Series The 100 Day Project | Kỳ 3: Hành trình luyện vẽ minh họa qua 100 ngày

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của tác giả Tiantian Xu – nghệ sĩ/nhà thiết kế sản phẩm


Đó là tháng 1 năm 2017. Tôi chuyển từ San Francisco đến Seattle. Trời mùa đông ở đây rất âm u và mưa dường như không bao giờ ngừng. Một đêm nọ, tôi ngồi xuống, nghe vài bản nhạc và mở Sketch. Bốn tháng sau, tôi hoàn thành dự án 100 ngày thứ 4 của mình – “100 ngày học vẽ minh hoạ”.

Tôi bắt đầu dự án “The 100 Day Project” đầu tiên của mình vào năm 2015. Nó đã dạy tôi rằng sáng tạo là một kỹ năng – bạn càng thực hành, bạn càng sáng tạo. Kể từ đó, tôi đã thử thách bản thân khám phá các công cụ khác nhau để rèn luyện khả năng sáng tạo của mình. Các dự án mà tôi đã làm bao gồm 100 ngày học Doodle, 100 ngày luyện viết chữ và 100 ngày vẽ màu nước.

Trong dự án 100 ngày gần đây nhất, tôi tập trung vào công cụ kỹ thuật số. Mỗi ngày, tôi đã tạo một hình minh họa vector trong Sketch và đăng nó lên Instagram với hashtag #100daysofvectorbytx.


Tại sao lại là minh họa vector?

Là một người mang tư tưởng trực quan, tôi thích màu sắc sống động và minh họa dựa trên hình dạng. Các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được đăng trên Behance và Dribbble luôn truyền cảm hứng cho tôi. Tôi muốn tìm hiểu làm thế nào để tạo ra minh họa vector và dùng chúng trong công việc của mình.

Thêm vào đó, vì không được đào tạo chính thức về thiết kế đồ họa, dự án 100 ngày này sẽ là cơ hội tốt để tôi để trau dồi kỹ năng minh họa vector của mình. Tôi đã chọn sử dụng Sketch cho dự án này vì nó dễ sử dụng và giá cả phải chăng. Bộ tính năng chỉnh sửa vector cơ bản của phần mềm này giúp tôi tập trung vào việc hoàn thành hơn là sự hoàn hảo.


Bắt đầu nhé!

Quá trình này có thể được tóm tắt thành 3 bước sau:

1. Thiết lập Sketch

Tôi đã sử dụng một artboard với kích thước 600px x 600px cho mỗi hình minh họa. Trong Sketch, có 100 bản vẽ được sắp xếp theo ma trận 10×10 tệp trong một trang – nó cho phép tôi xem xét tất cả các phần với nhau để dễ dàng so sánh và tham khảo.

Bên trong Sketch

2. Lên ý tưởng

Các chủ đề trong dự án 100 ngày này đều là những điều tôi thích. Mỗi khi tôi nghĩ ra một chủ đề (ví dụ: serie thực phẩm), tôi đã dành thời gian để động não tìm ra những thứ khác nhau mà tôi muốn tạo ra trong chủ đề đó. Tôi đã sử dụng một cuốn sổ để ghi lại ý tưởng. Đôi khi tôi vẽ nguệch ngoạc mọi thứ trên laptop và sắp xếp chúng thành các nhóm nhỏ. Bằng cách này, tôi có thể lên kế hoạch trước để tránh “bí” ý tưởng vào phút cuối.

Quá trình động não

3. Xác định tone màu

Một điều tôi học được trong quá trình làm việc là nên xác định một bảng màu cụ thể trước. Ví dụ, trong serie thực phẩm, tôi xác định trước 5 tone màu nền sẽ được sử dụng nhiều lần. Nó không chỉ đảm bảo tính nhất quán mà còn giúp tôi thu hẹp các đối tượng – một số hình ảnh có thể phù hợp màu nền này, nhưng một số khác có thể không.


Ngày 1 – 25

Làm theo hướng dẫn

Làm theo hướng dẫn là cách tốt nhất để học một kỹ năng mới. Tôi đã làm theo hai hướng dẫn yêu thích trên Tuts +. Chúng được tạo bởi Adobe Illustrator, nhưng quá trình thực hiện tương đối giống trong Sketch.

Tôi đã vẽ nên loạt cây cảnh bằng cách làm theo hướng dẫn Cách tạo bộ ba sen đá trong Adobe Illustrator bởi Nataliya Dolotko.

Series Sen đá

Sau đó, tôi đã tạo ra serie hành tinh bằng cách làm theo Cách tạo bộ icon hành tinh hệ mặt trời trong Adobe Illustrator bởi Andrei Stefan. Trong loạt bài này, tôi đã áp dụng hướng dẫn để tạo ra những thiết kế của riêng mình với phong cách khác nhau cho mỗi hành tinh.

