Nhiếp ảnh thủ công: Một phương thức sáng tạo nghệ thuật (Phần 1)

Ngày nay, việc chụp một bức ảnh có thể thực hiện nhanh chóng với một vài thao tác đơn giản, nhưng vào buổi đầu của lịch sử nhiếp ảnh, quá trình này đòi hỏi người nghệ sĩ phải tính toán vô cùng tỉ mỉ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình phát triển của nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh thủ công, những điểm đặc biệt khiến lĩnh vực này vẫn tồn tại và tạo ra những dấu ấn trong tiến trình phát triển của Nghệ thuật Đương đại.

Sự ra đời của nhiếp ảnh và những trào lưu nhiếp ảnh nghệ thuật ban đầu

Về sự ra đời của nhiếp ảnh, iDesign đã có loạt bài 2 phần: Nhiếp ảnh ra đời và sự thay đổi hoàn toàn của Nghệ thuật và Thiết kế đồ họa thuộc chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ họa, trong đó đã bàn luận rất kỹ về tiến trình phát triển cũng như những ảnh hưởng trọng yếu của nhiếp ảnh đến các lĩnh vực khác thuộc địa hạt nghệ thuật và sáng tạo. Để mở đầu bài viết này, chúng ta sẽ điểm lại một vài dấu mốc tiêu biểu để bạn đọc có cái nhìn tổng quát nhất về sự ra đời của Nhiếp ảnh và những trào lưu nhiếp ảnh nghệ thuật sơ khai.

Những cha đẻ của Nhiếp ảnh

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công Nghiệp lần thứ nhất năm 1760, thế giới dần chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang máy móc hàng loạt, không tách khỏi sự chuyển mình của thời đại, nhiếp ảnh ra đời như yêu cầu tất yếu, mang đến luồng gió mới cho ngành sáng tạo nghệ thuật và thiết kế đồ họa. 

Nhìn từ cửa sổ ở Le Gras (View from the Window at Le Gras) (1827). Bức ảnh đầu tiên trên thế giới

Người đặt dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của nhiếp ảnh là Joseph Niépce (1765 – 1833), ông đã tạo ra hình ảnh in nhiếp ảnh đầu tiên vào năm 1822 mà ông gọi là “khắc bằng mặt trời” (heliogravure). Tới năm 1827, Niépce đã kết hợp phát minh trước đó với camera obscura để bắt lại khung cảnh thực tế bên ngoài cửa sổ phòng làm việc của ông, từ đó tạo nên bức ảnh đầu tiên trên thế giới.

Nguyên lý hoạt động của camera obscura. Khi kết hợp với một bề mặt quét chất nhạy sáng ở vị trí hình ảnh phản chiếu thì ta có một máy ảnh lỗ kim (pinhole camera).

Tiếp nối thành công của Niépce, Louis Jacques Daguerre (1799 – 1851) đã phát minh ra kỹ thuật nhiếp ảnh thương mại đầu tiên, đưa ông trở thành một trong những cha đẻ của nhiếp ảnh, kỹ thuật đó được gọi là daguerreotype. Daguerre sử dụng tấm đồng mạ bạc được ngâm trong i-ốt tinh thể để tạo ra một tấm nhạy sáng. Kỹ thuật này tạo nên những bức ảnh độc bản sắc nét, chính vì vậy, nó nhanh chóng trở thành hiện tượng ở Paris sau năm đầu tiên ra mắt.

Chân dung thủ tướng Abraham Lincoln chụp năm 1846 bằng kỹ thuật nhiếp ảnh daguerre

Một trong những cha đẻ của nhiếp ảnh khác là William Henry Fox Talbot (1800 – 77) tạo ra quy trình calotype và sử dụng giấy thay cho kim loại. Tuy hình ảnh calotype không sắc nét bằng hình ảnh ghi trên kim loại của kỹ thuật daguerre nhưng chất liệu giấy cho phép Talbot tạo ra âm bản và từ đó là vô số các bản in dương bản của hình ảnh. Talbot cũng là người đầu tiên tạo ra các bức quang đồ (photogram) sử dụng hoa, lá, và những miếng ren đặc trực tiếp lên giấy nhạy sáng và mang phơi sáng để tạo ra hình ảnh.

