Dada (Phần 1)

Hướng đến hai mục tiêu là vừa giúp chấm dứt chiến tranh, vừa trút giải sự phẫn nộ đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và những hội nghị tư sản, các nhà nghệ thuật Dada sau cùng đã cách mạng hóa cách thức nghệ thuật của tương lai.

Tóm lược về phong trào Dada (1916-1924)

Hausmann, Raoul (1886 – 1971)

Dada là một phong trào nghệ thuật và văn học, có nguồn gốc từ Zürich, Thụy Sỹ. Phong trào này xuất hiện như một phản ứng đối với Chiến tranh Thế giới thứ I và với chủ nghĩa dân tộc – mà nhiều người nghĩ là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Sự ảnh hưởng của những phong trào tiền tiến khác như Lập thể, Vị lai, Kiến tạo, và Biểu hiện đã dẫn phong trào đến một đầu ra thực sự đa dạng, từ nghệ thuật trình diễn đến thơ ca, nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, cắt dán. 

Thẩm mỹ của Dada được ghi dấu ấn bằng sự châm biếm đối với những quan điểm duy vật và dân tộc chủ nghĩa, và chứng minh nó có một sự ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều nghệ sĩ của nhiều thành phố, bao gồm Berlin, Hanover, Paris, New York, và Cologne, đều tạo ra nhóm của riêng họ. Phong trào lụi tàn với sự thành lập của chủ nghĩa Siêu thực, nhưng những ý tưởng mà nó đưa ra đã trở thành nền tảng của vô số phạm trù nghệ thuật hiện đại và đương đại.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Dada là tiền thân trực tiếp tới phong trào nghệ thuật Ý niệm, nơi sự tập trung của nghệ sĩ không nằm ở việc tạo ra những vật thể thủ công thoả mãn về mặt thẩm mỹ mà nằm ở việc tạo ra những tác phẩm thường lật ngược cảm quan của giai cấp tư sản. Từ đó, họ đặt ra những câu hỏi khó nhằn về xã hội, vai trò người nghệ sĩ, và mục đích nghệ thuật.
  • Quá mải mê với việc chống đối tất cả tiêu chuẩn của văn hóa tư sản mà những thành viên Dada hầu như không có lợi cho chính họ: “Dada là phản-Dada!”, họ thường kêu than như vậy. Việc thành lập nhóm tại Cabaret Voltaire ở Zurich là thích đáng: nơi này được đặt tên theo một nhà văn châm biếm người Pháp ở thế kỉ XVIII, Voltaire, người sở hữu cuốn tiểu thuyết ngắn Candide châm biếm những sự ngu dốt trong xã hội của ông. Như Hugo Ball, một trong những người sáng lập ra cả Cabaret và Dada đã từng viết, “Đây là Candide chống đối thời đại của riêng chúng tôi”.
  • Những người nghệ sĩ giống như Hans Arp có chủ ý kết hợp sự ngẫu nhiên/tính cơ hội vào việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Điều này đi ngược lại với tất cả tiêu chuẩn của sản xuất nghệ thuật truyền thống, qua đó tác phẩm được lên kế hoạch và hoàn thành một cách tỉ mỉ. Việc đưa vào sự ngẫu nhiên là một cách để nghệ sĩ Dada thách thức những tiêu chuẩn nghệ thuật và đặt ra câu hỏi về vai trò người nghệ sĩ trong quá trình nghệ thuật.
  • Những người nghệ sĩ Dada được biết đến qua cách họ sử dụng readymades – những vật thể hằng ngày mà có thể được mua và trình bày như nghệ thuật với một ít sự thao túng của người nghệ sĩ. Việc dùng readymade đã bắt buộc người ta phải đặt ra những câu hỏi về khả năng sáng tạo nghệ thuật và khái niệm chính xác của nghệ thuật và mục đích của nó trong xã hội.

Những sự khởi đầu của phong trào Dada

Thụy Sỹ nằm ở phe trung lập suốt Thế chiến I với ít sự kiểm duyệt và là ở Zurich mà Hugo Ball và Emmy Hennings thành lập Cabaret Voltaire vào ngày 05/02/1916 tại mật thất của một tửu quán trên đường Spiegelgasse, trong một khu tồi tàn của thành phố. 