Series Hành tinh

Ngày 26 – 42

Bảng chữ cái minh họa về các loài chó

Vào tháng 2, tôi tham gia thử thách bảng chữ cái được tổ chức bởi HandletteredABCs trên Instagram. Trong thử thách này, tôi đã minh họa 26 giống chó khác nhau theo thứ tự bảng chữ cái. Tôi đã có rất nhiều niềm vui khi nghiên cứu các giống chó bên cạnh việc mài giũa kỹ năng minh họa của mình.


Ngày 43 – 90

Series Ẩm thực

Tôi đã dành 48 ngày tiếp theo để minh họa các icon ẩm thực. Một số ý tưởng ẩm thực được lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của tôi – các món ăn nhẹ phổ biến của Trung Quốc như Zongzi, Yuan Xuan, Shaomai, v.v. Một số món ăn trải nghiệm trên đường phố nước Mỹ cũng mang đến cảm hứng cho tôi như hotdog, taco, pretzel…

Để thu thập thêm ý tưởng, tôi đã hỏi mọi người trên Instagram món ăn yêu thích của họ là gì. Những câu trả lời thật sự gây bất ngờ đấy – ví như Nattō và pop-tart là những món mà tôi chưa dùng thử bao giờ. Tôi luôn thích làm những dự án thực tế để khuyến khích bản thân bước ra khỏi vùng an toàn của mình và trải nghiệm điều mới.


Ngày 91-100

Series Cocktail

Trong 10 ngày cuối cùng, tôi đã tạo ra 10 hình minh họa cocktail. Lần này tôi áp dụng một phong cách hình ảnh nhất quán trên tất cả các hình. Tôi cũng đã sử dụng được các chế độ hòa trộn màu – kĩ thuật mà tôi chưa từng sử dụng trước đây.


Tóm lại

1. Luôn luôn tiếp lửa cảm hứng

Tôi luôn tin rằng sáng tạo là một kỹ năng – bạn càng thực hành nó, bạn càng sáng tạo. Tuy nhiên, lần này tôi đã học được thêm một điều mới:

Để sáng tạo, bạn cần giữ nguồn cảm hứng.

Khi đang thực hiện bảng chữ cái minh họa về các chú chó, tôi chỉ đơn giản lặp lại mô tuýp hình ảnh tương tự mỗi ngày. Tôi đã không tìm thêm cảm hứng bên ngoài. Chẳng mấy chốc, tôi buồn chán và không còn cảm giác sáng tạo nữa. Từ sự việc đó, tôi quyết định duy trì nguồn cảm hứng liên tục. Tôi dành 10 phút đến 30 phút mỗi ngày để lướt Dribbble, Behance, Instagram và thu thập những tác phẩm tốt nhất trên Pinterest. Bộ sưu tập Pinterest của tôi đóng vai trò như nguồn cảm hứng và tôi đã có thể sáng tạo trong 100 ngày còn lại.


2. Ngừng so sánh

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi tình cờ tìm thấy tác phẩm tuyệt vời từ “36 Days of Type”. Những tác phẩm đó, được tạo ra bởi các nghệ sĩ và họa sĩ minh họa hàng đầu trên toàn thế giới, chúng trông vô cùng hấp dẫn và bắt mắt. Sau khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu tự vấn hàng trăm câu hỏi về tác phẩm của riêng mình.

Khi tìm hiểu về nền tảng của các nghệ sĩ, tôi nhận ra họ là những họa sĩ/nhà thiết kế chuyên nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo khoảng thời gian dài. Thật không hợp lý khi so sánh công việc của tôi với công việc của họ bởi mỗi người đều có nền tảng, kinh nghiệm và mục tiêu khác nhau. Chúng tôi đang trên những con đường sáng tạo khác nhau. Điều duy nhất tôi nên so sánh là chính mình trong quá khứ. Bất cứ khi nào hoài nghi về bản thân, tôi đều nhìn lại mình của ngày đầu tiên. Những bước tiến lớn về kỹ năng và quy trình làm việc là thứ luôn thúc đẩy tôi tiếp tục hành trình sáng tạo của riêng mình.

“Hãy tự hào về cách bạn đi, tin vào việc bạn có thể đi bao xa, nhưng cũng đừng quên tận hưởng cuộc hành trình” – Michael Josephson


3. Nắm bắt khoảng cách giữa tham vọng và kết quả

Dù rằng tôi nhận thấy mình có sự cải thiện về kỹ năng minh họa, nhưng tôi không thể ngăn bản thân thất vọng về công việc của chính mình: sự kết hợp màu sắc kém, thiếu phong cách nhất quán trong hình ảnh. Đôi khi tôi còn thấy mình đang làm không tốt nhưng lại chẳng có ý tưởng nào để cải thiện tình hình.

Ira Glass đã mô tả khoảng không giữa tham vọng và kết quả này như sau:

Không ai nói sự thật này với những người mới bắt đầu, rằng tất cả chúng ta – những người làm công việc sáng tạo – thích công việc sáng tạo bởi ta có mắt thẩm mỹ tốt. Thế nhưng có một loại khoảng cách luôn âm thầm hiện hữu. Vài năm mới vào nghề, bạn cố gắng lấp đầy kiến thức, cố gắng để trở nên tốt hơn, có tiềm năng hơn. Nhưng gu thẩm mỹ của bạn, thứ đưa bạn vào trò chơi, lại là kẻ giết người. Gout thẩm mỹ của bạn là lý do khiến bạn thất vọng về công việc của mình.”

