Piet Mondrian (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Piet Mondrian, chúng ta tìm hiểu những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Những tác phẩm này đi từ việc bộc lộ sự chuyển giao ban đầu về hướng hội hoạ trừu tượng chịu ảnh hưởng của Lập thể, cho tới thời kỳ trừu tượng thuần tuý trưởng thành của ông khi tạo ra những thiết kế hình ảnh có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, kết thúc bằng những bức vẽ tại New York vào thời kỳ cuối đời lần nữa thể hiện sự tiến hoá không ngơi nghỉ của nghệ sĩ trong khi vẫn giữ vững được các lý thuyết và định dạng mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời.

  • “Tôi muốn mình được tiếp cận càng gần với sự thật càng tốt. Do vậy, tôi trừu tượng hoá mọi thứ cho đến khi tôi đạt được tính chất cơ bản nhất của các vật thể.” 
  • “Cảm xúc về cái đẹp luôn bị che khuất bởi diện dạng của vật thể. Vì vậy, vật thể cần phải được loại bỏ ra khỏi hình ảnh.”
  • “Càng chạm đến tâm linh nghệ thuật, ta sẽ càng ít khắc hoạ hiện thực, bởi vì hiện thực đối lập với tâm linh.”
  • “Tôi không chỉ muốn những bức tranh, tôi muốn được hiểu rõ mọi thứ.”
  • “Ngay cả khi các yếu tố được cân đối hoàn toàn, trật tự của tổng thể vẫn rất khó để có thể nắm bắt. Hệ thống những đường kẻ đen tỉ mỉ trong bức tranh bởi Mondrian được sắp xếp vô cùng chặt chẽ, là một tổng thể mở và không thể đoán trước được khi không có các vùng đối hoặc tương xứng. Ví dụ cho nghệ thuật khắc khổ của ông đã dạy cho thế hệ trẻ về sự thúc ép và những chi tiết nhỏ trong cách biến thể chỉ với tối thiểu các yếu tố”.

Các tác phẩm quan trọng của Piet Mondrian

1912: Cây màu xám

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Gemeentemuseum, Hague, Hà Lan

Cây màu xám (The Gray Tree) là minh chứng cho quá trình chuyển đổi ban đầu của Mondrian hướng đến trừu tượng, và cách ông ứng dụng những tiêu chuẩn của trường phái Lập thể vào tái hiện phong cảnh. Cây vốn ba chiều đã được tiêu giảm thành những nét và mặt phẳng với bảng màu giới hạn xám và đen. Bức tranh này nằm trong một chuỗi tác phẩm, mà trong đó, những cái cây đầu tiên được thể hiện một cách tự nhiên và các tác phẩm càng về sau càng trở nên trừu tượng hơn. Trong những bức tranh sau, những nét của cây cũng được tiêu giảm cho đến khi hình dạng của cây gần như không thể nhận ra được và là thứ yếu so với bố cục tổng thể của những đường nét dọc và ngang. Ở đây vẫn có sự ám chỉ đến cái cây theo cách nó xuất hiện trong tự nhiên, nhưng ta đã có thể thấy sự quan tâm của Mondrian trong việc tiêu giảm hình thức thành một cách sắp xếp có có cấu trúc của các nét. Bước tiến này là vô giá đối với sự phát triển phong cách trưởng thành về trừu tượng thuần tuý của Mondrian.

1915: Bến tàu và Đại dương (Bố cục số 10)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nhà nước Kroller-Muller, Otterlo, Hà Lan

Bến tàu và Đại dương (Pier and Ocean) đánh dấu cho một bước tiến vững vàng trong sự nghiệp của Mondrian về hướng trừu tượng thuần tuý. Ở đây, ông đã loại bỏ các đường chéo và cong cũng như về màu sắc; tham chiếu thực sự duy nhất tới tự nhiên được tìm ra trong tiêu đề và những đường ngang chỉ đến đường chân trời và những đường thẳng đứng gợi lên sự chênh vênh của bến tàu. Nhịp điệu tạo ra bởi các đường xen kẽ nhau và các độ dài khác nhau báo trước cho động năng trưởng thành của Mondrian, mô tả sự cân bằng bất đối xứng và nhịp điệu của sóng biển. Đánh giá về tác phẩm này, Theo van Doesburg viết: “Về mặt tinh thần, tác phẩm này quan trọng hơn bất kì tác phẩm nào khác. Nó truyền tải đi ấn tượng về yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn“. Mondrian bắt đầu phiên dịch những gì mà ông coi là khuôn mẫu cơ bản có trật tự của tự nhiên sang một ngôn ngữ thuần tuý trừu tượng.

1917: Bố cục với các mặt phẳng màu

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Khi vẫn còn ở Hà Lan những năm xảy ra Thế chiến I, Mondrian đã góp phần thành lập nhóm người nghệ sĩ và kiến trúc sư được gọi là De Stijl, và suốt khoảng thời gian này ông đã trau chuốt phong cách trừu tượng của mình nhiều hơn nữa. Bố cục với các mặt phẳng màu (Composition with Color Planes) là sự đoạn tuyệt của ông đối với trường phái Lập thể Phân tích và làm tiêu biểu cho các nguyên tắc mà ông đã thể hiện trong bài luận Tân tạo hình trong hội hoạ của mình. Ở đây, Mondrian rời bỏ bảng màu Lập thể với các màu đất, xám, và nâu, thay vào đó là màu đỏ, vàng và xanh dương mờ – một tiền đề rõ ràng cho bảng màu trưởng thành của ông chỉ tập trung vào các màu cơ bản. 

