Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu

Tiếp nối phần đầu tiên của loạt bài về Gustav Klimt, ta tiếp tục tìm hiểu phần còn lại của thành tựu cũng như tiểu sử của ông. Cụ thể, ta sẽ khám phá sự sáng lập Vienna Seccession danh tiếng của Klimt cùng các đồng nghiệp, giai đoạn sau cho tới khi ông qua đời, và đánh giá di sản của ông. 

Sáng lập Vienna Secession (Ly khai Vienna)

Künstlerhaus (1883) chụp bởi August Kronstein © Künstlerhaus Archiv

Klimt đã thực hiện công trình của mình tại trường Đại học Vienna cùng thời điểm với một cuộc chia rẽ sâu sắc hơn trong cộng đồng nghệ thuật Vienna. Vào năm 1897, ông cùng một số nghệ sĩ và nhà thiết kế hiện đại khác từ bỏ tư cách thành viên của mình trong Künstlerhaus (“Nhà Nghệ sĩ”), hiệp hội của các nghệ sĩ hàng đầu Vienna, mà Klimt đã là thành viên từ năm 1891. Künstlerhaus nắm quyền kiểm soát địa điểm chính cho triển lãm nghệ thuật đương đại trong thành phố, và Klimt cùng những người theo chủ nghĩa hiện đại phàn nàn rằng họ bị từ chối các quyền lợi tương tự khi triển lãm tác phẩm ở đó vì Künstlerhaus, được nhận một khoản hoa hồng thuộc từ tác phẩm trưng bày, ưu ái cho những tác phẩm bảo thủ bán chạy hơn. 

Nhóm những người theo chủ nghĩa hiện đại ngay lập tức tập hợp lại sáng lập nên Vienna Secession (còn được gọi là Liên minh các nghệ sĩ Áo) vào năm 1897. Cùng với Klimt, nhóm còn bao gồm Josef Hoffmann, Koloman Moser, và Joseph Maria Olbrich. Klimt được chọn là chủ tịch sáng lập của Secession. Các nguyên tắc thành lập như sau: tạo cho những nghệ sĩ trẻ và độc đáo cơ hội thể hiện tác phẩm của họ; khai sáng Vienna bằng những tác phẩm của những nghệ sĩ nước ngoài (cụ thể là những hoạ sĩ Ấn tượng Pháp, điều mà Künstlerhaus đã thất bại); và xuất bản một tạp chí định kỳ, sau cùng có tiêu đề là Ver Sacrum (“Mùa xuân thiêng liêng”), lấy tên từ truyền thống của người La Mã về việc các thành phố gửi những công dân thuộc thế hệ trẻ ra ngoài tự tìm nơi định cư mới. 

Toà nhà Secession (Ly khai) © Österreich Werbung, ảnh chụp bởi Popp Hackner

Secession nhanh chóng đánh dấu sự hiện diện của mình trong khung cảnh nghệ thuật của thành phố thông qua một chuỗi các cuộc triển lãm mà Klimt đã đóng một vai trò lớn trong việc tổ chức. Nhiều trong số những cuộc triển lãm đó đề cao tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại nước ngoài, những người đã trao cho vị trí thành viên danh dự của nhóm. Những cuộc triển lãm nhận về được rất nhiều sự hoan nghênh từ công chúng và gây ra ít tranh cãi tới đáng ngạc nhiên, mặc dù Vienna gần như chưa được tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại. 

Vào năm 1902, những thành viên Secession tổ chức buổi triển lãm lần thứ 14 để tưởng niệm nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven. Dành cho buổi triển lãm này, Klimt đã vẽ bức phù điêu Beethoven (Beethoven Frieze) nổi tiếng của mình, một tác phẩm đồ sộ và phức tạp, nghịch lý thay, lại không có sự liên quan rõ ràng đến bất kỳ tác phẩm nào của Beethoven. Thay vào đó, nó được xem như một câu chuyện ngụ ngôn phức tạp, trữ tình và được trang trí công phu về nghệ sĩ như là Chúa trời. 

