Nhiếp ảnh thủ công: Một phương thức sáng tạo nghệ thuật (Phần 2)

Tiếp nối loạt bài hai phần, trong bài viết này, độc giả sẽ được nhìn thấy diện mạo hiện đại hơn của nhiếp ảnh thủ công, cách những người nghệ sĩ đương đại lưu giữ nét đặc trưng và cải tiến phương thức này trong thời đại mới.

Nhiếp ảnh thủ công: Một phương thức sáng tạo nghệ thuật đương đại

Trong bối cảnh đương đại, hình thức nhiếp ảnh thẳng thắn, ghi lại chân thực những gì xảy ra tại thời điểm chụp không còn làm thoả mãn cái tôi sáng tạo của những người nghệ sĩ thực hành. Bên cạnh kỹ thuật chụp sắc nét, nhiếp ảnh gia thời đại mới lồng ghép thêm khả năng dàn dựng, sắp đặt để lồng ghép vào mỗi tác phẩm những câu chuyện, thông điệp riêng.  

Sally Mann – Nhiếp ảnh gia với chất liệu sáng tác độc đáo 

Trong suốt sự nghiệp, bà đã chụp những bức ảnh thử nghiệm đẹp đến ám ảnh khám phá các đề tài thuộc về bản chất của sự tồn tại: ký ức, ham muốn, cái chết, gia đình và sự thờ ơ của thiên nhiên đối với con người. Mann được ca ngợi vì sự cần mẫn về mặt kỹ thuật, bao gồm việc phác thảo từng bức ảnh và loại bỏ hàng loạt hình ảnh trước khi thao tác trong phòng tối để đạt được hiệu quả mong muốn. Loạt ảnh nổi tiếng nhất của bà là ghi lại những khoảnh khắc về gia đình của mình. Sally Mann chủ yếu sử dụng một máy ảnh lớn để truyền tải chi tiết và chất liệu phong phú trong cuộc sống thường ngày. Một vài bức ảnh được bà ghi lại ngẫu nhiên, nhưng phần lớn chúng được dàn dựng một cách tỉ mỉ. Để thực hiện điều này, bà hợp tác với các con của mình, đôi khi hướng dẫn chúng bắt chước một số tư thế, những lúc khác thì nghe theo ý tưởng từ bộ óc trẻ thơ.

Quả cà chua hoàn hảo (The Perfect Tomato) (1990). Trong bức ảnh, Jessie, con gái của Mann khỏa thân, đang tạo dáng trên bàn ăn ngoài trời, tắm mình trong ánh sáng chan hòa. Thời điểm này, cô bé đang chơi đùa và mẹ bảo hãy giữ nguyên tư thế để bà chụp lại một cách nhanh chóng trước khi mặt trời lặn. Điều này giải thích tại sao tất cả mọi thứ đều bị mờ, ngoại trừ quả cả chua, dó đó chúng ta có tiêu đề của bức ảnh. Tác phẩm này cũng khiến Sally Mann vướng phải nhiều tranh cãi. 
Hoa loa kèn (Trumpet Flowers) (1991)

Mặc dù hầu hết các nhiếp ảnh gia ở thế kỷ 19 luôn cố gắng để tạo ra những âm bản hoàn hảo, nhưng Mann đã nhận ra tiềm năng có phần thơ mộng của những khiếm khuyết về kỹ thuật. Bà thậm chí có nhiều điểm chung với các nhiếp ảnh gia thời Victoria, như Julia Margaret Cameron và Lewis Carroll, hơn là với bất kỳ ai cùng thời. Mặc dù vướng phải nhiều tranh cãi trong suốt sự nghiệp, chúng ta không thể phủ nhận sự thành công và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Sally Mann với Nghệ thuật đương thời. 

Tam liên hoạ (Triptych) (2004). Loạt chân dung tự họa kiểu ambrotype ám chỉ những trải nghiệm đau đớn, già nua và rã rời, sau tai nạn cưỡi ngựa năm 2006 của Sally Mann.

