Phong cách áp phích: Phong cách và tác phẩm (Phần 2)

Vào đầu thế kỷ 20, các nghệ sĩ quảng cáo trẻ tuổi bắt đầu nhìn xa hơn các hình thức phức tạp nặng tính trang trí và chú trọng vào phong cách thẩm mỹ hơn công năng của thiết kế Victoria, Art Nouveau, hay thậm chí là Nghệ thuật và Thủ công. Đây là lúc những cách tiếp cận mới được phát triển để thể hiện cái nhìn hiện đại hơn về nghệ thuật Áp phích, phù hợp hơn với xã hội đương thời đang phát triển nhờ các cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tại Đức, trào lưu đầu thiết kế đồ hoạ hay truyền thông thị giác đầu tiên trên thế giới ra đời vào đầu thế kỷ 20 với cái tên là Plakatstil, tức Phong cách Áp phích và nhanh chóng gây tiếng vang. Sau đó, các nhà thiết kế Thuỵ Sĩ là những người tiếp nối chính của trào lưu nói trên với phiên bản riêng của mình là Sachplakat hay Áp phích Vật thể.

Có khá nhiều nhà thiết kế đã tạo ra sản phẩm theo hai trào lưu kể trên, áp dụng cho nhiều loại mặt hàng và nhãn hiệu, và do đó phong cách biểu hiện là rất đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm chia làm bốn nhóm chính như trình bày trong phần sau đây của bài viết.

Phong cách tiện giản và hình học ban đầu ở Đức

Áp phích cho diêm Priester (khoảng 1905) của Lucian Bernhard

Phong cách Áp phích mang tính tiện giản và hình học là khởi nguồn cho Phong trào Áp phích tại Đức, đánh dấu bởi sản phẩm bắt đầu trào lưu là áp phích cho hãng diêm Priester do Lucian Bernhard (1883-1972) thực hiện. Thiết kế này đã vạch ra những đặc điểm nói lên tinh thần chung của phong cách “Phong trào Áp phích”: tập trung vào sản phẩm và nhãn hiệu. Để làm được như thế, nhà thiết kế sử dụng những hình ảnh minh hoạ đơn giản mang tính biểu tượng cao, các hình dạng màu phẳng mang tính hình học cao và nổi bật, dòng văn bản chỉ rõ tên thương hiệu ở kích thước lớn, tất cả đều tương phản rõ rệt trên phần nền trống gây ấn tượng mạnh với người xem. Người xem càng cố gắng hiểu ý nghĩa hình ảnh biểu tượng bao nhiêu thì họ càng dễ ghi nhớ nó bấy nhiêu.

Áp phích Castell/A.W Faber (1908) của Lucian Bernhard. Chiếc bút chì xuất hiện trực tiếp, với màu phẳng, không có sự xuất hiện của bóng đổ hay họa tiết trang trí, được đặt trên nền đen đơn sắc. Bút chì màu xanh lá kết hợp với dòng chữ “Castell” màu đỏ tạo cảm giác cân bằng về thị giác mà vẫn đảm bảo sự thu hút với người xem. Đây là thiết kế áp phích cho hãng bút chì có thương hiệu đầu tiên. 
Áp phích cho hãng Bosch  (1913) của Lucian Bernhard. Sắc thái tím mờ mang lại cho áp phích một hiệu ứng màu sắc dịu lạ lùng. Áp phích được in thạch bản với 9 màu. 

Sau thành công với áp phích Priester, Lucian Bernhard đã thu về một danh sách dài các khách hàng là các thương hiệu lớn, trong đó có Bosch. Ở áp phích vẽ cho sản phẩm đèn (Licht) của hãng này năm 1913, Lucian sử dụng hình vẽ một chiếc đầu máy ô tô với phần đầu có thể nhìn xuyên vào động cơ bên trong. Ở đây, các bộ phận của chiếc xe có liên quan đến chiếc đèn pha được Lucian dùng màu cam để làm nổi bật trên nền những thành phần màu tím mờ thể hiện mối liên hệ và cách thức vận hành của chúng. Phần văn bản được thể hiện với kích thước lớn, tạo hình gợi nhớ đến chất liệu thuỷ tinh của bóng đèn, chiếm gần nửa khung hình, sử dụng màu cam sáng cùng màu với các bộ phận được nhấn mạnh, nổi bật trên nền đen khiến người xem không thể bỏ qua. Trong suốt sự nghiệp của mình, Lucian Bernhard trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng không chỉ về các áp phích sáng tạo mà còn về nhãn hiệu, bao bì, kiểu chữ, hàng dệt may, đồ nội thất và thiết kế nội thất.

