Josef Albers (Phần 1)

Josef Albers là người duy nhất có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York với tư cách một nghệ sĩ còn sống và làm việc. Robert Rauschenberg, một trong những học trò của Albers và một trong những nghệ sĩ Hiện đại Mỹ quan trọng nhất giữa thế kỷ 20, vinh danh ông như một người phi thường, một người thầy vĩ đại, và người thầy quan trọng nhất của Rauschenberg. Những nghiên cứu của Albers, đặc biệt thể hiện qua cuốn Tương tác màu (Interaction of colors) là một tài liệu thiết yếu cho học tập và giảng dạy nghệ thuật và thiết kế Hiện đại từ khi được xuất bản vào năm 1963 tới nay. Có thể nói, Albers là một trong những nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật Hiện đại từ những năm 1950 và, đương nhiên, góp phần lớn mở rộng tầm ảnh hưởng của trường Bauhaus. Trong loạt bài hai phần, ta tìm hiểu về Albers.

  • Khi bạn thực sự hiểu rằng mọi màu sắc đều thay đổi khi môi trường quanh nó thay đổi, bạn sẽ nhận ra mình đã biết thêm về cuộc đời này cũng nhiều như về màu sắc.
  • Tôi đã dạy triết học thay vì nghệ thuật. Mặc dù kỹ thuật đối với tôi nghe có vẻ to tát, tôi chưa bao giờ dạy cách để vẽ. Tất cả những gì tôi làm là giúp người ta biết nhìn.
  • Nghệ thuật là tiết lộ chứ không phải cung cấp thông tin, là biểu hiện chứ không phải là mô tả, là sáng tạo chứ không phải là bắt chước hay lặp lại. Nghệ thuật quan tâm tới NHƯ THẾ NÀO, không phải CÁI GÌ; không phải với nội dung theo nghĩa đen, mà với cách nội dung thực thế trình hiện. Sự trình hiện – việc nó được thực hiện như thế nào – là nội dung của nghệ thuật.

Tóm lược về Josef Albers

Josef Albers là một trong những người có nhiều đóng góp nhất trong công cuộc đưa các nguyên lý của chủ nghĩa Hiện đại châu Âu tới Mỹ, đặc biệt là những nguyên lý gắn liền với Bauhaus. Di sản ông để lại trong tư cách là người thầy của các nghệ sĩ, cùng với công trình lý thuyết đồ sộ đề xuất rằng màu sắc, thay cho hình thức, mới là phương tiện thiết yếu của ngôn ngữ hình ảnh, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nghệ thuật hiện đại Mỹ trong các thập niên 1950 và 1960.

Josef Albers sinh ngày 19/03/1888 tại Bottrop, Đức và mất vào ngày 25/03/1976 tại New Haven, tiểu bang Connecticut, Mỹ. Ông đã hoạt động nghệ thuật từ năm 1915 cho tới khi qua đời.

Thành tựu

  • Cuốn Tương tác màu (Interaction of Color) xuất bản năm 1963 của Albers đã cung cấp phân tích toàn diện nhất cho đến tận ngày nay về chức năng và nhận thức màu sắc. Cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục nghệ thuật và thực hành nghệ thuật của thế kỷ 20, đặc biệt là hội hoạ Trường màu và chủ nghĩa Tối giản.
  • Loạt tác phẩm Sự tôn kính khối Vuông (Homage to the Square) của Alber, được tạo ra từ năm 1949 tới khi nghệ sĩ qua đời, sử dụng một hình dạng hình học duy nhất để khám phá một diện rộng các hiệu ứng hình ảnh có được chỉ thông qua các mối quan hệ màu sắc và không gian, một cách có hệ thống.
  • Nghệ thuật và lý thuyết của Albers đã được phổ biến rộng rãi đến các thế hệ nghệ sĩ và giảng viên nghệ thuật thông qua các bài giảng của ông tại Bauhaus, trường nghệ thuật thực nghiệm Black Mountain và Đại học Yale, đồng thời cung cấp cơ sở lý thuyết cho sự phát triển của nghệ thuật phi khách quan trong và sau thời đại của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Tiểu sử Josef Albers

Thời thơ ấu và học vấn

Josef Albers sinh ngày 19 tháng 3 năm 1888 tại Bottrop, Đức. Từ năm 1905 đến năm 1908, ông học tập để trở thành giáo viên ở Buren, giảng dạy trong các trường tiểu học ở Westphalian từ năm 1908 đến năm 1913. Sau khi học tại Trường Nghệ thuật Hoàng gia (Königliche Kunstschule) ở Berlin từ năm 1913 đến năm 1915, ông đạt được chứng chỉ để giảng dạy nghệ thuật. Albers học in thạch bản ở Essen và theo học tại Học viện ở Munich. Năm 1920, ở tuổi 32, Albers gia nhập đội ngũ của Bauhaus, một ngôi trường ở Weimar, một ngôi trường cam kết trong việc khám phá mối quan hệ giữa nghệ thuật và công nghệ xã hội, đồng thời nhấn mạnh sự kết hợp giữa kiến ​​trúc, mỹ thuật và thủ công.

