Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)

Sau sự bùng nổ của thiệp Giáng Sinh ở Anh và Châu Âu nói chung, quốc gia tiếp theo chuẩn bị cho sự bùng nổ này là Mỹ. Không thua kém gì Anh, lịch sử phát triển của thiệp Giáng Sinh tại Mỹ cũng thú vị không kém.

Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát ở Anh khi chính phủ nước này thông qua một đạo luật vào năm 1846 cho phép người dân có thể gửi thư đến bất kỳ nơi nào trong nước với giá rẻ. Trong suốt 10 năm sau đó, thiệp Giáng sinh trở thành mốt thịnh hành ở nước Anh và du nhập sang cả Đức. Thế nhưng phải mất 30 năm sau thì người Mỹ mới hào hứng đón tiếp làn sóng này.

Louis Prang, cha đẻ của thiệp Giáng Sinh tại Mỹ.

Sự bùng nổ của thiệp Giáng Sinh

Thiệp Giáng Sinh vốn đã cập bến ở Mỹ vào năm 1840, nhưng vì giá thành khá mắc nên cũng không mấy ai mua. Cho đến khi Louis Prang (1824-1909), một người Phổ nhập cư ở một cửa hàng in gần Boston, được cho là đã tạo ra tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên có nguồn gốc ở Mỹ vào năm 1875. Điều này khiến ông được gọi là “Cha đẻ của thiệp Giáng Sinh tại Mỹ.”

Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên của Mỹ do Louis Prang thực hiện.
Một thiết kế khác là tranh tĩnh vật.

Tấm thiệp của Prang rất khác với Cole và Horsley của 30 năm trước, ở chỗ nó thậm chí còn không có một hình ảnh Giáng sinh hoặc ngày lễ. Tấm thiệp là bức tranh một bông hoa và có nội dung “Chúc mừng Giáng sinh”. Collins nói: “Chúng là những bản tái tạo sống động và đẹp mắt. Có rất ít cảnh về Chúa hoặc mô tả về lễ kỷ niệm ngày lễ, thay vào đó là động vật, thiên nhiên, và những cảnh có thể diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 2.”

Ở những thiết kế sau, có thể thấy sự đa dạng về màu sắc của tấm thiệp, điều này phần nào khiến thiệp Giáng Sinh bấy giờ đắt đỏ.

Thiệp của Prang được công chúng đánh giá cao do ông đã cất công pha trộn đến 20 sắc màu trên một tấm thiệp. Kể từ năm 1881, ông xuất ra thị trường đến 5 triệu thiệp mỗi năm. Sự đánh giá cao về chất lượng và tính nghệ thuật đã tăng lên vào cuối những năm 1800, một phần được thúc đẩy bởi các cuộc thi do các nhà sản xuất thiệp tổ chức. Mọi người đã nhanh chóng sưu tập những tấm thiệp Giáng sinh như sưu tập đồng xu hoặc tem.

“Trong quá trình sản xuất thiệp Giáng sinh thời Victoria, chúng ta chứng kiến ​​sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật phổ biến, phù hợp với điều kiện nhất thời của xã hội và phương pháp sản xuất của nó.”

George Buday đã viết trong cuốn sách Lịch sử của thiệp Giáng sinh năm 1968.
Năm 1975, Cục bưu điện Hoa Kỳ đã tôn vinh ông khi ra mắt một loại tem Giáng Sinh riêng.

Cuộc thi thiết kế thiệp Giáng Sinh

Prang không chỉ là một nhà kinh doanh thời đó, ông còn muốn truyền cảm hứng và hướng dẫn công chúng trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí. Ông cảm thấy mình đang bán các tác phẩm nghệ thuật với giá cả phải chăng, nhưng cũng muốn khuyến khích công chúng sáng tạo nghệ thuật của riêng họ.

Bắt đầu từ năm 1880, ông đã tài trợ cho các cuộc thi thiết kế thiệp Giáng sinh, với bốn giải thưởng cao nhất từ 200 đô la đến 1.000 đô la. Các cuộc thi nổi tiếng đến một mức độ mà họ đã thu hút được các nhà thiết kế và nghệ thuật làm giám khảo như kiến trúc sư Stanford White, họa sĩ John LaFarge và nhà thiết kế Louis Comfort Tiffany.