Cindy Sherman – Bậc thầy về nhiếp ảnh phê phán xã hội 

Cindy Sherman nổi tiếng với những bức ảnh chân dung tự chụp mang tính ý niệm trong nhiều bối cảnh khác nhau và dưới dạng các nhân vật tưởng tượng. Để tạo ra những tác phẩm như vậy, Sherman làm việc một mình trong xưởng, bà đảm nhận nhiều vai trò từ tác giả, đạo diễn đến thợ trang điểm, làm tóc, phụ trách trang phục và thậm chí là làm người mẫu. Loạt ảnh Phim tĩnh không có tiêu đề (Untitled Film Stills) (1977-1980) được coi là dấu mốc làm nên tên tuổi của Cindy Sherman. Trong đó, bà đảm nhận những vai nữ điển hình trong các bộ phim nghệ thuật và phim hạng B, nhằm thể hiện những khuôn mẫu sai lầm về phụ nữ Mỹ.

Trong suốt bốn thập kỷ, Cindy Sherman đã khám phá việc xây dựng bản sắc cá nhân, chơi với các quy tắc hình ảnh của nghệ thuật, sử dụng các hình tượng chiếm đoạt từ quảng cáo, phim ảnh, truyền hình để thể hiện thái độ châm biếm và mỉa mai đối với bối cảnh truyền thông đại chúng đương thời. Nhiếp ảnh trong tay Sherman vừa xây dựng nhưng cũng đồng thời phê phán chính đối tượng mà nó tạo ra. Điều này đã khiến bà trở thành một nhân tố chủ chốt của Thế hệ Hình ảnh (The Pictures Generation). 

Cách tiếp cận của Sherman đối với nhiếp ảnh chân dung đã mở ra khả năng phê bình xã hội cho một phương tiện từng được coi là công cụ ghi chép tài liệu của chủ nghĩa Hiện thực.

Không đề #153 (Untitled #153)  (1985). Tác phẩm nằm trong chuỗi ảnh thực hiện cho tạp chí Vanity Fair lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích. Như thông thường, bức ảnh là một chân dung tự họa, miêu tả một người phụ nữ, nằm dưới đất như một xác chết, phủ đầy bùn trong môi trường tự nhiên.

Andrea Gursky – Chụp những khung cảnh siêu thực

Vào thời điểm thịnh hành của phim đen trắng, Andrea Gursky đi ngược lại xu hướng và bắt đầu chụp ảnh màu với máy phim khổ lớn, sau đó quét các hình ảnh, chỉnh sửa kỹ thuật số trên máy tính. Điều này khiến ông trở thành cầu nối quan trọng giữa cách chụp hình và trưng bày ảnh kiểu cũ với kỷ nguyên công nghệ tiên tiến hiện nay. Chủ đề chính của ông là về những nơi rộng lớn, chẳng hạn như: sàn giao dịch chứng khoán, đường đua, cửa hàng tạp hoá lớn, những nơi mà có mối liên hệ mật thiết với sự xuất hiện của con người. Thường được chụp từ góc nhìn trên cao, cho phép người xem trải nghiệm một khung cảnh theo tỷ lệ đầy đủ mà không thể nhìn thấy dưới góc nhìn thông thường. Andrea Gursky khám phá ra những thế giới mới từ những gì có sẵn, những khung cảnh siêu thực mà ở đó không gian như bị làm phẳng, mọi chi tiết đều trở nên sắc nét, không ưu tiên tiền cảnh hay hậu cảnh. Kỹ thuật chụp ảnh bậc thầy được phô bày trọn vẹn trong những bức hình khổ lớn, nằm ngang, bao trùm người xem trong không gian mà chúng khắc hoạ. 

