iDesign Signature | Harry Vu và dự án Lĩnh Nam: ‘Một khi cảm nhận được cái tôi nghệ thuật dâng cao, mình chắc chắn phải cho nó cháy’

Gặp gỡ Harry Vu, nhiếp ảnh gia đứng đằng sau dự án “LĨNH NAM” để cùng lắng nghe những chia sẻ của anh về chặn đường mang nhiều hoài bão và thử thách này.

“LĨNH NAM: HỌ HỒNG BÀNG” – Triển lãm nhiếp ảnh tương tác được Harry Vu lấy cảm hứng từ những câu chuyện huyền sử Việt Nam trong bộ “Lĩnh Nam Chích Quái”. Dự án gồm 22 bức ảnh xoay quanh truyền thuyết về Họ Hồng Bàng qua câu chuyện của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là huyền tích về nguồn cội khởi sinh dân tộc Việt, là chủ đề khơi nguồn sáng tạo để Harry Vu mở đầu cho chuỗi dự án “LĨNH NAM”. Đây cũng là dự án đầu tiên của Harry trong năm 2021, được anh kết hợp thực hiện với các nghệ sĩ khác là stylist Huyền Coco, nghệ sĩ xếp giấy Tuấn Phạm và cố vấn sáng tạo Bobby Nguyen.

Lĩnh Nam Chích Quái là gì?

Lĩnh Nam Trích Quái (chữ Hán: 嶺南摭怪; có nghĩa là “Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam”), thường bị gọi sai chính tả thành Lĩnh Nam Chích Quái, là một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần.

iDesign đã gặp gỡ Harry trong ngày đầu tiên của “LĨNH NAM: HỌ HỒNG BÀNG” và khá ấn tượng bởi phong thái nhẹ nhàng, gần gũi của một nhiếp ảnh gia. Dưới tâm thế đó, iDesign đã có một buổi trò chuyện đầy thú vị về triển lãm và cái tôi nghệ sĩ trong anh.

Xin chào Harry! Bạn tự mô tả bản thân mình là một người như thế nào?

Mình là Harry Vu, tên thật là Vũ Hoàng Tú, người Việt Nam 100% không có mix gì hết (cười). Thật ra cái nickname kia có được là do quá trình mình học thiết kế đồ hoạ ở nước ngoài 7 năm, học thì có 5 năm thôi nhưng ở lại thêm 2 năm nữa để làm nhiếp ảnh. Trong khoảng thời gian đó, mình thường phải làm việc trong nhiều buổi chụp ảnh khác nhau, cường độ công việc cao nên mọi người phải tương tác liên tục, cái tên tiếng Việt lúc này lại hơi khó khăn cho người bản xứ trong việc phát âm nên mình quyết định đổi hẳn lại thành Harry Vu cho tiện rồi chết cái tên đó đến giờ.

Cơ duyên nào đã mang bạn đến với con đường nhiếp ảnh?

Lúc đầu mình chọn học thiết kế đồ hoạ vì ngành này khá rẻ (cười), may mắn thay, mình nhận được một phần học bổng miễn giảm 50% các môn học đại cương nên thầy phụ trách đã khuyên học thêm một ngành liên quan để hoàn thành cả khối ngành. Thời điểm đó, thiết kế đồ hoạ có tính gắn bó mật thiết với nhiếp ảnh và điện ảnh đây cũng là lúc mình quyết định theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh.

Tại sao bạn lại chọn nhiếp ảnh thay vì điện ảnh? Harry thích hình dạng “tĩnh” hơn hay là do có một lý do nào khác?

Thật ra mình nghĩ đó là cái duyên, lúc đầu mình cũng rất thích điện ảnh, ai mà lại không thích xem phim, tuy nhiên mình lại cảm thấy làm phim không hề đơn giản, phải có cả một đội ngũ rất đông thì mới hiện thực hoá ý tưởng. Thời của mình những đứa gọi là “nghệ” thì thường hay thích sống tách biệt, mà bản tính của mình cũng lại là đứa ưa làm việc độc lập, thành ra nếu có nhiều cá nhân như vậy hợp lại thì chắc cũng chẳng nên trò trống gì nhiều. Cộng thêm rào cản về mặt ngôn ngữ và văn hoá, mình lo lắng rằng không có đủ mối quan hệ cần thiết nên đã không dám thử sức với điện ảnh. Nhiếp ảnh rất phù hợp với mình trong thời điểm đó cũng như mang đến cho mình những mối quan hệ khác sau này.