Cabaret Voltaire khét tiếng

Nhằm thu hút các nghệ sĩ và các nhà trí thức, Ball đã đưa ra một thông cáo báo chí rằng “Cabaret Voltaire. Dưới cái tên này, một nhóm nghệ sĩ và nhà văn được thành lập với mục tiêu trở thành trung tâm cho ngành giải trí nghệ thuật. Nguyên tắc của Cabaret là được điều hành bởi nghệ sĩ. Những nghệ sĩ khách mời sẽ tham dự và mang tới những màn trình diễn âm nhạc và đọc tại các buổi gặp gỡ hằng ngày. Những nghệ sĩ trẻ của Zurich, bất kể khuynh hướng của họ là gì, đều được mời đến để cùng đưa ra những đề xuất cũng như đóng góp theo bất cứ cách nào”. 

Những người có mặt từ đầu cùng với Ball và Hennings gồm có Hans Arp, Tristan Tzara, Marcel Janco, và Richard Huelsenbeck. Vào tháng Bảy của năm đó, Buổi tối Dada được tổ chức lần đầu và cũng chính là vào sự kiện ấy, Ball đọc bản tuyên ngôn đầu tiên. 

Áp phích Buổi tối Dada nhẹ nhàng (Small Dada Evening) (1922) bởi Theo van Doesburg và Kurt Schwitters

Có một ít sự đồng thuận về cách từ Dada được tạo ra, nhưng theo một trong những câu chuyện nguyên bản được biết đến nhiều nhất thì cái tên được Richard Huelsenbeck tìm ra bằng cách đâm con dao vào một quyển từ điển ngẫu nhiên nào đó. Cái tên “Dada” là một thuật ngữ Pháp thông tục dành cho con ngựa gỗ, tuy nhiên nó cũng vang vọng những phát âm đầu tiên của một đứa bé, và những đề xuất trẻ con và phi lý này đã gây hứng thú cho nhóm, những người có khuynh hướng tách biệt chính họ với vẻ điềm tĩnh của xã hội thông thường. Họ cũng tán dương rằng từ này có nghĩa giống nhau (hoặc không là gì cả) trong tất cả mọi ngôn ngữ – vì nhóm này hiển nhiên là những người theo chủ nghĩa quốc tế.  

Hugo Ball (1886 – 1927)

Mục tiêu của các hoạt động và nghệ thuật Dada là vừa giúp ngăn chặn chiến tranh, vừa trút giải sự phẫn nộ đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và những hội nghị tư sản đã dẫn đến chiến tranh. Quan điểm chống lại chủ nghĩa độc tài của họ tạo nên phong trào bất kiên định, vì họ phản đối bất kỳ hình thức lãnh đạo nhóm hoặc hệ tư tưởng chỉ đạo nào. 

Sự lan rộng của Dada

Việc những nghệ sĩ ở Zurich xuất bản một cuốn tạp chí Dada và tổ chức triển lãm nghệ thuật giúp lan truyền thông điệp phản chiến tranh, phản nghệ thuật. Năm 1917, sau khi Ball rời Bern để theo đuổi công việc báo chí, Tzara đã thành lập phòng trưng bày Dada trên con đường Bahnhofstrasse, nơi mà có thêm nhiều buổi tối Dada được tổ chức cùng với những triển lãm nghệ thuật khác. Tzara trở thành thủ lĩnh của phong trào và khởi xướng một chiến dịch không ngừng nghỉ để lan tỏa những ý tưởng phong trào Dada, gửi vô vàn những bức thư đến các nhà văn, nghệ sĩ người Ý và người Pháp. Nhóm đã cho xuất bản một tờ phê bình nghệ thuật và văn học với tựa đề là Dada bắt đầu vào tháng Bảy năm 1917 với năm bản từ Zurich và hai bản cuối cùng từ Paris. Nghệ thuật của họ tập trung vào sự trình diễn và đề tài in ấn.