Một cây sồi vào mùa đông, Lacock (An oak tree in winter, Lacock) (khoảng năm 1842 – 43) của William Henry Fox Talbot. Âm bản và dương bản.
Bà Leicester Stanhope đáng kính (The Honourable Mrs. Leicester Stanhope) (1836) bản in cyanotype của Ngài John Frederick William Herschel (1792 – 71), người tạo ra quy trình in cyanotype là kỹ thuật tạo nên cuốn sách nhiếp ảnh đầu tiên trên thế giới, tìm ra thuốc hãm, đặt ra khái niệm âm bản (negative) và dương bản (positive), cũng như khái niệm “photography” ta vẫn dùng tới ngày nay.

Mong muốn ban đầu của một bộ phận nghệ sĩ chỉ đơn thuần muốn sao chép một cách khách quan thiên nhiên thông qua máy móc và kỹ thuật mà không bị ảnh hưởng bởi cái tôi cá nhân của người thực hiện. Nhiếp ảnh đã mở ra một chân trời mới, đứng hoàn toàn độc lập và khác biệt với hội họa truyền thống, sáng tạo nên những góc nhìn nghệ thuật độc đáo mà chỉ phương thức này mới có thể tạo ra.

Vào buổi bình minh của nhiếp ảnh nghệ thuật, có ba trào lưu chính đã thống trị phong cách sáng tạo của các nghệ sĩ lúc bấy giờ, đó là: Nhiếp ảnh Như họa (Pictorialism Photography), Nhiếp ảnh Trừu tượng (Abstract Photography) và Nhiếp ảnh Thẳng thắn (Straight Photography).

Nhiếp ảnh Như họa (Pictorialism Photography) 

Ném vòng (The Ring Toss) (1899) của Clarence H. White

Ban đầu, nhiếp ảnh được tạo ra là công cụ mang tính khoa học, các nghệ sĩ truyền thống xem nhẹ giá trị nghệ thuật tồn tại trong các tác phẩm tạo ra từ quá trình này. Chính vì thế, Nhiếp ảnh Như họa (1885 – 1915) ra đời, như là sự phản kháng của nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh đối với sự xem nhẹ của giới “nghệ thuật cao cấp” và đối đầu trực tiếp với hội hoạ. 

Nhiếp ảnh Như họa có nghĩa là những tác phẩm nhiếp ảnh “đẹp như tranh vẽ”. Cụ thể hơn, những nghệ sĩ thuộc trào lưu này đưa cái đẹp, sắc độ, bố cục lên trước việc ghi chép lại một hình ảnh mang tính khoa học, tạo nên những bức ảnh theo phương pháp của hội hoạ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Như hoạ sắp đặt nội dung tác phẩm, lồng ghép âm bản, sử dụng các chủ đề mỹ thuật truyền thống và chịu ảnh hưởng bởi thẩm mỹ hội hoạ đương thời…

Sự ra đi của vua Arthur (bị The Passing of Arthur) (1875) của Julia Margaret Cameron

Nhiếp ảnh Trừu tượng (Abstract Photography)

Vortograph (1916-17) của Alvin Langdon Coburn

Bắt đầu từ khoảng năm 1910, Nhiếp ảnh Trừu tượng đi theo hướng hoàn toàn ngược lại con đường của trào lưu Nhiếp ảnh Như họa. Họ không tìm cách mô phỏng theo cách thức của hội họa truyền thống, mà tôn vinh những tính chất riêng biệt mà chỉ nhiếp ảnh mới có thể tạo ra. 

Một trong các thành tựu của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trừu tượng đưa là các tác phẩm nhiếp ảnh lên một tầm cao mới nhờ các kỹ thuật nhiếp ảnh không dùng tới máy ảnh như quang đồ, hoá đồ (chemigram), và luminogram.

Rayograph (1922) Man Ray

Bên cạnh đó, trào lưu này cũng có một nhóm các nghệ sĩ chỉ dùng máy ảnh đơn thuần ghi lại những vật thể đời thường dưới góc nhìn độc đáo và kỳ lạ. Tuy nhiên, họ cũng đi theo một tinh thần chung đó là tạo ra những hình ảnh xa lạ từ chính những vật thể đang tồn tại trong thực tại hàng ngày.