Lý do hay động lực nào đã thúc đẩy bạn tạo nên triển lãm “LĨNH NAM”?

Là một người rất thích đi du lịch cũng như có một thời gian sinh sống, làm việc ở nước ngoài nên bản thân mình thường hay bị nhầm lẫn với các quốc gia Châu Á khác và hay gặp câu hỏi: Bạn là ai? Bạn đến từ đâu? Khi trả lời mình là người Việt Nam thì đa số phản ứng của mọi người sẽ là: “Ồ! Việt Nam hả? Việt Nam nó ở đâu vậy?” lúc mình bắt đầu mở bản đồ ra và chỉ thì họ sẽ bắt đầu tò mò hỏi sâu thêm: “Ở nước của bạn thì có những gì? Tôi không biết gì về quốc gia của bạn cả, giới thiệu thử cho tôi đi”, sau những lần như thế mình ngồi rất lâu để nói về bản sắc văn hoá và con người Việt Nam, chẳng hạn như Múa rối nước, tranh Đồng Hồ, gốm Bát Tràng,…

Có thể ngay cả chính chúng ta, người Việt Nam, khi thoáng nhìn qua cũng khó cảm nhận được hết sự thâm thuý ẩn chứa bên trong những làng nghề thủ công cho đến khi thấy tận mắt chứng kiến sự tỉ mỉ và cần cù trong quá trình lao động của họ. Văn hoá Việt Nam có rất nhiều cái hay mà mình rất mong muốn những cá nhân đang đồng điệu với mình trong nghệ thuật như điêu khắc, hội hoạ, điện ảnh, sân khấu và cả truyện tranh, bất kỳ hình thức nào sẵn có nên tiếp tục kể những câu chuyện về chúng cũng như khai thác sâu hơn những khía cạnh mới để làm cho nét đẹp văn hoá Việt Nam mãi được lưu truyền. Chúng ta phải cho thế giới ngày càng nhận thức được rằng “Chúng ta là ai? Chúng ta có những gì? Đến khi đó, cả mình hay cả bạn cũng sẽ không phải nhận về sự ngạc nhiên như “Ồ! Việt Nam là đây đó hả?”.

Được biết trong bộ “Lĩnh Nam Trích Quái” có rất nhiều những câu chuyện huyền sử thú vị khác nhau, vậy tại sao bạn lại chọn bắt đầu với “HỌ: HỒNG BÀNG”?

Trong nhiều lần tiếp xúc cũng như làm việc, mình thấy có khá nhiều bạn không hiểu hết và hay nhầm lẫn về câu chuyện “Trăm trứng đẻ trăm con” lại thành “Trăm trứng đẻ trăm con, năm mươi người con trai lên non, năm mươi người con gái xuống biển” nhưng trên thực tế trong bộ “Lĩnh Nam Chích Quái” được “Đại Việt Sử Ký” toàn thư liên kết lại đã mô tả rằng đây là “100 người con trai” và về sau tất cả cùng tôn người con cả lên làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Phiên bản “Lĩnh Nam Chích Quái” thời Trần này tuy không chính thống nhưng lại là bản gần như đầu tiên, còn lại tất cả về sau hầu như đều là dị bản.

Thêm vào đó, người Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đã tự hào là “Con Rồng Cháu Tiên”, không một ai có thể phủ nhận được nguồn gốc đó, tuy nhiên để minh chứng rõ ràng cho câu chuyện này thì lại là bài toán rất nan giải. Chính vì vậy, mình quyết định bắt đầu ngay từ thời đại đầu tiên, có gốc rễ thì mới tiếp tục kể thêm được những câu chuyện khác, mình chưa biết bản thân là ai thì làm sao có thể phát triển hay tiếp nối câu chuyện của chính mình. Hy vọng khi tới xem và ghi nhớ những chi tiết nhỏ trong “HỌ: HỒNG BÀNG” chúng ta sẽ ngày càng củng cố hơn nữa về những chi tiết huyền sử tuyệt diệu của Việt Nam.

Bạn đã gặp phải những khó khăn, thuận lợi như thế nào trong lúc tìm kiếm nguồn cảm hứng?

