Josef Albers (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Josef Albers, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuốn Tương tác màu cũng như các tác phẩm tiêu biểu của ông.

  • Bất kì phần nền nào cũng giảm trừ sắc độ của màu mà nó mang và do vậy tạo ra ảnh hưởng.
  • Trong nhận thức trực quan, một màu sắc hầu như không bao giờ được nhìn thấy đúng như nó là – như bản chất vật lý của nó. Thực tế này làm cho màu sắc trở thành phương tiện tương đối nhất trong nghệ thuật.” –  Phần giới thiệu cuốn Tương tác màu.
  • Tương phản đồng thời không chỉ là một hiện tượng quang học gây tò mò – nó còn là trái tim của hội họa.
  • Albers là một người thầy tuyệt vời và một người phi thường… những gì thầy dạy bao trùm toàn bộ thế giới thị giác… Tôi coi Albers là người thầy quan trọng nhất mà tôi từng có, và tôi chắc chắn rằng thầy chỉ coi tôi là một trong những học trò kém nhất.” – Rauschenberg

​​Cuốn Tương tác màu 

Tương tác màu của Josef Albers là một kiệt tác trong giáo dục nghệ thuật, trình bày những giải thích độc đáo của ông về các nguyên tắc lý thuyết màu sắc phức tạp. Tương tác màu được xuất bản lần đầu bởi NXB Đại học Yale dưới dạng bộ tranh in lưới gồm 150 nghiên cứu màu với số lượng giới hạn (nặng 22 cân Anh – gần 10kg và có giá 200$!). Vào năm 1971, Tương tác màu dưới dạng sách đóng tập ra đời lần đầu và chỉ bao gồm mười bảng màu. Cuốn sách này vẫn được in cho tới tận ngày nay và đã có hơn một phần tư triệu bản ở các phiên bản khác nhau được bán, minh chứng vị thế như một tài liệu thiết yếu cho nghệ sĩ, giảng viên, và học viên nghệ thuật.

Trong phần lời giới thiệu của cuốn sách, Josef Albers viết “Trong nhận thức trực quan, một màu sắc hầu như không bao giờ được nhìn thấy đúng như nó là – như bản chất vật lý của nó. Thực tế này làm cho màu sắc trở thành phương tiện tương đối nhất trong nghệ thuật.” Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy màu sắc mang tính thể nghiệm của Albers nhằm phát triển khả năng quan sát và kết nối, hiểu rõ khả năng gợi lên vô số tri nhận về một màu tuỳ vào cách màu đó tương tác với bối cảnh. Cuốn sách không đi theo quan niệm học thuật truyền thống của “lý thuyết và thực hành”. Nói cách khác, nó đảo ngược trật tự này và đưa thực hành lên trước lý thuyết – mà vốn dĩ là kết luận của thực hành.

Một số bảng màu nghiên cứu trong Tương tác màu

Cuốn sách bao gồm 25 chương: (1) Hồi ức màu sắc – ký thức thị giác; (2) Cách đọc màu và ngữ cảnh màu; (3) Tại sao lại là giấy màu – thay cho hạt và sơn màu; (4) Một màu có rất nhiều diện dạng – tính tương đối của màu sắc; (5) Sáng hơn hoặc/và tối hơn – cường độ sáng, độ sáng, Nghiên cứu chuyển màu – những trình bày mới, Cường độ màu – độ sáng; (6) 1 màu trông như 2 – trông giống nền đảo chiều; (7) 2 màu trông giống nhau – phép trừ màu; (8) Tại sao màu sắc lại lừa mắt? – hậu-hình ảnh, tương phản đồng thời; (9) Pha trộn màu trên giấy – ảo giác về độ trong; (10) Những pha trộn màu thực tế – thêm và trừ; (11) Độ trong suốt và ảo giác không gian, Các giới hạn màu sắc và hành động tạo hình; (12) Pha trộn quang học – hậu-hình ảnh sửa đổi; (13) Hiệu ứng Bezold; (14) Các can thiệp và biến đổi màu sắc; (15) Lại là về hỗn hợp trung gian – các màu giao nhau; (16) Các màu kề nhau – hài hoà – số lượng; (17) Màu màng lọc và màu thể tích – hai hiệu ứng tự nhiên; (18) Các nghiên cứu tự do – một thách thức với trí tưởng tượng; (19) Những Bậc thầy – Công cụ màu sắc; (20) Luật Weber-Fechnure – đo đạc trong pha trộn; (21) Từ nhiệt độ màu đến độ ẩm trong màu sắc; (22) Những ranh giới rung động – những đường biên được chỉ định; (23) Cường độ ánh sáng ngang bằng – những giới hạn biến mất; (24) Những lý thuyết màu sắc – những hệ thống màu; (25) Về giảng dạy màu – một số khái niệm màu sắc. Sau đây là toàn văn dịch từ nguyên bản tiếng Anh của chương I:

I. HỒI ỨC MÀU SẮC – KÝ ỨC THỊ GIÁC

Nếu ai đó nói “Đỏ” (tên của một màu)
và có 50 người đang lắng nghe,
ta kỳ vọng rằng sẽ có 50 màu đỏ hiện lên trong tâm trí họ.
Và ta có thể chắc chắn rằng những màu đỏ đó rất khác nhau.