Các khối màu nổi trên nền trắng và không còn tham chiếu đến những vật thể vật lí trong tự nhiên như cây hay toà nhà, và tất cả chiều sâu giả tưởng đều được loại bỏ. Kết cấu này đặt dựa trên màu sắc và sự cân bằng, đồng thời làm tăng giá trị đồng đều cho toàn bộ bề mặt bức tranh, dịch chuyển về hướng sự cân bằng chính xác của những bức vẽ thời kỳ trưởng thành của ông. 

1921: Bố cục với một mặt phẳng lớn màu đỏ, màu vàng, đen, xám và xanh lam

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Gemeentemuseum, Hague, Hà Lan

Trong những năm 1920, Mondrian bắt đầu cho ra đời những bức tranh trừu tượng tuyệt đối khiến ông được biết đến nhiều nhất, như bức Bố cục với một mặt phẳng lớn màu đỏ, màu vàng, đen, xám, và xanh (Composition with Large Red Plane, Yellow, Black, Gray, and Blue). Ông giới hạn bảng màu của mình còn trắng, đen, xám và ba màu cơ bản, với bố cục được dựng nên từ các đường kẻ đen, dày nằm ngang và dọc, là đường viền của các hình chữ nhật khác nhau về màu sắc hay giới hạn. Việc đơn giản hoá các yếu tố gợi hình là điều cần thiết cho sự sáng tạo ra loại nghệ thuật trừu tượng mới của Mondrian, khác hẳn so với trường phái Lập thể và trường phái Vị lai. Các khối màu và nét khác nhau với độ rộng khác nhau tạo nên nhịp điệu lên xuống và chảy dọc bề mặt của toan vẽ, vọng lại nhịp điệu đa dạng của cuộc sống hiện đại. Đây là bố cục bất đối xứng, như trong tất cả các bức tranh trưởng thành của ông, với một ô màu chủ đạo lớn, ở đây là màu đỏ, được cân bằng bởi cách phân bố các khối màu nhỏ hơn màu vàng, xám xanh, và trắng xung quanh nó. Phong cách này được áp dụng bởi nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế trong mọi khía cạnh văn hoá từ những năm 1920.

1926: Tableau I: Hình thoi với bốn nét và màu xám

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Nối tiếp sự phát triển phong cách Tân tạo hình trưởng thành của mình, Mondrian tìm cách để thể hiện nhịp điệu năng động hơn trong những hình ảnh trừu tượng của mình. Ông bắt đầu sáng tác các bức tranh hình thoi (sớm nhất là vào năm 1919) để tạo ra sức căng sống động hơn trên mặt phẳng vẽ. Các bức tranh hình thoi được biết đến như vậy là vì hình dạng của chúng là kết quả của việc Mondrian sử dụng một hướng bất thường cho các toan vẽ hình vuông của mình, xoay chúng một góc 45 độ với một góc nằm ở trên cùng. Sự đổi mới của ông đã đưa đường chéo của rìa toan vẽ vào lưới gồm những đường kẻ ngang và dọc của ông. Trong bố cục cụ thể này – Tableau I: Hình thoi với bốn nét và màu xám (Tableau I: Lozenge with Four Lines and Grey), các đường kẻ dường như được nới dài ra trên các rìa của toan vẽ khi chúng giao nhau với các đường chéo vào những khoảng cách khác nhau. Ví dụ cụ thể này chỉ dựa vào duy nhất bốn nét khác nhau về độ dày, chia đôi mặt phẳng hình ảnh màu xám để thể hiện lý tưởng về sự cân bằng hoạt động của Mondrian. Bằng việc thay đổi hướng của toan vẽ, Mondrian đã tạo ra một tiền lệ quan trọng cho những tấm toan có hình dạng đặc biệt của những người theo chủ nghĩa Tối giản vào những năm 1960. Với sự vắng mặt hoàn toàn của màu sắc trong bức tranh này, Mondrian cũng đã định hình trước mối quan tâm của các nghệ sĩ Tối giản đối với hình thức thuần tuý và sự yêu thích màu xám, trắng cũng như các màu mờ. 

1942-43: Broadway Boogie-Woogie

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Bức này giới thiệu cho người xem đỉnh cao trong trong quá trình theo đuổi suốt đời của Mondrian về việc truyền tải trật tự nền tảng của thế giới tự nhiên thông qua các hình thức trừu tượng thuần túy trên một bề mặt hình ảnh phẳng. Mở rộng hơn cách vận dụng vốn từ vựng gợi hình cơ bản của các nét, hình vuông và màu cơ bản, lưới màu đen được thay thế bởi các đường màu xen kẽ với các ô màu đồng nhất. Bức tranh này, và những bức tranh trừu tượng cuối cùng của ông cho thấy một năng lượng hồi sinh mới được truyền cảm hứng trực tiếp từ nhịp sống của thành phố New York và nhịp điệu của nhạc jazz. Sự phân bố bất đối xứng của các ô vuông màu sắc rực rỡ nằm bên trong đường kẻ màu vàng tái hiện lại nhịp sống đa dạng ở đô thị xô bồ, nơi người ta gần như có thể thấy con người đang hối hả xuống phố khi những chiếc taxi chạy vội vàng từ chiếc đèn dừng này sang chiếc đèn dừng khác. Broadway Boogie-Woogie không chỉ nói đến cuộc sống bên trong thành phố mà còn báo trước sự phát triển của New York với vai trò là một trung tâm mới của nghệ thuật hiện đại sau Thế chiến II. Bức tranh hoàn chỉnh cuối cùng của Mondrian thể hiện sự đổi mới liên tục về phong cách của ông trong khi vẫn đúng với những lý thuyết và định dạng của mình.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết, biên tập và hiệu đính bởi Những cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Olivia Ha; đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi piet mondrian Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…