Bìa tạp chí Dada 
Tristan Tzara (1896-1963)

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918, nhiều trong số những nghệ sĩ đã quay trở về quê nhà của mình và giúp phong trào ngày càng lan truyền rộng rãi. Sự chấm dứt của Dada ở Zurich theo sự kiện Dada 4-5 vào tháng Tư năm 1919, theo như kế hoạch trở thành một cuộc bạo động, điều mà Tzara nghĩ đã đẩy mạnh mục tiêu của Dada bằng cách làm suy giảm đi những thực hành nghệ thuật truyền thống thông qua sự tham gia của người xem trong quá trình sản xuất nghệ thuật. Cuộc bạo động, bắt đầu như một sự kiện Dada, là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất. Nó đã thu hút hơn 1000 người tới và bắt đầu với bài diễn văn bảo thủ về giá trị của nghệ thuật trừu tượng với chủ đích làm kích động sự nổi giận của đám đông. Tiếp theo đó là thứ âm nhạc chói tai cùng với một số bài đọc để khuyến khích sự tham gia của đám đông cho tới khi họ mất kiểm soát và rồi bắt đầu đập phá đồ đạc.

Tzara đã miêu tả thế này: “Khung cảnh hỗn loạn như còi báo động một cơn bão điên cuồng không thể kiểm soát đang rít lên như tiếng bom đạn, cuộc hỗn chiến bắt đầu gay gắt, một nửa số khán giả vỗ tay hoan nghênh những người biểu tình đang nắm giữ đại sảnh… Những chiếc ghế như những viên đạn được bắn ra, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, tiếng nổ lớn, hiệu ứng được mong đợi quá khủng khiếp và đầy bản năng. Dada đã thành công trong việc tạo ra chu trình mất ý thức hoàn toàn của người xem, làm quên đi cả ranh giới của giáo dục định kiến, trải nghiệm sự xáo động của cái mới. Chiến thắng cuối cùng của Dada”. Đối với Tzara, chìa khóa đi đến thành công của cuộc nổi loạn chính là sự tham gia của khán giả để họ không chỉ là người quan sát nghệ thuật, mà còn hòa mình vào quá trình sản xuất của nó. Đây là một sự phủ định hoàn toàn đối với nghệ thuật truyền thống.

Không lâu sau đó, Tzara đi đến Paris, nơi mà ông gặp được André Breton và bắt đầu đề ra những giả thuyết mà Breton cuối cùng sẽ tổng hợp lại trong chủ nghĩa Siêu thực. Những nghệ sĩ Dada đã không có chủ ý công bố các phong trào vi khu vực; nhưng sự lan rộng của Dada qua nhiều thành phố khác nhau ở châu Âu và đến New York, có thể là do một vài nghệ sĩ chủ chốt, đã dẫn tới việc mỗi thành phố lần lượt bị ảnh hưởng bởi thẩm mỹ của những nhóm Dada tương ứng.

André Breton vào năm 1920 tại một festival Dada ở Paris, đeo một tấm biển thiết kế bởi Francis Picabia. Trên đó ghi “để mà bạn có thể thích cái gì thì bạn phải đã nhìn thấy và nghe thấy nó trong một khoảng thời gian dài một lũ ngu dốt

Đức

Năm 1917, Huelsenbeck trở về từ Zurich để thành lập Câu lạc bộ Dada ở Berlin, hoạt động từ năm 1918 đến năm 1923, và bao gồm những người tham gia như Johannes Baader, George Grosz, Hannah Höch, và Raoul Hausmann. Cận kề với vùng chiến tranh, những người Dada ở Berlin công khai chống Cộng hòa Weimar và nghệ thuật của họ mang tính chính trị nhiều hơn: Những bức tranh châm biếm và cắt dán làm nổi bật lên hình tượng thời chiến, các quan chức chính phủ, và những đoạn phim hoạt hình chính trị đã ngữ cảnh hóa thành những lời bình cay độc. 

Richard Huelsenbeck (1892 – 1974)

Tháng Hai năm 1918, Huelsenbeck đã có bài phát biểu đầu tiên của mình tại Berlin và một số bài báo, bao gồm Câu lạc bộ Dada (Club Dada) và Der Dada, được xuất bản cùng năm với bản tuyên ngôn vào tháng Tư. Kỹ thuật cắt ghép ảnh (photomontage) được phát triển tại Berlin trong suốt giai đoạn này. Năm 1920, Hausmann và Huelsenbeck đã có một chuyến đi giảng dạy ở Dresden, Hamburg, Leipzig, và Prague. Hội chợ quốc tế Dada đầu tiên (Erste Internationale Dada-Messe) được tổ chức vào tháng Sáu năm ấy.

