Coco - Những điều bạn cần biết về đứa con cưng của Pixar

Coco hứa hẹn sẽ là một siêu phẩm khác biệt đến từ Pixar. Sau một loạt các phần hậu truyện đã ra mắt (Finding Dory và Cars 3) và các phần hậu truyện sắp được ra mắt (The Incredibles 2 và Toy Story 4), thì Coco sẽ là bộ phim duy nhất mang nội dung nguyên gốc đến từ phía Pixar trong khoảng thời gian từ năm 2016 cho đến tận 2019. Không giống như Toy Story hay Cars, Coco không được quảng bá quá rầm rộ hay được quá nhiều người biết tới. Chỉ mới cách đây 2 tuần trước, thứ duy nhất mà tôi (tôi ở đây là Tommy Cook – viết ngày 28/08/2017)  biết về bộ phim đó là nó sẽ lấy bối cảnh Lễ hội Người chết (Tên Mexico: Dia de los Muertos, lễ hội diễn ra vào ngày 2/11 hàng năm) – còn lại thì hoàn toàn mù mịt.

©2017 Disney – Pixar. All Rights Reserved.

Tuy nhiên, Pixar dường như nhận ra được sự mù mịt này, Pixar đã ngay lập tức mời một loạt các báo, tạp chí (bao gồm cả tôi) tới trụ sở chính của họ ở Emeryville. Chưa đầy 24 giờ sau, tôi đã được xem 35 phút đầu tiên của Coco và được gặp gỡ các nhà làm phim, đội ngũ dựng hình và những nhà sản xuất đằng sau bộ phim. Cho nên bây giờ – tôi tin là mình có khá nhiều thông tin thú vị để chia sẻ về bộ phim này.

Lấy bối cảnh là Lễ hội Người Chết ở Mexico, bộ phim xoay quanh nhân vật chính là Miguel (lồng tiếng bởi Anthony Gonzalez), một cậu bé đang phải đứng giữa ngã rẽ của cuộc đời: Cha mẹ muốn Miguel phải tham gia công việc bán giày dép của gia đình, nhưng ước mơ của cậu bé là trở thành một nhạc sĩ vĩ đại như thần tượng đã mất của mình Ernesto de La Cruz (Benjamin Bratt lồng tiếng). Tuy nhiên, điều này lại là một vấn đề đối với gia đình của cậu bé – một gia đình cực kỳ căm ghét âm nhạc. Tuy nhiên, Miguel vẫn âm thầm luyện tập để theo đuổi niềm đam mê của mình bất chấp sự phản đối từ phía ông bà, cha mẹ, cậu đã tự thiết kế cây guitar riêng cho mình. Tất nhiên, Miguel sớm bị gia đình phát hiện, cây đàn của cậu bị đập vỡ thành trăm mảnh, chính điều này lại càng thôi thúc cậu bé chạy trốn và theo đuổi niềm đam mê của mình.

Miguel bây giờ đang rất cần một cây guitar, cậu quyết định đột nhập vào ngôi mộ của De la Cruz và ăn cắp chiếc guitar của người đã khuất … Điều này hóa ra là một điều cấm kỵ trong Lễ hội Người Chết. Ngay khi Miguel chạm vào cây đàn guitar, cậu bé ngay lập tức bị rơi vào Thành phố Linh Hồn, nơi cậu bé được gặp những tổ tiên đã khuất và thần tượng của mình – Ernesto de La Cruz, thông qua đó là chuyến hành trình tìm về lại với thế giới của người sống.

©2017 Disney – Pixar. All Rights Reserved.

35 phút đầu tiên của Coco cho tôi cảm giác như đây là một sự kết hợp giữa hai bộ phim The Wizard of Oz và Back to the Future. Miguel, giống như Dorothy, khao khát được rời bỏ gia đình và theo đuổi một cuộc sống thú vị hơn. Sau đó, Miguel được đem đến một thế giới khác (Thành phố Linh Hồn tương tự như xứ Oz) và sau đó phải kiếm đường quay về nhà và phải tìm kiếm sự đồng thuận từ Ernesto de La Cruz (giống như phù thủy xứ Oz). Trên đường đi, Miguel kết bạn với chú chó không long (Toto) và một bộ xương đang trên con đường tìm kiếm tri thức (nhân vật Gael García Bernal mang nhiều nét tương đồng với Bù nhìn xứ Oz). Trong khoảng thời gian Miguel ở Thành Phố Linh Hồn, cơ thể của cậu bé bắt đầu thay đổi thành một bộ xương – những ngón tay của cậu bé là bộ phận đầu tiên bị biến đổi (một tay của nhân vật Martha trong phim Back to the Future cũng xảy ra tình trạng tương tự).