99 xu (99 cent) (1999).  Andrea Gursky vận dụng phối cảnh kết hợp với hình ảnh phản chiếu của hàng hóa trên trần nhà tạo cảm giác ngột ngạt, buộc người xem phải đối mặt với các chi tiết của vô số đồ vật được đóng gói rực rỡ. Khi sự tấn công của màu sắc tan biến, người xem phát hiện ra sự hiện diện của những người mua sắm đang đi bộ giữa các lối đi.
Rhein II (1999). Bức ảnh được bán ở mức giá kỷ lục 4,3 triệu USD

Những tác phẩm của Andrea Gursky vừa mang trải nghiệm hùng tráng ở các tác phẩm hội hoạ phong cảnh thế kỷ 19, vừa giữ nguyên tính tỉ mỉ và chi tiết của hình ảnh. Và chủ điểm đương đại chính là thế giới ngày nay được nhìn một cách bình thản từ xa. Đây là kết quả của cái nhìn phê phán sâu sắc của nghệ sĩ về tác động của chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hoá đối với cuộc sống đương thời. Gursky đã giúp hình thành những ý tưởng mới về “tính khách quan” của nhiếp ảnh, bởi mặc dù phong cảnh của ông bắt nguồn từ tư liệu thực tế nhưng với sở trường thiên tài của mình, ông đã tạo ra những tác phẩm giống như tranh vẽ trừu tượng. Gursky đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra một tiêu chuẩn mới trong nhiếp ảnh đương đại, người tiên phong thúc đẩy các khả năng về quy mô lớn trong trưng bày nghệ thuật.

Quảng trường Thời đại, New York (Times Square, New York) (1997)
Bahrain I (2005). Bức ảnh mô tả đường đua xe thể thao của Giải Grand Prix Công thức 1 hàng năm của Bahrain. Từ góc nhìn này, và thông qua một số thao tác chỉnh sửa ảnh, ông đã thành công trong việc biến một đường đua cơ bản thành những dải ruy băng sẫm màu gợi đến những nét vẽ len lỏi trên cát.

Những nghệ sĩ này đã tận dụng được những lợi thế của kỹ thuật số thời đại mới để cải tiến tiềm năng năng sáng tạo nghệ thuật khổng lồ của nhiếp ảnh thủ công. Đưa phương thức này hòa nhập với xã hội và thị hiếu đương thời. Một vài năm sau đó, có những gương mặt mới gia nhập nhóm thực hành nhiếp ảnh thủ công, nhưng mang trong mình niềm hứng thú với những kỹ thuật truyền thống, họ biến hóa chúng trong những diện mạo hoàn toàn mới khiến người xem hoàn toàn choáng ngợp.

Meghann Riepenhoff – Hợp tác cùng thiên nhiên sáng tạo nghệ thuật

Trôi dạt gần vùng ven biển #209 (Littoral Drift Nearshore #209) (Đường Springridge, Đảo Bainbridge, WA 02.12.15) tại Đại học Nghệ thuật Memphis

Thôi thúc bởi những bản in cyanotype của Anna Atkins, Meghann Riepenhoff loại bỏ hoàn toàn máy ảnh và ống kính ra khỏi việc sáng tạo nghệ thuật của mình. Bằng quy trình in ảnh cổ điển, đưa đại dương, phong cảnh và lượng mưa tham gia vào quá trình sáng tác, bà coi tác phẩm của mình là một sự hỗn loạn có kiểm soát. Giấy nhiếp ảnh của Meghann được sản xuất bằng cách phủ dung dịch nhạy sáng lên cả hai mặt giấy, sau đó hong khô và đóng hộp kín. Để tạo ra các tác phẩm đại dương của mình, bà đặt giấy nhiếp ảnh dọc hoặc ngang trực tiếp trên sóng và bờ biển, hoặc chôn một phần chúng vào cát. Quy trình này ghi lại chuyển động của thủy triều, quá trình nước rửa trôi một phần chất hóa học trên giấy tạo ra hình ảnh còn sót lại.