Mặc dù Bernhard thích sử dụng kiểu chữ giống như trong sách cổ điển để trình bày văn bản, ông đã thiết kế một số kiểu chữ hiển thị, bao gồm Bernhard Gothic, Bernhard Fashion, Lucian, Bernhard Tango và Bernhard Brushscript.

Áp phích cho hãng thuốc lá Manoli (1911) của Hans Rudi Erdt

Hans Rudi Erdt (1883-1918) là một nhà thiết kế đồ họa, nhà in thạch bản và nghệ sĩ thương mại người Đức được công nhận vì đã sử dụng các kiểu chữ sáng tạo trong các áp phích của mình. Với áp phích Manoli, ông đã lựa chọn một phông chữ mang tính cổ điển hơn, với tông màu be sáng, có lẽ điều đầu tiên khi một người nhìn vào tấm áp phích này là cái tên Manoli. Bên cạnh là hình ảnh người nhân viên đang đeo một chiếc hộp chứa đầy sản phẩm của nhãn hàng này. Gương mặt và trang phục của nhân vật thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu cả về sản phẩm và dịch vụ mà Manoli muốn mang đến cho người tiêu dùng. 

Phong cách vin vào truyền thống (Gothic)

Bên cạnh trào lưu đơn giản hoá những hình thức tự nhiên và sử dụng hình minh hoạ trong thiết kế áp phích vẫn có một số cái tên tiêu biểu theo đuổi những giá trị truyền thống như Otto Fischer hay Paul Scheurich. Khi nhìn vào những áp phích của các nghệ sĩ này, ta có thể thấy phần sản phẩm (vật thể) và nhãn hiệu vẫn được tập trung chủ yếu, nhưng không phải là lược bỏ hoàn toàn phần bối cảnh hay không gian xung quanh. Hình ảnh những căn phòng hay không gian ngoại cảnh vẫn xuất hiện làm nền cho sự xuất hiện của sản phẩm. Và chính vì vậy, mỗi áp phích đều có những câu chuyện của riêng mình.

Áp phích cho xưởng Wilhelm Hoffmann (1896) của Otto Fischer

Nhiều nhà sử học nghệ thuật coi những tấm áp phích của Otto Fischer (1870-1947) là những nỗ lực nghệ thuật đầu tiên của các nhà thiết kế đồ họa người Đức. Với việc giảm thiểu chủ nghĩa tự nhiên và nhấn mạnh vào màu sắc cũng như hình dạng phẳng, áp phích trên là quảng cáo cho Wilhelm Hoffmann’s Studio ở Dresden, nơi in các áp phích hiện đại. Nó mô tả một cặp vợ chồng đang nghiên cứu một cách chăm chú một tấm thạch bản lớn. Bối cảnh là một khung cảnh rất khắc khổ. Người phụ nữ, mặc một chiếc áo sơ mi xanh đậm và váy đen, đang ngồi trên chiếc ghế gỗ màu trắng. Người bạn của cô ấy với chiếc mũ sẫm màu và hút xì gà đang đứng sau lưng cô ấy. Chiếc mũ của người đàn ông là sự bổ sung hình ảnh cho chiếc váy tối màu của người phụ nữ. Tâm điểm của tấm áp phích được cho là bức tranh in thạch bản, trong đó thể hiện hình ảnh của hai cô gái trong cảnh vườn, nhưng Fischer đã chọn một chiếc khăn trùm đầu màu cam cho nữ nhân vật ngầm khiến người xem so sánh áp phích của ông với áp phích truyền thống mà cặp đôi đang xem.

Áp phích cho bia Winterhuder (1910) của Paul Scheurich. Vẫn sử dụng phần minh hoạ phẳng, màu sắc rực rỡ, nhưng ở đây ngoài sản phẩm (vật thể), chúng ta thấy cả sự xuất hiện của nhân vật và phần hậu cảnh. Người đàn ông mặc trang phục quý tộc, tay cầm điếu xì gà đang thưởng thức cốc bia Winterhuder.
Áp phích Dừng lại (Stop) (1910) của Paul Scheurich

Áp phích “Dừng lại” của Paul Scheurich quảng cáo cho thuốc chữa bệnh trĩ, nhắm đến đối tượng nhân viên văn phòng ít vận động với sự lo lắng về căn bệnh này. Minh hoạ là hình ảnh người đàn ông làm công việc văn thư, khuôn mặt đầy sự lo âu và mệt mỏi. Tại vị trí gần đúng của Berlin trên bản đồ châu Âu ở phần nền phía sau, chữ ký “Scheurich” của tác giả được đánh dấu như một địa danh. DRGM là từ viết tắt của Mô hình tiện ích của Đế chế Đức (Deutsche Reichs-Gebrauchsmuster), khẳng định quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu.

