De Stijl

Vào năm 1918, Gerrit Rietveld khắc một bài thơ dưới chiếc ghế Đỏ-Xanh của ông “Khi tôi ngồi, tôi không muốn ngồi theo ý thích của xác thịt mà thay vào đó là theo cách mà tinh thần của tôi ngồi, như thể nó dệt nên chiếc ghế cho chính nó.” Tác phẩm và triết lý ấy đã trở thành kinh điển của De Stijl. Là một trào lưu của những nghệ sĩ Hà Lan, De Stijl hướng tới “trừu tượng thuần khiết”, tìm kiếm một ngôn ngữ thị giác phổ quát biểu thị cho trật tự của một thế giới mới – thế giới hiện đại. Ngôn ngữ lý tưởng ấy sẽ được áp dụng vào mọi địa hạt nghệ thuật và thiết kế, mang lại sự hài hoà trong đời sống vật chất và sự nâng cao tinh thần. Ngày nay, các ảnh hưởng của De Stijl là sâu với rộng tới mức nó trở nên hiển nhiên. Trong loạt bài hai phần, chúng ta bước đầu tìm hiểu về trào lưu nghệ thuật – thiết kế quan trọng này.

  • Chúng ta nói về hội hoạ cụ thể và không phải là trừu tượng bởi vì không có gì cụ thể hơn hay thật hơn là một nét, một màu, một bề mặt.” – Theo van Doesburg
  • Trong khi những khả năng biểu hiện của Tân Tạo hình bị giới hạn bởi hai chiều (mặt phẳng), chủ nghĩa Nguyên tố nhận ra khả năng của tạo hình ở trong bốn chiều, trong vùng của thời-không.” – Theo van Doesburg

Tóm lược về De Stijl

Trào lưu De Stijl bắt nguồn tại Hà Lan và tiếp nhận những yếu tố thị giác trừu tượng, hướng thẩm mỹ tiêu giảm xuống mức cơ bản như các hình dạng hình học và màu cơ bản. Phần nào là một phản ứng chống lại sự thái quá mang tính trang trí của Art Deco, giá trị tinh giản của nghệ thuật De Stijl được những người tạo ra nó hình dung như một ngôn ngữ hình ảnh phổ quát phù hợp với kỷ nguyên hiện đại – thời kỳ của một trật tự thế giới mới được tâm linh tinh thần hoá.

Triển lãm nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mondrian ở Bảo tàng Sompo. Tại đây, ta có thể thấy ghế Đỏ-Xanh và ghế zig-zag Cassina của Rietveld, không gian của nhà Rietveld-Schröder, và cả váy Mondrian của nhà Yves Saint Laurent.

Được dẫn dắt bởi các hoạ sĩ Theo van Doesburg và Piet Mondrain – những nhân vật trung tâm được hoan nghênh – các nghệ sĩ De Stijl áp dụng phong cách của họ vào một loạt các phương tiện của mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, và hơn thế nữa. Các thành viên của phong trào, quảng bá những ý tưởng đổi mới trong tạp chí cùng tên, hình dung ra không gì khác ngoài sự kết hợp lý tưởng giữa hình thức và công năng, từ đó khiến cho De Stijl trở thành một phong cách tối thượng. Vì thế, nghệ sĩ De Stijl hướng sự chú ý của mình không chỉ tới phương tiện của mỹ thuật như hội hoạ và điêu khắc, mà hầu như là mọi loại hình nghệ thuật khác nữa, bao gồm thiết kế công nghiệp, ký tự pháp (typography), thậm chí là văn chương và âm nhạc.

Ảnh hưởng của De Stijl – “The Style” (“phong cách”) có lẽ được cảm nhận rõ rệt nhất trong lĩnh vực kiến trúc, góp phần tạo nên Phong cách Quốc tế của những năm 1920 và 1930.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Giống như những trào lưu tiền tiến khác cùng thời, De Stijl, mà có nghĩa đơn giản là “phong cách” trong tiếng Hà Lan, nổi lên phần lớn là để đáp lại những sự khủng khiếp của Thế chiến I và mong muốn tái thiết lại xã hội sau hậu quả khủng khiếp của nó. Các thành viên của De Stijl xem nghệ thuật như một phương tiện cứu chuộc về xã hội và tinh thần. Họ tiếp nhận một tầm nhìn không tưởng về nghệ thuật và tiềm năng biến đổi của nó.
  • Nằm trong số những người đi đầu của nghệ thuật trừu tượng, các nghệ sĩ De Stijl tán thành một ngôn ngữ hình ảnh bao gồm các dạng hình học được kết xuất chính xác – thường là các đường thẳng, hình vuông, và hình chữ nhật – và các màu cơ bản. Ngôn ngữ hà khắc này biểu thị sự tìm kiếm “sự phổ quát, bởi cái cá nhân đang mất đi ý nghĩa của mình” và là phương tiện để tiết lộ những quy luật chi phối sự hài hoà của thế giới.
  • Mặc dù các nghệ sĩ De Stijl đã tạo ra tác phẩm thể hiện tầm nhìn không tưởng của phong trào, việc họ nhận ra rằng tầm nhìn này là không thể đạt được trong thế giới thực về cơ bản đã dẫn tới sự sụp đổ của nhóm. Cuối cùng, sự nổi tiếng vẫn tiếp tục của nhóm chủ yếu là kết quả của thành tích lâu dài của Piet Mondrian – thành viên nổi tiếng nhất và một bậc thầy hiện đại thực thụ.
Bề mặt của toà thị chính thành phố Hague được kiến tạo như một bức tranh Mondrian khổng lồ nhằm ca ngợi người nghệ sĩ này. Hague cũng là nơi có bộ sưu tập tác phẩm Mondrian lớn nhất thế giới.