Mặc dù Secession tận tụy với ý tưởng về Gesamtkunstwerk, hoặc một môi trường được thiết kế hoàn chỉnh và hài hoà, nó vẫn cố giữ nghệ thuật nằm trên những mối quan tâm thương mại. Điều này đã được chứng minh là một vấn đề với các thành viên, nhất là những nghệ sĩ trang trí, những người với công việc thiết kế các vật dụng hữu ích và họ cần một đầu ra  thương mại để có thể thành công. Năm 1903, hai trong số những thành viên nổi bật, Josef Hoffmann và Koloman Moser đã thành lập một tổ chức mới, Wiener Werkstätte (Xưởng Vienna), chuyên về quảng bá và thiết kế cho nghệ thuật trang trí cũng như kiến trúc cho mục đích ấy. Thân với cả Hoffman và Moser, Klimt cũng cộng tác với họ trong một số dự án của Werkstätte, đáng chú ý nhất là bức phù điêu cây sự sống nhiều tầng cho lâu đài Stoclet ở Brussels, Gesamtkunstwerk xuất sắc nhất được Werkstätte cho ra đời vào giữa những năm 1905-1910.

Cây sự sống (The tree of Life) (1905-10) – Gustav Klimt

Vào năm 1903, Klimt và một số cộng sự của ông từ chức khỏi Vienna Secession do bất đồng về liên kết của nhóm với các phòng trưng bày địa phương, vốn không có thế mạnh ở Vienna, để tiếp thị cho nghệ thuật của họ. Mặc dù có không gian triển lãm riêng, Secession vẫn gặp phải những khó khăn do thiếu hụt một địa điểm có hệ thống để hoàn thành việc bán tác phẩm của họ. Klimtgruppe (được hiểu là Klimt và những người ủng hộ ông, có bao gồm Moser và Josef Maria Auchentaller) đã đề xuất việc mua lại phòng trưng bày Miethke nhưng thiếu một phiếu bầu để được thông qua khi đề xuất này được đưa ra trước thành viên. Lý do của bên phản đối mong muốn tiếp tục giữ Secession hoàn toàn tách biệt với lợi ích thương mại. Việc từ chức của Klimtgruppe đã làm mất đi những thành viên danh tiếng nhất của Secession. Tuy vậy, trong những năm sau đó hiệp hội vẫn được làm mới lại nhiều lần – thường trùng với những thay đổi trong lãnh đạo – và ngày nay nó vẫn là đoàn thể duy nhất do nghệ sĩ điều hành tại Áo, dành riêng cho việc quảng bá nghệ thuật đương đại. 

Giai đoạn sau này và cái chết 

Ảnh hưởng từ Nhật Bản. Bên trái: Bức phù điêu Kỳ vọng, Stoclet (Expectation, Stoclet Frieze) (chi tiết) (1911) – Gustav Klimt. Bên phải: Gái điếm hạng sang Kasugano (The Courtesan Kasugano) (1795) – Hosoda Eisho

Trong thập kỷ từ năm 1898 đến 1908, khi đang còn hoạt động dưới tư cách là một thành viên của Secession và hoàn thành đơn đặt hàng của trường đại học, phong cách cá nhân của Klimt, vốn kết hợp các yếu tố của cả thời kỳ tiền hiện đại và hiện đại một cách phong phú, đã đạt đến trình độ hoàn hảo. Ông cho ra đời một vài tác phẩm nổi tiếng trong những năm này và chúng cùng nhau tạo thành “Thời kỳ Hoàng kim” (Golden Phase) của ông, được gọi như vậy phần lớn vì Klimt sử dụng nhiều vàng lá. 