Phong cách tả thực cao của Thuỵ Sĩ

Kế thừa những đặc điểm vốn có của Plakatstil tại Đức, Sachplakat tại Thuỵ Sĩ phát triển những hướng tiếp cận riêng mà đầu tiên là hơi hướng siêu hiện thực. Vẫn là những áp phích tập trung vào sản phẩm và nhãn hàng, nhưng hình minh hoạ đã có xu hướng tả thực cao, các sắc độ sáng tối của màu sắc được sử dụng linh hoạt, giảm độ phẳng, hình dáng của sản phẩm được mô tả kỹ lưỡng, khiến người xem có thể liên tưởng ngay lập tức mà không cần thêm bất cứ sự suy đoán nào.

Áp phích cho Lâu đài đường sắt Tarasp (1914) của Emil Cardinaux. Áp phích mô tả quang cảnh hùng vĩ của lâu đài Tarasp với núi đồi trập trùng, rừng xanh bạt ngàn và những cánh đồng trải dài tít tắp. Phần văn bản được xử lý đơn giản với font chữ sans serif sắc nét, rõ ràng.
Áp phích Luzern – Lake of the Four Cantons, Thụy Sĩ (1928) của Otto Baumberger.

Cách thể hiện siêu hiện thực trước hết đặc biệt phù hợp với “mặt hàng” du lịch. Bấy giờ, nhu cầu du lịch tăng mạnh ở Thụy Sĩ, các đơn đặt hàng đến từ các khách sạn hay địa điểm du lịch liên tục gõ cửa các nhà sáng tạo áp phích. Otto Baumberger (1889-1961) đã thực hiện một chuỗi áp phích quảng cáo du lịch vào thời điểm này. Thiết kế thực hiện năm 1924 cho hồ Luzern là những bản in thạch bản đẹp xuất sắc. Áp phích cổ điển với khung cảnh đẹp như tranh vẽ này ngay lập tức đưa người xem đến một thế giới khác; hình ảnh hơi hướng Art Deco tinh tế tạo ra một tâm trạng lãng mạn và mơ mộng với màu sắc nhẹ nhàng. Baumberger chủ yếu coi mình như một họa sĩ, tạo ra những tấm áp phích chỉ để tạo thêm thu nhập. Tuy nhiên, ông đã sản xuất hơn 200 áp phích và các tác phẩm của Baumberger không được đặc trưng bởi một phong cách cụ thể nào, mà rất đa dạng về phong cách – mỗi thiết kế đều hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Áp phích PKZ Qualité (1921) của Otto Baumberger.

Phong cách tả thực cao cũng phù hợp với mặt hàng thời trang khi những thiết kế đặc tả được chất liệu đa dạng của sản phẩm. Ở một áp phích khác thực hiện cho cửa hàng bách hóa PKZ, Otto Baumberger sử dụng nền đơn sắc màu be sáng, ở chính giữa là bộ trang phục đặt trên một chiếc ghế tựa, cấu trúc bề mặt tơi xốp của sợi vải dệt được đặc tả chi tiết. Mác áo bị che khuất một phần nhưng người xem vẫn đoán được tên của cửa hàng, do có một biển hiệu tương đồng được đặt dưới chân ghế.

Áp phích Baumann (1922) của Otto Baumberger. Thậm chí chiếc mũ ở đây được tả thực đến mức gần như ảnh chụp.
Áp phích cho xà phòng Maya (1948) của Herbert Leupin. Cục xà phòng nổi bật ngay giữa khung hình và tên nhãn hiệu được đặt khéo léo ngay trên bao bì. Sản phẩm được đặt trên nền của nhà tắm (nơi nó thực hiện công năng của mình), với những lớp gạch sáng bóng phản chiếu vật thể và một giọt nước nhỏ bé được sắp đặt ngay bên cạnh giúp cân bằng bố cục của áp phích.