Ngay cả khi chỉ định một màu nhất định mà tất cả người nghe đều đã nhìn thấy vô số lần – ví dụ như màu đỏ của logo Coca-Cola, luôn là một ở mọi nơi và mọi lúc – họ vẫn nghĩ về
những màu đỏ khác nhau.

Ngay cả khi những người nghe có hàng trăm màu đỏ trước mặt để chọn ra màu đỏ Coca-Cola, lần nữa, họ sẽ lại chọn những màu khác biệt. và không ai trong số đó có thể chắc chắn rằng mình đã tìm ra
sắc độ đỏ chính xác.

Và ngay cả khi
chiếc logo tròn màu đỏ với dòng tên màu trắng ở giữa của Coca-Cola xuất hiện trực tiếp để tất cả mọi người tập trung vào cùng một màu đỏ,
mỗi người sẽ tiếp nhận cùng một phóng chiếu tới con ngươi của họ,
nhưng vẫn không ai có thể chắc chắn rằng mỗi người đều tiếp nhận theo cùng một cách.

Khi chúng ta cân nhắc xa hơn những sự kết hợp và phản ứng
được trải nghiệm trong mối liên hệ với màu và tên,
có lẽ tất cả mọi người sẽ phân kỳ lần nữa theo rất nhiều hướng.

Điều đó cho thấy gì?

Thứ nhất, việc ghi nhớ những màu sắc riêng biệt là rất khó nếu không nói là bất khả thi.
Việc này nhấn mạnh một sự thật quan trọng rằng trí nhớ thị giác là rất yếu kém khi so sánh với trí nhớ thính giác. Thường thì trí nhớ thính giác cho phép ta thuộc lòng và lặp lại được một giai điệu chỉ sau một hay hai lần nghe.

Thứ hai, tập thuật ngữ của màu sắc là vô cùng nghèo nàn.
Mặc dù có vô số màu – sắc và độ –
chúng ta chỉ có khoảng 30 tên màu trong vốn từ vựng thường nhật.

Những tác phẩm tiêu biểu

1942: Điện thờ

In thạch bản kẽm – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Năm 1942, Josef Albers bắt tay vào thực hiện một loạt bản in phẳng bằng kẽm có tựa đề là Kiến tạo đồ họa (Graphic Tectonics) – một tiêu đề đề cập đến sự vững chắc của cả vật chất địa chất và chuyển động. Mặc dù người ta chủ yếu biết đến ông qua các nghiên cứu về màu sắc, phần lớn tác phẩm phi điêu khắc của Alber trước những năm 1950 là đơn sắc và tập trung vào các mối quan hệ hình học và tuyến tính không điều biến, sự mơ hồ về không gian, và nhận thức về thể tích, tạo ra “tối đa hiệu ứng từ tối thiểu phương tiện.” 

Loạt tác phẩm này, bao gồm Đền thờ (Shrine) được hoàn thiện khi ông giảng dạy tại trường nghệ thuật thực nghiệm Black Mountain College, như một phần quá trình khám phá của ông về ảo ảnh quang học và sự sắp xếp các đường tạo ra xung đột giữa cảm nhận (những gì ta nhìn thấy) và nhận thức (những gì ta biết).

1951 – Giải thể/Tan biến

Sơn dầu trên Masonite – Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles

Sự tôn kính khối Vuông (Homage to the Square) là loạt tác phẩm đặc trưng của Albers bao gồm hơn 2000 tác phẩm liên quan, mà ông bắt đầu thực hiện vào năm 1946-47 và tiếp tục phát triển cho đến khi ông qua đời vào năm 1976. Sự đầu tư không ngừng nghỉ duy chỉ với một khía cạnh của hội họa như vậy phản ánh niềm tin mãnh liệt của ông rằng sự thấu hiểu chỉ đạt được thông qua “nỗ lực không ngừng nghỉ và sự lặp lại mang tính cốt lõi“. 

Tác phẩm ban đầu Giải thể/Tan biến (Dissolving/Vanishing) này minh hoạ cho cách tiếp cận cơ bản của ông trong việc khám phá khả năng thay đổi trong nhận thức của con người, và phạm vi hiệu ứng quang học và tâm lý mà màu sắc có thể tạo ra tùy thuộc vào vị trí và khoảng cách giữa chúng. Albers đã chọn một hình dạng hình học lặp đi lặp lại duy nhất, mà ông khẳng định là không có tính biểu tượng, để thử nghiệm “tính tương đối” của màu sắc một cách có hệ thống, cách chúng thay đổi thông qua việc đặt cạnh nhau, sắp xếp, và tương tác với các màu khác, tạo ra ảo giác về sự hấp dẫn, kháng cự, trọng lượng, và chuyển động. Như trong các nghiên cứu tuyến tính và đơn sắc trước đây của ông, loạt tác phẩm này khám phá tiềm năng gợi lên không gian ba chiều động trong không gian hai chiều tĩnh của phương tiện biểu hiện.