Nhiếp ảnh Thẳng thắn (Straight Photography)

Những chiếc bát (Bowls) (1917) của Paul Strand

Nhiếp ảnh Thẳng thắn (1921) được định nghĩa bởi Edward Weston và sau đó nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của một nhóm nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh thủ công. Thuật ngữ này ám chỉ một thẩm mỹ tiêu biểu bởi độ tương phản cao, chi tiết sắc nét, sắc độ phong phú đạt được bởi máy ảnh. Nó cũng loại bỏ sự sắp đặt chủ thể và cắt xén hình ảnh, nhấn mạnh nguồn cảm hứng của chủ nghĩa Hiện đại vào cấu trúc hình học tự nhiên của mọi vật. Những phẩm chất này khiến Nhiếp ảnh Thẳng thắn trở nên khác biệt với các cách thức tạo hình khác, đặc biệt là hội họa.

Phần tiếp theo của bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu về Nhiếp ảnh thẳng thắn thời kỳ đầu và cách mà những nghệ sĩ khởi xướng ra trào lưu đã đi tới đỉnh cao của nhiếp ảnh thủ công như một phương thức sáng tạo nghệ thuật vượt trội.

Nhiếp ảnh Thẳng thắn: Đỉnh cao kỹ thuật của nhiếp ảnh thủ công

Vỏ (Shell) (1927) của Edward Weston

Nhiếp ảnh Thẳng thắn được xác định với cách tiếp cận thuần tuý với máy ảnh, là tiền đề cho nhiều trào lưu nhiếp ảnh khác nhau: từ nhiếp ảnh tư liệu báo chí đến chính nhiếp ảnh trừu tượng. Mỗi phong cách nhiếp ảnh đều điều chỉnh cách tiếp cận để nhấn mạnh cách xử lý riêng về hình thức, trải nghiệm cảm giác hoặc những thay đổi trong môi trường xã hội và văn hóa. 

Kỹ thuật này đại diện cho tính tức thời, sự trôi qua của thời gian thể hiện trong dòng chảy lịch sử hay sự đóng băng của thời gian như trong một bức ảnh chụp nhanh. Trong một bức ảnh, thời gian được mô tả bằng thể hiện chuyển động hay sự thay đổi vị trí của đối tượng trong không gian. Henri Cartier-Bresson, cha đẻ của nhiếp ảnh báo chí, tìm kiếm “một khoảnh khắc mà mọi yếu tố trong chuyển động đều cân bằng” trong vạn vật, và gọi đó là “khoảnh khắc quyết định” – điều đã xác định phần lớn kỹ thuật chụp ảnh Thẳng thắn vào giữa thế kỷ 20.

Nghiên cứu nhiếp ảnh về một người đàn ông cưỡi ngựa (Khoảng năm 1882) của Eadweard Muybridge
Một ngày yên tĩnh trong khẩu đội súng cối (A Quiet Day in the Mortar Battery) (1855) của Roger Fenton

Nhiếp ảnh Thẳng thắn biến những mô tả tưởng thực tế đơn thuần của ảnh chụp thành cảm quan hay tầm nhìn của tác giả về cuộc sống hiện đại. Đối với nhiều nghệ sĩ, máy ảnh trở thành công cụ tối ưu để tiết lộ những gì còn ẩn giấu hoặc bị che khuất khỏi tầm nhìn.

Nhiếp ảnh bờ Tây và nhóm F/64 huyền thoại

Vào khoảng năm 1910 đến 1930, chủ nghĩa thống trị nước Mỹ là Nhiếp ảnh Như họa bờ Đông. Trong đó, các đối tượng được chụp trong một lớp sương mù hoặc phủ vải tơ mỏng với mục đích làm giảm độ nét hình ảnh – nhằm bắt chước các bức tranh Ấn tượng. Đối lập với điều đó, chủ nghĩa Nhiếp ảnh bờ Tây nổi lên: không còn đi theo con đường bắt chước hội hoạ đầy buồn tẻ mà cố gắng phát triển như một loại hình nghệ thuật riêng biệt. 

Những nghệ sĩ bờ Tây đón nhận và phát triển Nhiếp ảnh Thẳng thắn vào những năm 1930. Tôn thờ “tính trung thực” của máy ảnh, nhóm này tạo ra những bức ảnh lý tưởng nhưng thực tế, mà trong đó không có bất kỳ sự can thiệp nào vào quá trình chụp hay trong phòng tối.  

Nhà hát vòng tròn Mills College (Mills College Amphitheater) (1920) của Imogen Cunningham, Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế, Thành phố New York. Bức ảnh tái hiện một phần giảng đường trống, làm nổi bật kiến trúc bao gồm những đường cong của các hàng ghế, những đường chéo giao nhau của các cầu thang đá và những đường cung của bóng đổ. Với sự sắc nét và tương phản cao, ánh nhìn tập trung vào không gian, biến nó thành chủ đề, được tái hiện thực tế nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ như có sự sắp đặt. 

