Thanh Tâm và dự án thiết kế game phong cách pixel Miền Du Kí: ‘Mình muốn thấy nhiều tựa game mang yếu tố Việt Nam’

Lớn lên với tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, Lê Nguyễn Thanh Tâm – hiện đang là Graphic Designer, mỗi ngày tích góp cho mình một câu chuyện văn hóa xoay quanh đời sống. Giữa biển khơi của thế giới game đồ họa 3D, Tâm đơn độc chọn đề tài thiết kế game phong cách pixel, lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt. Và rồi, dự án Miền Du Kí ra đời như một hồi kết đẹp cho quá trình tích lũy và chăm bẵm nghiên cứu của Tâm.

Miền Du Kí là một ứng dụng trò chơi điện tử nhằm phổ biến văn hóa Việt Nam đại chúng thông qua việc chơi game tương tác nhập vai thế giới mở.

Trong game, người chơi nhập vai là Việt Kiều xa xứ lâu năm, trên đường về quê để dự đám cưới anh của bạn thân từ nhỏ. Khi ở lại vùng đất Sài Gòn với nhiều điều mới lạ lẫn hoài niệm, một cuộc hành trình khám phá Việt Nam bắt đầu. Từ đó người chơi gặp gỡ nhiều người bạn với những câu chuyện li kì, để rồi tìm hiểu thêm về văn hóa của các vùng miền trải dọc đất nước hình chữ S.

Ủa, văn hóa Việt Nam là khu phố nhà mình!

iDesign: Tại sao bạn chọn chủ đề này cho đồ án tốt nghiệp của mình? Cảm hứng của nó đến từ đâu? 

Thật ra dự định ban đầu của mình là làm một chiếc game đề tài hoàn toàn khác xa với văn hóa Việt Nam. Thực chất mình rất sợ những đề tài liên quan đến văn hóa vì nó rất khó để thực hiện và nếu không làm khéo thì sẽ dễ trở nên nhạy cảm.

Thoạt đầu trong quá trình nghiên cứu đề tài, mình gặp khó khăn trong việc tìm kiếm câu chuyện đủ lạ và hay ho để đánh đố người chơi. Cùng lúc đó mình đang ở Quy Nhơn, quê ngoại của mình.

Cơ duyên đến trong một lần mình cố lắng nghe và hiểu tiếng “nẫu” của cô bán tạp hóa gần nhà, mình nảy ra ý tưởng làm game phổ biến tiếng phương ngữ của các vùng miền bằng việc đánh đố ý nghĩa của chúng thông qua câu chuyện đặc trưng từng vùng.

Và với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Phan Thùy Dương, chiếc ý tưởng đó đã được phát triển và hình thành Miền Du Kí như hiện tại đấy!

iDesign: Vì sao bạn lại chọn gắn game với văn hóa Việt Nam?

Mình rất hâm mộ cách Nhật Bản phổ biến văn hóa nước họ thông qua các sản phẩm truyền thông. Đặc biệt, một “chiếc” game đã gây ra cho mình ấn tượng rất tốt về việc kết hợp game và yếu tố văn hóa lịch sử, đó là game Touken Ranbu.

Đại loại trong game người chơi sẽ phải dùng những thanh kiếm có thật trong lịch sử Nhật Bản để cứu lấy dòng lịch sử của đất nước mặt trời mọc. Về mặt game thì mình không ấn tượng nhiều lắm vì lối chơi khá đơn giản. Tuy nhiên, Touken Ranbu đã tạo nên một cộng đồng gamer (trong đó có cả mình) rất quan tâm đến câu chuyện của các nhân vật trong game và tự đi tìm hiểu, mày mò về lịch sử nước bạn. Khi sắp thi môn lịch sử mình còn chưa tự giác đến thế nữa :))) Khi đó, mình mong muốn được thấy những tựa game mang yếu tố Việt Nam nhiều hơn để nó có thể phổ biến văn hóa, lịch sử tới mọi người một cách dễ dàng.

iDesign: Những chi tiết nhỏ về văn hóa đương đại này được bạn quan sát và tích trữ từ lâu hay nhờ đồ án này mà bạn quan tâm đến nhiều hơn?

Haha, tất cả đều là những điều mình quan sát và tích trữ để mỗi khi bắt đầu cuộc trò chuyện với ai đó thì sẽ đem ra làm đề tài thảo luận. Tính cách mình vốn ngại ngùng, ít nói khi gặp người lạ nên gặp không ít khó khăn khi muốn làm thân với ai đó và cũng hay bí đề tài để kéo dài câu chuyện. Sau này, mình nhận ra các chủ đề về văn hóa đương đại Việt Nam thật sự rất dễ bắt chuyện, vừa vui, gặp mình lại hay để ý những thứ nhỏ nhặt tào lao nữa. Chẳng hạn như mình có thể bắt chuyện với mọi người bằng những điều như: “Ủa, mọi người có thấy cái ghế đôn nhựa này nó thần kỳ lắm không? Không những đa chức năng (vừa làm bàn, làm ghế) mà còn bất tử nữa, cứ gãy cái này chồng ghế gãy khác vô là oke!”.