Cuộc thi đầu tiên được tổ chức vào mùa xuân năm 1880. Các thiết kế đệ trình đã được đánh giá ở New York tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Hoa Kỳ và ở Boston tại Phòng trưng bày Doll & Richards. Hơn 800 bài dự thi đến, trong đó có rất nhiều bài của các nghệ sĩ nữ. Người chiến thắng giải nhất cho cuộc thi đầu tiên này là Rosina Emmet, một nghệ sĩ từng theo học William Merritt Chase ở New York, và xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Bà cũng đã thiết kế hàng dệt may cho Tiffany & Company ở New York.

Thiết kế thiệp Giáng Sinh của người thắng cuộc Rosina Emmet.
Họa sĩ Elihu Vedder đã trở thành người chiến thắng của cuộc thi thiết kế thiệp Giáng Sinh năm 1881.

Các thiết kế thắng cuộc của thi đều được in và sản xuất thông qua công ty Prang & Co.

Ngoài ra thiệp Giáng sinh tự làm đầu tiên được gửi vào năm 1891 bởi Annie Oakley, người thợ săn nổi tiếng và là ngôi sao của chương trình Wild West. Bà đã ở Glasgow, Scotland vào Giáng sinh năm 1891 và gửi thiệp về cho bạn bè và gia đình ở Hoa Kỳ. Khi ở Scotland, bà mặc đồ tartan trong bức ảnh đính kèm. Annie đã tự thiết kế những tấm thiệp và chúng được in bởi một máy in địa phương.

Tấm thiệp Giáng Sinh tự làm đầu tiên vào năm 1891.

Vào những năm 1910 và 1920, thiệp tự làm trở nên phổ biến. Chúng thường có hình dạng khác thường và được trang trí bằng giấy bạc và ruy băng. Vì những phụ kiện trang trí này thường quá dễ mất nên thay vì gửi qua đường bưu điện, chúng được trao qua tay.

Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh

Trớ trêu thay, việc nhập khẩu ồ ạt thiệp Giáng sinh rẻ tiền từ Đức vào cuối những năm 1880 đã buộc Prang phải ngừng kinh doanh vào năm 1890. Tình trạng này kéo dài mãi đến sau Thế chiến thứ nhất, khi ngành sản xuất thiệp chúc mừng của Mỹ ra đời.

Chàng trai 18 tuổi Joyce Clyde Hall đã bắt đầu một kỷ nguyên mới cho thiệp Giáng Sinh bằng hai bàn tay trắng.

Ngành công nghiệp thiệp Giáng sinh hiện đại được cho là bắt đầu vào năm 1915, một công ty in bưu thiếp non trẻ có trụ sở tại thành phố Kansas do Joyce Hall thành lập, lúc sau hai người em Rollie William cũng gia nhập, đã xuất bản tấm thiệp ngày lễ đầu tiên. Công ty Hall Brothers (sau đổi tên thành Hallmark) đã sớm điều chỉnh một thiết kế mới cho các tấm thiệp, kích cỡ 4×6 và có thể gấp lại cho vào phong bì. Thiết kế này là giải pháp cho nhưng người không viết được hết nguyên một lá thư.

Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên mà Hallmark ra mắt vào thập niên 1910.
Họa sĩ Vivian Trillow Smith là người đã thiết kế hàng trăm mẫu thiệp cho Hallmark kể từ những năm 1940.
Thập niên 1960 chứng kiến một sự thay đổi lớn khi Hallmark quyết định bỏ hẳn lối thiết kế truyền thống để đi theo xu hướng nghệ thuật bấy giờ.

Ở định dạng gấp giống sách này, những tấm thiệp Giáng sinh đầy màu sắc với những ông già Noel và những ngôi sao rực rỡ của Bethlehem, những thông điệp vui vẻ, nhưng chẳng mấy chốc trở nên sáo rỗng và tạo một cơn khủng hoảng trong những năm 1930-1950. Khi cơn đói thiệp ngày càng tăng, Hallmark và các đối thủ cạnh tranh đã tìm ra những ý tưởng mới để kinh doanh. Họ đã thuê các nghệ sĩ nổi tiếng để thiết kế thiệp như Salvador Dali, Grandma MosesNorman Rockwell.

Một thiết kế cây thông siêu thực của danh họa Salvador Dalí thực hiện năm 1959 cho Hallmark.
Tác phẩm “Ngày Xám” của Grandma Moses được chọn làm thiệp Giáng Sinh vào năm 1952.
Từ năm 1948 đến năm 1957, Norman Rockwell đã tạo ra 32 thiết kế thiệp Giáng sinh, như “Christmas Surprise” (1954) trong hình.