Edward Weston đã đồng sáng lập Nhóm F/64 cùng với Ansel Adams Imogen Cunningham, Willard Van Dyke, Sonya Noskowiak, Dorothea Lange và một số nghệ sĩ khác, với cam kết về lý tưởng nhiếp ảnh thuần túy giúp định hình lịch sử của chủ nghĩa Hiện đại từ đầu đến giữa thế kỷ 20 và đảm bảo vị trí của nhiếp ảnh – với tư cách là nghệ thuật cao cấp. Đây là một nhóm tập hợp những nghệ sĩ có chung sở thích sử dụng khẩu độ nhỏ nhất, cực kỳ nhỏ (f/64) có sẵn trên máy ảnh khổ lớn, để tạo ảnh có độ phân giải cao và độ sâu trường ảnh sắc nét tới mức siêu hiện thực. 

Thay vì bị che đậy thì các đặc điểm kỹ thuật của máy ảnh được quảng bá và khai thác hết mức có thể. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu cụ thể về những thành viên quan trọng nhất của nhóm này, những bậc thầy kỹ thuật, là Ansel Adams, Edward Weston, và Willard Van Dyke.

Ansel Adams – ‘Bậc thầy siêu đẳng’ của nhiếp ảnh phong cảnh

Ansel Adams được mệnh danh là nhiếp ảnh gia phong cảnh người Mỹ quan trọng nhất thế kỷ 20, cuộc đời ông được dành để ghi lại hình ảnh vùng hoang dã bị lãng quên tại các công viên quốc gia ở Mỹ và các khu bảo tồn khác ở khu vực lân cận. Không làm biến dạng các đối tượng trước ống kính của mình, Adams đã sử dụng tiêu cự sắc nét để nhấn mạnh các yếu tố chính và mối quan hệ thường không được chú ý giữa các đối tượng. 

Đá nguyên khối, Mặt của Half Dome, Công viên Quốc gia Yosemite (Monolith, the Face of Half Dome, Yosemite National Park) (khoảng năm 1927) của Ansel Adams, Trung tâm Bộ sưu tập Nhiếp ảnh Sáng tạo, Đại học Arizona. Một hình ảnh u ám về Half Dome ở Công viên Quốc gia Yosemite, đây là một bức ảnh đen trắng có độ tương phản cao, được lấy nét sâu và sắc nét (từ tiền cảnh đến hậu cảnh). Bức ảnh thu được đánh dấu một bước ngoặt trong công việc của Adams: ông đã hình dung trước một cách hiệu quả bức ảnh sẽ trông như thế nào trước khi nhấn nút chụp. 

Đối với Ansel Adams, “nhiếp ảnh gia hình dung ra trước hình ảnh của chủ thể như sẽ xuất hiện trong bản in cuối cùng. Anh ta đạt được biểu hiện của hình dung ấy thông qua kỹ thuật của mình – một cách thẩm mỹ, trí tuệ và bằng máy móc.” Ông và Fred Archer đã phát triển “Hệ thống vùng” (Zone System), một phương pháp mà nhờ đó nhiếp ảnh gia có thể “hình dung trước” chất lượng của hình ảnh tại thời điểm chụp. Thêm vào đó, nghệ sĩ thực hành phải tính toán kỹ lưỡng từ lúc bấm máy đến khi tạo ra bản in cuối cùng. “Hệ thống vùng” dựa trên cơ sở bốn yếu tố liên hệ mật thiết với nhau: độ nhạy sáng của giấy âm bản, thời gian phơi sáng, ánh sáng, và việc xử lý ảnh trong phòng tối. 

Grand Teton và sông Snake, Wyoming (Grand Teton and Snake River, Wyoming) (1942) của Ansel Adams, Bảo tàng Victoria và Albert, London. Grand Teton là một bức ảnh tuyệt vời thu hút ánh nhìn của người xem từ dòng sông ở tiền cảnh, quanh co khúc khuỷu đến những ngọn núi phủ tuyết của Grand Teton, và hướng lên bầu trời đang u ám ở hậu cảnh. Hình ảnh được ghi lại với tiêu cự sắc nét, ánh sáng hoàn toàn tự nhiên nhấn mạnh vẻ đẹp lộng lẫy và hùng vĩ của cảnh quan.