Những khởi đầu của De Stijl

Vào năm 1917, Theo van Doesburg bắt đầu xuất bản tạp chí nghệ thuật đương đại De Stijl như một phương tiện để tuyển dụng những người nghệ sĩ cùng chí hướng nhằm thành lập một nhóm nghệ sĩ mới mà đón nhận một khái niệm mở rộng cho nghệ thuật, kết hợp với những lý tưởng không tưởng về sự hài hoà tâm linh. Tạp chí cung cấp những nền tảng của trào lưu De Stijl, một nhóm nghệ sĩ và kiến trúc sư mà trong đó bao gồm những thành viên dẫn đầu như Piet Mondrian, J. J. P. Oud và Vilmos Huszar.

Bìa số đầu tiên của tạp chí De Stjl vào năm 1917

Tiếp nhận các yếu tố thị giác của Lập thể và Siêu việt, chủ nghĩa bài đa cảm của Dada, và lý thuyết toán học theo thuyết Tân Sinh (Neo-Platonism) của M. H. J Schoenmaekers, một tư tưởng thần bí nêu rõ khái niệm về các dạng hình học “lý tưởng”, những người theo tư tưởng De Stijl mong muốn trở thành nhiều hơn là một nghệ sĩ thị giác đơn thuần. Về cốt lõi, De Stijl được thiết kế để bao gồm nhiều ảnh hưởng nghệ thuật và phương tiện, mục tiêu của nó là sự phát triển của một thẩm mỹ mới mà sẽ được thực hành không chỉ trong mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, mà còn vang vọng trong một loạt các hình thức nghệ thuật khác nữa, trong đó bao gồm kiến trúc, quy hoạch đô thị, thiết kế công nghiệp, ký tự pháp, âm nhạc, và thi ca. Thẩm mỹ và tầm nhìn của De Stijl được hình thành phần lớn để đáp lại sự tàn phá chưa từng có do Thế chiến thứ nhất gây ra, với việc các thành viên của phong trào tìm kiếm một phương tiện thể hiện cảm giác trật tự và hài hoà trong xã hội mới sau chiến tranh.

De Stijl: Các khái niệm, phong cách, và xu hướng

Trừu tượng hình học thuần khiết và ngôn ngữ thị giác De Stijl

De Stijl là tạp chí đầu tiên dành riêng cho trừu tượng trong nghệ thuật, mặc dù những nghệ sĩ của trào lưu không phải là những người đầu tiên thực hành nghệ thuật trừu tượng; những hoạ sĩ khác, có lẽ đáng chú ý là Wassily Kandinsky, Kazimir Malevich, và Hans Arp, đã tạo ra loại nghệ thuật phi vật thể từ trước đó, thường xuyên đưa các hình dạng hình học vào tác phẩm của mình. Nhưng những nghệ sĩ và kiến trúc sư liên quan tới De Stijl – các hoạ sĩ như Mondrian, van Doesburg, và Ilya Bolotowsky, và các kiến trúc sư như Gerrit Rietveld và J. J. P. Oud – tiếp nhận những gì họ thấy là các hình thức thuần khiết của hình học, bao gồm các hình dạng được hình thành từ các đường thẳng và các dạng hình học cơ bản (thường là được thể hiện với ba màu cơ bản); những mô típ này là những yếu tố nền tảng cho những bố cục mà tránh sự đối xứng và hướng tới mối quan hệ cân bằng giữa bề mặt và sự phân bố các màu sắc. 

Tân Tạo hình: Bố cục VII – Ba ân sủng (Neo-Plasticism: Composition VII – The Three Graces) (1917) – một tác phẩm thời kỳ đầu của van Doesburg. Sơn dầu trên toan. Bảo tàng Nghệ thuật Mildred Lane Kemper, St. Louis, Missouri, Mỹ.

Trong bài luận Tân Tạo hình trong Nghệ thuật Hình ảnh (Neo-Plasticism in Pictorial Art), Mondrian giải thích: “Như là một đại diện thuần khiết của tâm trí con người, nghệ thuật sẽ biểu thị nó theo một hình thức được thanh tẩy về mặt thẩm mĩ, như thế có nghĩa là, trừu tượng. Do vậy, ý tưởng tạo hình không thể có hình dạng của một tái hiện tự nhiên hay cụ thể.