1961: Hai cánh cổng

Đồng và thủy tinh – Tòa nhà Time-Life, Thành phố New York 

Sau khi nghỉ hưu tại Yale vào năm 1958 ở độ tuổi 70, Walter Gropius – giảng viên và cũng là đồng nghiệp cũ của Albers, đã mời Albers thiết kế một bức tranh tường cho nội thất của Trung tâm Sau đại học mới thành lập tại Đại học Harvard, mang lại các đơn đặt hàng tranh tường quan trọng khác sau đó. 

Trong số đó là tác phẩm Hai cánh cổng (Two Portals) tại Tòa nhà Time-Life trong hình, có các ô vuông bằng niken và đồng được đánh bóng nằm xen kẽ, được bao quanh bởi các dải kính màu nâu và trắng xen kẽ, để gợi ra các mặt phẳng lùi dần, tạo ảo giác về chiều sâu trên một bề mặt phẳng.

1963: Manhattan

Formica – Hành lang của Tòa nhà Pan Am (nay là Tòa MetLife), Thành phố New York (Đã bị gỡ bỏ năm 2000)

Một lần nữa theo yêu cầu của kiến trúc sư tòa nhà, người bạn và người cố vấn của ông – Walter Gropius, Albers đã tạo bức tranh tường này cho hành lang của Tòa nhà Pan Am (nay là MetLife) vào năm 1963. Hàng chục nghìn người đã đi ngang qua bức tranh tường này trên con đường đi làm hàng ngày đến nhà ga Grand Central, cho đến khi nó bị dỡ bỏ để cải tạo tiền sảnh vào năm 2000. Albers đã tạo ra bức tranh tường trên như một lời tri ân dành cho thành phố New York, dựa trên tác phẩm trước của ông vào năm 1928 – Thành phố (City), là tác phẩm “tranh tường” ở Bauhaus bằng kính gồm các hình chữ nhật lồng vào nhau, sử dụng màu sắc và vị trí để gợi lên tính ba chiều và chuyển động. 

Thiết kế Thành phố (1928)

Đến thời điểm hiện tại, bức tranh tường Manhattan đang được lưu giữ và không được trưng bày công khai.

1963: Lặp lại và Đảo ngược

Thép không gỉ trên bê tông – Tòa nhà Kiến trúc và Nghệ thuật, Đại học Yale, New Haven, Connecticut

Albers đã thực hiện tác phẩm điêu khắc ngoại thất này theo yêu cầu của đồng nghiệp ông –  Paul Rudolph, kiến trúc sư của Tòa nhà Kiến trúc và Nghệ thuật mới tại Đại học Yale. Giống như loạt tác phẩm Sự tôn kính khối Vuông (Homage to the Square), tạo ra các hiệu ứng quang học bằng cách sử dụng màu sắc và nét, Lặp lại và Đảo ngược (Repeat and Reserve) sắp xếp các thanh thép một cách đơn giản để tái tạo ảo ảnh không gian ba chiều về các mặt phẳng nổi lên và chìm vào bức tường.

1969: Lời dịu dàng

Sơn dầu trên masonite – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Những tác phẩm trong loạt tác phẩm Sự tôn kính khối Vuông đã được thực hiện trong gần 30 năm, đây có thể là khám phá lâu dài nhất về đặc tính của màu sắc qua những mối quan hệ trong nghệ thuật thế kỷ 20. Ứng dụng một phương pháp gần như là khoa học vào sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm Sự tôn kính khối Vuông thể hiện khả năng của một chiến lược hình thức bị hạn chế một cách nghiêm ngặt, để tạo ra những phép hoán vị vô tận và liên tục tạo ra những trải nghiệm thẩm mỹ và thị giác mới. Trong Lời dịu dàng (Soft Spoken), Albers đã thêm ô vuông thứ tư và thu hẹp phạm vị màu sử dụng, trong khi vẫn giữ tính bất đối xứng đã được tính toán của các tác phẩm khác trong bộ tác phẩm. 

Tác phẩm ra đời muộn này tiếp tục và mở rộng sự tập trung mang tính sư phạm, kéo dài, và đặc biệt nhất quán của Albers vào sự choáng ngợp qua sự lặp lại của hình thức và sự xen kẽ màu sắc một cách tinh tế, từ đó tạo ra ma sát từ bên trong, chuyển động và không ổn định. Coi các tác phẩm như những thí nghiệm hơn là những tuyên bố mang tính biểu hiện, Albers tiếp tục thêm các tác phẩm mới vào công trình cho đến cuối đời, “không phải vì các ô vuông, mà là vì màu sắc không có điểm dừng“. Ông đã tặng bức tranh này cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vào năm 1972, một năm sau khi họ vinh danh Albers bằng triển lãm cá nhân đầu tiên của bảo tàng về một nghệ sĩ còn sống.

Thuý An dịch từ nguyên bản tiếng Anh của The Art Story. Hương Mi Lê bổ sung từ nguyên bản tiếng Anh của cuốn Tương tác màu (Interaction of Colors), hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Josef Albers Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…