Những bức tranh trong thời kỳ này gồm Cánh đồng hoa anh túc (Field of Poppies) (1907), Nụ hôn (The Kiss) (1907-08) cùng với những bức chân dung Pallas Athene (1898), Judith I (1901) và Adele Bloch-Bauer I (1903-07). Dù ngày nay chúng rất được tôn trọng, sự tiếp nhận vào thời điểm đó không phải lúc nào cũng thiện ý như vậy: một nhà phê bình đã châm biếm khi nhìn thấy Bloch-Bauer I lần đầu tiên, ông cho rằng nó “blech hơn cả Bloch” (“blech” thật ra là từ tiếng Đức, có nghĩa thiếc). Nếu Klimt không thích sự phản ứng đối với các bức tranh của mình thì có lẽ ông hẳn đã vui vì các nhà phê bình không bao giờ được xem những quyển sổ phác hoạ của ông, vì Klimt vào đầu thế kỷ XX, ở một khía cạnh nào đó, là một phiên bản nam đầu thế kỷ 20 của crazy cat lady điển hình. Ông tự cho rằng nước tiểu mèo là chất giúp cố định tốt nhất, vậy nên những quyển sổ phác hoạ của ông thường được phủ bởi chất này.

Phòng khách trong căn nhà của Gustav Klimt trên đường Westbahnstraße, được vẽ bằng màu nước bởi Julius Zimpel năm 1918

Trong khoảng thập kỷ cuối của cuộc đời mình, Klimt đã dành phần lớn thời gian của ông ở xưởng vẽ và khu vườn ở Hietzing, ở Vienna, và quê nhà của gia đình Flöge, nơi ông cùng Emilie dành nhiều thời gian bên nhau. Mặc dù chắc chắn giữa họ có một mối quan hệ lãng mạn, nhưng nhiều người vẫn tin rằng cả hai chưa bao giờ bị cám dỗ trước ham muốn thể xác. Tuy nhiên, sự gần gũi của họ không làm dịu đi sự chán ghét của ông dành cho việc sử dụng ngôn ngữ viết: trong một bức thư gửi đến Emilie, ông đã bực bội tới mức chỉ viết vỏn vẹn “Mặc xác những con chữ chết tiệt này”. Klimt cũng ngắn gọn và không có thành ý ngang nhau khi bàn luận về những nơi ông đã đi qua; có một lần ông đến Ý, ông cũng chỉ kể lại cho Emilie rằng “có quá nhiều điều cảm động ở Ravenna – những tấm mosaic vô cùng lộng lẫy.”

Trong những mùa hè này, Klimt đã tạo ra nhiều bức tranh phong cảnh en plein air tuyệt đẹp, chẳng hạn như Công viên (The Park) (1909-10), vị trí vẽ thường là từ một nơi có điểm nhìn tốt trên chiếc xuồng hoặc một bãi đất trống. Klimt có hai tình yêu: hội hoạ và phụ nữ, và sự khao khát của ông dành cho cả hai điều này dường như đều không có điểm dừng. Đời tư của Klimt, điều mà ông luôn cố gắng đến khổ sở để giữ kín, lại trở thành một đề tài khá phổ biến được đem ra suy đoán giữa những nhà phê bình và những nhà sử học, đặc biệt là với vô số những bức chân dung phụ nữ của Klimt. Với một số trường hợp nhất định, không có sự thống nhất nào về mối quan hệ giữa Klimt và những người phụ nữ; với những trường hợp còn lại, nhiều báo cáo thề thốt bằng lời của những người có quan hệ thân mật với Klimt, trong khi những báo cáo khác – một phần do thiếu bằng chứng xác thực – nghi ngờ rằng có bất kỳ liên quan lãng mạn nào đó giữa Klimt và những người mẫu này. 

Xưởng vẽ của Klimt ở Hietzing  © Klimt Foundation, Wien

Mặc dù Klimt không thay đổi những chủ đề của mình trong suốt những năm cuối đời của mình nhưng phong cách hội hoạ của ông đã trải qua những thay đổi đáng kể. Bỏ đi phần lớn việc sử dụng vàng, bạc lá và đồ trang trí nói chung, nhà hoạ sĩ bắt đầu sử dụng những hỗn hợp màu sắc tinh tế, chẳng hạn như màu hoa cà, màu đỏ san hô, màu hồng cam cá hồi và vàng. 