Edward Weston – Tinh hoa của chủ nghĩa Hiện đại Mỹ trong nhiếp ảnh

Với phong cách táo bạo trong việc xử lý vật thể hoặc cơ thể về mặt hình thức, kết cấu và ánh sáng, Edward Weston đã trở thành nhân vật trung tâm của sự phát triển nhiếp ảnh Hiện đại ở California và là nét chấm phá độc đáo của Nhóm F/64. Những bức ảnh hiện thực có độ phân giải cao của Weston về các hình dạng hữu cơ và những điều kỳ diệu hiện đại đã khuyến khích người nhìn xem xét lại những vật thể có vẻ tầm thường và hình thành mối liên hệ mới với chúng. 

Càng về giai đoạn sau của sự nghiệp, tác phẩm của Weston ngày càng trở nên trừu tượng, tập trung vào hình thức với mục đích nắm bắt bản chất của đối tượng được khắc họa. Những phong cảnh rộng lớn, uốn lượn được biến thành những mô hình phẳng; những hình thể khỏa thân bị cắt xén thì trở thành những hình dạng thuần túy; những loại rau tròn trịa bắt đầu mang hơi hướng của con người trong các tác phẩm của ông. 

Khỏa thân (Nude) (1925) của Edward Weston, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Thành phố New York. Ảnh chụp cận cảnh một phụ nữ khỏa thân, nằm sấp, phần trên vai và ngay dưới hông. Những đường cong uyển chuyển trên lưng người mẫu tỏa ra một loại ánh sáng, nổi bật trên nền trung tính thiên tối gợi cho người xem khung cảnh của đường chân trời.

Edward Weston không chỉ thay đổi cách người xem nhìn các vật thể thông thường mà còn cả cách chúng ta nghĩ về phương tiện chụp ảnh. Những tác phẩm được phóng đại về những địa điểm và đồ vật quen thuộc của ông, khơi dậy lòng hiếu kỳ và bày ra trước mắt người xem một khung cảnh, một góc nhìn rất lạ kỳ. Weston đã đưa nghệ thuật vượt ra khỏi lĩnh vực của chủ nghĩa tượng hình, không còn bắt chước hội hoạ, đồng thời khẳng định vị thế là một phương tiện nghệ thuật đúng nghĩa.

Lá bắp cải (Cabbage Leaf) (1931) của Edward Weston, Viện Nghệ thuật Chicago. Lá bắp cải mở rộng nhận thức trực quan của người ta về loại rau bình thường và quen thuộc này với hình ảnh đơn độc của một chiếc lá bị bong ra. Cấu trúc các đường gân nhô cao và các đường vân thẳng của hình dạng héo úa nổi lên rõ ràng trên nền phẳng, tối khiến vật thể nom giống như một tác phẩm điêu khắc. Điều này tạo ra một sắc thái tinh tế của sự duyên dáng và chuyển động trong tác phẩm. Tác phẩm đã nâng tầm một thực phẩm thông thường thành một đối tượng của mỹ thuật.

Willard Van Dyke – Người phát ngôn của nhóm F/64

Tìm thấy điểm chung trong việc khao khát tạo ra những hình ảnh “thuần tuý” (pure) và không qua chỉnh sửa, Willard Van Dyke có thời gian học việc với Edward Weston vào năm 1929 và sau đó trở thành trợ lý của nghệ sĩ Như hoạ nổi tiếng Anne Brigman trong một khoảng thời gian ngắn. Ông thừa hưởng xưởng của Brigman ở 683  Brockhurst Street, San Francisco, nơi sau đó ông cùng Jeanette Edwards thành lập phòng trưng bày 683 – một “môi trường tại bờ Tây hữu dụng cho những nghệ sĩ bờ Tây“. 

Khi nhóm F/64 thành lập, Van Dyke trở thành người phát ngôn. Trong tuyên ngôn của nhóm, ông nêu ra một loạt khuyến nghị ủng hộ “những phẩm chất của sự rõ ràng và tính định nghĩa.”  Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh rằng mục đích của nhóm là quảng bá “nhiếp ảnh đương đại tốt nhất của bờ Tây” và rằng, ngoài tác phẩm của các thành viên, triển lãm của F/64 sẽ “bao gồm các bản in từ các nhiếp ảnh gia khác chứng minh xu hướng hoạt động tương tự như của nhóm.” Ngoài ra, nhóm sẽ hạn chế “các thành viên và những người được mời trong những nhà lao động đang cố gắng xác định nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật bằng những trình hiện đơn giản và trực tiếp thông qua các phương pháp nhiếp ảnh thuần tuý.