Kurt Schwitters không nằm trong nhóm Berlin có lẽ vì mối liên hệ của ông với phòng trưng bày Der Sturm và với phong cách Biểu hiện, cả hai đều được coi là đi ngược lại với Dada vì tính Lãng mạn và sự tập trung vào thẩm mỹ. Ông đã tự tạo nên một nhóm Dada của riêng mình tại Hannover vào năm 1919, mặc dù chỉ có ông là người thực hành duy nhất. Merz, khái niệm được ông đặt ra cho nghệ thuật của mình, mang ít định hướng chính trị hơn là Câu lạc bộ Dada; thay vào đó, những tác phẩm của ông suy xét nỗi bận tâm của chủ nghĩa Hiện đại với hình dáng và màu sắc.

Kurt Schwitters (1887 – 1948)

Một nhóm Dada khác cũng đã được thành lập tại Cologne năm 1918 bởi Max Ernst và Johannes Theodor Baargeld. Quan trọng là, Hans Arp tham gia vào năm tiếp theo và đã tạo ra những đột phá trong những thử nghiệm cắt dán của mình. Các cuộc triển lãm của họ tập trung vào chống đối tư sản và nghệ thuật vô nghĩa. Năm 1920, một trong những triển lãm ấy đã bị đóng cửa bởi cảnh sát. 

Khai mạc triển lãm Ernst tại phòng trưng bày Au Sans Pareil, Paris (1921). Từ trái qua: René Hilsum, Benjamin Péret, Serge Charchoune, Philippe Soupault (lộn ngược) và André Breton
Hans Arp (1886 – 1966)

Năm 1922, Dada ở Đức dần dừng hoạt động. Vào năm đó, Ernst đã rời Cologne để đến Paris, do đó nhóm bị giải tán. Những người còn lại thì trở nên quan tâm đến những phong trào khác. Ví dụ như “Hội nghị của những người theo chủ nghĩa Kiến tạo” được tổ chức tại Weimar vào tháng Mười năm 1922 có sự tham gia của các nghệ sĩ Dada người Đức. Vào năm 1924, Breton xuất bản bản tuyên ngôn chủ nghĩa Siêu thực sau khi nhiều nghệ sĩ Dada còn lại tham gia vào phong trào đó. Merz của Schwitter tiếp tục được xuất bản rải rác trong vài năm.

Paris

Sau khi nghe về phong trào Dada ở Zurich, một số nghệ sĩ Paris bao gồm André Breton, Louis Aragon, Paul Eluard, và những người khác đã trở nên quan tâm. Năm 1919, Tzara rời Zurich để đến Pháp và Arp cũng đến đó từ Cologne vào năm sau. Một “lễ hội Dada” diễn ra vào tháng Năm năm 1920 sau khi nhiều người trong số những người bắt đầu phong trào đã quy tụ ở đây. Có một vài cuộc biểu tình, triển lãm, và các buổi trình diễn được tổ chức cùng với những bản tuyên ngôn và các bài báo đã được công khai, trong đó có Dada Kẻ ăn thịt người (Le Cannibale).

Tuyên ngôn kẻ ăn thịt người Dada (Manifeste Cannibale Dada). Francis Picabia đã để Breton đọc bản tuyên ngôn ngày của ông vào một buổi Dada ở Théatre de la Maison de l’Oeuvre ở Paris năm 1920.

Picabia và Breton rút khỏi phong trào năm 1921 và Picabia đã cho xuất bản một số đặc biệt của 391, trong đó ông tuyên bố rằng Dada ở Paris đã trở thành thứ mà nó ban đầu đấu tranh chống lại: một phong trào gớm ghiếc có danh tiếng. Ông viết: “Tinh thần Dada chỉ thực sự tồn tại trong khoảng từ năm 1913 đến năm 1918… Càng mong muốn càng kéo dài nó, thì Dada càng dần khép lại… Dada, bạn thấy đó, không hề nghiêm túc… và nếu một số người nhất định thấy nó là vấn đề nghiêm túc, thì là bởi vì nó đã chết rồi!… Một người phải là một kẻ du mục, đi qua nhiều ý tưởng như người vượt qua nhiều đất nước và đô thị”. Dada ở Paris đã thực hiện cuộc phản công dưới sự lãnh đạo của Tzara. Hai màn biểu diễn sân khấu Dada cuối cùng được tổ chức tại Paris năm 1923 trước khi nhóm sụp đổ bước trong cuộc đấu đá nội bộ và nhượng lại cho chủ nghĩa Siêu thực.