Một tác phẩm kính màu năm 1922 của Albers

Albers ban đầu gia nhập Bauhaus với tư cách là thợ kính màu và vào năm 1922, ở cấp bậc là một Bauhausgeselle (thợ thạo việc – “journeyman“), ông được giao nhiệm vụ điều hành xưởng kính Bauhaus. Năm 1923, ông bắt đầu dạy Vorkurs, một khóa học thiết kế cơ bản. Khi Bauhaus chuyển đến Dessau vào năm 1925, ông trở thành Bauhausmeister (giáo sư/bậc thầy), giảng dạy cùng với các nghệ sĩ như Paul Klee và Wassily Kandinsky. Bên cạnh việc làm việc với thủy tinh và kim loại, ông còn thiết kế nội thất và ký tự pháp.

Nguyên mẫu thiết kế một phông chữ dựa trên nền tảng các yếu tố hình học cơ bản (vuông và tròn) mang tính cấu trúc cao phản ánh mạnh mẽ tinh thần của Bauhaus do Josef Albers thực hiện
Một bộ bàn lồng nhau do Josef Albers thiết kế năm 1926-27

Thời kỳ trưởng thành

Sau khi Đức quốc xã buộc Bauhaus phải đóng cửa vào năm 1933, kiến ​​trúc sư Philip Johnson, khi đó là một giám tuyển trẻ tuổi tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, đã đảm bảo vị trí cho Albers và vợ là Anni Albers tại trường nghệ thuật thực nghiệm Black Mountain College, nơi ông đứng đầu chương trình hội họa từ 1933 đến 1949. Bản thân Anni Albers cũng là một nhân vật vô cùng quan trọng của trường Bauhaus, người đứng đầu xưởng dệt may và có công cực kỳ lớn trong việc đưa tác phẩm dệt lên tầm nghệ thuật và thiết kế cao cấp trong thời kỳ Hiện đại.

Hai vợ chồng Josef và Anni Albers

Trường nghệ thuật thực nghiệm Black Mountain College là một trường giáo dục khai phóng với chương trình giảng dạy sáng tạo và tiến bộ, đã tái định vị việc nghiên cứu và thực hành nghệ thuật từ vị trí bên lề đến nơi trọng tâm của chương trình đại học. Khóa học nghệ thuật nhập môn về vật liệu và hình thức của Albers là một trong hai khóa học duy nhất bắt buộc cho tất cả sinh viên, không phân biệt chuyên ngành. Mặc dù mục tiêu của Black Mountain không phải là đào tạo các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng sự nhấn mạnh vào tính trung tâm của nghệ thuật đối với cuộc sống hàng ngày, và cách tiếp cận tích hợp và hợp tác của nó trong quy trình làm nghệ thuật, đã thu hút các sinh viên và giảng viên sáng tạo trong mọi phương tiện sáng tạo, từ hội họa, văn học đến khiêu vũ và kiến ​​trúc. 

Albers đã mang các lý thuyết và phương pháp giảng dạy của Bauhaus đến Black Mountain, nhưng ông cũng lần lượt bị ảnh hưởng bởi triết lý giáo dục tiến bộ của nhà triết học người Mỹ John Dewey, nhấn mạnh vào việc thử nghiệm và trải nghiệm trực tiếp là trọng tâm của trải nghiệm học tập. Dewey đã có vài chuyến lưu trú kéo dài tại Black Mountain College trong khoảng thời gian từ 1935-1936 và là khách mời quen thuộc trong các lớp học của Albers.

Buffalo II (1964) của Robert Rauschenberg, một trong các học trò của Josef Albers ở trường Black Mountain
Bacchus (2008) của Cy Twombly, một người học trò rất nổi tiếng khác của Albers tại trường Black Mountain

Trong quá trình giảng dạy tại Black Mountain College, Albers tiếp tục phát triển các học thuyết mỹ học của mình thông qua thực hành nghệ thuật. Ông bắt đầu loạt tác phẩm Biến thể/Gạch phơi nắng (Variant/Adobe)(khoảng năm 1947), khám phá một cách có hệ thống phạm vi của hiệu ứng hình ảnh có thể thực hiện được nhờ các thay đổi tinh vi về màu sắc, hình dạng, và sắp xếp vị trí. Ông cũng đã tổ chức hơn 20 buổi triển lãm cá nhân trên nhiều phương tiện khác nhau tại các phòng trưng bày ở Mỹ, bao gồm các tác phẩm thủy tinh từ thời Bauhaus, cũng như thiết kế đồ họa, tranh vẽ và tranh sơn dầu.

