El Lissitzky (Phần 1)

El Lissitzky thường được biết đến như một nghệ sĩ Nga tiên phong đầu thế kỷ 20 với loạt tranh Tối thượng Proun kỳ ảo của mình, cũng như sự ủng hộ đặc biệt sâu sắc với Kazimir Malevich, người sáng lập ra trào lưu Tối thượng hay Siêu việt. Tuy nhiên, tác phẩm của ông lại thường được xếp vào chủ nghĩa Kiến tạo do trải dài trong các phương tiện tạo ra sản phẩm mang tính công năng như thiết kế đồ hoạ, ký tự pháp, thiết kế sách, và thiết kế kiến trúc – đam mê lớn nhất của ông. Sản phẩm thiết kế đồ hoạ của ông có tầm ảnh hưởng đặc biệt trong lịch sử của thiết kế đồ hoạ thế kỷ 20. Chúng ta cùng tìm hiểu nghệ sĩ tiền tiến Nga thiết yếu tiếp theo góp phần đặt Nga vào một vị trí cực kỳ quan trọng của nghệ thuật Hiện đại cũng như đặt nền tảng cho toàn bộ nghệ thuật Hiện đại sau đó – đặc biệt là trong vai trò thay đổi xã hội.

  • Không gian cần giống như một nơi trưng bày, một sân khấu, mà trên đó những hình ảnh xuất hiện như những diễn viên trong một vở kịch, hài hay bi. Nó không nên bắt chước lại một không gian sống.
  • Trong không gian được giao phó cho tôi, tôi không nhận thức bốn bức tường như những tấm vách giam giữ hay bảo vệ, mà như một tấm màn sân khấu cho tác phẩm nghệ thuật. Đó là lý do tại sao tôi quyết định phá huỷ bề mặt của tường theo cách đó.

Tóm lược về El Lissitzky

Nghệ sĩ tiên phong người Nga El Lissitzky đã tạo dựng sự nghiệp từ việc sử dụng nghệ thuật để thay đổi xã hội. Trên thực tế, ông đã tạo ra tác phẩm trừu tượng đầu tiên với một thông điệp chính trị. Mặc dù các tác phẩm của Lissitzky thường mang tính trừu tượng và lý thuyết cao, tất cả đều có thể nói lên diễn ngôn chính trị đang thịnh hành ở quê hương ông, nước Nga, sau là Liên Bang Xô viết non trẻ. Tiếp bước Kazimir Malevich trong ngôn ngữ trường phái Siêu việt, Lissitzky sử dụng màu sắc và những hình dạng cơ bản để đưa ra những tuyên bố chính trị mạnh mẽ.

Lissitzky cũng thách thức các quy ước liên quan đến nghệ thuật, và loạt tranh Siêu việt hai chiều Proun của ông đã tìm cách kết hợp kiến trúc và không gian ba chiều với hình ảnh hai chiều, tuy có trừu tượng, truyền thống hơn. Là một người giảng dạy trong phần lớn sự nghiệp của mình và luôn là một nhà cách tân, tác phẩm của Lissitzky trải khắp các phương tiện của thiết kế đồ họa, ký tự pháp, nhiếp ảnh, cắt ghép hình ảnh (photomontage), thiết kế sách, và thiết kế kiến trúc. Công việc của người nghệ sĩ trí tuệ này là một nguồn lực thay đổi, tạo ảnh hưởng sâu sắc đến nền nghệ thuật hiện đại trong đó có các nghệ sĩ phong cách De Stijl và những người hướng dẫn trường phái Bauhaus. 

