Marcel Duchamp (Phần 2)

Bị ám ảnh bởi nỗi sợ lặp lại chính mình, thực tế, Duchamp có rất ít tác phẩm so với những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn khác. Nhưng, cũng chính vì thế, mỗi tác phẩm của ông đều thực sự khác, mới và đều hấp dẫn lạ thường. Đặc biệt, tác phẩm lớn thứ hai (và cuối cùng của ông) đã là một điều bí mật chỉ được hé lộ sau 20 năm làm việc trong âm thầm.

  • Nó [Nghệ thuật] là nghịch lý, gần như là tâm thần phân liệt. Một mặt thì tôi làm việc từ một dạng hoạt động mang tính trí thức cao, và ở mặt còn lại tôi giải thiêng mọi thứ bằng những suy nghĩ duy vật hơn.
  • Khi khám phá ra ready-made, tôi đã mường tượng rằng nó sẽ từ chối tính thẩm mỹ. Chủ nghĩa Tân-Dada đã lấy những ready-made của tôi và nhận thấy được cái đẹp mỹ học trong chúng. Tôi ném vào mặt họ cái giá đựng chai cùng bồn tiểu một cách đầy thách thức và giờ họ ngưỡng mộ chúng vì cái đẹp mỹ học.” (1962, Thư gửi Hans Richter)
  • Ý tưởng về sự lặp lại, với tôi, là một hình thức thủ dâm.”  
  • Ready-made là hậu quả của một sự từ chối đã khiến tôi nói rằng: Quá nhiều người đã làm ra hình ảnh bằng bàn tay của họ, đến mức mà một người cuối cùng là không nên dùng tay nữa.” 
  • Tôi vẫn là một nạn nhân của cờ vua. Nó có tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật, và hơn thế. Nó không thể bị thương mại hóa. Về vị trí xã hội, cờ vua thuần khiết hơn nghệ thuật.” 
  • [Duchamp đã đưa nghệ thuật] đến tới nơi mà ngôn ngữ, ý nghĩ và tầm nhìn tác động lẫn nhau.” (Jasper Johns)

Các tác phẩm nổi bật

1912: Khỏa thân bước xuống cầu thang

Sơn dầu trên toan – Bảo Tàng Nghệ Thuật Philadelphia; Bộ sưu tập của Louise và Walter Arenberg 

Khỏa thân bước xuống cầu thang (Nude Descending A Staircase) vốn không nhận được phản ứng tốt tại Salon des Indépendants, nơi bị chi phối bởi những nghệ sĩ tiên phong theo chủ nghĩa Lập Thể – những người phản đối thứ mà họ cho rằng là nghiêng về chủ nghĩa Vị Lai của tác phẩm. Thế nhưng nó lại có một “succès de scandale” (“thành công từ tai tiếng”) tại Triển lãm Armory 1913 ở New York. Không chỉ đơn thuần là nghiên cứu chuyển động của cơ thể trong không gian, tác phẩm còn là tiền đề cho việc vẽ tranh một cách “điện ảnh”, tương tự cách mà chuỗi ảnh chụp của Eadweard Muybridge đã dự tiên đoán sự ra đời của ảnh động – tức là phim. Bức vẽ này kết hợp với bức Đường từ trinh nữ đến cô dâu (Passage from Virgin to Bride) cùng thời đã đánh dấu mốc kết thúc sự nghiệp hội họa ngắn ngủi của Duchamp. 

1913-14: 3 đường vá ẩn cơ bản

Đa phương tiện (Mixed-media) – Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại, New York.