Klimt cũng cho ra một số lượng bản vẽ phác và nghiên cứu đáng kinh ngạc suốt khoảng thời gian này, phần lớn trong số đó là phụ nữ khoả thân, một số khiêu gợi đến mức cho đến ngày nay chúng hiếm khi được trưng bày. Đồng thời, nhiều bức chân dung sau này của Klimt được ngợi ca vì người nghệ sĩ đã có chú ý nhiều nhất đến nhân vật và có một mối quan tâm được cho là mới đối với sự chân thực. Những đặc điểm này được thể hiện rõ trong Adele Bloch-Bauer II (1912) và Mäda Primavesi (1913), cũng như bức Những người bạn (The Friends) (khoảng 1916-17) khiêu gợi một cách kỳ lạ, miêu tả như một cặp có vẻ là đồng tính nữ – một người khoả thân và một người có mặc đồ – trên phông nền cách điệu của chim và hoa. 

Những người bạn (The Friends) (1916-17)

Ngày 11 tháng 1 năm 1918, Klimt trải qua cơn đột quỵ, khiến ông bị liệt nửa người bên phải. Nằm liệt giường và không còn khả năng vẽ hay thậm chí là phác hoạ, Klimt chìm trong nỗi tuyệt vọng và mắc phải bệnh cúm. Vào ngày 6 tháng 2, ông qua đời, ông là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất bị nhiễm dịch cúm vào năm đó. Ông chỉ là một trong số bốn nghệ sĩ vĩ đại người Vienna qua đời vào năm đó: Otto Wagner, Koloman Moser và Egon Schiele đều không qua khỏi, Schiele cũng là một nạn nhân của dịch cúm

Vào thời điểm mà Klimt mất, nhiều trào lưu nghệ thuật hiện đại khác nhau, bao gồm Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Vị lai, Dada và Chủ nghĩa Kiến tạo đang thu hút được nhiều sự chú ý của những người châu Âu sáng tạo. Tổng thể tác phẩm của Klimt được xem là một phần của thời đại đã qua trong hội hoạ, vốn vẫn tập trung vào con người và những hình dáng tự nhiên hơn là việc giải cấu trúc hay hoàn toàn bỏ đi chúng. 

Ngôi mộ của Klimt ở Hietzing, Vienna, phần bia mộ được khắc bởi Josef Schagerl junior năm 1962

Di sản của Gustav Klimt

Klimt chưa bao giờ kết hôn, cũng không bao giờ có ý định vẽ một bức tranh là tranh tự họa; và không bao giờ tự nhận là cách mạng hoá nghệ thuật theo bất kỳ cách nào. Klimt ít khi đi du lịch nhưng ông có rời khỏi Áo một vài lần để đến thăm các địa điểm khác ở châu Âu (mặc dù trong một lần đến Paris, ông hoàn toàn không thấy ấn tượng). Với Secession đột phá, mục đích chính của Klimt là hướng đến những nghệ sĩ Vienna đương đại và lần lượt thu hút sự chú ý của họ với thế giới nghệ thuật hiện đại rộng lớn hơn nhiều so với chỉ nằm trong khuôn khổ nước Áo. Ở mặt này, Klimt đã giúp Vienna lột xác trở thành một trung tâm văn hoá và nghệ thuật hàng đầu vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ.

Ảnh hưởng trực tiếp của Klimt đối với các nghệ sĩ khác và các phong trào sau đó khá hạn chế. Rất giống cách mà Klimt tôn kính Hans Makart nhưng cuối cùng lại khác với phong cách người thầy của mình, những nghệ sĩ trẻ tuổi hơn của Vienna như Egon Schiele và Oskar Kokoschka tỏ lòng tôn kính đối với Klimt từ rất sớm, chỉ để trưởng thành trong những hình thức hội hoạ gần trừu tượng hơn và hướng theo trường phái biểu hiện hơn. 

Ở tuổi 17, Schiele tìm gặp Klimt và phát triển một tình bạn với bậc thầy này mà ngày nay thể hiện qua một số so sánh giữa những tác phẩm của họ; Ví dụ Hồng y và Nữ tu (Cardinal and Nun) (Caress) của Schiele năm 1912 chắc chắn dựa trên tác phẩm Nụ hôn (The Kiss) (Lover) của Klimt năm 1907-08. 