Tuy nhiên, đó lại là một khuôn mẫu hoàn hảo để tạo bệ phóng cho bộ phim – và 30 phút đầu tiên của Coco trôi qua chỉ trong một cái chớp mắt. Tôi đã cảm thấy khá choáng ngợp với khối lượng hình ảnh cực kì đẹp và đồ sộ được phô bày ra chỉ trong một vài cảnh quay đầu tiên.

Bộ phim đã giới thiệu về ngày Lễ hội của Người Chết, giới thiệu bối cảnh gia đình nhà Miguel, giới thiệu về Vùng đất Linh Hồn, và cho người xem thấy được Miguel cần phải làm gì để quay lại thế giới thực – Tất cả gói gọn trong 30 phút. Nghe thì có vẻ khá nhiều như có vẻ như Coco lại khá thành công trong việc truyền tải tất cả các thông tin trên một cách rất dễ dàng. Chắc chắn là những cảnh mở đầu của Coco sẽ không mang lại nhiều cảm xúc như Up hay đem lại sự táo bạo như Wall-E, nhưng nhìn chung, cảnh mở đầu của Coco được thể hiện hết sức suôn sẻ và để lại những dấu ấn nhất định.

Trong suốt thời gian của tôi tại Pixar, tôi đã biết được khá nhiều điều về quá trình tạo ra bộ phim – câu chuyện đã được phát triển như thế nào, và áp lực của đoàn làm phim khi phải thể hiện nền văn hóa Mexico một cách đầy đủ và chân thực, những khó khăn trong việc tạo ra những bộ xương biết nhảy nhót và ti tỉ những thứ khác nữa. Dưới đây là một vài điểm khá nổi bật về Coco:

Tại sao đạo diễn Lee Unkrich lại muốn làm một bộ phim về Lễ hội Người chết (Dia de los Muertos)?

Những nhà làm phim đã nắm bắt được cái chất tinh túy của lễ hội với gam màu đậm, sáng và bầu không khí nô nức, cuồng nhiệt đậm chất lễ hội. Unkrich cũng rất ấn tượng với sự đón nhận của người dân Mexico với những bộ phim của Pixar. Khán giả thực sự sẵn lòng đón nhận thương hiệu Pixar – vì vậy Unkrich muốn phục vụ một bộ phim cho chính những người dân nơi đây.

Đồng tác giả / đồng giám đốc Adrian Molina & Lee Unkrich đã đi đến Mexico để tự trải nghiệm Lễ hội Người chết nhiều lần.

Sự kiện này là một lễ hội nhằm chào đón người thân đã khuất quay trở lại thăm thế giới người sống, lễ hội mang một màu sắc khá ảm đạm nhưng đồng thời cũng mang không khí khá tươi vui. Các gia đình chuẩn bị các bàn thờ (được gọi là ‘ofrendas’) cùng với hình ảnh những tổ tiên của họ và rắc những cánh hoa dọc đường phố để dẫn dắt linh hồn đến các nghĩa trang. Vào ban đêm, toàn thể người dân đổ ra khắp các nghĩa trang này để tưởng nhớ đến tổ tiên mình và ôn lại những ký ức về những người đã khuất.

Coco tập trung vào mối liên hệ của mọi người với gia đình của họ qua các thế hệ.

Đối với đồng tác giả / đồng giám đốc Adrian Molina, “Thật tuyệt vời khi mô tả một gia đình Mexico và một nhân vật chính mang đậm chất Mexico … Thật tuyệt vời khi nhìn thấy bản thân và những di sản của bạn được thể hiện trên màn hình”

Vậy Lee Unkrich – một anh chàng da trắng chính gốc đến từ Ohio – Đã làm thế nào để sản xuất một bộ phim mang đậm tính văn hóa của người Mexico đến như vậy?

