa Lãng mạn bắt đầu phai nhạt vào nhiều thời điểm khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nhưng đến những năm 1830, với sự ra đời của nhiếp ảnh và quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng tăng, các phong cách nghệ thuật bắt đầu hướng nhiều hơn về phía Chủ nghĩa hiện thực.

The Pre-Raphaelites (Tiền Raphael)

Sự quay trở lại của những người theo chủ nghĩa Lãng mạn về các phong cách trước đó, chẳng hạn như nghệ thuật Trung cổ, đã ảnh hưởng rất nhiều đến những người Anh Tiền Raphael của thế kỷ 19 như Edward Burne-Jones, Dante Gabriel Rossetti, và John Everett Millais. Những nghệ sĩ này đã miêu tả các chủ đề thời Trung cổ, tôn giáo và Shakespeare được lọc qua chủ nghĩa tự nhiên nhuốm màu Lãng mạn. Họ nhấn mạnh trí tưởng tượng cũng như mối liên hệ giữa nghệ thuật thị giác và văn học.

Ophelia (1851-1852) của John Everett Millais, một bức tiền-Raphael tương đối phổ biến

Ảnh hưởng của Turner và Delacroix

Các nghiên cứu và sử dụng màu sắc cũng như những nét cọ mạnh mẽ của Turner và Delacroix của họ có ảnh hưởng đáng kể đến trường phái Ấn tượng. Việc họ nhấn mạnh vào màu sắc thay vì đường nét như một phương thức sáng tác chính đã ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển của Georges Seurat về trường phái Tân Ấn tượng và lý thuyết màu sắc, vốn đã trở thành nền tảng cho các phong trào sau này như Dã thú và Orphism.

Chi tiết trong bức Diễu hành xiếc (Parade de cirque) (1887-88) của Seurat, thể hiện khám phá của ông về màu sắc và cách thể hiện màu sắc hết sức mới mẻ trong hội hoạ

Sự ảnh hưởng của Goya

Sự diễn tả không mấy tình cảm của Goya về cuộc sống Tây Ban Nha đã ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ Hiện thực thế hệ sau, bao gồm cả họa sĩ tiền tiến người Pháp Édouard Manet. Một số tác phẩm được chú ý nhất của Pablo Picasso như Guernica (1937) phản ánh sự ảnh hưởng tiếp diễn của Goya đối với những người đồng hương của ông. Kết quả khủng khiếp của chiến tranh và sự tàn phá đã tìm thấy một lượng khán giả mới, những người đã từng trải qua những cuộc chiến tàn khốc của chính họ trong thế kỷ 20.

Guernica (1937) của Picasso

Sự ảnh hưởng của William Blake

Việc William Blake sử dụng hình ảnh và văn bản để truyền đạt một tầm nhìn duy nhất đã có ảnh hưởng đến nhiều phong trào nghệ thuật hiện đại; chủ nghĩa Vị lai Ý, Orphism, chủ nghĩa Vị lai Nga, Dada và chủ nghĩa Siêu thực đều kết hợp văn bản và hình ảnh theo nhiều cách khác nhau. Sự thần bí và nổi loạn có tầm nhìn xa của Blake cũng ảnh hưởng đến thế hệ Beat của những năm 1950, bao gồm cả nhà văn Jack Kerouac.

Ảnh hưởng của Caspar David Friedrich

Phong cảnh mang tính biểu tượng của Caspar David Friedrich và việc gợi lên cái tuyệt luân của chúng đã có ảnh hưởng lâu dài đối với các nghệ sĩ hiện đại từ nghệ sĩ Biểu hiện Edvard Munch, đến các nghệ sĩ Siêu thực Max Ernst và René Magritte, đến các nghệ sĩ Biểu hiện Trừu tượng sau này là Mark Rothko và Barnett Newman. 

Toàn bộ thành phố (La ville entière) (1935 – 1936) của Max Ernst, một tác phẩm mang âm hưởng cái tuyệt luân của Friedrich

Hình ảnh đầy cảm hứng của Friedrich về phong cảnh nước Đức đã được Đức Quốc xã (Nazis) sử dụng những năm 1930 để thúc đẩy hệ tư tưởng của họ về Máu và Đất, vốn tán thành chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn. Kết quả là phải mất nhiều năm danh tiếng của Friedrich mới có thể phục hồi.

Các nguyên lý của chủ nghĩa Lãng mạn, nhấn mạnh đến tính ưu việt của cá nhân, và bên trong cá nhân đó, sức mạnh chủ quan của trí tưởng tượng và cảm giác, đã trở thành nền tảng của phần lớn nền văn hóa hiện đại. Chủ nghĩa Siêu thực nhấn mạnh vào cuộc sống trong mơ và tiềm thức chủ quan, Chủ nghĩa Biểu hiện nhấn mạnh vào cường độ cảm xúc và sự nhấn mạnh đương thời về nghệ sĩ như một ngôi sao văn hóa, tất cả đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Lãng mạn. 

Sự dịch chuyển này đã trở thành một phần trong cách chúng ta nghĩ về cá nhân, trải nghiệm cá nhân của một người và sự thể hiện của nó trong nghệ thuật. Khái niệm nghệ sĩ như một người có tầm nhìn phù hợp với bản chất sâu sắc hơn của thực tại, vốn là một phần của bất kỳ phong trào tiên phong nào, về cơ bản là một quan điểm theo chủ nghĩa Lãng mạn.

Người dịch: SAC

Cùng tác giả

#Tag

Caspar David Friedrich chủ nghĩa lãng mạn Francisco Goya Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa tiền raphael turner

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…