Marcel Duchamp đã cung cấp một liên kết sáng tạo cốt yếu giữa những người theo phong trào Dada ở Zurich và những người theo chủ nghĩa Siêu thực ở Paris, như Breton. Nhóm người Thuỵ Sĩ cho rằng tác phẩm readymades của Marcel Duchamp là tác phẩm nghệ thuật Dada, và họ đánh giá cao sự hài hước cũng như lời từ chối định nghĩa nghệ thuật của Duchamp.

New York

Giống như Zurich suốt chiến tranh, thành phố New York là nơi lánh nạn của những nhà văn và nghệ sĩ. Marcel Duchamp và Francis Picabia đã đến thành phố chỉ cách nhau vài ngày trong tháng Sáu năm 1915 và không lâu sau họ gặp Man Ray. Duchamp được coi như người đàm thoại then chốt, mang khái niệm về phản nghệ thuật đến cho nhóm, nơi mà nó có một bước ngoặt quyết định về cơ học. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông, Mảnh thuỷ tinh lớn (The Large Glass) hay Bride Stripped Bare by her Bachelors, Even, làm tại New York năm 1915 và được xem là cột mốc quan trọng cho việc mô tả một vở kịch kỳ lạ, khiêu dâm sử dụng các dạng cơ học.

Mảnh thuỷ tinh lớn (The Large Glass) hay Bride Stripped Bare by her Bachelors, Even của Duchamp

Đến năm 1916, nghệ sĩ người Mỹ Beatrice Wood cùng nhà văn Henri-Pierre Roche và Mina Loy đã tham gia vào nhóm Duchamp, Picabia, và Man Ray. Phần lớn hoạt động phản nghệ thuật của họ diễn ra ở phòng trưng bày 291 của Alfred Stieglitz và tại xưởng vẽ của Walter và Louise Arensberg. Các ấn phẩm của họ, như The Blind Man, Rongwrong, và New York Dada đã thách thức bảo tàng nghệ thuật truyền thống với nhiều sự hài hước và ít tính gay gắt hơn so với các nhóm người Châu Âu. Vào giai đoạn này Duchamp đã bắt đầu trưng bày những readymades (những đồ vật tìm thấy được) như giá đựng chai, và tham gia vào Hiệp hội những người nghệ sĩ độc lập. Năm 1917, ông đã gửi Đài phun nước (Fountain) lên chương trình Hiệp hội những người nghệ sĩ độc lập.

Đài phun nước (Fountain) (1917) của Duchamp

Những chuyến đi của Picabia đã giúp kết nối những hội nhóm New York, Zurich và Paris cùng với nhau trong suốt thời kỳ Dada. Từ năm 1917 đến năm 1924, ông cũng cho xuất bản tạp chí Dada định kỳ 391, được mô phỏng theo 291 định kỳ của Stieglitz. 391 của Picabia được xuất bản đầu tiên ở Barcelona, sau đó là nhiều thành phố khác gồm có cả New York, Zurich, và Paris, tuỳ thuộc vào nơi sinh sống của ông và sự giúp đỡ từ những người bạn nghệ sĩ và cả bạn bè ở nhiều thành phố khác nhau. Tuy nhiên, tạp chí định kỳ chủ yếu là văn học với người đóng góp chính là Picabia. 

Bản tuyên ngôn Dada năm 1918 đã tuyên bố: “Mọi trang báo đều phải bùng nổ, cho dù là nhờ sự nghiêm túc, sự sâu sắc, hỗn loạn, kinh tởm, sự cách tân, vĩnh hằng, sự vô nghĩa có thể huỷ diệt, sự nhiệt tình với các nguyên tắc, hay cách mà nó được in ra. Nghệ thuật phải là phi thẩm mỹ trong cái vô cùng, vô dụng, và vô phương để biện minh”. Ông từ bỏ Dada vào năm 1921 như đã nói trước đó. Nói thêm về vấn đề đặc biệt của 391, khi mà ông bắt đầu Dada ở Paris năm 1921, trong vấn đề cuối cùng của 391 năm 1924, Picabia đã buộc tội chủ nghĩa Siêu thực là một phong trào bịa đặt, viết rằng: “Những quả trứng nhân tạo thì chẳng thể nở thành những chú gà được”.

Dịch: Olivia Ha

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa dada Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…