Sau đó tùy vào trường hợp, mọi người sẽ hùa theo đồng ý với điều đó hoặc họ sẽ kể những trải nghiệm khác với chiếc ghế đẩu. Và cứ thế, mình dùng những câu chuyện nhỏ mình tích góp được hoặc của người khác để bắt chuyện với những người bạn mới!

iDesign: Trong đồ án “Miền du kí”, hầu như mỗi một nhân vật và sự vật đều có nguồn cảm hứng riêng của nó, đa số từ những thứ gần gũi trong cuộc sống. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về khía cạnh này?

Bản đồ vẽ trong game dựa trên khu phố mà mình đã và đang sinh sống từ bé đến lớn đấy! Như đã nói ở trên, vì đây đều là những câu chuyện mình tích trữ mỗi ngày nên mình có thể dễ dàng lột tả lại nó. Ngoài ra, các nhiệm vụ đặt ra trong game đều bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân của mình, từ nhiệm vụ rửa chân trước khi vào nhà cho tới chồng những chiếc ghế gãy. Mình cũng lồng ghép những nhân vật hư cấu nhưng thân thuộc với mọi người vào trong game để tạo sự hài hước, như hình ảnh Cậu Vàng bị đi lạc hay chân dung cô gái trên chiếc xe nước mía gắn với tuổi thơ bao thế hệ!

Quá trình thực hiện: Sự tối giản và tinh tế trong từng chấm bút

iDesign: Vì sao bạn quyết định chọn phong cách pixel này? Điểm khó của phong cách này là gì?

Mình chọn phong cách pixel vì nhiều lí do khác nhau.

Đây là phong cách mang tính hoài niệm đối với thế hệ 8x,9x; những tựa game huyền thoại như Pokemon, Super Mario, Contra,… Mình cũng tin rằng nó mang lại trải nghiệm mới mẻ đối với thế hệ sau này bởi sự khác lạ giữa vô vàn game đồ họa 3D mượt mà, phổ biến hiện nay. Với mình phong cách pixel sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời.

Ngoài ra, mình còn bị thu hút bởi sự tối giản và tinh tế trong từng chấm bút.

Đây cũng là điều khó nhất khi mình theo đuổi phong cách này. Ví dụ khi vẽ đôi mắt, chỉ cần chấm thêm một “hạt” đã tạo ra được sự khác biệt rõ rệt, từ một đôi mắt nhỏ thành đôi mắt to tròn hay đôi mắt nữ tính với hàng mi dài.

Không những phải tính toán vị trí đặt để các “hạt”, số lượng màu sắc được sử dụng trong game cũng bị giới hạn vì nếu dùng quá nhiều màu bức tranh sẽ như chiếc hình bị vỡ nét. Chính sự khó khăn đó mà mình dành hẳn một tháng mò học và luyện tập để nắm bắt được cách vẽ.

iDesign: Bạn hoàn thành đồ án trong bao lâu? Quy trình như thế nào?

Vì là đồ án tốt nghiệp nên mình chỉ có khoảng 4 tháng để hoàn thành mọi thứ bao gồm: nghiên cứu đề tài, thiết kế gameplay (cách chơi), UI/UX, minh họa, lên kịch bản câu chuyện game, làm motion (chuyển động) để demo, sáng tác nhạc,…

Mình vẽ nhiều đến mức có những ngày sau khi dán mắt vào những hình ảnh vuông vuông pixel, mình bị giật mình và cảm thấy lạ lẫm khi nhìn ra đời thực: “Sao hình ảnh sắc nét, mượt mà thế này!”

iDesign: Điểm nào khiến bạn cảm thấy chưa hài lòng trong đồ án tốt nghiệp của mình. Nếu như được làm lại hoặc có nhiều thời gian hơn bạn sẽ làm gì để nó khiến bạn được mãn nhãn?

Dự tính ban đầu của mình là làm một “chiếc” game thể hiện được những đặc trưng, khác biệt văn hóa không những giữa các vùng miền, mà còn giữa các tỉnh lân cận, giữa ngoại ô và trung tâm thành phố. Đáng tiếc mình đã không kịp vẽ ra và thể hiển những yếu tố đó trong 4 tháng. Cơ mà mình vẫn luôn ấp ủ ước mơ hiện thực hóa đồ án này vào một ngày không xa trong tương lai! Mong mọi người tiếp tục ủng hộ và đón chờ dự án sắp tới của mình!

Tìm hiểu nhiều hơn về Thanh Tâm tại :

Behance | Facebook 

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

iD interview idesign signature may Miền Du Kí pixel student project Tâm Lê thiết kế game văn hóa việt nam vietnam artist

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…