Piet Mondrian (Phần 1)

Mondrian từng nói: “Vị thế của người nghệ sĩ vốn nhỏ bé. Anh ta về bản chất là một kênh dẫn.” Và vì thế, ông đã sống một cuộc sống của thực nghiệm chủ nghĩa hiện đại, làm tăng thêm các xu hướng đang đương có và sau đó, tự định nghĩa ngôn ngữ của chính mình. Trong loạt bài hai phần, chúng ta tìm hiểu về một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng to lớn nhất của chủ nghĩa Hiện đại, một tượng đài trong cả nghệ thuật và thiết kế do tầm nhìn về một ngôn ngữ thị giác phổ quát độc đáo phi thường của mình.

Tóm lược về Piet Mondrian

Piet Mondrian sinh ngày 07/03/1872 tại Amersfoort, Hà Lan và mất 01/02/1944 ở New York. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1895 cho tới khi mất.

Piet Mondrian, một trong những người thành lập nên phong trào hiện đại De Stijl của Hà Lan, được công nhận vì sự thuần tuý trong trừu tượng và thực hành mang tính phương pháp. Ông đã đơn giản hoá triệt để các yếu tố trong những bức tranh của mình để phản ánh những gì mà ông coi là trật tự tâm linh nằm dưới thế giới hữu hình, tạo ra một ngôn ngữ thẩm mỹ, phổ quát, rõ ràng bên trong những toan vẽ của mình. Từ những năm 1920, trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Mondrian tiêu giảm các hình thù thành những đường kẻ và hình chữ nhật, và bảng màu của ông thành những cơ bản cốt yếu, thúc đẩy các tham chiếu trong quá khứ về thế giới bên ngoài về hướng trừu tượng thuần tuý. Việc ông sử dụng sự cân bằng bất đối xứng và từ vựng gợi hình được đơn giản hoá là điều thiết yếu cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại, và những tác phẩm trừu tượng mang tính hình tượng của ông vẫn giữ sức ảnh hưởng trong thiết kế cũng như quen thuộc trong văn hoá đại chúng cho đến ngày nay.

Các thành tựu

  • Là một nhà lí luận và một tác gia, Mondrian tin rằng nghệ thuật phản ánh tâm linh tiềm ẩn của tự nhiên. Ông đơn giản hoá các chủ thể trong tranh của mình chỉ còn những yếu tố cơ bản nhất, để bộc lộ bản chất của năng lượng huyền bí trong sự cân bằng những tác động đã chi phối tự nhiên và vũ trụ.
  • Mondrian chọn cách chắt lọc những đại diện cho thế giới của mình thành các thành tố ngang và dọc cơ bản, đại diện cho hai thế lực đối lập căn bản: âm và dương, động và tĩnh, tính nam và nữ tính nữ. Sự cân bằng động trong những tác phẩm của ông phản ánh những gì mà ông xem là một sự cân bằng phổ quát của những lực lượng này. 
  • Tầm nhìn đơn nhất của Mondrian về nghệ thuật hiện đại được thể hiện rõ qua sự phát triển có phương pháp của phong cách nghệ thuật từ tái hiện theo lối truyền thống đến trừu tượng toàn diện. Những bức tranh của ông chuyển biến theo một cách hợp lí, và truyền tải một cách rõ ràng sức ảnh hưởng của nhiều phong trào nghệ thuật hiện đại khác nhau như trường phái Toả sáng (Luminism), Ấn tượng , và quan trọng nhất là Lập thể.
  • Mondrian và những nghệ sĩ của De Stijl chủ trương trừu tượng thuần túy và bảng màu giảm thiểu để thể hiện lý tưởng không tưởng về sự hài hoà phổ quát trong các hình thức nghệ thuật. Bằng cách sử dụng những màu và hình dạng cơ bản, Mondrian tin rằng tầm nhìn của ông về nghệ thuật hiện đại sẽ vượt qua sự phân chia trong văn hoá và trở thành một ngôn ngữ chung mới dựa vào các màu cơ bản thuần tuý, độ phẳng của các hình thức, và trạng thái căng động trong những toan vẽ của mình.
  • Sự phát triển của trường phái Tân tạo hình do Mondrian sáng lập đã trở thành một trong những tài liệu quan trọng của nghệ thuật trừu tượng. Trong phong trào, ông đã trình bày chi tiết tầm nhìn của mình về biểu hiện nghệ thuật, trong đó “chủ nghĩa tạo hình” nói đến tác động của các hình thức và màu sắc trên bề mặt của toan vẽ như một phương pháp mới để tượng trưng cho thực tại hiện đại.