Klimt đã giới thiệu Schiele với nhiều chủ phòng trưng bày, nghệ sĩ và người mẫu, bao gồm Valerie (Wally) Neuzil, người cùng Schiele bắt đầu một mối quan hệ năm 1911 vào khoảng thời gian cả hai cùng nhau chuyển đến Krumau ở Bohemia (nay là Cesky Krumlov, thuộc Cộng hoà Séc) – mặc dù vào năm 1916 Neuzil trở lại Vienna để làm mẫu cho Klimt lần nữa. Cả Schiele và Klimt đều cho ra đời những bức chân dung của vị khách tiền tiến giàu có Friederike Maria Beer-Monti, lần lượt vào năm 1914 và 1916; trên thực tế, ban đầu Klimt đã từ chối nhận tiền trả cho bức chân dung được vẽ sau cho Beer-Monti vì Schiele đã hoàn thành bức chân dung của mình. 

Bức vẽ Friederike Beer-Monti của Schiele

Trong khi một số nhà phê bình và nhà sử học cho rằng không nên đưa tác phẩm của Klimt vào quy chuẩn của nghệ thuật hiện đại, những tác phẩm nghệ thuật của ông – đặc biệt là tranh vẽ sau 1900 – vẫn giữ lại được sự ấn tượng bởi hình tượng kết hợp cái cũ và hiện đại, cái thực và cái trừu tượng. Klimt cho ra đời tác phẩm vĩ đại nhất của mình trong thời kỳ mở rộng kinh tế, thay đổi xã hội và sự ra đời của những tư tưởng cấp tiến, và những đặc điểm này thể hiện rõ trong những bức tranh của ông. 

Klimt đã tạo cho mình một phong cách mang đậm tính cá nhân và ý nghĩa ẩn trong những tác phẩm của ông không thể được giải mã hoàn toàn nếu không biết về những mối quan hệ cá nhân của chính ông với những những người mẫu được vẽ và, vì sự thận trọng của Klimt về đời tư của mình, những ẩn ý đó có lẽ cũng không bao giờ được hiểu một cách đầy đủ. Những tác phẩm khác trực quan hầu như là khó nhìn thấu được bởi sự sắp xếp khó hiểu về nội dung của chúng. Việc này dù sao cũng được cho là góp phần vào danh tiếng của Klimt, vì những bức tranh của ông sẽ liên tục bị phủ bởi sự bí ẩn nào đó và thu hút vô số những cách giải thích cũng như sự nghiền ngẫm phê phán sâu sắc.

Bức Cái chết và Sự sống (1910/15) – một bức được xếp vào thể loại Biểu tượng của Klimt

Bức Phù điêu Beethoven

Những thiếu nữ (Die Jungfrau) (1913)

Klimt đã đạt được một sự bất tử từ những tranh cãi mà ông tạo ra bởi nội dung trong tác phẩm của mình vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ cũng như bí ẩn xung quanh những mối quan hệ của ông với những người mẫu. Nhưng Klimt cùng với một số những tác phẩm nổi tiếng của mình thậm chí rồi vẫn vượt qua được điều này, lâu sau khi ông chết. 

Một vài bức tranh của Klimt đã lọt vào bộ sưu tập của những người Do thái am hiểu vào những năm 1930, và thực tế này, có lẽ cùng với danh tiếng của Klimt như một nghệ sĩ hiện đại nổi bật, đã khiến chúng bị Đức quốc xã tịch thu sau năm 1938 và được trưng bày sau chiến tranh tại các bảo tàng trong nước, nếu chúng không bị phá huỷ. Trong khi đó, những chủ sở hữu ban đầu và những người thừa kế từ họ – đáng chú ý nhất là gia đình Altmann, những người đã tuyên bố chủ quyền với tác phẩm Adele Bloch-Bauer I của Klimt – đã đệ đơn kiện để thu hồi những bức tranh vì quyền sở hữu cá nhân, một trong số đó cũng đã thành công. Những sự kiện như vậy đã tôn lên đáng kể tên tuổi của Klimt với tư cách là một nghệ sĩ, với việc bán một số tác phẩm được phục hồi mang lại những giá bán kỷ lục. 

Người dịch: Nguyên
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!

Cùng tác giả

#Tag

Art nouveau gustav klimt Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…