Jan Tschichold (Phần 1)

Jan Tschichold định nghĩa những yếu tố của ký tự pháp bất đối xứng và ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng phông sans-serif. Ông là nhà lý thuyết thiết kế đồ hoạ quan trọng nhất đầu thế kỷ 20 với những sản phẩm minh hoạ rõ nét cho phong cách dẫn đầu truyền thông thị giác Hiện đại. Chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật này trong loạt bài hai phần.

Tóm lược

Phần lớn sự đổi mới sáng tạo trong thiết kế đồ họa trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20 diễn ra tại Bauhaus và ở một số nhóm nhỏ như một phần của các phong trào nghệ thuật hiện đại. Những khám phá này thường chỉ được một số lượng khán giả và nhà thực hành hạn chế thấy và hiểu. Trong số đó có nhân vật đặc biệt quan trọng là Jan Tschichold, người đã áp dụng những cách tiếp cận mới trên cho các bài toán thiết kế hàng ngày và giải thích chúng cho nhiều đối tượng từ thợ in, thợ sắp chữ tới nhà thiết kế.

Jan Tschichold là một trong những nhà sắp chữ – nhà thực hành ký tự pháp nổi bật và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông đi sâu vào chuyên môn ký tự pháp với các hoạt động từ thiết kế truyền thông tới in ấn tới viết sách và xuất bản. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Tschichold đối với nền thiết kế đồ họa hiện đại cũng như ngành công nghiệp in ấn trên toàn thế giới. 

Tiểu sử

Thời thơ ấu

Jan Tschichold, tên khai sinh là Johannes Tzschichhold, sinh ra ở Leipzig, Đức vào ngày 2 tháng 4 năm 1902. Cậu là con trai đầu lòng của nhà thiết kế và thợ vẽ biển hiệu Franz Tschichold, cùng vợ là Maria Zapff. Nghề nghiệp của cha cậu đã sớm tạo cơ hội cho Tschichold làm quen với thư pháp phương Tây (calligraphy) cùng nhiều kiểu chữ viết. Cậu học thư pháp và thường giúp cha mình ở xưởng tại Insel Verlag như một thợ viết thư pháp truyền thống, nhưng không hề nghĩ đến việc sẽ theo đuổi sự nghiệp này. Jan Tshichhold từng có nguyện vọng trở thành họa sĩ nhưng cha mẹ cậu cho rằng công việc ấy quá bấp bênh và không tin rằng con trai mình có thể kiếm sống bằng nghề này. Để thỏa hiệp, cậu quyết định trở thành một giáo viên dạy vẽ. Sau khi học xong, cậu bé 14 tuổi Tschichold bắt đầu theo học khóa giảng dạy ở Grimma, gần Leipzig.

Jan Tschichold vào năm 1920 tại Học viện Leipzig

Hội chợ Sách và Đồ họa Thế giới năm 1914 là một trải nghiệm quan trọng đối với chàng trai trẻ. Trong thời gian rảnh rỗi, anh đã nghiên cứu sách của Edward Johnston (Calligraphy, Ornamental Script and Applied Script hay Thư pháp, chữ viết trang trí và chữ viết ứng dụng) và Rudolf von Larisch (Study in Ornamental WritingNghiên cứu về chữ viết có chi tiết trang trí) và tạo ra một số tác phẩm thư pháp. Anh đã bắt đầu quan tâm đến các kiểu chữ cổ. Nhìn vào một trong những bản thảo của anh từ thời điểm này, có thể thấy một số chữ hoa và chữ thường của một kiểu chữ nghiêng/chữ thảo (italic), có lẽ là tham khảo từ kiểu chữ nghiêng của Robert Granjon từ thế kỷ 16. Đối với một người mới 16 tuổi, đây là một thành tích đáng kể.

Bản thảo kiểu chữ nghiêng của Jan Tschichold vào năm 1918
Kiểu chữ nghiêng đầu tiên vào năm 1543 của Robert Granjon

Đào tạo ban đầu

Jan Tschichold đã dừng việc học giảng dạy sau ba năm khi nhận ra rằng mình muốn trở thành một thợ sắp chữ. Sau đó anh theo học Học viện Nghệ thuật đồ họa ở Leipzig. Mặc dù còn trẻ, Tschichold đã được nhận vào lớp Ký tự pháp của Giáo sư Hermann Delitsch ở Leipzig vào mùa xuân năm 1919, khi mới mười bảy tuổi. Anh cũng học khắc đá, bản đồng, cắt gỗ, khắc gỗ và đóng sách. Ngay từ khi bắt đầu, anh đã nhanh chóng trở thành học sinh yêu thích của Delitsch. Giáo sư thường nói rằng không có bất cứ điều gì ông ấy có thể dạy mà Tschichold chưa biết hoặc không nhanh chóng học được. Bởi vậy, giáo sư cho phép Jan Tschichold được tự do thể nghiệm. Năm 1921, khi Tschichold mười chín tuổi, giám đốc học viện Tiemann đã đề nghị Tschichold dạy một lớp viết chữ buổi tối. Tschichold đã trở thành học trò xuất sắc của Tiemann và có một xưởng riêng nhỏ tại học viện.