Tiểu sử Piet Mondrian

Tuổi thơ

Piet Mondrian, tên khai sinh Pieter Cornelis Mondriaan, là người con thứ hai trong năm người con của một gia đình Calvin sùng đạo ở vùng trung Hà Lan. Nghệ thuật và âm nhạc là điều được khuyến khích đối trong gia đình ông. Cha của ông, hiệu trưởng của trường tiểu học địa phương, là một nghệ sĩ nghiệp dư nhiệt huyết đã dạy vẽ cho con trai mình, trong khi chú của Mondrian, Fritz Mondriaan, một nghệ sĩ có thành tựu cũng đã dạy cho cháu mình vẽ. 

Đào tạo ban đầu 

Năm 1982, Mondrian ghi danh vào Rijksakademie van Beeldende Kunsten, hay Học viện Nghệ thuật Thị giác Hoàng gia ở Amsterdam. Ba năm đào tạo học thuật của ông chủ yếu tập trung vẽ người mẫu, sao chép các Bậc thầy Cổ điển và vẽ tranh sinh hoạt. Những năm tiếp theo ông dựa vào những kỹ năng này để hỗ trợ bản thân bằng cách tạo ra bức vẽ và bản sao mang tính khoa học của các bức tranh của viện bảo tàng, cũng như dạy vẽ riêng trong xưởng của mình.

Luôn luôn xa hơn nữa“, là thuật ngữ Mondrian dùng để nói về động lực biến đổi tác phẩm nghệ thuật của mình. Bắt đầu từ năm 1905, những bức tranh phong cảnh truyền thống của ông bắt đầu bộc lộ một cảm giác mới về kịch tính và ánh sáng. Jan Toorop, một nghệ sĩ dẫn đầu trường phái Ánh Toả sáng ở Hà Lan, đã giới thiệu Mondrian đến những người theo Trường phái Hậu ấn tượng của Pháp. Do đó mà tranh của Mondrian đã thay đổi đáng kể, chẳng hạn như cách kết hợp màu sắc đậm với nét vẽ của Vincent van Gogh và kỹ thuật vẽ điểm chấm của Georges Seurat. Ngay cả những tác phẩm ban đầu này cũng cho thấy rõ là Mondrian có xu hướng làm việc theo loạt tác phẩm tập trung chủ yếu vào một chủ thể đơn nhất. Cả hai khía cạnh này đều sẽ là vô giá cho sự phát triển trong phong cách trừu tượng, trưởng thành của ông.

Bức chân dung tự hoạ thời kì đầu của Piet Mondrian (1900)

Đối với Mondrian, nghệ thuật và triết học đã hòa quyện vào nhau một cách sâu sắc. Ông là một nhà văn, một nhà lí luận với sáng tác phong phú, và bị cuốn hút vào những nghiên cứu về tâm linh và triết học. Năm 1909, ông tham gia vào Hội Thông Thiên Học, một tổ chức tâm linh có sức ảnh hưởng rộng rãi ở Châu Âu vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, dựa trên những giáo lý của Phật giáo. Thông thiên học ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách biểu hiện của ông, thể hiện trong những bức tranh nhiều hoa, cụ thể hơn, là tác phẩm Sự tiến hóa (Evolution) (1910-1911) tái hiện lại vòng luân hồi của cái chết và tái sinh của Phật giáo và Thông thiên học. 