Một số bức trong loạt Biến thể/Gạch phơi nắng

Năm 1949, Albers rời trường Black Mountain để đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm Khoa Thiết kế tại Đại học Yale từ năm 1950 đến năm 1958, nơi ông dạy Richard Anuszkiewicz và Eva Hesse. Trong khi giảng dạy tại Yale, Albers bắt tay thực hiện tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Sự tôn kính khối Vuông (Homage to the Square), một bài luyện tập về hiệu ứng quang học của màu sắc trong giới hạn của dạng hình vuông đồng nhất.

Josef Albers thực hiện chuỗi Sự tôn kính khối vuông từ khoảng 1940-50 cho tới khi ông mất vào năm 1976 và đã vẽ hơn 2000 bức như vậy

Sau khi nghỉ hưu tại Yale vào năm 1958 ở tuổi 70, người thầy và đồng nghiệp cũ của ông là Walter Gropius đã mời Albers thiết kế một bức tranh tường cho nội thất của Trung tâm Sau đại học mới tại Đại học Harvard. Điều này cũng dẫn tới hai đơn đặt hàng tranh tường quan trọng khác, bao gồm tác phẩm Hai cánh cổng (Two Portals) – 1961 tại tòa nhà Time and Life và Manhattan (1963) tại tòa nhà Pan Am, đều ở New York.

Hai cánh cổng
Manhattan

Ngoài các đơn đặt hàng hội họa, in ấn, làm tranh tường và kiến ​​​​trúc, Albers cũng đã xuất bản thơ, bài báo và sách về lý thuyết nghệ thuật. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Tương tác màu, đã và vẫn đang là một tài liệu được sử dụng rộng rãi trong giáo dục nghệ thuật và được Đại học Yale tái bản gần đây.

Thời kỳ cuối đời

Sau khi rời Đại học Yale vào năm 1958, Albers tiếp tục giảng dạy cũng như thỉnh giảng tại các trường cao đẳng và đại học trong cả nước. Một triển lãm Sự tôn kính khối Vuông, được tổ chức bởi Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, đã diễn ra từ năm 1965 đến năm 1967 đến các vùng tại Nam Mỹ, Mexico và Hoa Kỳ. Năm 1971, Albers là nghệ sĩ còn sống đầu tiên được vinh danh với triển lãm hồi tưởng cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Albers sống và làm việc tại New Haven, Connecticut, cùng với vợ và cũng là nghệ sĩ đồng nghiệp của ông, Anni Albers, cho đến khi ông qua đời vào ngày 25 tháng 3 năm 1976.

Hình ảnh từ triển lãm hồi tưởng của hai vợ chồng Albers Anni và Josef Albers: Nghệ thuật và cuộc đời (Anni et Josef Albers: L’art et la vie) ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris, Pháp năm 2021

Di sản của Josef Albers

Ảnh hưởng sâu sắc nhất của Albers đối với lịch sử và thực hành nghệ thuật hiện đại là sự chuyển đổi của ông trong giáo dục và sư phạm nghệ thuật, điều mà ông tin là chìa khóa để phát triển khán giả nghệ thuật trong tương lai. Trọng tâm của phương pháp sư phạm này là cách tiếp cận “khoa học” không giáo điều, không thứ bậc, dựa trên sự quan sát và thử nghiệm. Với tư cách là một giảng viên, mục tiêu đã nêu của ông là “mở rộng tầm mắt” của sinh viên bằng cách phá vỡ thói quen của nhận thức đã ăn sâu vào tâm trí và xem xét các hình thức khác ngoài các liên tưởng thông thường của họ, quy về các đặc điểm cơ bản của chúng (nét, hình dạng, chất liệu, màu sắc). Các chiến lược “phá bỏ sự quen thuộc” của ông, chẳng hạn như vẽ bằng tay không thuận, viết ngược chiều, khám phá ảo ảnh quang học và tái hiện không gian âm góp phần nâng cao khả năng quan sát trực quan, độ chính xác và nhận thức – hiện là một phần được chấp nhận trong quá trình đào tạo học thuật của nghệ sĩ thị giác.

Tất nhiên, cách tiếp cận với chủ nghĩa hiện đại này đã được thực hành bởi những học viên xuất chúng như Robert Rauschenberg, Cy Twombly, Donald Judd, Ray Johnson, Richard Anuszkiewicz, Eva Hesse và John Chamberlain – điều kéo dài và minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu sắc của Josef Albers đối với nghệ thuật Hiện đại giữa thế kỷ 20.

Nguyên bản tiếng Anh do Những người Cộng sự của The Art Story, viết, tổng hợp và biên tập. Bản tiếng Việt do Thuý An dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Josef Albers Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…