Thành tựu

  • Lissitzky tin rằng nghệ thuật và cuộc sống có thể kết hợp với nhau và rằng cái trước có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cái sau. Ông xác định nghệ thuật đồ họa, đặc biệt là áp phích và sách, và kiến trúc là những con đường hiệu quả để tiếp cận công chúng. Do đó, các thiết kế của ông, dù là cho các sản phẩm đồ họa hay các tòa nhà, đều thường là những thông điệp chính trị không che giấu. Dù có những hình dạng và màu sắc thô sơ, một bức áp phích do Lissitzky tạo ra có thể tạo ra một tuyên bố mạnh mẽ nhằm thay đổi chính trị và một tòa nhà do ông thiết kế có thể khơi gợi những ý tưởng về tính cộng đồng và chủ nghĩa quân bình.
  • Ông tuyên bố rằng chuỗi tranh Proun tồn tại ở “nhà ga nơi người ta đổi chuyến từ hội họa sang kiến trúc.” Những bức tranh đó, kết hợp các hình thức cơ bản được nhóm lại với nhau và có đặc trưng là các trục chuyển dịch, nhằm đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về hỗn hợp không gian mặc cho bản chất hai chiều của chúng. Lissitzky lý luận rằng tương lai của nghệ thuật nằm ở khả năng hội nhập của chúng. Ví dụ, sự kết hợp giữa hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc… có thể được thực hiện với những bức Proun của ông. Những tác phẩm này có thể được coi là nền tảng cho sự phát triển của nguồn hình ảnh trừu tượng hiện đại, và một tác động lớn tới kiểu kiến trúc công nghiệp hiện đại hướng cực đoan.
Proun 19D (1920 hoặc 1921). Gesso, sơn dầu, sơn véc-ni, chì màu, giấy màu, giấy nhám, giấy kẻ ô, bìa cứng, sơn kim loại, và giấy kim loại trên ván ép.
  • Sức ảnh hưởng của Lissitzky trong giới thiết kế đồ họa không hề được phóng đại. Ông đã sử dụng một bảng các màu chính đã cắt giảm, màu trắng đen, chữ, và các hình thức cơ bản – các hình dạng vừa thực vừa được sáng tạo – để kể chuyện, gồm những câu chuyện truyền thống của người Do Thái, và để tạo ra các tuyên bố chính trị cực kỳ mạnh mẽ.
  • Hình thức biểu hiện nghệ thuật được Lissitzky ưa thích nhất là kiến trúc, tuy rằng ông không thành công thực hiện các bản thiết kế của mình, thường gần như là không tưởng và không thực hiện được. Mơ về một kiến trúc không phân cấp khác với văn hóa nhà chọc trời mới xuất hiện của phương Tây tư bản, những thiết kế của Lissitzky cho “những tòa nhà chọc trời nằm ngang” mãi mãi nằm trong cõi tưởng tượng chưa thực hiện được. Với Lissitzky, lý tưởng quân bình của chủ nghĩa Công sản đòi hỏi những cấu trúc như thế. Chúng có thể dùng là bằng chứng vật chất trong việc hiện thực hóa những lý tưởng như vậy.
Mường tượng về một thiết kế Đám mây sắt (Wolkenbügel) của El Lissitzky được xây dựng trong không gian thực. Mỗi Đám mây là các toà nhà chọc trời nằm ngang giống hệt nhau dự tính đánh dấu các nút giao thông chính của Vành đai Đại lộ ở Moscow – là một cấu trúc phẳng hình chữ L 3 tầng, rộng 180m, cao hơn 50m so với mặt phố, nằm trên ba giá treo (10x16x50m), đặt ở 3 phố khác nhau. Một cột tháp đó đi sâu xuống lòng đất, nối vào phần ga tàu điện ngầm, hai cột còn lại là các trạm xe điện trên mặt đất.

Tiểu sử El Lissitzky

Tuổi thơ

El Lisiztky có tên khai sinh là Eleazar Markovich Lisitskii, quê ở thị trấn Pochinok, nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, đông người Do Thái, ở vùng phía Tây của Đế Quốc Nga cũ. Lisstizky trải qua phần lớn tuổi thơ ở thị trấn Vitebsk (cũng là quê nhà của Marc Chagall), sau đó là 10 năm ở với ông bà tại Smolensk, gần biên giới Belarus ngày nay. Đó cũng là nơi ông học trung học. Với tài năng phác thảo phi thường ở tuổi mười ba, Lissitzky được nghệ sĩ Do Thái địa phương là Yehuda Pen chú ý tới và nhận dẫn dắt. Pen là người đã thành lập Trường Hội họa Vitebsk và dạy rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm cả Chagall.

Chân dung tự hoạ của Yehuda Pen, 1922

Lissizky bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, hướng dẫn những nghệ sĩ trẻ Do Thái nhiệt huyết khác ở tuổi mười lăm. Vào năm 1909, ông bị từ chối nhập học Học viện Nghệ thuật St. Petersburg, do luật bài Do Thái dưới thời Nga Hoàng Nicholas II. Tuy rằng điều luật đó không nhất thiết hoàn toàn từ chối sinh viên Do Thái vào các trường công lập nhưng số lượng sinh viên được nhập học là cực kỳ giới hạn. Sau khi bị từ chối, Lissitzky đến Đức và đăng ký vào Đại học Kỹ thuật (Technisch Hochschule) tại thành phố Darmstadt, nơi ông học về kỹ thuật kiến trúc.