Nghệ thuật mang thêm vỏ bọc khoa học mới trong tác phẩm 3 đường vá ẩn cơ bản (3 Standard Stoppages) đầy phức tạp này – một tác phẩm với những thành phần tách biệt được trưng bày gọn gàng bên ngoài hoặc đặt vào từng rãnh trong một chiếc hộp gỗ thiết kế riêng. Để thực hiện tác phẩm như một khắc họa trực quan về cách hoạt động của tính cơ hội này, Duchamp thả ba cuộn chỉ dài chính xác 1m, từ độ cao 1m. Sau đó ông cẩn thận ghi dấu lại đường viền ngẫu nhiên của cuộn chỉ trên toan, kính và gỗ. Tính cơ hội cũng chính là thứ giúp ông đặt tên tác phẩm: có vẻ Duchamp đã có ý tưởng dùng tên “stoppages” (tiếng Pháp cho “đường vá ẩn” trong quần áo) khi đi qua biển hiệu của một cửa hàng bán dụng cụ may vá.

1915-1923: Thậm chí, cô dâu bị lột trần bởi những chàng độc thân của cô, hay Tấm Kính Lớn 

Đa phương tiện – Bảo Tàng Nghệ Thuật Philadelphia

Thậm chí, cô dâu bị lột trần bởi những chàng độc thân của cô, hay Tấm Kính Lớn (The Bride Stripped Bare by Her Bachelors, Even, or The Large Glass) được lấy cảm hứng từ việc tác giả Raymond Roussel sử dụng các từ đồng âm khác nghĩa. Duchamp thường xuyên thường dùng cách chơi chữ và nghĩa kép trong các tác phẩm của ông. Với Tấm Kính Lớn, ông đã tìm được cách tạo ra một tác phẩm vừa có thể trải nghiệm trực quan vừa có thể “đọc” như một văn bản. Sau khi tham dự buổi trình diễn vở kịch (Những ấn tượng về châu Phi) Impressions d’Afrique của Roussel, Duchamp đã hình dung một tổ hợp điêu khắc dưới một dạng sân khấu. Những nghiên cứu sơ bộ cho sân khấu (vốn dĩ sẽ cao hơn 2.74 mét) bao gồm các mô tả về một “cô dâu” trừu tượng đang bị tấn công bởi những nhân vật tựa máy móc trong chuyển động đầy hỗn loạn. Thiết bị được xây dựng giữa hai tấm kính cũng có thể được lấy cảm hứng từ nghiên cứu định lý vật lý của nhà toán học Henri Poincaré.

1917: Đài phun nước 

Bồn tiểu – Bảo Tàng Nghệ Thuật Philadelphia 

Vào năm 1917, tác phẩm readymade nổi bật nhất – Đài phun nước (The Fountain) đã được đệ trình lên Hiệp Hội Nghệ Sĩ Độc Lập dưới bút danh R. Mutt. Chữ R đầu tiên là viết tắt cho Richard, một từ tiếng lóng cho “thằng nhà giàu” trong tiếng Pháp, còn Mutt ám chỉ JL Mott Ironworks, một công ty chuyên sản xuất bồn tiểu bằng sứ tại New York. Sau khi tác phẩm bị từ chối bởi Hiệp Hội với lý do rằng nó vô đạo đức, các nhà phê bình ủng hộ nó đã phản bác lại tuyên bố này, cho rằng món đồ này đã được nghệ sĩ đầu tư cho một ý nghĩa mới mẻ khi đem trưng bày. Thử thách giới hạn của những gì tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, Đài Phun nước đã đặt ra những cơ sở mới. Thứ vốn dĩ là một trò đùa công phu được thiết kế để chọc phá giới nghệ thuật tiên phong của Mỹ đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

1919: L.H.O.O.Q

Collotype, bảo tàng Boijmans Van Beuningen, Rotterdam

Tác phẩm L.H.O.O.Q đầy tai tiếng của Marcel Duchamp là bản sao bưu thiếp hình Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci đã được biến tấu lại. Để làm tác phẩm readymade “được hỗ trợ” này (ngụ ý rằng nó đã được chỉnh sửa đến một mức độ nào đó, đối lập với “không được hỗ trợ”), Duchamp đã dùng bút chì vẽ thêm bộ ria mép và râu dê lên môi trên và cằm của nàng Mona Lisa, rồi đặt lại tiêu đề cho tác phẩm. Tiêu đề bắt nguồn từ cách phát âm tiếng Pháp của các chữ cái “Elle a chaud au cul”, phỏng dịch là “Cô ấy nóng ở mông”. 

