Designer và khách hàng có cần đồng quan điểm về mặt đạo đức?

Dù phải đặt kế sinh nhai lên hàng đầu, quyết định tất nhiên vẫn nằm trong tay bạn.

“Ước gì chúng ta đều có thể tự do chọn lựa phương thức hoàn thiện tác phẩm của mình, nhưng đôi khi bạn còn phải lo làm ăn kiếm sống.”Meredith Hattam, nhà thiết kế tương tác, Condé Nast.

Khi chuyển đến New York và bắt đầu sự nghiệp của một nhà thiết kế, tôi đã nghĩ mọi thứ vô cùng lý tưởng và bản thân chỉ muốn làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận. Một thời gian sau, tôi chợt nhận ra thật sự rất khó có cơ hội được làm việc với những khách hàng có tâm, có lòng (philanthropic clients).

Mục tiêu trong công việc của tôi là phục vụ cho giá trị đạo đức. Tuy nhiên, khi sống ở một thành phố đắt đỏ như New York, đôi khi tôi không thể tùy ý lựa chọn công việc mình muốn làm.

Sẽ là một đặc ân nếu bạn có được nhiều chọn lựa khi làm việc với khách hàng ở New York. Một vài nhà thiết kế có được cơ hội ấy, có lẽ họ sở hữu nguồn tài chính vững chắc hoặc họ cực chuyên nghiệp để có thể đảm nhiệm bất kì dự án nào. Thời nay, rất khó xác định công ty nào phù hợp để cộng tác khi xét đến phạm trù đạo đức bởi mọi thứ trở nên rất mơ hồ. Nhiều trường hợp, bạn sẽ không đồng tình với quan điểm của công ty nhưng vẫn đang hỗ trợ cho sản phẩm của họ. Vậy, sự minh bạch trong công việc ở đây là gì?

Có rất nhiều thương hiệu tuyệt vời đang hoạt động mạnh mẽ ngoài kia, thế nhưng, thật không dễ tìm được một công ty cho ra những sản phẩm hoàn hảo về mặt đạo đức và tính bền vững.

Tôi từng hoạt động khá nhiều trong lĩnh vực thời trang, cũng là lĩnh vực “ồn ào” đứng thứ 2 trên thế giới. Có rất nhiều thương hiệu tuyệt vời đang hoạt động mạnh mẽ ngoài kia, thế nhưng, thật không dễ tìm được một công ty cho ra những sản phẩm hoàn hảo về mặt đạo đức và tính bền vững. (…)

Kết quả hình ảnh cho research on client

Làm việc ở môi trường thời trang thương mại điện tử rất thú vị với nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và cơ hội được hợp tác với nhiều cá nhân tài năng. Tuy nhiên với các tập đoàn lớn, bạn sẽ không được biết quá trình làm ra những trang phục ấy. Lúc ấy tôi đã quyết định tham gia các hoạt động tình nguyện để bổ trợ cho công việc mang tính thương mại hóa trên văn phòng.

Nếu bản thân bạn thật sự hướng đến hình ảnh nhà thiết kế có đạo đức, bạn có thể bổ trợ công việc full time bằng những hoạt động tình nguyện như thiết kế miễn phí cho tổ chức phi lợi nhuận. Designers Available là website cung cấp thông tin về tổ chức phi lợi nhuận cần người giúp đỡ. Tôi đang công tác tình nguyện với hai tổ chức phi lợi nhuận. Với vai trò của một nhà thiết kế, việc này thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng bởi các tổ chức và công ty nhỏ lẻ không có kinh phí cho mục thiết kế. Dù phải đặt kế sinh nhai lên hàng đầu, quyết định tất nhiên vẫn nằm trong tay bạn.

“Một công dân có quyền và nghĩa vụ loại bỏ đi những hành vi xấu.” – Steven Heller, nhà thiết kế, giáo dục và lịch sử.