Đào tạo ban đầu

Tại trường Đại học, chương trình học của Lisstizky bao gồm cả vẽ tự do. Suốt những tiết học này, nghệ sỹ sẽ dựa vào trí nhớ phác thảo các hình minh họa đầy màu sắc về các tòa nhà và cảnh quan ở Vitbsk và Smolensk, cũng như các thành phố mà ông đã ghé thăm khi đi bộ đường dài qua miền bắc nước Ý vào mùa hè năm 1912. Những bức vẽ thuở ban đầu này, với đặc điểm những đường nét dày, góc cạnh tròn và bảng màu dịu, gần giống màu nước, về mặt phong cách có nhiều điểm chung với các tác phẩm của những nghệ sĩ Jugendstil hơn là các nghiên cứu kiến trúc sau này, chín chắn và thanh đạm của Lissitzky. Tương tự vậy, các tác phẩm minh hoạ sách cho trẻ em Yiddish của ông, được xuất bản vào cuối thập kỷ đó, mang các yếu tố trực quan đặc biệt của phong cách Art Nouveau cũng như chủ nghĩa biểu tượng dân gian của Marc Chagall.

Với sự bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914, Lissitzky bị buộc phải quay về Nga, cũng giống như Chagall, Wassily Kandinsky và những nghệ sĩ người Nga sinh sống tại nước ngoài khác. Lissitzsky cũng nhận được bằng kỹ thuật và kiến trúc từ đại học kỹ thuật Kiga vào năm 1916. Những năm sau đó, Lissitzky tập trung sức lực nghiên cứu văn hóa Do Thái và sản xuất nghệ thuật dân tộc Do Thái, thứ mà phần lớn vắng mặt ở thời kỳ nước Nga tiền Cách mạng. 

Một minh hoạ cho sách tiếng Do Thái của Lissitzky vào năm 1919

Vào năm 1919, Chagall được bổ nhiệm là Ủy viên Nghệ thuật ở Vitebsk và mở một học viện nghệ thuật, và thuê Lissitzky làm người hướng dẫn về kiến trúc và đồ họa cho nơi này. Trong lúc ở học viện, Lissitzky gặp Kazimir Malevich, một người hướng dẫn khác mà đã phát triển phong cách nghệ thuật trừu tượng gọi là “Trường phái Siêu việt” hay “Trường phái Tối thượng”. Các tác phẩm nghệ thuật Siêu việt chỉ bao gồm hình vuông, hình tam giác và các dạng hình học phẳng khác. Malevich gọi bộ từ vựng nghệ thuật trực quan mới là một “thế giới phi vật thể.” Cuộc gặp gỡ của Lissitzky với phong cách mới của Malevich được xem là bước ngoặt lớn nhất trong sự phát triển bản thân của nghệ sĩ.

Các giáo tư tại trường Nghệ thuật Nhân dân ở Vitebsk (26/07/1919). Từ trái qua: El Lissitzky, Vera Ermolaeva, Marc Chagall, David Lakerson, Iouri Pen, Nina Kogan, Alexandre Romm

Thời kỳ trưởng thành

Vào năm 1920, Lissitzky đã bắt đầu cống hiến mình cho riêng chủ nghĩa Siêu việt. Tuy Lissitzky và Malevich ngày càng thân thiết với nhau hơn và thậm chí còn đồng sáng lập nhóm Siêu việt UNOVIS (Những người ủng hộ Tân nghệ thuật), nghệ thuật của Lissitzky được cho là ít tính Siêu việt hơn do nó thường xuyên sử dụng chủ nghĩa biểu tượng chính trị. Tấm áp phích tuyên truyền của Lissitzky Hạ gục bọn Trắng bằng những Nêm Đỏ (Beat the Whites with the Red Wedge) (1919) chẳng hạn (có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của ông), là một phản ứng trực tiếp với cuộc nội chiến Nga. Nghệ thuật của ông cũng có những yếu tố kiến trúc khác biệt, đối lập với nghệ thuật của người hướng dẫn của ông.