Bản thân mình khi thích những câu chuyện này và bắt đầu nghiên cứu thì lại không tìm thấy nhiều tài liệu về nó, liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, kịch nghệ thì vốn đã có từ trước nhưng riêng về nhiếp ảnh nghệ thuật thì lại chưa từng kiếm ra. Mình lập tức tự đặt câu hỏi trong đầu rằng lỡ mai 10 năm, 20 năm sau có mấy đứa em trong nghề cũng bắt đầu tìm kiếm hệt như mình lúc này thì tay trắng lại hoàn trắng tay sao, nói đến đây, mình cùng một vài anh em bàn với nhau thôi thì bắt tay làm đi, tất cả chỉ diễn ra đơn thuần như thế.

Ngay từ lúc bắt đầu, mình lúc nào cũng làm việc dưới một tâm thế học hỏi, làm cái này không hoàn hảo cũng được nhưng phải cố gắng hết sức, biết đâu mọi người sẽ nhìn vào và đồng ý rằng văn hoá Việt Nam còn nhiều thứ hay ho mà mình chưa hiểu được hết, những thứ mà mình đã lướt qua nhưng lại nhanh chóng quên đi. Thậm chí nếu có ai đó chế nhạo “Ông này làm chưa đẹp, tôi làm sẽ đẹp hơn”, mình vẫn sẵn sàng đón nhận và luôn mong chờ điều đó xảy ra (cười). Có thể sau này khi mình không còn nhiều sức lực nữa, khi đó mình vẫn muốn tiếp tục hỗ trợ cho lớp trẻ để tất cả cùng nhau vươn xa tầm thế giới.

Vì sao bạn lại quyết định chọn nhiếp ảnh làm phương thức diễn đạt?

Khi “bay” thì mình cũng cần người có đủ bản lĩnh để giữ chân mình lại, và rất may mắn là người đàn anh mà mình rất tôn trọng trong nghề, anh Bobby Nguyen đã nhận lời làm người cố vấn sáng tạo cho buổi triển lãm cũng như nhân tố “kiềm cương” tính nghệ sĩ của riêng mình (cười). Tiếp theo đó, mình và anh Bobby Nguyen cùng ngồi lại để bắt đầu tìm kiếm một phương thức thể hiện phù hợp. Thoạt đầu, mình muốn dựng một con rồng 3D, thậm chí là bỏ tiền ra để mua máy chiếu laser với độ phân giải 2k để tạo ra những chuyển động thật nhất nhưng tất cả lại chìm vào quên lãng vì phải chi ra quá nhiều tiền.

Yếu tố làm mình đắn đo thêm nữa lại đến từ thời gian, với suy nghĩ trong 10 – 20 năm nữa công nghệ phát triển, máy chiếu xuất hiện loại 20, 40k thì sao? Lúc ấy chẳng lẽ triển lãm của mình lại biến thành một thứ giống như bộ phim cũ xì, không còn ý nghĩa, không còn sức lôi cuốn nào nữa. Sau nhiều lần vò đầu bứt tai, cả hai đi đến quyết định chụp phim, có sao để vậy, không qua chỉnh sửa và từ chối công nghệ, chụp bằng phương tiện truyền thống nhất, ảnh phim và máy Leica.

Những yếu tố đặc biệt trong hình ảnh của “HỌ: HỒNG BÀNG” là gì?

Chụp một tấm ảnh đối với mình ở thời điểm này không khó nhưng chụp cả một bộ hình cũng như để nó kết nối lại với nhau thì cũng phải mất khá thời gian và bố trí cách sắp xếp hợp lý. Thông điệp mà mình muốn truyền tải luôn vẫn là câu chuyện truyền thống, văn hoá Việt Nam, nhiếp ảnh có chăng chỉ là cách thể hiện để mang cả câu chuyện đến với nhiều người hơn.