Luật pháp và đạo đức cần phải được phân biệt rõ ràng. Tôi nghĩ nhà thiết kế có thể bất đồng với chính sách của khách hàng (hoặc là về mặt đức tin), miễn là họ không cảm thấy bị tổn thương.

Hình ảnh có liên quan

Lúc nào tôi cũng phải làm việc với những người không đồng quan điểm xã hội và chính trị. Tuy nhiên, đạo đức là một nhân tố phản ánh cách thức kinh doanh của một doanh nghiệp. Nhà thiết kế phải có trách nhiệm với khách hàng và nếu cách làm việc của họ quá mơ hồ về mặt đạo đức thì nhà thiết kế ấy đã tiếp tay cho hành vi tội lỗi.

Không có luật lệ nào mà tôi từng biết chỉ ra rằng nếu làm việc cho một tổ chức xấu thì nhà thiết kế trước sau gì cũng phạm tội. Tuy nhiên việc phục vụ cho một đối tượng khách hàng xấu quả là một hành vi vi phạm đạo đức cá nhân. Một vài trường hợp thì quá rõ ràng, chẳng hạn như đầu quân cho một công ty ủng hộ sự kì thị và phân biệt.

Thà có việc làm kiếm sống qua ngày còn hơn thất nghiệp là một trong những lời biện hộ thường nghe. Các tổ chức thực hiện quảng cáo về thuốc lá (một trong những sản phẩm gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe) và biện hộ rằng “đó chỉ là công việc họ phải làm thôi.”

Không một sự việc nào rõ ràng và rạch ròi. Đôi khi đạo đức cũng được xem xét tùy tình huống. Bên cạnh đó, người ta cũng tranh luận nhiều về 2 mặt của đạo đức. Ở Mỹ, mọi người đều có nhiều luồng ý kiến trái chiều khi quá khó để nói về 2 mặt đối lập một cách quá rạch ròi.

Tôi luôn nói với học sinh rằng chúng ta thường xuyên tiếp nhận thông tin từ nhiều phía. Việc cần làm ở đây là phải hết sức thận trọng và hành động theo những gì lương tâm mách bảo. Và điều này thật phức tạp.

“Khách hàng mà tôi chuẩn bị cộng tác cần sở hữu giá trị cốt lõi tốt đẹp, phù hợp với hình ảnh mà họ mang lại.” – Lina Forsgren, giám đốc nghệ thuật và nhà thiết kế đồ họa freelance.

Tôi là một nhà hoạt động nữ quyền, làm việc với tư tưởng giao thoa và cởi mở. Do đó việc khách hàng không bất đồng quan điểm về mặt đạo đức là vô cùng thiết yếu đối với tôi. Đặc biệt là trong thời đại mà các vấn nạn về phân biệt chủng tộc, giới tính, xu hướng tính dục và thay đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc xem xét lại giá trị và hành động của khách hàng trước khi bắt tay hợp tác với nhau cần phải được đặt lên hàng đầu.

Một vài năm trước, tôi được một công ty thời trang nữ Birdsong London liên hệ để hợp tác phát triển hình ảnh. Tôi đã đồng ý vì bản thân ủng hộ concept và mô hình hoạt động của họ. Birdsong không hề sử dụng các công cụ chỉnh sửa hình ảnh; sản phẩm được tạo tác từ bàn tay của một nhóm người di cư nữ ở Luân Đôn. Công ty luôn hành động với tư duy nữ quyền, điều này tác động toàn diện đến mô hình và cấu trúc của họ. Với tôi, quan trọng là khách hàng thể hiện được giá trị nữ quyền trong nội bộ nếu đó thật sự là hình ảnh họ muốn thể hiện. Tôi đã thấy nhiều tổ chức lớn lợi dụng đạo đức và nữ quyền để quảng cáo nhưng hội đồng quản trị lại không hề mang tư duy ủng hộ tích cực ấy hoặc có xu hướng hành động như thế lâu dài, nhưng những sản phẩm của Birdsong đều thấm nhuần giá trị ấy.