Trong thời gian này, Jan Tschichold rất ấn tượng với phông chữ Maximilian Gotisch của Koch và đã đến thăm nghệ sĩ nhiều lần. Tschichold đã sử dụng chữ viết tay của Koch làm hình mẫu cho nhiều thiết kế của anh trong khoảng thời gian này. 

Bản vẽ kiểu chữ Maximilian Gotisch của Rudolf Koch

Jan Tschichold dành hàng giờ liền trong thư viện và các điểm bán sách ở Leipzig. Ở đó, anh đã tiếp xúc với các kiểu chữ của Simon-Pierre Fournier và nhiều cuốn sách kinh điển về thiết kế chữ. Anh bắt đầu sưu tầm những tài liệu như vậy. Trong khi đó, anh cũng thường xuyên nhận được đơn đặng hàng thiết kế quảng cáo cho các hội chợ thương mại Leipzig. Từ năm 1921 đến năm 1925, Jan Tschichold còn thiết kế một số quảng cáo như vậy ở dạng thư pháp.

Áp phích một triển lãm thiết kế đồ hoạ năm 1919 của Jan Tschichold. Sự đối xứng và các hình dạng chữ cái mang tính lịch sử tượng trung cho tác phẩm thời trẻ của tác giả

Năm 1923, anh bắt đầu công việc thiết kế cho Fischer & Wittig, một nhà in sách lớn ở Leipzig. Một số quảng cáo của anh từ thời điểm này đáng chú ý hơn cả vì nó tiết lộ bằng chứng về việc Tschichold đã nghiên cứu các kiểu chữ của Ludovico Arrighi và Tagliente.

Quảng cáo Jan Tschichold thiết kế vào năm 1922
Quảng cáo Jan Tschichold thiết kế vào năm 1923

Vào thời điểm này, hầu hết các kiểu phông hay được sử dụng tạo cảm giác mạnh mẽ ấn tượng hoặc có độ dày nét lớn – độ dày trung bình hầu như không được sử dụng. Các kiểu chữ được trộn lẫn mà không có nhiều suy nghĩ thấu đáo. Các thực hành ký tự pháp với chất lượng tốt không xuất hiện nhiều. Các nghệ sĩ thiết kế sách có ít kiến thức về ký tự pháp và thậm chí còn không làm tốt việc áp dụng kiểu chữ của chính họ vào thực tế. Ngay cả Emil Rudolf Weiß vẫn sửa các bản phác thảo của mình theo từng milimét và tùy chỉnh khoảng cách dòng bằng những cụm mô tả không rõ ràng như “một chút thấp hơn/cao hơn”. Jan Tschichold để ý tới việc rà soát những khiếm khuyết này và đây có lẽ cũng là khởi đầu cho công việc cả đời của anh với các chủ đề như cách sắp xếp các kiểu chữ, các câu hỏi về cách thiết kế tiêu đề sách, v.v.

Thời kỳ trưởng thành 

Ảnh hưởng từ Bauhaus và Elementare Typographie (Ký tự pháp cơ bản)

Bắt đầu từ năm 1924, Tschichold chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong cách của Bauhaus và kiểu thiết kế thiên về cái cơ cơ bản và tính công năng. Chuyến thăm triển lãm Bauhaus đầu tiên ở Weimar vào tháng 8 năm 1923 khiến ông vừa bị sốc vừa bị mê hoặc bởi phong trào mới này và tiềm năng ảnh hưởng của nó lên ký tự pháp. Tschichold rất ấn tượng với tác phẩm của các nghệ sĩ kiến tạo Nga đến nỗi ông bắt đầu tự gọi mình là Iwan Tschichold. Áp phích của ông cho nhà xuất bản Philobiblon ở Warsaw cho thấy một Tschichold hoàn toàn mới, một người chú trọng đến sự sắp xếp hơn là tính nghệ thuật. Các kiểu chữ được sử dụng là không móc xuyết (sans-serif), không còn liên quan gì đến chữ viết tay.

Jan Tschichold, áp phích trưng bày cho một nhà xuất bản, năm 1924. Một trong những thực hành sớm nhất của Tschichold cho việc áp dụng các nguyên tắc thiết kế hiện đại, được in bằng màu đen và vàng với nội dung “Sách của Philobiblon có sẵn ở Warsaw.”