Trích lời Unkrich – “Tôi biết tôi phải làm cho thật tốt. Tôi không muốn người xem có cảm giác như một bộ phim về văn hóa nước mình được làm bởi một kẻ ngoại đạo … Tôi biết tôi không phải là người La-tinh và sẽ không bao giờ trở thành người La-tinh được; nhưng tôi tự an ủi mình vì biết rằng có rất nhiều bộ phim mang đậm tính văn hóa của các nhà làm phim “ngoại đạo” như tôi vậy. Tôi đã nhận trách nhiệm và thực hiện công việc rất nghiêm túc. Thật tuyệt vời khi có Adrian [Molina] ở bên cạnh tôi và tất cả các chuyên gia tư vấn về văn hoá và nhiều thành viên người La-tinh trong đoàn của chúng tôi … Tôi tin rằng chúng tôi đã làm đúng và làm hết sức mình”.

Để đảm bảo bộ phim phản ánh chính xác văn hoá Mexico, Unkrich đã mời một số nhà tư vấn văn hoá tham gia vào quá trình phát triển bộ phim. Tại Pixar, các nhà làm phim đã cho những người tư vấn xem một đoạn phim thô mỗi 12 tuần. Thông thường đây là quy trình nội bộ, nhưng đối với Coco – Unkrich đã cho công chiếu những đoạn phim này tới một số thành viên nổi bật của cộng đồng người La-tinh.

Đôi khi, các chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra ý kiến – và câu chuyện của Coco sẽ thay đổi dựa trên những ý kiến đó. Ví dụ, ban đầu nhân vật Abuelita thường mang theo một cái thìa bằng gỗ và sử dụng nó để gõ vào người khác. Một trong những cố vấn người Mexico đã nói – “Không – cô ấy phải sử dụng chancletas mới đúng (chancletas giống như là dép kẹp mà người Việt hay sử dụng – người dịch)”. Và trong cảnh phim hoàn chỉnh, nhân vật Abuelita mỗi khi bị khiêu khích sẽ tháo ngay đôi dép kẹp ra và phang bất cứ ai dám xúc phạm cô ấy.

Unkrich đã xem lại khá nhiều bộ phim có nội dung về cuộc sống sau khi chết. Thường thì những bộ phim về cuộc sống sau khi chết hay đào sâu vào một cái gì đó siêu thực hay mơ mộng; Còn đối với Coco, Unkrich muốn mang lại một “cảm giác thực”. Và Unkrich luôn giữ vững quy tắc đó trong quá trình phát triển Thế giới Linh hồn trong Coco.

Vậy những quy tắc đó là gì?

“Không có những màn đùa nhảm.” Unkrich nhấn mạnh, “Không có mấy quán cà phê kiểu Starbones ở các góc đường (chơi chữ theo kiểu cà phê Starbucks – người dịch). Không phải thể loại hài hước đó”. Cần có một cấu trúc cho xã hội của người chết. Như khi còn sống, công việc của bạn là gì thì khi qua thế giới bên kia, bạn cũng sẽ được làm công việc tương tự, “Điều này có thể là một điều tuyệt vời với người này nhưng lại như là một cơn ác mộng với người khác vậy….”

Các nhà làm phim đã rất trăn trở để tìm ra một cách thức thú vị để thể hiện hành trình người chết đi đến vùng đất của người sống. Trong các khái niệm ban đầu – Thế giới Linh Hồn xuất hiện từ cuối con hẻm, nhưng điều đó nghe có vẻ khá bình thường và không đủ gây ấn tượng. Từ những nghiên cứu thu thập được sau kỳ nghỉ, Molina & Unkrich đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cánh hoa được rải dọc các con phố – và từ những chi tiết này đã tạo ra cây cầu Marigold – một cây cầu hoa kết nối vùng đất của người sống với Thành phố của Người chết.