Tôi quyết định nắm lấy khoảng cách giữa tham vọng và kết quả. Miễn là khoảng cách còn tồn tại, tôi sẽ luôn có cơ hội để học hỏi và cải thiện. Chỉ cần làm việc đủ chăm chỉ, tôi sẽ thu hẹp khoảng cách đó, và công việc của tôi sẽ tốt dần như tham vọng của tôi.


4. Làm công việc nuôi sống tâm hồn bạn

Tôi bắt đầu dự án 100 ngày đầu tiên của mình vào năm 2015. Kể từ đó, tôi nhận được một vài lượt thích và có được người theo dõi mới trên phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người chú ý đến công việc của mình, tôi bắt đầu thấy lạc lõng. Tôi đã bị phân tâm bởi lượt “Like” và muốn tạo ra thứ gì đó mà mọi người thích hơn là để được công nhận.

Sau đó tôi tìm thấy câu nói của Jessica Walsh:

“Hãy làm công việc nuôi sống tâm hồn bạn chứ không phải bản ngã của bạn.”

Tôi nhắc nhở bản thân mục tiêu của dự án này là tạo ra những thứ đẹp đẽ ngay cả khi không ai quan tâm. Tôi muốn trau dồi kỹ năng minh họa vector của tôi. Tôi muốn thể hiện bản thân bằng cách tạo ra những thứ cộng hưởng với tâm hồn mình. Dự án này bắt đầu vì mục đích sáng tạo, không phải vì danh tiếng.

“Làm việc và sáng tạo bất cứ khi nào bạn cảm thấy thôi thúc trong lòng. Hãy xem sáng tạo như một nhu cầu cơ bản của con người. Chấp nhận thử thách, bất ngờ, thậm chí là thay đổi bản thân” – fell_martins


f

Kết

Tôi đã tạo ra 100 hình minh họa vector trong 100 ngày qua. Kỹ năng minh họa của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Cảm giác hài lòng sau khi tạo ra thứ gì đó đồng điệu với tâm hồn mình khiến tôi hạnh phúc. Kể từ khi bắt đầu dự án 100 ngày đầu tiên vào năm 2015, tôi đã dần hình thành thói quen sáng tạo. Tôi rất biết ơn khi trở thành một phần của cộng đồng dự án 100 ngày và tôi mong muốn sớm bắt đầu dự án 100 ngày tiếp theo.

Biên tập: Thao Lee

Tác giả: Tiantian Xu

Cùng tác giả

#Tag

100 ngày vẽ minh họa chia sẻ kinh nghiệm minh họa vector quá trình sáng tạo the 100 day project Tiantian Xu

iDesign Must-try

8 lý do vì sao bạn nên chia sẻ những gì học được
8 lý do vì sao bạn nên chia sẻ những gì học được
Tôi đang cố gắng thuyết phục mấy đứa bạn chia sẻ một vài trải nghiệm gần đây của họ. Họ đang học được những bài học quý giá và tôi…
Nói chuyện với tranh qua loạt tranh chân dung khám phá nội tại con người giữa những cuộc hội thoại
Nói chuyện với tranh qua loạt tranh chân dung khám phá nội tại con người giữa những cuộc hội thoại
Trong loạt tác phẩm mới triển lãm gần đây tại phòng tranh Nicelle Beauchenne tại New York, nghệ sĩ Alex Bradley Cohen đã vẽ lại những bức tranh chân dung…
Những “khoảng lặng tâm hồn” mới là điều mà designer thật sự cần
Những “khoảng lặng tâm hồn” mới là điều mà designer thật sự cần
Sáng tạo không phải là quá trình diễn ra xuyên suốt, liên tục mà bao gồm nhiều bước chuyển đổi với rất nhiều khoảng lặng và không gian riêng tư.…
Bí kíp để không lạc lối trước những bản brief từ khách hàng
Bí kíp để không lạc lối trước những bản brief từ khách hàng
Bạn nên đưa ra thật nhiều câu hỏi, ngay cả khi bạn đã biết câu trả lời. Bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn khi có cái nhìn tổng quan,…
Series The 100 Day Project | Kỳ 2: Quá trình luyện viết chữ qua 100 ngày
Series The 100 Day Project | Kỳ 2: Quá trình luyện viết chữ qua 100 ngày
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của tác giả Tiantian Xu – nghệ sĩ/nhà thiết kế sản phẩm Từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016, tôi đã…
Series The 100 Day Project | Kỳ 1: Quá trình tập vẽ Doodle qua 100 ngày
Series The 100 Day Project | Kỳ 1: Quá trình tập vẽ Doodle qua 100 ngày
Từ ngày 6 tháng 8 năm 2015 đến ngày 15 tháng 11 năm 2015, tôi đã tạo ra 100 tác phẩm doodle cho dự án “100 ngày vẽ Doodle”.  Đó…