El Lissitzky (trái) và Malevich (phải) với hình vuông đen ở cổ tay áo, thể hiện sự đoàn kết tại nhóm UNOVIS của họ

Nhằm đạt được phong cách khác biệt của chính mình và nhấn mạnh rằng nghệ thuật của ông thật sự độc nhất đồng thời cũng vô cùng trừu tượng và có bố cục hình học rõ ràng, Lissitzky đã tạo ra các biến thể riêng của phong cách Siêu việt. Ông vẽ một chuỗi tranh bằng phong cách này, cái mà ông gọi là “Prounen” hay “Proun”, những từ mà ý nghĩa của chúng chưa từng được Lissitzky tiết lộ với bất kỳ ai. Một giả thuyết cho rằng từ “Proun” dịch sang tiếng Latin là “prounovis, hay viết tắt cho “proekt utverzhdenya novogo,” (từ cái tên nhóm mà ông đang là thành viên), trong tiếng Nga có nghĩa là “Dự án khẳng định cái mới”. Trong khi đó, tình yêu và hiểu biết của Lissitzky dành cho kiến trúc đóng một vai trò lớn trong chuỗi tranh vẽ và tranh in thạch bản Proun của ông, trong đó ông thử nghiệm với nhiều hình thức dạng kiến trúc truyền thống, chẳng hạn như cầu và các tòa nhà cao tầng, và đặt chúng trong một môi trường không trọng lượng viễn tưởng.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của Lissitzky là áp dụng chủ nghĩa Siêu việt vào kiến trúc thực tế ở quê hương ông, nước Nga, nơi mà ông cho rằng đã phụ thuộc quá nặng nề vào phong cách châu Âu cổ điển. Vào thời đấy – những năm 1920 – phong trào chủ nghĩa Siêu việt bắt đầu phân thành hai phe khác nhau: một phe ủng hộ những lý tưởng không tưởng của phong trào và một phe muốn đạt được các mục tiêu thiết thực hơn và được dùng cho quá trình công nghiệp hóa. 

Hình ảnh Lissitzky làm việc với thiết kế nhà hát Meyerhold năm 1928

Người hướng dẫn của Lissitzky, Malevich, ủng hộ phe đầu tiên. Một nghệ sĩ thuộc đội ngũ sau là Vladimir Tatlin, người đã kết bạn với Lissitzky vào khoảng thời gian hai người dạy ở Các Hội thảo Kỹ thuật và Nghệ thuật Nhà nước Cấp cao ở Moscow (Moscow’s Higher State Art and Technical Workshops). Mặc dù có cùng triết lý với các thành viên thuộc nhóm vị lợi, Lissitzky nhìn chung vẫn trung lập trong sự phân chia này.

Sau khi chủ nghĩa Siêu việt tan rã vào cuối những năm 1920, Lissitzky quay lại Đức sau gần tám năm xa cách, lần này trở về với tư cách là một nhà đại diện văn hóa chính thức của Nga. Khi ở Đức, ông là nhà thiết kế đồ họa, thiết kế các trang bìa cho vô vàn tạp chí và tờ báo. Vào lúc ấy, ông cũng cho ra vài bản thiết kế đáng chú ý nhất của mình cho các tờ áp phích tuyên truyền Xô viết. Tầm nhìn của Lissitzky cho một kiến trúc mới cũng sẽ đi tới những tầm cao mới trong giai đoạn này trong sự nghiệp nghệ thuật của ông.

Một áp phích thiết kế năm 1930 của Lissitzky

Để tôn vinh thêm điều ông cho là sự siêu việt của nhà nước Xô viết mới, Lissitzky phát triển các kế hoạch cho chủ nghĩa Kiến tạo, một phong trào nghệ thuật quốc tế được thiết kế nhằm mở ra một loạt các đường chân trời đô thị mới. Những công trình mới mà Lissitzky đã hình dung này được hình thành phù hợp với lý thuyết đằng sau các bố cục Siêu việt trước đó của ông: kiến trúc không bị trói buộc bởi trọng lực. Mặc dù tầm nhìn sau này của ông cho việc xây nhà hướng lên các cõi trên không dựa vào chủ nghĩa thực dụng, như được phản ánh trong các bản vẽ kiến trúc hai chiều của ông, các thiết kế của ông cho các kiến trúc Kiến tạo thực sự có mục đích là được hiện thực hóa: Lissitzky quyết tâm xây dựng “các tòa nhà chọc trời nằm ngang”, những tòa nhà dính với mặt phẳng nằm ngang. Quyết định này gây mâu thuẫn trực tiếp với truyền thống nhà chọc trời ngày càng tăng của người Mỹ.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

El Lissitzky Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…