Trôi dạt ven biển #473 (Littoral Drift #473) (Tam liên hoạ, Bãi biển Point White, Đảo Bainbridge, WA 05.17.16). Các tác phẩm của Meghann Riepenhoff đủ lớn để tạo cảm giác đắm chìm—những tác phẩm lớn nhất của bà thậm chí có thể gợi nhớ đến làn sóng khải huyền ở Nazaré, khiến người xem choáng ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên và hoà vào những con sóng lớn.

Quá trình sáng tác của Meghan phụ thuộc rất lớn vào điều kiện ngoại cảnh tại thời điểm tạo ra bản in. Các tác phẩm được tạo ra là không giống nhau dù cho được thực hiện ở cùng một địa điểm. Mỗi vị trí sẽ ảnh hưởng đến giấy in theo cách riêng, khi thì tạo ra những đường đứt gãy rõ dệt, khi lại biến tờ giấy thành một màu vàng rực. Chính vì vậy, bà luôn giữ giấy ảnh trong balo phòng trường hợp phát hiện ra một nguồn nước thú vị. 

Ecotone # 64 (Đảo Bainbridge, WA 12.02.16). Ecotone mô tả khu vực chuyển tiếp giữa hai quần xã sinh vật liền kề (ví dụ: vùng đầm lầy giữa hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, không gian ở giữa nơi lãnh nguyên và rừng taiga gặp và chồng lên nhau).  Tác phẩm này là biểu tượng của việc từ bỏ quyền kiểm soát, thừa nhận và tôn trọng các lực lượng lớn hơn và mạnh hơn con người.

Giống như bất cứ nhiếp ảnh gia phong cảnh tài giỏi khác, Meghann Riepenhoff dựa vào phối cảnh, ánh sáng và vị trí để ghi lại những cảnh tượng nổi bật của thế giới tự nhiên. Sự khác biệt trong kỹ thuật của bà với nhiếp ảnh thế kỷ 19: cho phép các yếu tố như đất – cát, phù sa, hạt muối thô, vết bẩn để lại dấu vết trên các tác phẩm bắt mắt của mình. Đối với Meghann “Sáng tạo nghệ thuật trong thế giới hoang dã có nghĩa là cởi mở với những điều bất ngờ”. Các tác phẩm là điểm gặp gỡ giữa những gì nhỏ bé và cái bao la đang cùng xảy ra trong tự nhiên mà không phải lúc nào cũng có cơ hội chiêm ngưỡng, gợi lên trải nghiệm siêu việt. Các bản in cyanotype này là là tượng đài biểu trưng cho sức mạnh tuyệt vời mà nước mang lại cho cuộc sống của chúng ta.

Corine Hörmann – Liên kết đến thế giới mới qua ống kính của máy ảnh lỗ kim

Corine Hörmann sinh ra và lớn lên ở một khu công nghiệp gần Rotterdan, Hà Lan, nơi mà cảnh quan thiên nhiên vô cùng ít ỏi và phần lớn bị bao phủ bởi khói bụi và khí thải công nghiệp. Lần đầu tiên ra khỏi thành phố trong một chuyến tham quan, bà ấn tượng sâu sắc bởi phong cảnh, sự tĩnh lặng và yên bình của tất cả mọi thứ. Trong những tác phẩm của mình, Hörmann mang thiên nhiên vào không gian khép kín để giữ cảm giác hùng vĩ và mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Những bức ảnh của bà khiến người xem phải chậm lại và suy ngẫm về nó. 

Máy ảnh lỗ kim (pinhole camera) là một hộp kín sáng có lỗ kim có khẩu độ nhỏ, thay vì ống kính, được tạo ra trên một mặt của hộp kín. Ánh sáng từ cảnh vật đi qua lỗ kim nhỏ này và hình ảnh ngược của chúng sẽ được ghi lại bởi phim nằm bên trong máy ảnh. Đây là một biến thể của camera obscura. 