Tschichold ngày càng bất mãn với lối thực hành ký tự pháp cùng thời. Thay vào đó, ông đề cao tư duy của các họa sĩ hiện đại như László Moholy-Nagy và El Lissitzky, những người có tác phẩm sử dụng các hình thức tương phản để thể hiện sự cân bằng và xung đột. Tschichold tin rằng giải pháp mới cho ký tự pháp nằm ở việc từ bỏ các quy tắc, thôi áp dụng bố cục đối xứng và chỉ sử dụng kiểu chữ sans serif.

Elementare Typographie (Ký tự pháp cơ bản) là bài đăng đầu tiên ghi lại những quan điểm này của Tschichold. Nó đã xuất hiện trong ấn bản đặc biệt tháng 10 năm 1925 của tạp chí Typographische Mitteilungen (TD: Truyền bá ký tự pháp). Bài đăng này được Tschichold thiết kế thành phần tách rời với báo. Trải dài 24 trang, bài đăng của ông giải thích và minh họa các bố cục chữ bất đối xứng cho các thợ in ấn, thợ sắp chữ và nhà thiết kế. Tschichold phối màu đỏ – đen cùng một số tác phẩm thể nghiệm ông đã thiết kế kèm theo lời bình luận của mình. Phần lớn bản in của Đức vào thời điểm này vẫn sử dụng bố cục từ thời trung cổ và bố cục đối xứng. Bài đăng được thiết kế riêng của Tschichold là một tuyên ngôn táo bạo và tạo ra nhiều hứng thú cho phương pháp mới.

Bài đăng Elementare Typographie của Jan Tschichold trên tạp chí Typographische Mitteilungen xuất bản tháng 10 năm 1925
Một số trang trong bài đăng Elementare Typographie của Jan Tschichold

Bản tuyên ngôn về ký tự pháp này đã làm náo động cộng đồng thiết kế lúc ấy, khơi mào nhiều cuộc thảo luận sôi nổi đến mức có thể nói rằng mọi thợ sắp chữ đều biết đến cái tên Tschichold. Các luận điểm của ông nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình và cả những lời phản bác. Ảnh hưởng tích cực đầu tiên xuất hiện vài năm sau đó khi những chi tiết trang trí lộng lẫy và kiểu chữ lỗi thời dần biến mất và cách sắp chữ căn giữa không còn được ưa chuộng.

Tschichold bắt đầu định cư ở Berlin vào đầu năm 1926. Tại Leipzig, ông đã thiết kế một số bìa và kiểu chữ tiêu đề cho nhà xuất bản Insel. Tại đây, ông đã kết hôn với Edith Kramer. Và rồi một ngày Tschichold nhận được lá thư từ Paul Renner mời ông đảm nhận vị trí của Renner tại Trường Nghệ thuật Ứng dụng ở Frankfurt. Sau nhiều lần trao đổi thư từ, Tschichold quyết định chuyển đến Munich, nơi Renner đang thành lập trường đào tạo thạc sĩ mới. Tschichold bắt đầu công việc của mình cho thành phố Munich vào ngày 1 tháng 6 năm 1926, dạy ký tự pháp và thư pháp tại trường đào tạo sau đại học cũng như trường dạy nghề.

Vào năm 1927 và 1928, Tschichold đã tạo ra một loạt áp phích lớn cho các bộ phim của Phoebus Palace, rạp chiếu phim ở Munich và cũng là rạp chiếu lớn nhất tại Đức với sức chứa 2,147 chỗ ngồi.

Một số áp phích phim từ chuỗi áp phích Jan Tschichold thiết kế cho rạp chiếu phim Phoebus Palace từ 1927 đến 1928 cho thấy cách ông sử dụng chiều hướng bất đối xứng cho các yếu tố thị giác và đặc biệt là chữ để tạo chuyển động và không gian mang đậm hơi thở hiện đại.

Cuốn sách hướng dẫn chi tiết về quan điểm thực hành ký tự pháp của ông, Die Neue Typographie (The New TypographyKý tự pháp mới), xuất hiện vào năm 1928. Cuốn sách đã trở thành kinh thánh của mọi thợ sắp chữ mới vào nghề. 

Ký tự pháp mới của Jan Tschichold

Cuốn sách Ký tự pháp mới của Jan Tschichold tổng hợp lại những ý tưởng mới mà ông đã quyết tâm theo đuổi trong một thời gian dài. Chán ghét với “những bố cục chữ và cách sắp xếp suy đồi”, ông đã bắt đầu lại từ trang giấy trắng và đề xuất bố cục chữ bất đối xứng mới để thể hiện tinh thần, cuộc sống và cảm quan thị giác của thời đại.