Bức Sự tiến hoá của Mondrian

Mondrian giải thích cho vai trò của tâm linh trong tác phẩm nghệ thuật của mình rằng “Tôi lúc nào cũng hướng đến những điều tâm linh. Thông qua Thông thiên học mà tôi nhận thức được nghệ thuật cũng có thể đem một sự chuyển giao đến những vùng tốt hơn, mà tôi gọi đó là cõi tâm linh tinh thần.” Dù cho sau đó ông có bất đồng với một số thành viên trong nhóm, Thông thiên học đã ảnh hưởng đến mục tiêu của Mondrian là miêu tả sự hài hòa thuần tuý trọn vẹn mà ông đã thể hiện qua sự cân bằng và sức căng của hình thái cũng như màu sắc trong các bức vẽ của mình.

Thời kỳ trưởng thành

Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Lập thể đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của Mondrian. Năm 1912, ông chuyển đến Paris, trung tâm thịnh vượng của thế giới nghệ thuật tiền tiến, và là nơi hoàn toàn thân thuộc với những tác phẩm của Picasso, Braque, và nhiều nghệ sĩ khác, thay đổi từ một phong cách đại diện của Tân ấn tượng sang phong cách trừu tượng hiện đại. Chủ nghĩa Lập thể Phân tích đã mang lại cho Mondrian kết cấu cần thiết để chắt lọc những bức phong cảnh của mình thành các yếu tố rút gọn nhất của nét và hình dạng: ông tận dụng hệ thống lưới Lập thể, tiêu giảm hình ảnh của cây và toà nhà thành các khung được sơ đồ hoá. Trong suốt những năm đầu ở Paris, Mondrian tạm sử dụng bảng màu xám và vàng nâu mờ của Lập thể, như trong Cây màu xám (The Gray Tree) (1912). Tuy nhiên, không như những người theo chủ nghĩa Lập thể, Mondrian muốn nhấn mạnh độ phẳng trên bề mặt bức tranh, hơn là nhắc đến chiều sâu ảo ảnh ba chiều, như cách mà người theo chủ nghĩa Lập thể mô tả.

Bức Cây màu xám của Mondrian

Năm 1914, Mondrian đi thăm người cha bị bệnh của mình ở Hà Lan khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Ông đã không thể quay về Paris cho đến năm 1919. Dù cho bị chia cắt khỏi tiền tiến ở Paris, Mondrian vẫn tiếp tục phát triển phong cách của mình theo hướng trừu tượng thuần tuý. Những đường cong dần biến mất khỏi bức tranh của ông cùng với tất cả tham chiếu đến vật thể hay tự nhiên. Suốt thời kỳ quan trọng này, Mondrian và người nghệ sĩ, kiến trúc sư Theo van Doesburg đã thành lập tạp chí De Stijl năm 1917. De Stijl, hay “phong cách” là một phong trào của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế người Hà Lan, đại diện cho lý tưởng về sự trừu tượng hoá tổng thể như hình mẫu cho sự hài hoà và trật tự trong nghệ thuật. Mondrian và những nghệ sĩ này đã phát triển một tầm nhìn về chủ nghĩa hiện đại độc lập được tìm thấy ở Paris.

Mondrian gọi phong cách nghệ thuật đó là Tân tạo hình. Đối với Mondrian, “tạo hình” chỉ đơn thuần hướng đến cách biểu diễn hiện thực mới lạ, được tìm thấy trên chính bề mặt của bức tranh. Chuyên tâm “phá đi hoàn toàn giá trị truyền thống”, các nghệ sĩ của De Stijl nhấn mạnh “sự cần thiết của trừu tượng hõz và tối giản hoá” và giới hạn các yếu tố trong tranh vẽ chỉ còn những đường thẳng dọc và ngang, góc vuông, ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh) và ba màu vô sắc (xám, trắng, đen). Phong trào De Stijl đã chứng tỏ sức ảnh hưởng quốc tế đối với kiến trúc, nghệ thuật, ký tự pháp, và thiết kế nội thất suốt thế kỷ 20.