Phong cách mang tính hài hước, hoạt hoạ của Thuỵ Sĩ

Không dừng lại ở những minh họa tả thực đơn thuần, các nhà thiết kế đồ họa Thụy Sĩ tiếp tục sáng tạo nên một cách thể hiện mới mẻ, pha chút hài hước, dí dỏm trong những tấm áp phích của mình. Sản phẩm có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể là hình ảnh tả thực hoặc minh họa đơn giản. Bám sát phong cách giản lược nhưng vẫn có nét chấm phá, thiết kế sử dụng màu phẳng với tạo hình chữ đơn giản, nhưng mà có gì đó lạ lắm. Phong cách này thu hút người xem ở vẻ hoạt bát, vui tươi và thông điệp vui nhộn của áp phích.

Áp phích Pepita (1952) của Herbert Leupin. Phần minh họa chú vẹt như sản phẩm thủ công của trẻ em, với các phần viền mép nham nhở và có vẻ vụng về, chính điều này đã tạo nên vẻ hồn nhiên, đáng yêu của tấm áp phích. Chai nước Eptinger cũng được diễn tả vô cùng giản lược. Phần nền lam sẫm góp phần đẩy tất cả chi tiết của áp phích trở nên nổi bật hơn.
Áp phích Pelikan (1952) của Herbert Leupin. Bút máy Pelikan được con bồ nông cầm bằng chân và kẹp trong miệng một cách hài hước. Leupin sắp đặt bình mực của bút một cách vô cùng khéo léo ở vị trí tương ứng với cánh của con vật trong đời thực.

Herbert Leupin bắt đầu tách mình ra khỏi “Chủ nghĩa Hiện thực ma thuật” và tìm kiếm những hình thức biểu đạt mới. Đây là thời kỳ khủng hoảng nghệ thuật của ông. Leupin tìm cách làm việc tự do hơn, và bắt đầu sử dụng các ảnh chụp, ảnh ghép hoặc bố cục chữ. Vài năm sau đó, ông kết hôn với Elsa Schaumberger và có con. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình trong phong cách của Leupin, trở nên vui tươi và đầy màu sắc hơn bao giờ hết.

Áp phích COCA-COLA (1954) của Herbert Leupin. Ảnh ghép được áp dụng trong thiết kế này, sự sắp đặt có vẻ như không có chủ đích nhưng lại tạo nên một trật tự hợp lý đến bất ngờ. Người phục vụ mặc áo tuxedo với nơ cổ tiêu chuẩn, trượt tuyết để giao hàng, trên tay cầm tấm biển với dòng chữ Dừng lại – uống Coca-cola (Pause trink Coca-cola). Tuy là thế, nhưng tư thế của người phục vụ này có vẻ khó mà dừng lại ngay được.
Áp phích VELOSOLEX (1950) của Noel Fontanet. Áp phích cho hãng xe đạp Velosolex thể hiện sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm. Vị trí bánh xe đạp là đôi mắt của người đàn ông, khuôn miệng nở nụ cười vui vẻ và dòng chữ hài lòng (zufrieden). Phần văn bản trình bày rõ ràng với màu đen có nội dung: Tiết kiệm: thời gian, tiền bạc và công sức (Spart: Zeit, Geld und Muhe).
Áp phích cho Lora (1954) của Noel Fontanet. Thiết kế của Noel Fontanet cho hãng bơ thực vật Lora của Thụy Sĩ. Chiếc nĩa được vẽ thêm mắt, mũi, miệng đại diện cho người sành ăn, và người sành ăn này hài lòng với sự lựa chọn của mình: Lora – chất béo có thể ăn được chứa vitamin. Mà điểm đặc biệt ở đây, chiếc nĩa được tạo hình như người phụ nữ – những người rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình.

Qua từng thời kỳ và vị trí địa lý, phong cách Áp phích đã phát triển nên những biến thể khác nhau để phù hợp với từng sản phẩm truyền thông, quảng cáo. Nhưng điểm chung của chúng là thông điệp trực diện, sản phẩm nổi bật và hướng tới sự ghi nhớ của người tiêu dùng. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của phong cách Áp phích ở Đức hay Áp phích Vật thể đến từ Thuỵ Sĩ là tính tất yếu của thời đại, nơi tốc độ đời sống ngày càng tăng cao, các nhãn hàng nỗ lực để thu hút sự chú ý của khách hàng từng phút, từng giây. Sự ra đời của Plakatstil như lời giải cho bài toán khó này. Phong trào này đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức sáng tạo và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp thiết kế đồ họa mãi mãi về sau.

Tổng hợp và viết: Tố Uyên

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Plakatstil Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…