Thay vì chỉ đơn thuần biến tấu một đồ vật bình thường, công nghiệp thành một tác phẩm nghệ thuật như trong phần lớn các tác phẩm readymade của ông, với bức L.H.O.O.Q, Duchamp bắt đầu với tái hiện của một kiệt tác nổi tiếng mà ông gỡ xuống khỏi vị trí được sùng bái bằng cách hạ bệ nó một cách tinh nghịch. Khi tôn vinh nàng Mona Lisa với những đặc trưng của nam giới, Duchamp cố ý ám chỉ đến giả thiết về xu hướng tình dục đồng tính luyến ái của Leonardo cùng những cử chỉ thể hiện bản chất lưỡng tính (androgynous) của sự sáng tạo. Duchamp rõ ràng đang bộc lộ sự quan tâm về vấn đề hoán đổi vai trò giới tính ở đây, điều này cũng xuất hiện nhiều trong các bức chân dung Man Ray khắc họa Rrose Selavy – bản ngã thay thế phiên bản nữ của Duchamp. 

1920: Góa phụ tươi mới 

Gỗ sơn, kính, da thuộc – Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại, New York

Mô hình thu nhỏ của một cửa sổ kiểu Pháp truyền thống này được đặt làm theo thông số kỹ thuật Duchamp đưa ra bởi một thợ mộc ở New York. Tên tác phẩm, Goá phụ tươi mới (Fresh Widow) cùng với dòng chữ “BẢN QUYỀN CỦA ROSE SELAVY 1920” (“COPYRIGHT ROSE SELAVY 1920“) được khắc ở chân đế, hiển nhiên là một cách chơi chữ trong bối cảnh hậu Thế Chiến I, khi nhiều người vợ trẻ tràn đầy sức sống hay “tươi mới” (“fresh”) bỗng trở thành góa phụ (tình cờ thay, đây cũng là tác phẩm đánh dấu cột mốc danh phận thay thế bản nữ của Duchamp – Rrose Selavy ra mắt). Như để báo hiệu cho sự tiếc thương, tám ô cửa sổ được bọc kín bằng da đánh bóng đen, che khuất tầm nhìn hoàn toàn, từ đó phá hủy quan niệm về hội họa tựa như cửa sổ nhìn ra thế giới. 

1925: Bán cầu quay (Quang học chính xác)

Đa phương tiện – Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại, New York

Nỗi ác cảm nổi tiếng của Duchamp với những thứ ông gọi là “nghệ thuật giác mạc” đã không ngăn cản ông tiến hành các thí nghiệm quang học bằng các tác phẩm điêu khắc động học như tác phẩm này (dù ông từ chối coi chúng là tác phẩm nghệ thuật). Dựa trên một mô hình mà Duchamp và Man Ray đã thử nghiệm trước đó vào năm 1920, Bán cầu quay (Quang học chính xác) (Rotary Demisphere (Precision Optics)) bao gồm một quả cầu bằng giấy bồi màu trắng gắn trên một đĩa lót nhung gây liên tưởng đến các vành đai của Sao Thổ. Quả cầu được bao quanh bởi những vòng tròn đồng tâm màu đen được sắp xếp để tạo thành hình xoắn ốc tưởng như dao động khi quay. Khắc ở trên chiếc vòng tròn bằng đồng quanh chu vi quả địa cầu là dòng chữ “RROSE SELAVY ET MOI ESQUIVONS LES ECCHYMOSES DES ESQUIMAUX AUX MOTS EXQUIS,” (“Rrose Selavy và tôi né tránh những vết bầm tím của người Eskimos bằng những từ ngữ tinh tế”). Khi phát âm bằng tiếng Pháp, cụm từ này chuyển tải hiệu ứng hình ảnh thôi miên một cách dí dỏm bằng lời nói thông qua một tổ hợp tiếng vang. 