Đặt đạo đức lên hàng đầu có thể rất khó khăn đối với một nhà thiết kế freelance. Và để ủng hộ lý tưởng của bản thân cũng vô cùng gian nan.

Thường thì tôi không được các công ty không có chung lý tưởng đạo đức liên hệ bởi hầu hết các tác phẩm của tôi đều mang tính ủng hộ nữ quyền. Tuy nhiên 6 năm trước, tôi được nhờ làm minh họa cho McDonald. Lúc đó tôi vẫn còn học thiết kế ở trường và cảm thấy rất nôn nóng khi được người khác liên hệ vì bản thân luôn muốn thể hiện các tác phẩm của mình. Tuy nhiên mọi thứ trở nên tồi tệ. Tôi đã từ chối hợp tác với McDonald vì mình là người ăn chay và họ lại kinh doanh thịt.

Khi khách hàng mới liên hệ, tôi sẽ nghiên cứu để tìm ra thông tin về họ nhiều nhất có thể. Nếu có người quen làm cho tổ chức ấy, tôi sẽ liên hệ để hỏi về cảm nhận khi làm tại đó. Bạn cần biết cách một doanh nghiệp đối xử với nhà thiết kế, điều này thể hiện nhiều mặt về họ. Quan trọng là không chỉ khách hàng không ủng hộ làm quảng cáo phân biệt giới tính mà còn ở cách đối xử đúng mực với nhân viên nội bộ.

Kết quả hình ảnh cho designer and client

Việc đặt đạo đức lên hàng đầu có thể khó khăn bởi khi bạn làm thế thì người khác sẽ tỏ ra không thích và làm bạn nản lòng.

Đặt đạo đức lên hàng đầu có thể rất khó khăn đối với một nhà thiết kế tự do. Và để ủng hộ lý tưởng của bản thân cũng vô cùng gian nan bởi chúng ta đang sống trong một thế giới tư bản. Việc đảm bảo rằng bản thân không nhận nhiều dự án kinh phí thấp để rồi bị cháy túi cũng là một việc khó khăn. Tuy nhiên, bạn cũng cần đảm bảo mình không bị trả công quá thấp để liên kết với các nhà thiết kế khác: Chúng ta cần phải đảm bảo đồng lương chuẩn mực nhằm gìn giữ môi trường trong sạch của nền công nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng, việc đặt đạo đức lên hàng đầu có thể khó khăn bởi khi bạn làm thế thì người khác sẽ ghét và làm bạn nản lòng. Tôi cũng đã từng nhận được tin nhắn căm ghét bởi giá trị nữ quyền trong sản phẩm.

Quan trọng là bản thân tôi phải vượt qua mọi thử thách. Tôi chỉ muốn hợp tác với những người có cùng tư tưởng và không thực hiện các hành vi phá hoại chúng. Nếu tôi làm việc cho một công ty và hệ thống mà không thể đặt niềm tin thì bản thân đã và đang góp phần phá hoại quy chuẩn đạo đức.

Tác giả: Madeleine Morley
Người dịch: Đáo
Nguồn: 99U

Cùng tác giả

#Tag

client morality đạo đức

iDesign Must-try

8 chia sẻ từ chuyên gia trong ngành về cách tìm kiếm khách hàng
8 chia sẻ từ chuyên gia trong ngành về cách tìm kiếm khách hàng
“Hãy làm bật những tố chất đặc biệt của mình”, đây là câu trả lời duy nhất. Thời nay, đam mê và tài năng của những người làm sáng tạo…
4 cách nghĩ giúp chúng ta ngừng làm tổn thương tâm hồn Designer
4 cách nghĩ giúp chúng ta ngừng làm tổn thương tâm hồn Designer
Cám ơn Andrew Littlefield từ Ceros đã dành tâm ý và công sức tham vấn những bạn bè, đồng nghiệp là designer để đúc kết ra bài viết này. iDesign xin phép…