Unkrich và Molina cũng đã rất cố gắng trong việc thể hiện khát vọng của nhân vật chính: Tình yêu âm nhạc. Bộ phim xoay quanh khát vọng trở thành một nhạc công của nhân vật chính Miguel. Đứa trẻ đã rời bỏ gia đình và đi đến Vùng đất của người chết chỉ để được cha cậu chấp nhận cho mình theo đuổi đam mê. Nếu bạn không thấu hiểu được những khát vọng đó của Miguel – thì toàn bộ bộ phim sẽ cực kỳ rời rạc. Trong những cảnh đầu tiên của bộ phim – Miguel có thể nói huỵch tẹt ra, “Con muốn chơi nhạc” – dĩ nhiên đây cũng là một phương pháp tả thực hợp lý nhưng lại quá nhàm chán. Sau đó, các nhà làm phim đưa ra một giải pháp khác: Để cho Miguel hát về niềm đam mê của mình; nhưng sau khi cân nhắc, ý tưởng này đã bị loại ra. Coco không phải là một bộ phim nhạc kịch nơi mà nhân vật chính cứ suốt ngày hát hò về cuộc đời của mình. Cuối cùng, Unkrich và Molina đã đưa ra được giải pháp cuối cùng: Miguel có một căn phòng bí mật cùng với niềm đam mê âm nhạc và khát khao được trở thành một nhạc công đại tài như thần tượng của mình. Chính điều này đã thôi thúc và truyền đạt tới cho người xem những cảm xúc chân thật nhất về ước mơ của cậu một cách đơn giản và không quá phô trương.

Liệu John Ratzenberger (Người đã từng xuất hiện trong mọi bộ phim của Pixar) có xuất hiện trong Coco?

Theo Unkrich: “Chúng tôi đã rất vất vả với việc này, bởi vì tại thời điểm này chúng tôi có một dàn diễn viên toàn người La-tinh; nhưng tôi vẫn để cho anh ta nói một câu thoại bởi vì tôi không muốn phá vỡ truyền thống của Pixar. Vì vậy, chúng tôi có tất cả các diễn viên Latino … cộng với John Ratzenberger”.

Dante, chú chó đồng hành với Miguel trong phim, là một con chó xolo (một giống chó không có lông).

Được đặt theo tên của vị thần xứ Aztec – Xolotl, giống chó này được cho là bảo vệ người chết chống lại ma quỷ và hướng dẫn người chết từ thế giới này đến thế giới khác … Vì vậy, khá phù hợp khi Dante tham gia vào chuyến đi đến Vùng đất Linh Hồn của Miguel.

©2017 Disney – Pixar. All Rights Reserved.

Giám đốc Nhân vật Christian Hoffman đã xem xét hình tượng một số chú chó trong phim Disney trước đó để làm tư liệu cho sự xuất hiện của Dante: chú chó Dug trong phim Up, Bolt trong phim Bolt, và The Tramp trong phim Lady and the Trump.

Lee Unkrich muốn Dante có một cái lưỡi dài – đủ để quấn quanh mặt, và những bộ phận khác thì treo lơ lửng so với mặt đất. Để làm sống động điều này, Hoffman đã tham khảo một nhân vật nổi tiếng khác của Pixar: Hank chú bạch tuộc trong phim Finding Dory.

Theo đạo diễn dựng hình Nick Rosario, trong thiết kế ban đầu của Dante thì chú chó này bị lé; nhưng những người dựng phim lại cảm thấy thực sự tội nghiệp chú chó này. Họ đã tạo hình Dante với một cái tai sứt, đuôi gãy và cả răng cũng sún nốt. Và thêm vào việc làm cho chú chó Dante bị lé thì dường như hơi quá đà. Thế nên, may mắn cho Dante của chúng ta vẫn giữ được đôi mắt bình thường.

Nick Rosario đã chiếu một đoạn phim ngắn với tựa đề “Dante’s Lunch” (bữa trưa của Dante) – một bộ phim ngắn, tập trung vào Dante với hình dạng ban đầu. Và phải nói rằng tôi cảm thấy khá thú vị khi được xem hình ảnh ban đầu so với hình ảnh cuối cùng của Dante khi phim ra mắt. Trong bản phim gốc đầu tiên, Dante rất hay tò mò và cũng khá tự chủ. Nhưng Unkrich lại muốn Dante có ít biểu cảm và hơi ngơ ngơ một tí. Thế nên Dante của chúng ta được phác họa dưới hình dáng một chú chó khá ngốc nghếch. Trong phân cảnh cuối cùng của Dante’s Lunch, Dante là một chú chó khá đãng trí và hoàn toàn không tí ý thức nào về môi trường xung quanh mình. Bạn có thể xem thử hai phút ngắn của bộ phim ở đây.