Thay vì đơn thuần sử dụng máy ảnh có sẵn, Corine Hörmann thích ghi lại hình ảnh thiên nhiên bằng một chiếc máy ảnh lỗ kim tự chế vì tính chân thực của nó. Đây là một dạng chụp ảnh chậm với thời gian phơi sáng dài và mất khá lâu để thực hiện toàn bộ quá trình. Đối với bà, máy ảnh lỗ kim mang lại một cách nhìn hoàn toàn khác với cách mà chúng ta, hay ống kính máy ảnh thông thường nhìn thấy. Cái lỗ kim nhỏ bé đó đã mở ra cánh cổng đến với một thế giới song song với thực tại mà ta đang sống.

Tác phẩm thuộc series Tôi là một yêu tinh (I’m an Elf)
Tác phẩm thuộc series Biển Wadden (The Wadden Sea). Đường sáng trắng trong bức ảnh là quỹ đạo chuyển động của mặt trời trong thời gian phơi sáng. Thông qua đường này, bà đang cố gắng thể hiện một thế giới trong đó thời gian hạn hữu kết nối với thực tế nằm ngoài tầm hiểu biết.

Hörmann làm việc phần lớn với chủ để tự nhiên, đặc biệt là những phong cảnh “hoang tàn”. Bà khám phá ra quan niệm khác về thời gian và những mối liên kết mới trong quá trình thực hành nhiếp ảnh của mình. Phong cảnh của Hörmann nhấn mạnh vào vẻ thơ mộng nào đó, mời gọi người xem khám phá thế giới riêng mà họ được liên kết. 

Tác phẩm thuộc series Tiêu điểm hoa (Floral Focus)

Xuất phát điểm là một phương tiện ghi lại tư liệu, giờ đây, nhiếp ảnh đã chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một khái niệm được mở rộng hơn rất nhiều so với ban đầu. Qua hàng thập kỷ, nhiếp ảnh thủ công vẫn là vùng đất thần bí, kích thích trí tò mò và óc sáng tạo vô hạn của những nghệ sĩ thực hành.

Thực hiện: Tố Uyên


Chủ mục Mini series “Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác” – Tố Uyên (1998), là nhà thiết kế đồ họa tự do, đồng thời là một tín đồ nhiệt thành của nghệ thuật. Cô hiện đang theo học tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab chuyên ngành 2D Design & Motion Graphic. Uyên bắt đầu làm việc với con chữ một cách khá tình cờ khi có cơ hội làm CTV dịch thuật và viết bài cho mục Lịch sử Thiết kế đồ họa của iDesign, cũng như hỗ trợ những sự kiện của Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery.


Hiện nay, tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM đang diễn ra triển lãm “Alternate Existence/s” của nghệ sĩ Tom Hricko với những tác phẩm nhiếp ảnh thủ công bậc thầy, được thực hiện xa nhất từ hơn 40 năm trước. Sự kiện mở cửa đón khách tham quan từ 19/11 – 10/12/2022. Mời các bạn ghé thưởng lãm!

Cùng tác giả

#Tag

Miniseries Nhiếp ảnh thủ công: Thấu kính nghệ thuật độc đáo dẫn tới những thế giới khác nhiếp ảnh nhiếp ảnh như họa Nhiếp ảnh thủ công Tố Uyên

iDesign Must-try

Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Lớn lên trong một cộng đồng biệt lập, nhiếp ảnh gia Brendon Burton đã phát triển khả năng quan sát cách các tòa nhà đổ nát nép mình vào cảnh…
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và Matca xin hân hạnh giới thiệu triển lãm ảnh “Rạp chiếu phim – Teatros” của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert. Bộ ảnh…
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Lần đầu tiên, sau 10 năm miệt mài theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên…
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Khai quật hàng trăm bức ảnh của các nữ nhiếp ảnh gia làm phong phú thêm ống kính Canon
Nhiếp ảnh thường được quảng cáo là một trong những phương tiện dân chủ và dễ tiếp cận nhất, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người…