Xương và trời (Bone and Sky) (khoảng năm 1932) của Willard Van Dyke, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, San Francisco. Đây là hình ảnh lát cắt xương chậu của một con bò được đặt trên nền trời không mây. Sự sắp đặt ánh sáng và bóng tối, cũng như việc sử dụng tiêu điểm sắc nét tạo ra một hình thức trừu tượng. Mà có lẽ, nếu không có mô tả, người xem sẽ không nhận thức được đây thực sự là hình ảnh của vật thể nào, nhận thức dần trở nên mơ hồ.

Những bức ảnh ban đầu của Van Dyke ghi lại chi tiết từ ngành công nghiệp hoặc thiên nhiên, nhấn mạnh vào hình thức, ánh sáng và không gian âm. Chúng đậm nét đồ hoạ, như trong loạt tác phẩm về kiến trúc các toà nhà bỏ hoang của ông. Theo thời gian, trọng tâm sáng tác của Van Dyke chuyển sang các vấn đề mang tính xã hội, ông bắt đầu chuỗi ảnh chụp chân dung những người lao động nhập cư và những người công nhân thép thất nghiệp. Đây là những khắc hoạ đầy cảm xúc về những người lao động và gia đình của họ trong một thời kỳ khó khăn. 

Dù năm 1935, Nhóm F/64 kết thúc như một phong trào, nhưng Weston và Adams vẫn tiếp tục phát triển phương pháp Nhiếp ảnh Thẳng thắn theo con đường của riêng mình trong những thập kỷ tiếp theo, và Nhóm F/64 đã có tác động lâu dài đến các tổ chức nghệ thuật ở California. Những bức ảnh của Nhóm vẫn được phổ biến rộng rãi cho tới ngày nay, tạo thành một đặc trưng văn hóa quốc gia và đã thiết lập một truyền thống lâu dài trong nhiếp ảnh tĩnh vật và phong cảnh trên khắp Hoa Kỳ.

Nhiếp ảnh phong cảnh của Ansel Adams, cũng giống như hội hoạ Lãng mạn Mỹ trước đó, gắn liền với niềm tự hào và lòng yêu nước của người dân quốc gia này cũng nhiều như trở thành mẫu mực của mọi loại nhiếp ảnh phong cảnh

Sự nhấn mạnh của Nhóm F/64 nói riêng và Nhiếp ảnh Thẳng thắn nói chung vào đặc trưng của hình ảnh nhiếp ảnh đạt được bằng kỹ thuật thủ công bậc thầy, đã đưa Nhiếp ảnh lên một tầm cao không thể chối cãi, như một phương thức sáng tạo nghệ thuật thị giác hoàn toàn riêng biệt và độc đáo.

Thực hiện: Tố Uyên


Chủ mục Mini series “Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác” – Tố Uyên (1998), là nhà thiết kế đồ họa tự do, đồng thời là một tín đồ nhiệt thành của nghệ thuật. Cô hiện đang theo học tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab chuyên ngành 2D Design & Motion Graphic. Uyên bắt đầu làm việc với con chữ một cách khá tình cờ khi có cơ hội làm CTV dịch thuật và viết bài cho mục Lịch sử Thiết kế đồ họa của iDesign, cũng như hỗ trợ những sự kiện của Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery.


Hiện nay, tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM đang diễn ra triển lãm “Alternate Existence/s” của nghệ sĩ Tom Hricko với những tác phẩm nhiếp ảnh thủ công bậc thầy, được thực hiện xa nhất từ hơn 40 năm trước. Sự kiện mở cửa đón khách tham quan từ 19/11 – 10/12/2022. Mời các bạn ghé thưởng lãm!

Cùng tác giả

#Tag

Miniseries Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác nhiếp ảnh nhiếp ảnh như họa Nhiếp ảnh thủ công Tố Uyên

iDesign Must-try

Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Lớn lên trong một cộng đồng biệt lập, nhiếp ảnh gia Brendon Burton đã phát triển khả năng quan sát cách các tòa nhà đổ nát nép mình vào cảnh…
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và Matca xin hân hạnh giới thiệu triển lãm ảnh “Rạp chiếu phim – Teatros” của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert. Bộ ảnh…
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Lần đầu tiên, sau 10 năm miệt mài theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên…
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Nhiếp ảnh thường được quảng cáo là một trong những phương tiện dân chủ và dễ tiếp cận nhất, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người…