Bố cục VII (Ba nữ thần duyên dáng) (Composition VII (The Three Graces)) (1917) của Theo van Doesburg

Những năm cuối đời và cái chết

Sau khi Thế chiến I kết thúc, Mondrian quay về Paris và ở tuổi 47 tuổi, ông bắt đầu tạo ra những bức vẽ trừu tượng có tính biểu tượng mà khiến ông được biết đến nhiều nhất. Trong khuôn khổ ở Paris những năm 1920, ông đã tạo ra một phương thức trừu tượng độc đáo so với các phong trào cùng thời là Chủ nghĩa Siêu thực và Dada Paris. Những bức tranh của Mondrian những năm 1920 là sự thể hiện rõ ràng nhất cho lý tưởng về sự thuần tuý và hài hoà tổng thể trong cách thể hiện Tạo hình. Chỉ đến khoảng năm 1925, sự đóng góp của Mondrian cho chủ nghĩa hiện đại mới bắt đầu được công nhận, với những bức tranh được lọt vào bộ sưu tập của những người Mỹ và Châu Âu giàu có.

Piet Mondrian và Pétro (Nelly) van Doesburg trong xưởng vẽ của Mondrian ở Paris (năm 1923)

Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, Mondrian chuyển đến London trong hai năm trước khi định cư ở thành phố New York năm 1940. Khi ở London vào năm 1938, Mondrian đã gặp gỡ và trở thành bạn với Peggy Guggenheim, tình bạn ấy đã khiến Guggenheim trung thành ủng hộ cho người Hà Lan xa xứ này, cả ở London và sau đó là New York, nơi bà trưng bày tác phẩm của Mondrian tại Phòng trưng bày Nghệ thuật thế kỷ này của mình. Mondrian được giới thiệu đến nền nghệ thuật tiền tiến đang phát triển ở New York và gia nhập hàng ngũ những nghệ sĩ Trừu tượng Hoa Kỳ – đồng thời hợp pháp hóa vai trò của nhóm mới trong nghệ thuật hiện đại thông qua cố vấn của ông về trừu tượng Châu Âu.

Cùng thời điểm đó, ông đã mở rộng vốn từ vựng hình ảnh của mình – giới thiệu các đường kẻ đôi, tiếp đó là các đường kẻ màu, và cuối cùng đường lưới đen của ông được thay thế bởi các đường kẻ dao động của các ô vuông màu. Lấy cảm hứng từ những điều mới xung quanh mình ở đô thị Hoa Kỳ, những bức tranh sau cùng của ông cho thấy một năng lượng mới và sự phức tạp của bố cục như đã được chứng minh trong Broadway Boogie-Woogie (1943). Tận tụy với công việc của mình, cuộc đời Mondrian phản ánh sự thuần khiết và kỷ cương trong nghệ thuật của chính ông. Ông không lập gia đình và sống giản đơn với số tài sản ít ỏi. Ông qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1944 ở tuổi 71.

Broadway Boogie-Woogie của Mondrian

Di sản của  Piet Mondrian

Sự tinh tế trong trừu tượng của Mondrian cũng như những lý tưởng không tưởng đằng sau tác phẩm của ông ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển của nghệ thuật hiện đại, cả khi ông còn sống hay đã mất. Tác phẩm của ông ngay lập tức được Bauhaus tham khảo, đặc biệt được thể hiện bởi những đường nét và màu sắc được đơn giản hoá trong thẩm mỹ của trường, cũng như lý tưởng của nó rằng các hình thức nghệ thuật có thể mang đến sự hài hoà cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Về sau, phong cách của Mondrian có thể được thấy trong sự phát triển của những người theo chủ nghĩa Tối giản vào cuối những năm 1960, những người cũng chọn cách giảm thiểu các hình thái và sử dụng bảng màu giảm thiểu. 

Tầm ảnh hưởng của Mondrian không chỉ dừng lại ở nghệ thuật hiện đại mà còn được thấy ở khắp các khía cạnh của văn hoá hiện đại và hậu hiện đại, từ phong cách khối màu trong váy mặc ban ngày “Mondrian” của Yves Saint Laurent, đến việc ban nhạc White Stripes sử dụng phong cách và bảng màu của Tân tạo hình cho bìa album năm 2000 của họ, De Stijl, cũng như tên của ông là tên hiệu cho ba khách sạn, “Mondrian” ở New York, Los Angeles và Miami.

Những người mẫu mặc bộ sưu tập mang tính biểu tượng Mondrian được thiết kế bởi Yves Saint Laurent năm 1965
Bìa De Stijl của The White Stripes

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết, biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Olivia Ha; đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi piet mondrian Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…