Những câu hỏi bắt buộc trước khi bạn thiết kế bất cứ điều gì

Một câu hỏi khôn ngoan, đúng thời điểm sẽ là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến tính năng hoặc sản phẩm mà bạn chuẩn bị thiết kế.

Khi mới bước chân vào nghề, tôi luôn thắc mắc tại sao designer thường không được cân nhắc một cách nghiêm túc mỗi khi những quyết định quan trọng được đưa ra. Điều tương tự cũng diễn ra tại các startup tôi từng làm việc. Thông thường, phòng ban thiết kế sẽ chỉ có nhiệm vụ biến mọi thứ trong dự án trở nên đẹp đẽ hơn sau khi ban quản lý đã quyết định toàn bộ giải pháp và chiến lược.

Vài năm sau, tôi hiểu rằng nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi đúng trọng tâm với từng vấn đề mà chúng ta được yêu cầu, điều đó sẽ thay đổi cách mà mọi thứ được tiếp nhận. Việc đặt ra câu hỏi đúng không chỉ khiến chúng ta tiến bộ hơn trong việc thiết kế mà còn giúp chúng ta có được tiếng nói vững vàng trong những quyết định quan trọng của công ty.

Bài viết bởi Eugen Eşanu, nhà thiết kế tại Laroche.co.



©TheFutur / Chris Do

Việc bạn có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không phụ thuộc phần lớn vào những câu hỏi đúng trước khi bắt tay vào làm bất cứ công đoạn nào của thiết kế.

Dù bạn đang chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm, dịch vụ hay tính năng mới – càng nhiều câu hỏi chính xác được đưa ra, bạn sẽ càng hiểu rõ hơn về vấn đề mình đang phải đối mặt và giải pháp cho nó.

Chúng tôi sử dụng những bộ câu hỏi cụ thể nhằm đánh giá và xác định chính xác mục tiêu mà khách hàng mong muốn. Những câu hỏi này giúp chúng tôi trong từng bước xác định vấn đề và thiết kế. Chúng giúp tập trung vào những vấn đề cốt lõi mà không bị đi sai hướng. Những câu hỏi này không chỉ dành riêng cho các agency mà còn cho các công ty sản phẩm/dịch vụ. Chính vì vậy, tôi quyết định sẽ chia sẻ cùng bạn và hy vọng chúng sẽ giúp bạn trong quá trình thiết kế.

Tuy vậy, bạn không nên quá lạm dụng những câu hỏi này vì trong từng bối cảnh khác nhau, việc đưa ra cùng một câu hỏi có thể khiến bạn gặp khó khăn với khách hàng. Thay vào đó, hãy sử dụng chúng như một công cụ giúp bạn hiểu rõ hơn các tình huống và điều gì cần phải hoàn thành tiếp theo trong quá trình.


Xác định vấn đề

Vấn đề cốt lõi thường không xuất hiện ở bề mặt, chính vì vậy chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự phía sau bằng cách đưa ra một vài câu hỏi:

  • Vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta muốn giải quyết là gì?
  • Đây có thực sự được coi là một vấn đề hay không?
  • Liệu vấn đề này có xứng đáng với công sức mà chúng ta bỏ ra?
  • Có vấn đề nào khác mà khi chúng ta giải quyết xong có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty hoặc khách hàng không?

Quan trọng: Điều gì sẽ ảnh hưởng đến công ty nếu chúng ta không thiết kế lại hoặc thay đổi sản phẩm? Trong trường hợp chúng ta sẽ giữ nguyên sản phẩm như hiện tại trong vòng 1-3 năm sắp tới.  

Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng sau khi bạn đã xác định được vấn đề cần phải giải quyết. Tôi từng gặp một khách hàng đã nói với tôi rằng: “Mọi chuyện không thể đi sai hướng bởi vì đơn giản tôi không cho phép điều đó xảy ra”. Đáng buồn thay đó lại là một cách nhìn không thực tế khi bạn xem xét mọi vấn đề. Nếu bạn không biết được điều gì có thể đi sai hướng, vậy làm sao bạn chắc rằng mọi thứ đang đi đúng hướng? Thêm vào đó, câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định xem mình có đang thực sự tập trung vào vấn đề đó hay không.