Một số trang trong cuốn Die Neue Typographie của Jan Tschichold

Ông muốn hướng đến thiết kế mang tính chức năng bằng các phương tiện đơn giản nhất. Tschichold tuyên bố mục đích của mọi tác phẩm ký tự pháp là truyền tải thông điệp theo cách ngắn gọn và hiệu quả nhất. Ông nhấn mạnh bản chất của cấu tạo máy móc và tác động của nó đối với quá trình thiết kế và sản phẩm.

Tờ rơi quảng cáo cho cuốn sách Die Neue Typographie của Jan Tschichold vào năm 1928

Tờ rơi quảng cáo của Tschichold cho cuốn sách này đã minh họa rõ bố cục chữ hoàn toàn mới này. Ở đây, ông loại bỏ các chi tiết trang trí để ủng hộ thiết kế thiên về lý tính được hoạch định cho chức năng chính là giao tiếp. 

Trong cuốn sách Ký tự pháp mới,  Jan  Tschichold nêu quan điểm rằng trong mỗi thiết kế  đều nên có động năng (năng lượng của sự chuyển động), bởi vậy chữ nên được sắp xếp để chuyển động hơn là đứng yên. Bố cục đối xứng theo ông là giả tạo bởi vì nó đề cao tính hình thức thuần túy hơn là nội dung và ý nghĩa thực sự của văn bản. Tschichold ưu tiên các tiêu đề tràn sang lề trái, với độ dài các dòng không đều nhau. Ông tin rằng thiết kế có tính động học và bất đối xứng với các yếu tố tương phản thể hiện thời đại mới của máy móc. 

Kiểu chữ nên được giữ nguyên ở dạng cơ bản mà không cần thêm thắt trang trí; do đó, kiểu chữ sans-serif với một loạt các độ dày (mỏng, vừa, dày, siêu dày, nghiêng) và một loạt các tỷ lệ (cô đặc, bình thường, mở rộng), được tuyên bố là kiểu chữ cho thời hiện đại. Độ đa dạng và linh hoạt về hiệu ứng sắc độ từ đậm đến nhạt của kiểu chữ này tạo cơ hội để thể hiện hình ảnh trừu tượng và sắc thái mà thiết kế hiện đại tìm kiếm. Loại bỏ các yếu tố không cần thiết, kiểu chữ sans-serif đã giản lược tạo hình của bảng chữ cái thành các hình dạng thuần túy của nó.

Áp phích Jan Tschichold thiết kế cho triển lãm Konstructivisten (Chủ nghĩa kiến tạo), 1937. Chữ màu đen và vòng tròn màu cát được sử dụng để đạt được sự tiết kiệm yếu tố thị giác và sự cân bằng hoàn hảo phù hợp với chủ đề.

Thêm nữa, các thiết kế được tạo ra dựa trên cấu trúc của các thanh ngang và dọc. Không gian âm hay khoảng nghỉ thị giác được coi là yếu tố thiết kế quan trọng. Giờ đây, khoảng trắng được trao vai trò mới như một thành phần trong cấu trúc. Các quy tắc, thanh gióng và hộp căn chỉnh thường được sử dụng để tạo cấu trúc, sự cân bằng và điểm nhấn. Về phần hình ảnh minh họa, Tschichold ưu tiên sử dụng nhiếp ảnh do độ chính xác và tính khách quan của nó. 

Áp phích triển lãm Jan Tschichold thiết kế cho Der Berufsphotograph (Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp), 1938. Tschichold sử dụng phim âm bản để minh họa cho nội dung.

Ông đã đề xuất cách thức để phong trào nghệ thuật hiện đại có thể liên hệ đến thiết kế đồ họa bằng cách tổng hợp những hiểu biết thực tế của ông về ký tự pháp và truyền thống của nó với những thử nghiệm mới. Bản chất của Ký tự pháp mới là sự rõ ràng, không chỉ đơn giản là vẻ đẹp; mục tiêu của nó là phát triển hình thức từ các chức năng của văn bản. Những thực hành thiết kế phong phú của riêng Tschichold đã đặt ra tiêu chuẩn cho cách tiếp cận mới trong sách, in ấn, quảng cáo và áp phích.

Quang Khải dịch và tổng hợp. Hương Mi Lê hiệu đính.
Nguồn tham khảo chính:
1. https://www.linotype.com/794/in-honor-of-the-100th-birthday-of-jan-tschichold.html
2. Jan Tschichold and the New Typography (p335 – Megg’s History of Graphic Design)

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Jan Tschichold Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…