Về hình ảnh thì mình luôn cố gắng giữ cho nó “mộc” hết sức có thể để trong 10 năm, 20 năm nữa, những lớp người khác vẫn có thể nhìn vào đó và cảm nhận được vẻ đẹp ẩn giấu, không quá cũ hay quá điên. Thêm vào đó, mình cũng có lồng ghép một chút về yếu tố phong thuỷ với 5 màu sắc cơ bản đặc trưng trong bộ hình: Màu vàng đại diện cho Kim, Xanh Lá đại diện cho Mộc, Xanh Dương đại diện cho Thuỷ, Đỏ đại diện cho Hoả, Nâu đại diện cho Thổ. Hình ảnh Âm – Dương cũng tô điểm cho vẻ đẹp tổng thể với phần background Đen – Trắng với suy nghĩ nếu để cho mọi thứ được chìm bởi tông đen thì khi quan sát, mắt chúng ta cũng sẽ vô tình bị mệt, nếu chỉ riêng tông trắng thì tất cả lại quá nhàm chán và vì thế mình cố tình phối hợp như vậy để mọi thứ có thể liên kế hài hoà lại cùng nhau.

Lúc trước mình thấy mọi người chụp phim thì hay sợ bị mất phim hoặc sai sáng nên hầu như những ai đã quyết định đầu tư thì thường chụp rất nhiều, nhưng khi mình bắt tay vào thực hiện dự án này thì mình thấy rất bất ngờ khi chỉ sử dụng có 7 cuộn phim, mỗi cuộn 36 tấm. Trở lại với vấn đề lệch màu thường thấy trên máy phim, mình đã chọn chất liệu giấy và vải quen thuộc vì cả 2 đều có tính chất khá thô ráp, khi chụp lên sẽ cho ra được màu sắc đẹp nhất, không mang đến sự sai lệch quá nhiều. Sau đó là những chuỗi ngày làm việc liên tục, 1 năm lên ý tưởng, 6 tháng chuẩn bị, 6 tháng tiếp theo để tập hơp từng vị trí, 2 tháng ngồi cùng nghệ sĩ gấp giấy Tuấn Phạm để kiểm tra từng chi tiết, mối nối trên những tác phẩm Origami và cuối cùng là 22 tấm hình cùng 22 bản phim.

Ngoài lề một chút, không biết bạn chụp những hình ảnh này bằng loại phim gì nhỉ?

À, tất cả đều được chụp bằng Kodax Portra 400

Có lý do gì mà anh chọn loại phim đó hay không?

Thật ra Kodax Portra 400 cũng bình thường thôi nhưng lại là loại phim đầu tiên mà mình chụp, thành ra nó làm mình cảm thấy gần gũi nhất với lúc bắt đầu. Thời gian học nhiếp ảnh bên Úc mình chỉ được sử dụng máy phim thôi, lúc gặp người thầy hướng dẫn của mình mình mới vỡ lẽ ra rằng học nhiếp ảnh không phải là học cách để sử dụng cái máy, tất cả đã có catologue sẵn rồi, thứ cần phải học đó chính là mỹ thuật, là tư duy hình ảnh, là cách làm thế nào để có thể chụp được một tấm ảnh đẹp từ máy phim như các bác, các chú ngày xưa. Máy ảnh không quá quan trọng, nó đơn giản chỉ là công cụ để mình cộng hưởng cái tôi của mình và tạo nên một tấm ảnh đẹp.

Làm thế nào mà bạn gặp được những “nhân tố” chính để hình thành nên “LĨNH NAM”?

Hầu hết các mối quan hệ của mình đều đến từ cái duyên, mình chỉ đơn giản là tìm thấy họ trên mạng và chủ động liên lạc (cười), tất cả xuất phát từ sự khao khát hiện thực hóa những ý tưởng này, đã làm thì phải làm cho ra cho ra chứ.

Có rất nhiều người khuyên dự án này nên tạm hoãn đến ngày “Giỗ Tổ Hùng Vương” nhưng mình cũng đã mạnh dạn xin lỗi cũng như bộc bạch với họ rằng “một khi cảm nhận được cái tôi nghệ sĩ, cảm nhận được ngọn lửa nghệ thuật đang dâng cao, lúc ấy mình chắc chắn phải cho nó cháy, cháy hết sức mình”. Tới những thời điểm sau mình vẫn sẽ còn rất nhiều những kế hoạch thú vị khác đang chờ, đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Cảm ơn những chia sẻ chân thành của Harry. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và có thêm thật nhiều những sản phẩm tâm đắc hơn nữa.

Bài viết: Nam Vũ
Ban biên tập iDesign

Cùng tác giả

#Tag

art exhibition exhibition Harry Vu Họ Hồng Bàng Hong Bang Hung Vuong iD interview idesign signature lĩnh nam chích quái origami

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…