Hợp thức hóa vấn đề

Sau khi đã thảo luận khái quát về vấn đề, chúng ta cần thiết lập chỉ số KPI đằng sau nó sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

  • Các mục tiêu kinh doanh của công ty là gì?
  • Mục tiêu kinh doanh nào có liên quan đến dự án?
  • Các bên ra quyết định nghĩ gì về ý tưởng/dự án này?
  • Chỉ số KPI nào đằng sau các mục tiêu của dự án mà chúng ta có thể đo lường được?
  • Đâu là giá trị của các mục tiêu đó? (Có thể là tiền, tiết kiệm thời gian hơn để làm những thứ khác, etc)
  • Làm sao để chúng ta biết được rằng khi nào thì chúng ta đạt được các mục tiêu đó?
  • Liệu có đủ tài nguyên để thực hiện dự án ngay cả khi chúng ta muốn phát triển thêm không?
  • Rủi ro và trở ngại mà chúng ta phải đối mặt là gì?
  • Bạn đã hỏi ý kiến của các phòng ban có liên quan khác chưa? Dự án này sẽ ảnh hưởng thế nào đến họ và điều đó thì có ổn không?

Quan trọng: Chúng tôi sử dụng bảng bên dưới để có cái nhìn rõ ràng hơn về các vấn đề mà chúng tôi đang giải quyết cùng với chỉ số thước đo đằng sau và những ảnh hưởng của chúng lên sản phẩm/công ty.


Xác định mô hình tư duy của người dùng

Sau khi đã xác định được vấn đề, hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng chung một kiểu “ngôn ngữ” với người dùng. Điều này tương đối quan trọng vì nếu chúng ta không giữ một mối liên kết thích hợp, chúng ta có thể đánh mất đi cả dự án.

Người dùng nghĩ gì khi họ thực hiện các tác vụ?

Quá trình suy nghĩ của họ được hình thành ra sao?

Làm sao để bạn có thể xây dựng và bố trí vấn đề nhằm giúp người dùng hiểu đúng về nó mỗi khi bạn nhắc đến?


Tìm cách để hiểu người dùng của bạn

Đây là những câu hỏi phụ thuộc phần lớn vào ngành kinh doanh của bạn, tập đối tượng người dùng mà bạn hướng đến. Một luật bất thành văn là, bạn phải nắm được toàn bộ chi tiết về cuộc sống của họ (cả khi ở văn phòng hay ở nhà). Bất kỳ một chi tiết nhỏ nào có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả của sản phẩm cuối cùng.

Ví dụ, sắp tới bạn sẽ thiết kế một ứng dụng dành cho những người chủ sở hữu cửa hàng ăn uống. Ứng dụng này sẽ giúp họ có thể quản lý mô hình kinh doanh của mình tốt hơn. Trong trường hợp đó, bạn cần phải biết:

  • Một ngày làm việc của họ trông ra sao?
  • Họ thích nghi cùng với các quá trình làm việc cũ như thế nào?
  • Các bước khác nhau mà họ thực hiện khi đặt đồ ăn là gì?
  • Làm sao để họ có thể quản lý hàng tồn kho của cửa hàng?
  • Làm sao để họ quản lý được nhân viên, ca làm và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong nhà hàng?
  • Họ kiểm soát những phản hồi của khách hàng thế nào? Họ sẽ làm gì với chúng?

Đánh giá xem liệu thiết kế có thỏa mãn người dùng hay không

Mục tiêu ưu tiên của chúng ta là theo dõi xem liệu chỉ số KPI mà chúng ta đã thiết lập ban đầu có thể đạt được hay sẽ đạt được thông qua những gì mà chúng ta đã thiết kế hay không?

Quan trọng: Nó sẽ không mang lại hiệu quả và giá trị gì nếu bạn chỉ hỏi những câu hỏi như “Liệu mọi người có thích drop-down menu hay không?”. Thay vào đó, câu hỏi đúng mà bạn cần đưa ra đó là “Liệu drop-down menu với chữ như này, bối cảnh như này có thể tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho những người thường xuyên sử dụng trang này hay không?”

Hãy gạt bỏ câu hỏi “Liệu họ có thích nó không?” mà nên tập trung vào những bối cảnh có chủ đích chiến lược trong thiết kế.

Người dùng mất 1 giờ hay vài phút để thực hiện một tác vụ trong tầm tay?

Họ bắt buộc phải dừng tất cả mọi thứ trong khi thực hiện tác vụ hay điều đó có thể được thực hiện trong vô thức?

Quan trọng: Một khi người dùng sử dụng sản phẩm của bạn, đừng khiến họ phải trả lời các câu hỏi sau:

  • Tôi đang ở đâu?
  • Tôi nên bắt đầu từ đâu?
  • Họ để nút … ở đâu nhỉ?
  • Những tính năng quan trọng nhất của trang này là gì?
  • Tại sao họ lại gọi điều đó như vậy?
  • Đây chỉ là quảng cáo hay nó là một phần của website vậy?

Biên dịch: Limon
Nguồn: Medium

Cùng tác giả

#Tag