Trong Coco, chúng ta sẽ được gặp gỡ Pepita, một sinh vật khổng lồ (mang hình dáng pha trộn giữa nhiều loài khác nhau như thằn lằn, đại bàng, hổ và linh dương), luôn theo dõi Miguel trong thời gian cậu bé ở Vùng đất Linh Hồn. Sinh vật này được tạo hình dựa trên ‘Alebrijes’ – “Hình mẫu nhân vật Mexico”. Pedro Lineras lần đầu tiên đưa ra khái niệm ‘Alebrijes’ vào năm 1936. Lúc đó ông đang nằm liệt giường, và ông đã mơ về những con vật với hình dáng kì dị – vịt có đuôi, sư tử có cánh, tê giác có đầu bọ cánh cứng – và những con vật này liên tụng nói ‘Alebrijes’. Lineras đã đưa giấc mơ này thành hiện thực, và sau này trở thành một truyền thống của Mexico; ông làm các bức tượng về những con vật này và bán chúng ở khắp nơi. Ngày nay, Alebrijes thâm chí còn mang theo trên mình một truyền thuyết: theo văn hoá dân gian, Alebrijes là những hướng dẫn viên tinh thần, dẫn dắt con người đi vào con đường đúng đắn.

Các nhà làm phim hoạt hình đã gặp phải hai vấn đề khi làm một bộ xương có thể chuyển động: 1) Làm thế nào để làm cho bộ xương dễ nhìn, thân thiện với người xem? 2) Làm thế nào để truyền đạt cảm xúc chỉ với một bộ khung xương trơ trọi? Và giải pháp chính là bằng ánh mắt. Bằng cách cho bộ xương một đôi mắt to tròn (trong thế giới Coco, những bộ xương có đôi mắt bằng thủy tinh trong hốc mắt), nhờ vậy, những bộ xương trơ trụi trở nên cực kì dễ thương. Các nhà làm phim hoạt hình sau đó đã tạo điểm nhấn cho từng bộ xương với những bộ tóc giả, sơn lông mày và sơn cả khuôn mặt – tất cả những điều này làm cho những bộ xương trở nên dễ mến trong mắt người xem.

©2017 Disney – Pixar. All Rights Reserved.

Đối với bộ xương của nhân vật Gael Garcia Bernal, các nhà làm phim hoạt hình dựa trên nguyên tác chuyển động từ nhân vật Ratso Rizzo (Dustin Hoffman thủ vai) trong phim Midnight Cowboy.

Gini Santos (nhóm giám sát dựng hình) đã tiết lộ rằng, do trước đây họ chưa bao giờ làm các bộ xương qua công nghệ dựng hình, vậy nên các nhà làm phim hoạt hình của Pixar phải liên tục tranh luận xem một bộ xương thì phải cử động và di chuyển như thế nào mới đúng. Các khớp xương có cần dính vào nhau mỗi lần di chuyển hay không? Hoặc liệu chúng có đàn hồi và nảy tưng tưng được hay không? Và sau khi xem bộ phim hoàn chỉnh, có vẻ như Unkrich và các nhà làm phim hoạt hình Pixar đã quyết định sẽ làm mỗi thứ một chút – các khớp xương sẽ hơi di chuyển nhưng biên độ dao động sẽ không quá lớn.

Cuối cùng, Lee Unkrich đã cho thêm một vài Easter Egg (‘Easter egg’ là cụm từ dùng để chỉ những chi tiết gắn liền với một tác phẩm khác hoặc một điều thú vị nào đó được cất giấu hết sức tinh tế trong phim – người dịch) thú vị ẩn giấu trong Coco, những Easter Egg này liên quan tới bộ phim The Shining (bộ phim yêu thích của Unkrich) … Vậy có bao nhiêu Easter Egg liên quan tới bộ phim The Shining trong Coco? Theo Unkrich thì “Có một vài trong đó – chắc là khoảng 3 cái nhỉ …” Tuy nhiên, Unkrich không hé lộ gì thêm về 3 chi tiết ẩn giấu thú vị này.

©2017 Disney – Pixar. All Rights Reserved.

Coco dự kiến ra rạp vào ngày 22/11.

Nguồn Collider 

Dịch bởi: Đình Nhân | BBT iDesign

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá coco gã khổng lồ giải thưởng góc nhìn phim hoạt hình coco pixar review review phim sáng tạo thiết kế thiết kế đẹp điện ảnh

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’  là một trong những cuộc thi hội tụ các tài năng thiết kế thuộc cộng đồng…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…