Tân tạo hình (Neo-Platicism)

Tân tạo hình chỉ tới phong cách và những ý tưởng hội hoạ được phát triển bởi Piet Mondrian vào năm 1917 và được quảng bá bởi De Stijl. Biểu thị “nghệ thuật tạo hình mới”, hay đơn giản là “nghệ thuật mới”, thuật ngữ này thể hiện tầm nhìn của Mondrian về một hình thức nghệ thuật trừu tượng và lý tưởng mà ông cảm thấy là phù hợp với thời đại hiện đại. Bài luận Tân Tạo hình trong Nghệ thuật Hình ảnh của Mondrian, mà đặt ra các nguyên tắc về mặt khái niệm của khái niệm, được xuất bản trong mười hai kỳ của tạp chí De Stijl, từ năm 1917 đến năm 1918. 

Mondrian miêu tả Tân Tạo hình như một cách tiếp cận được giảm thiểu cho việc tạo ra nghệ thuật mà loại bỏ các yếu tố truyền thống như phối cảnh và tính đại diện, chỉ sử dụng các màu cơ bản và đường thẳng. Mondrian mường tượng rằng những nguyên tắc của Tân tạo hình sẽ được truyển tải từ phương tiện hội hoạ sang các hình thức nghệ thuật khác, bao gồm kiến trúc và thiết kế, cung cấp cơ sở cho sự biến đổi của môi trường sống của con người mà các nghệ sĩ De Stijl tìm kiếm. Theo như phát ngôn của Mondrian, một “tầm nhìn tạo hình thuần khiết cần để xây dựng một xã hội mới, theo cách mà trong nghệ thuật nó đã kiến tạo ra một sự tạo hình mới.

Quá trình trừu tượng hoá một hình ảnh của Theo van Doesburg

Khái niệm của chủ nghĩa Tân tạo hình phần lớn được lấy cảm hứng từ luận thuyết Những nguyên tắc của toán học tạo hình (Beginselen der Beeldende Wiskunde) của M. H. J. Schoenmaekers, mà đề xuất rằng thực tại bao gồm một chuỗi các thế lực đối lập – trong đó có sự phân cực hình thức của các trục ngang và dọc, và sự xen kẽ của các màu cơ bản.

Chủ nghĩa Tân tạo hình sau đó được thúc đẩy bởi trào lưu Hình tròn và Hình vuông (Cercle et Carré) và ba số của tạp chí cùng tên xuất bản vào năm 1930. Sau chuyến thăm của Mondrian vào năm 1940, phong cách này lan sang Hoa Kỳ, nơi nó được nhiều nghệ sĩ trừu tượng địa phương tiếp nhận.

Chủ nghĩa Nguyên tố (Elementarism)

Trong khi Tân tạo hình chỉ sử dụng những đường ngang và dọc thì, vào năm 1925, van Doesburg phát triển chủ nghĩa Nguyên tố với nỗ lực sửa đổi bản chất giáo điều của Tân tạo hình bằng cách đưa vào đường chéo, một hình thức mà với van Doesburg là liên tưởng tới sự năng động – “một trạng thái của sự phát triển không ngừng”. Trong “Hội hoạ và điêu khắc: chủ nghĩa Nguyên tố (Một mảnh của một tuyên ngôn)” (“Painting and Sculpture: Elementarism (Fragment of a Manifesto))”, xuất bản trong tờ De Stijl năm 1927, ông viết “Nếu tất cả các chuyển động vật lý của chúng ta đều đã dựa trên Dọc và Ngang thì chỉ là một sự nhấn mạnh vào bản chất vật lý của chúng ta, vào cấu trúc và chức năng tự nhiên của các sinh thể nếu tác phẩm nghệ thuật củng cố – mặc dù theo một “cách thức nghệ thuật” – tính nhị nguyên này trong ý thức của chúng ta.

Café l’Aubette ở Strasburg, Pháp. Một ứng dụng nổi tiếng của ngôn ngữ chủ nghĩa Nguyên tố vào kiến trúc của von Doesburg.

Yêu thích các đường ngang và dọc vì ý nghĩa của chúng về sự ổn định, Mondrian hoàn toàn bất đồng với sự nhấn mạnh mới tìm thấy của van Doesburg vào đường chéo – một bất đồng nổi tiếng khiến Mondrian lập tức ly khai khỏi De Stijl. Đối với Mondrian, với đưa vào đường chéo của van Doesburg trở thành một thứ dị giáo nghệ thuật; trong cách nhìn của Mondrian, đường chéo kiểu chủ nghĩa Nguyên tố đã phủ nhận nỗ lực của De Stijl trong việc tích hợp tất cả các yếu tố của hội hoạ bằng cách tạo ra lực căng giữa bố cục và mặt phẳng của bức tranh.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết bởi Justin Wolf, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt, đề tựa tiếng Việt, và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

de stijl Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…