Tuy nhiên, tấm thiệp Giáng sinh phổ biến nhất mọi thời đại là một tấm thiệp đơn giản. Đó là hình ảnh ba thiên thần, hai trong số đó đang cúi đầu cầu nguyện. “Chúa phù hộ bạn, ôm bạn và yêu bạn … vào Giáng sinh và luôn luôn,” được viết trên tập thiệp. Được xuất bản lần đầu vào năm 1977, tấm thiệp vẫn là một phần trong bộ sưu tập của Hallmark đã bán được 34 triệu bản.

Sau nhiều thập kỷ sáng tạo và thiết kế, đây lại là tấm thiệp được ưa chuộng và có doanh thu cao nhất.

Ngày nay chỉ riêng ở Mỹ, hơn 2 tỉ thiệp Giáng sinh với khoảng hơn 3.200 kiểu mẫu cùng 14 ngôn ngữ khác nhau được chuyền tay nhau mỗi năm. Nếu tính chung trên thế giới thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Thiệp Giáng sinh là loại thiệp “hút hàng” nhất trong năm. Cùng với loại thiệp in, thiệp điện tử cũng trở nên thông dụng với hơn 300 chủ đề khác nhau mà người nhận có thể nhận được ngay.

Tem Giáng Sinh cũng có giá trị không kém

Bên cạnh tấm thiệp. con tem Giáng sinh đầu tiên của Bưu điện Hoa Kỳ có lẽ còn nói lên sức mạnh của tấm thiệp Giáng sinh. Chỉ với một vòng hoa, hai ngọn nến và có dòng chữ “Christmas, 1962.” Theo Bưu điện, Sở đã đặt in 350 triệu con tem trắng xanh giá 4 xu này. Tuy nhiên, Daniel Piazza, người phụ trách chính của Bảo tàng Bưu điện Quốc gia Smithsonian cho biết: “Họ đã đánh giá thấp nhu cầu và cuối cùng phải thực hiện một bản in đặc biệt”.

Con tem Giáng Sinh quý giá vào năm 1962. Nhờ những nỗ lực không ngừng của Cục Khắc dấu và In ấn, đã có tổng cộng một tỷ tem Giáng sinh 1962 được in và phân phối vào cuối năm đó.

Mỗi năm, Cục bưu điện nhận được hàng nghìn đề xuất về tem bưu chính mới. Ủy ban Cố vấn về Tem của Công dân được thành lập vào năm 1957 để xem xét các đề xuất thay đổi này. Trong quá trình lựa chọn loại tem mới, ủy ban đã thiết lập các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn như sức hấp dẫn quốc gia và quan điểm lịch sử. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một loại tem hàng năm phản ánh nước Mỹ từ những sự kiện và con người gắn kết quốc gia với nhau đến sự đa dạng của các nền văn hóa đã hình thành nên nền tảng của nó.

Vào năm 1996, Bưu điện đã bày tỏ sự tôn kính đối với Hanukkah, Lễ hội Ánh sáng của người Do Thái, bằng cách phát hành con tem Hanukkah đầu tiên, có hình minh họa cách điệu của menorah. Vào năm 1997, họ đã bày tỏ sự tôn vinh đối với Kwanzaa bằng cách tôn vinh gia đình, cộng đồng và văn hóa, với hình chân dung đầy màu sắc của một gia đình người Mỹ gốc Phi, một “biểu tượng của gia đình và sự đoàn kết.” Năm 2001, dịch vụ Bưu điện đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Eid, trong đó có cụm từ “Eid Mubarak” – nghĩa là “lễ hội may mắn” – bằng chữ Ả Rập vàng trên nền xanh lam.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

lịch sử thiệp giáng sinh Louis Prang Navi Nguyễn tem giáng sinh Thiệp Giáng Sinh thiết kế thiệp giáng sinh

iDesign Must-try

Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Khởi nguồn ở Anh (Phần 1)
Thiệp Giáng Sinh đầu tiên có ở quốc gia nào? Làm thế nào mà chúng ra đời?
Bộ ClipArt Giáng Sinh lấy cảm hứng từ những nền văn hóa khác nhau của Olya Varinen
Bộ ClipArt Giáng Sinh lấy cảm hứng từ những nền văn hóa khác nhau của Olya Varinen
Những hình ảnh ClipArt ngoài phục vụ cho mục đích trang trí thông thường, nó còn là cách để những nhà thiết kế kể câu chuyện đặc biệt của mình…