1935-41: Chiếc hộp trong va li  

Đa phương tiện, Bảo tàng Nghệ thuật Havard/ Bảo tàng Fogg, Cambridge, MA

Giống một bộ đồ nghề của người bán hàng lưu động, Chiếc hộp trong va li (La Boîte-en-Valise) là một trong 24 phiên bản của một chiếc bao da chứa 69 bản sao thu nhỏ các tác phẩm nghệ thuật của Duchamp. Mỗi một hộp cung cấp các tác phẩm khác nhau, được tô màu bằng tay, và dán bên trong nắp hộp. Các khu vực trong những chiếc hộp này trượt ra và cho thấy các bản in được gắn trên bảng đen. Tác phẩm này minh họa cho sự vắng mặt của ranh giới giữa bản gốc và bản sao mà Duchamp đã dựng nên khi tạo các tác phẩm readymade. Chiếc hộp cũng hoạt động như một bảo tàng di động: Duchamp làm ra nó khi chuyển đến New York năm 1942, và đặt trong đó những tác phẩm chọn lọc mà ông đã thực hiện cho tới thời điểm bấy giờ. Chiếc hộp trong va li gợi nhớ tới “bảo tàng không tường” của André Malraux, đặc biệt là trong cách sử dụng các bản sao ảnh chụp. 

1946-66: Étant donnés

Gỗ sơn, cao su, và vải – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia

Được lắp đặt đằng sau một cánh cửa gỗ nặng tìm thấy ở Tây Ban Nha và vận chuyển tới New York, Étant donnés (TD: Bởi vì) gồm một diorama (dạng tranh mô hình gồm nhiều lớp, đủ kích thước ba chiều) được chiêm ngưỡng qua hai lỗ nhìn. Khung cảnh khắc họa một người phụ nữ khỏa thân, có thể đã chết, hai chân dạng ra, ôm một ngọn đèn đốt khí gas được thắp sáng. Phong cảnh núi non, dựa trên bức ảnh Duchamp chụp ở Thụy Sĩ, tạo nên bối cảnh nền ở phía sau. Được dựng một cách bí mật trong hơn 20 năm, Étant donnés được coi là tuyệt tác lớn thứ hai của Duchamp. Ông làm hẳn cả một quyển hướng dẫn lắp đặt tác phẩm, quyển sách sau đó được sao chép dưới dạng fax và bản in. Thoạt nhìn, Étant donnés là một tham khảo trực tiếp tới bức tranh Nguồn gốc của thế giới (Origine du Monde) (1866) của Courbet. Tuy nhiên khi nhìn kỹ hơn, tác phẩm lại có thể được xem như sự phản ánh ranh giới giữa nghệ sĩ và khán giả, như một phương tiện để tự vấn về sự tự ý thức, hoặc như một sự thiền định tâm linh thông qua tính biểu tượng của ngọn đèn thắp sáng. 

1947: Làm ơn chạm vào

Làm ơn chạm vào (Priere de Toucher) được Duchamp thiết kế để đưa vào triển lãm Siêu thực Quốc tế năm 1947 do chính ông đồng giám tuyển với André Breton. Cho bản giới hạn của cuốn danh mục của triển lãm, Duchamp và nghệ sĩ Siêu thực Enrico Donati đã tô màu bằng tay cả thảy 999 miếng ngực giả làm từ cao su bọt để dán lên miếng vải nhung đen dính vào các bìa sách có thể tháo rời. Cuốn danh mục, triển lãm mà nó được dựa trên, và cả một triển lãm sau này mà Duchamp và Breton lại một lần nữa hợp tác cùng nhau – “Exposition Internationale du Surréalisme (1959-60)” (Triển lãm Siêu thực Quốc tế), tất cả đã đánh dấu sự chồng chéo chủ đề với giới Siêu thực, cụ thể là sự ám ảnh với đề tài khiêu dâm. 

Dịch: Minx Trần

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Marcel Duchamp Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…